Dẫn luận cho Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – Phần cuối


Những chức năng không thể và không nên được chỉ đạo chỉ riêng bởi các lực lượng thị trường bao gồm nhiều trong số những điều quan trọng nhất trong đời sống con người, từ những giá trị đạo đức tới quan hệ gia đình, tới những thành tựu thẩm mỹ và trí tuệ. Nhưng chủ nghĩa nguyên giáo thị trường đang thường xuyên nỗ lực mở rộng sự thống trị của nó vào các khu vực này, dưới hình thức chủ nghĩa đế quốc về hệ tư tưởng. Theo thuyết nguyên giáo thị trường, nên coi tất cả mọi hoạt động xã hội và tương tác con người là những quan hệ giao dịch buôn bán, dựa trên cơ sở hợp đồng và được đánh giá dưới góc độ một mẫu số chung duy nhất – đồng tiền. Chừng nào có thể, các hoạt động nên được điều chỉnh bởi bàn tay vô hình của cuộc cạnh tranh tối đa hóa lợi nhuận là sức định hướng mạnh mẽ hơn hết. Sự xâm nhập của hệ tư tưởng thị trường vào những lĩnh vực nằm xa bên ngoài kinh doanh và kinh tế đang có những tác động xã hội phá hoại và vô đạo đức hóa. Nhưng chủ nghĩa nguyên giáo thị trường đã trở nên mạnh mẽ đến mức bất kỳ thế lực chính trị nào dám chống lại nó đề bị quy gán là tình cảm chủ nghĩa, phi logic và ngây thơ.

Nhưng chân lý lại là chính bản thân chủ nghĩa nguyên giáo thị trường là ngây thơ và phi logic. Ngay nếu chúng ta gạt sang một bên các vấn đề luân lý và đạo đức, và tập trung chỉ riêng vào vũ đài kinh tế, thì hệ tư tưởng của chủ nghĩa nguyên giáo thị trường vẫn thiếu sót một cách sâu sắc và không thể cứu vãn được. Nói một cách đơn giản, thì các lực lượng thị trường nếu chúng được trao toàn quyền ngay trên những vũ đài thuần túy kinh tế và tài chính, đều tạo ra hỗn loạn, và rút cục có thể dẫn tới sự suy sụp của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Đây là hệ quả thực tiễn quan trọng nhất của lập luận của tôi trong cuốn sách này.

Người ta tin một cách rộng rãi rằng nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản sát cánh nhau cùng đi. Thực ra mối quan hệ phức tạp hơn nhiều. Chủ nghĩa tư bản cần dân chủ với tư cách một đối trọng vì hệ thống tư bản chủ nghĩa tự nó không hề bộc lộ xu hướng vươn tới sự cân bằng. Những người sở hữu tư bản theo đuổi việc tối ưu hóa lợi nhuận của họ. Nếu được bỏ mặc cho riêng mình, họ sẽ tiếp tục tích lũy tư bản cho đến khi tình hình trở nên không cân bằng. Marx và Engels đã đưa ra một sự phân tích rất tốt về hệ thống tư bản chủ nghĩa 150 năm trước, và tôi phải nói rằng một sự phân tích tốt hơn lý thuyết cân bằng của kinh tế học cổ điển nhiều. Nhưng lý do cơ bản vì sao những tiên đoán kinh khủng của họ không trở thành sự thật là vì có những sự can thiệp chính trị đáp lại một cách tương xứng ở các nước dân chủ.

Thật không may chúng ta lại một lần nữa có nguy cơ rút ra những kết luận sai từ những bài học của lịch sử. Lần này nguy cơ không đến từ chủ nghĩa cộng sản mà từ chủ nghĩa nguyên giáo thị trường. Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ cơ chế thị trường và áp đặt sự kiểm soát tập thể đối với tất cả mọi hoạt động kinh tế. Chủ nghĩa nguyên giáo thị trường mưu toan xóa bỏ việc ra quyết định tập thể, và áp đặt quyền tối cao của các giá trị kinh tế đối với tất cả các mọi hoạt động kinhtế. Chủ nghĩa nguyên giáo thị trường mưu toan xóa bỏ việc ra quyết định tập thể, và áp đặt quyền tối cao của các giá trị kinh tế đối với tất cả các giá trị chính trị và xã hội. Cả hai cực đoan đều sai. Điều chúng ta cần là một sự cân bằng đúng đắn giữa chính trị và thị trường, giữa xác lập quy tắc và chơi theo các quy tắc.

Nhưng ngay cả khi chúng ta thừa nhận nhu cầu này, làm thế nào chúng ta có thể đạt được nó? Thế giới đã bước vào một thời kỳ mất cân bằng sâu sắc, trong đó không một nhà nước riêng lẻ nào có thể chống lại sức mạnh của các thị trường tài chính toàn cầu, và thực tế không có những thiết chế để xác lập quy tắc trên quy mô quốc tế. Không hề có những cơ chế ra quyết định tập thể cho nền kinh tế toàn cầu. Những điều kiện này được tôn vinh rộng rãi như là sự toàn thắng của kỷ luật thị trường, nhưng nếu các thị trường tài chính không ổn định một cách cố hữu, thì áp đặt kỷ luật thị trường nghĩa là áp đặt sự không ổn định, mà xã hội thì có thể dung thứ bao nhiêu sự không ổn định?

Song tình hình hoàn toàn không phải đã tuyệt vọng. Chúng ta phải học cách phân biệt giữa việc ra quyết định cá nhân như nó biểu hiện trong hành vi thị trường và việc ra quyết định tập thể như nó biểu hiện ở hành vi xã hội nói chung và chính trị nói riêng. Trong cả hai trường hợp, chúng ta được chỉ đạo bởi lợi ích bản thân; nhưng trong việc ra quyết định tập thể, chúng ta phải đặt lợi ích chung trước lợi ích bản thân của cá nhân ngay nếu như những người khác không làm được như thế. Đó là cách duy nhất mà lợi ích chung có thể thắng thế.

Ngày nay hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu còn đứng gần đỉnh cao quyền lực của nó. Chắc chắn nó đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, nhưng ưu thế về hệ tư tưởng của nó không có giới hạn. Cuộc khủng hoảng châu Á đã quét đi các chế độ chuyên quyền vốn đã kết hợp lợi nhuận cá nhân với đạo đức Khổng giáo, và thay chúng bằng những chính phủ dân chủ hơn và có đầu óc cải cách hơn. Nhưng cuộc khủng hoảng cũng xói mòn khả năng của các nhà chức trách tài chính quốc tế trong việc ngăn ngừa và giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính. Còn bao lâu nữa trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu quét sạch cả các chính phủ có đầu óc cải cách? Tôi e rằng những phát triển chính trị do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra rút cục có thể quét phăng cả bản thân hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Nó đã từng xảy ra trước đó.

Tôi muốn làm rõ rằng, tôi muốn ngăn hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu khỏi tự hủy hoại chính nó. Vì mục đích này, chúng ta cần khái niệm xã hội mở hơn bao giờ hết.

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu là một hình thức méo mó của xã hội mở. Xã hội mở dựa trên cơ sở sự thừa nhận rằng hiểu biết của chúng ta là không hoàn hảo và hành động của chúng ta có những hậu quả không trù định trước. Tất cả mọi sự sắp xếp về thể chế của chúng ta đều có thể thiếu sót và chính vì chúng ta mong muốn chúng, chúng ta không nên từ bỏ chúng. Đúng hơn chúng ta nên tạo những thể chế gây dựng cho có các cơ chế sửa sai. Các cơ chế này bao gồm cả thị trường và nền dân chủ. Nhưng chẳng yếu tố nào trong số đó sẽ hoạt động, trừ phi chúng ta có ý thức được khả năng có thể sai lầm của chúng ta và sẵn lòng thừa nhận sai lầm của chúng ta.

Hiện nay có một sự mất cân bằng kinh khủng giữa việc ra quyết định cá nhân như nó biểu hiện ở thị trường với việc ra quyết định tập thể như nó biểu hiện ở chính trị. Chúng ta có một nền kinh tế toàn cầu mà không có một xã hội toàn cầu. Tình hình này không thể bào chữa được. Nhưng làm thế nào có thể sửa chữa nó? Cuốn sách này xin đặc biệt xét về những thiếu sót của các thị trường tài chính. Xét về các lĩnh vực đạo đức và tinh thần, nơi chủ nghĩa nguyên giáo thị trường đang chen lấn vào khu vực phi thị trường, thì những quan điểm của tôi cần phải có tính thử nghiệm nhiều hơn.

Để ổn định và điều tiết một nền kinh tế thực sự toàn cầu, chúng ta cần một hệ thống toàn cầu về việc ra quyết định chính trị. Nói gọn lại, chúng ta cần một xã hội toàn cầu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu của chúng ta. Một xã hội toàn cầu không có nghĩa là một nhà nước toàn cầu. Xóa bỏ sự tồn tại của nhà nước là vừa bất khả thi vừa không đáng mong muốn: nhưng chừng nào có những lợi ích tập thể vượt ra ngoài biên giới nhà nước, thì chủ quyền của nhà nước phải đặt dưới luật quốc tế và các thể chế quốc tế. Điều thú vị là sự chống đối lớn nhất đối với ý tưởng này lại đang đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nước với tư cách là siêu cường duy nhất còn lại, đang rất miễn cưỡng đặt mình dưới sự lãnh đạo của bất kỳ nhà chức trách quốc tế nào. Nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng bản sắc: Nó muốn là một siêu cường cô độc hay một lãnh tụ của thế giới tự do? Hai vai trò này đã có thể bị xóa mờ chừng nào thế giới tự do còn đối mặt một “đế chế xấu xa”, nhưng sự lựa chọn bây giờ tự bộc lộ ra dưới những ngôn từ trần trụi hơn nhiều. Thật không may chúng ta thậm chí còn chưa bắt đầu xem xét nó. Khuynh hướng phổ biến ở Mỹ là làm một mình. Chủ nghĩa biệt lập chỉ có thể có được biện minh nếu những người theo chủ nghĩa nguyên giáo thị trường là đúng và nền kinh tế toàn cầu có thể tự duy trì mà không cần một xã hội toàn cầu.

Điều chúng ta cần là đưa vào hoạt động một quá trình hợp tác, lặp đi lặp lại – quá trình sẽ xác định lý tưởng xã hội mở – một quá trình trong đó chúng ta công khai thừa nhận sự không hoàn hảo của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu và cố gắng học từ những sai lầm của chúng ta.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s