Tình hình hiện nay
Thật vậy, mặc dù các nhà dự báo không thừa nhận một điều là trong thập kỷ tới không có gì giống như thập kỷ đã qua, các ngôi sao kinh tế của thập kỷ tiếp theo chỉ là thứ bỏ đi của thập kỷ trước. Ví dụ, trước đây Mexico là một nền kinh tế trì trệ, thì hiện nay quốc gia này đã trở thành một trong những nền kinh tế triển vọng nhất ở Mỹ Latinh. Và Philippines, đã từng bị cười nhạo, bây giờ là một trong những nền kinh tế nóng nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng vượt 7%. 5 năm trước đây, trên trang bìa của The Economist, Pakistan được gọi là “nơi nguy hiểm nhất trên thế giới”, hiện nay quốc gia này bất ngờ có dấu hiệu ổn định tài chính. Pakistan là một trong những thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trên thế giới vào năm ngoái, mặc dù vẫn đứng sau Hy Lạp, một quốc gia có tốc độ tăng trưởng đáng ngạc nhiên hơn. Một loạt các số liệu kinh tế gần đây cho thấy Hy Lạp bị hạ bậc từ “thị trường phát triển” xuống thành “thị trường mới nổi”, nhưng quốc gia này đã cắt giảm rất mạnh chi tiêu ngân sách chính phủ, cũng như về giá cả và tiền lương, giúp cho xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn.
Những kinh nghiệm của các nước này cho thấy rõ chu kỳ chính trị đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng của một quốc gia không kém gì chu kỳ kinh tế. Các cuộc khủng hoảng và suy thoái thường dẫn đến cải cách, có thể dẫn đến sự phục hồi hoặc bùng nổ về kinh tế. Nhưng thành công như vậy thì có thể dẫn đến kiêu ngạo và tự mãn – và tiếp theo là suy thoái. Sự bùng nổ của thập kỷ qua dường như lặp lại kịch bản này, vì gần như tất cả các quốc gia mới nổi tăng trưởng đồng loạt và suy thoái hoàn toàn cùng lúc. Song, khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đẩy các nước mới nổi quay trở lại chu kỳ cũ. Các ngôi sao kinh tế trước đây như Brazil, Indoneisa và Nga đang mở dần do quản lý kém hoặc tự mãn. Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Muhammad Chatib Basri “thời kỳ tồi tệ làm nảy sinh ra những chính sách tốt, và thời kỳ thuận lợi làm cho chính sách kém hiệu quả”.
Bí quyết để thoát khỏi cái bẫy này là các chính phủ phải duy trì chính sách đúng đắn ngay cả trong lúc thuận lợi – đây là cách duy nhất một thị trường mới nổi chớp lấy cơ hội để bắt kịp với các nước phát triển. Nhưng làm như vậy quả là rất khó khăn. Trong thời kỳ sau chiến tranh, chỉ khoảng một chục quốc gia – một số nước ở nam châu Âu (như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) và Đông Á (như Singapore và Hàn Quốc) – đã đạt được điều này, đó là lý do tại sao chỉ 35 quốc gia trên thế giới được coi là “các nước phát triển”.
Trong khi đó, có rất nhiều khó khăn mà các quốc gia phải đối mặt để gia nhập hàng ngũ những nước phát triển do khó tăng năng suất lao động và đẩy mạnh cải cách. Điều này tương tự như con người trở nên béo phì khi giàu có và nghĩ rằng thời kỳ thịnh vượng mới chỉ bắt đầu. Thường thì sự thành công này chỉ là thoáng qua. Trong thế kỷ trước, các nước Argentina, Hy Lạp và Venezuela đều đạt mức thu nhập như phương Tây nhưng sau đó giảm trở lại.
Hiện nay, cùng với Mexico và Philippines, Peru và Thái Lan cũng đang trên đà phát triển. Bốn quốc gia này đã có chung một đặc điểm của các ngôi sao kinh tế trong thập kỷ gần đây: một nhà lãnh đạo chính trị uy tín, am hiểu về cải cách kinh tế và được đa số ủng hộ. Tuy nhiên, sự phấn khích cần phải được kiềm chế. Giai đoạn cải cách như vậy thường kéo dài từ 3 – 5 năm. Vì vậy, thế kỷ tiếp theo sẽ không phải là của Philippines hay Mexico.
Biện pháp cân bằng
Nếu các nhà dự báo không cần phải tính toán nhiều về thời gian, thì họ vẫn cần phải chú ý tới những vấn đề phức tạp sẽ nảy sinh. Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, các nhà lãnh đạo phải cân bằng một loạt các yếu tố, và tính đến nhiều thay đổi khi đất nước trở nên thịnh vượng hơn. Các dự án đơn giản, chẳng hạn như làm đường, có thể thúc đẩy một nền kinh tế yếu kém hơn là đẩy mạnh sự phát triển công nghệ tiên tiến quá sớm, do việc phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản sẽ nhanh chóng mang lại lợi ích.
Hàng loạt các yếu tố này sẽ thay đổi theo điều kiện kinh tế. 5 năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bùng nổ tăng trưởng tín dụng vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt khi nó tăng trưởng nhanh hơn so với GDP.
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng quá mức là gánh nặng cho các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc – quốc gia dựa vào tín dụng để duy trì tăng trưởng kinh tế. Khi được coi là một Trung Quốc tiếp theo, Việt Nam thậm chí còn vượt Trung Quốc trong lĩnh vực này, nhưng kết quả đã không như mong muốn: Việt Nam đã phải chịu suy thoái kinh tế do nợ và bây giờ quốc gia này bắt đầu tái cơ cấu hệ thống tài chính và đóng cửa các ngân hàng yếu kém.
Để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định, các nhà lãnh đạo cần phải đảm bảo tăng trưởng dựa trên sự cân bằng các tài khoản quốc gia (không quá phụ thuộc vào vay nợ), cân bằng lợi ích của các tầng lớp xã hội (không tập trung trong tay một vài tỷ phú), phát triển đồng đều các khu vực địa lý (không tập trung vào thủ đô), các ngành công nghiệp sản xuất (không tập trung vào các ngành công nghiệp dễ tham nhũng như dầu khí).
Và những nước mới nổi phải cân bằng tất cả những yếu tố này trên cơ sở phù hợp với mức thu nhập của nước họ. Ví dụ, Brazil đang chi tiêu quá nhiều để xây dựng một nhà nước phúc lợi quá lớn đối với một quốc gia có thu nhập trung bình là 11.000 USD. Trong khi đó, Hàn Quốc – một đất nước có thu nhập trung bình gấp 2 lần Brazil – lại chi quá ít cho các chương trình phúc lợi xã hội.
Nhiều nhà lãnh đạo coi suy thoái kinh tế là ở thời nào cũng có, và là vấn đề tất yếu của sự phát triển, nhưng trong thực tế, đây là vấn đề cân bằng ngay cả đối với tham nhũng và hối lộ. Bất bình đẳng có xu hướng xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế và sau đó sẽ tăng cao và giảm xuống khi thu nhập đầu người vào khoảng 5000 USD.
Kiến thức địa phương
Không có một lý thuyết nào bao gồm hết kiến thức của địa phương. Người dân địa phương thường biết trước nền kinh tế đi về hướng nào trước khi các dự báo được đưa ra. Ngay cả trước khi nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu chậm lại, doanh nhân Ấn Độ đã biết trước sụt giảm tăng trưởng kinh tế do hàng loạt các vụ hối lộ ở nước này. Tăng chi phí hối lộ quan chức chính phủ trogn nước khiến họ phải đầu tư ra nước ngoài, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Ấn Độ.
Điều này cho thấy cần phải nghiên cứu kỹ thực tế của từng đại phương. Các nhà phân tích tập coi Trung Quốc như là một trường hợp điển hình về mức đầu tư quá cao vào các thị trường mới nổi, do đầu tư chiếm gần 50% GDP, một mức độ chưa từng có ở bất kỳ quốc gia phát triển nào. Nhưng sự rủi ro chỉ được thấy rõ khi nhà đầu tư tới Trung Quốc và thấy tiền đầu tư được đổ vào các thị trấn không có người dân và các tòa nhà không có người ở.
Nhà kinh tế có xu hướng không nghiên cứu kỹ yếu tố con người và chính trị, những yếu tố này không thể định lượng và đưa vào các mô hình dự báo. Thay vào đó, họ nghiên cứu chính sách thông qua số liệu kinh tế, chẳng hạn như chi tiêu chính phủ hoặc lãi suất. Nhưng, những con số đó không thể nổi lên được sự năng nổ của Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto, hoặc của Philippines, Benigno Aquino III, khi họ xóa bỏ độc quyền, hối lộ và sa thải các quan chức yếu kém.
Bất kỳ phương pháp tiếp cận thực tế nào để dự báo sự thành công của nền kinh tế mới nổi phản ánh được thực tế này và trạng thái thường xuyên thay đổi của cạnh tranh toàn cầu. Một nhà dự báo tương lai cần phải theo dõi một loạt các yếu tố từ chính trị tới tín dụng và đầu tư, để đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia mới nổi trong 3 – 5 năm tới – khung thời gian hợp lý duy nhất cho các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân, nhà đầu tư.
Đây là một phương pháp dự báo thiết thực về sự thăng trầm của các nền kinh tế trong thời điểm hiện tại và trong tương lai gần: trong thập kỷ này, chứ không phải là thập kỷ tiếp theo hoặc xa hơn nữa. Nó có thể không quá ảm đạm. Nhưng sự suy thoái gần đây cho thấy bức tranh có thể còn ảm đạm hơn nữa.
Người dịch: Nguyễn Đại
Nguồn: Ruchir Sharma – The Ever-Emerging Markets. Why Economic Forecast Fail – Foreign Affairs, January/February 2014
TN 2014 – 72