Vai trò của truyền thông nhà nước – Phần I


Christopher Walker & Robert W. Orttung

Mặc dù sự gia tăng của các phương tiện truyền thông mới, và của các môi trường truyền thông nhìn chung là đa dạng và mang tính cạnh tranh nhiều hơn so với trước kia, song các chế độ độc tài vẫn đang tìm kiếm những phương thức sử dụng truyền thông gây ngạc nhiên (và có hiệu ứng đáng lo ngại) để giúp duy trì quyền lực của bản thân. Các kênh truyền thông nhà nước kiểm soát một cách chính thống hoặc phi chính thống đều trở thành thứ thiết yếu đối với tính bền vững của các chính thể phi dân chủ trên toàn thế giới. Thông điệp mà các kênh truyền thông đó phát ra – và thái độ thờ ơ của công chúng được chúng cổ động – đã giúp giới elite chủ chốt của chế độ hạn chế sai lầm và ngăn cản sự trỗi dậy của các trung tâm quyền lực đối án trong xã hội.

Các kênh truyền thông được nói đến ở đây có thể được sở hữu và điều hành bởi nhà nước, hoặc có thể là tư nhân trên danh nghĩa nhưng thực tế vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Hầu hết các chế độ độc tài – bao gồm cả ở Nga và Trung Quốc, những người vận dụng mẫu mực kiểu chế độ này – đều tận dụng cả truyền thông nhà nước thuộc sở hữu lẫn truyền thông tư nhân để thực thi mệnh lệnh của mình.

Nói đến Bắc Kinh và Moscow ở đây có thể gây ấn tượng là các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát là một hiện tượng cộng sản hay hậu cộng sản, nhưng không phải vậy. Azerbaijan, Belarus, Campuchia và Việt Nam có các phương tiện truyền thông do nhà nước quản trị, nhưng Ethiopia, Iran, Mozambique, Rwanda, và Zimbabwe cũng vậy (Venezuela cũng đang nhanh chóng đi theo hướng đó). Ở tất cả các quốc gia này, cộng sản, hậu cộng sản, và phi cộng sản đều như nhau, đều là các hệ thống được thiết lập để định hướng tin tức và thông tin cho số đông đối tượng truyền thông và định hình các thuyết dẫn chính trị có ảnh hưởng chi phối. Hơn thế nữa, một số chính phủ được bầu chọn theo hình thức dân chủ có khuynh hướng độc tài như ở Ecuador, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine cũng sử dụng phương cách tương tự.

Để hiện thực hóa ý chí của mình, các nhà độc tài cựu phái đã dựa vào các thiết chế cưỡng bức khổng lồ cùng với các tổ chức đảng phái mạnh mẽ, kiểm soát tập trung và thấm nhuần về hệ tư tưởng. Dĩ nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều giữ lại những bộ máy hành chính quan liêu cồng kềnh do nhà nước bảo hộ, nhưng đều không sở hữu một đảng phái kiểu cổ điển. Đảng Cộng sản Liên Xô không còn tồn tại, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc dù vẫn là đảng cầm quyền nhưng được tự do vi chỉnh hệ tư tưởng của mình cho “phù hợp với những quyết sạch được đưa ra trên cơ sở phi tư tưởng hệ”. Sự cưỡng bức đều đóng vai trò cốt yếu trong cả hai trường hợp, nhưng không ở một quốc gia nào chủ nghĩa độc tài có thể được duy trì chỉ bằng vũ lực – và những kẻ thống trị đều biết điều đó.

Đây là nơi mà các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát hiện diện. Không tồn tại hệ tư tưởng dẫn đường như chủ nghĩa cộng sản để làm chỗ dựa, các hệ thống cai trị đã lấy truyền thông để lấp đầy khoảng trống, đề xuất một tổ hợp bao gồm việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chủ nghĩa dân tộc, phản đối sự thân Mỹ, và những chiều hướng tư tưởng khác giúp hệ thống cai trị gắng sức chiếm được sự ủng hộ của số đông.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát không đơn thuần tồn tại chỉ để phụng sự các cơ quan quyền lực như vậy. Chức năng đồng hành quan trọng sống còn chính là bài xích và hạ thấp uy thế của các lựa chọn đối án thách thức hiện trạng độc tài trước khi chúng có thể có được sức hút đối với số đông dân chúng. Theo cách này, truyền thông nhà nước là một công cụ để cô lập mọi phe phái chính trị đối lập hoặc phong trào dân sự tiềm ẩn. Không thể tiếp cận toàn diện với sóng truyền thông, các phe nhóm đối lập khó có thể tiếp cận với những nhân vật ủng hộ tiềm năng hay trở thành những tiếng nói quan trọng trong các cuộc thảo luận công khai.

Mặc dù các nhà độc tài đương quyền vẫn nhìn nhận khả năng kiềm chế bất đồng quan điểm bằng vũ lực của họ là quan trọng cốt yếu và không có kế hoạch từ bỏ, nhưng Trung Quốc, Nga và các nước khác hiện đang hướng tới một cách tiếp cận cẩn trọng hơn đối với việc sử dụng vũ lực. Lý do của họ rất thực tế: ước vọng hiện đại hóa kinh tế và phát triển thịnh vượng không thể tồn tại song hành cùng sự trấn áp hàng loạt, tàn bạo và những rào cản về lưu lượng thông tin được yêu cầu.

Ngoại trừ những nhân vật ngoài cuộc như Cuba, Bắc Triều Tiên, Turkmenistan, các chế độ độc tài ngày nay không hề cố công sở hữu sự thống trị tuyệt đối tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Thay vào đó, cái họ muốn là thứ mà ta có thể gọi là “sự kiểm soát truyền thông hiệu quả” – đủ để họ chuyển tải sức mạnh và thổi phồng các yêu sách về tính hợp pháp, đồng thời ngầm phá bỏ các đối án tiềm tàng. Địa vị thống trị của nhà nước như vậy – dù được tận dụng thông qua các kênh truyền thông do nhà nước điều hành công khai hay chỉ chịu sự tác động của nhà nước – đều cho phép các hệ thống cai trị đưa các thuyết dẫn ủng hộ chính phủ lên vị trí chính diện và trung tâm, đồng thời vận dụng quyền chỉnh loại biên tập để hạn chế những phê phán mang tính hệ thống các chính sách và hành động của nhà cầm quyền.

Khi nói đến vấn đề này, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu. Lực lượng tuyên truyền viên của Bắc Kinh là những người giỏi tư lợi, biết học hỏi phương pháp quan hệ công chúng thường được vận dụng trong chính giới phương Tây để ứng dụng vào điều kiện Trung Quốc. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vốn thu hút một lượng khán giả khổng lồ, hàng trăm triệu người, là một công cụ quản lý nhà nước, đang dẫn dắt ý thức cộng đồng trước các tin tức và sự kiện, đồng thời điều khiển các thông điệp trong lĩnh vực giải trí đại chúng. CCTV biểu trưng cho một thực thể truyền thông độc tài đã đạt được sự thành công về mặt thương mại khi kết hợp với hành động trấn áp có hệ thống, thậm chí đã được định chuẩn. Nó là một tập đoàn truyền thông (với những chi nhánh hiện đang hoạt động cả ở bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc) sinh lợi tài chính, tự chủ hành động, và đáng tin cậy về tư tưởng hệ. Tính ưu trội của CCTV có được phần nhiều là nhờ những việc làm mà các nhà lãnh đạo chính phủ Trung Quốc đã thực thi để hạn chế các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn. Đơn vị quảng cáo của nó là các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân mong muốn nịnh cầu các quan chức nhà nước. Kết quả cuối cùng là tồn tại một môi trường truyền thông bán thương mại, trong đó chính thể động đảng nắm quyền phê duyệt chính yếu.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thừa nhận tính ưu trội của CCTV: phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát có thể và đã tồn tại ở nhiều dạng thức, nhưng truyền hình vẫn là số một. Giống như tên cướp ngân hàng tài danh Willie Sutton – kẻ nổi tiếng với câu nói rằng, hắn cướp ngân hàng vì “đó là nơi có tiền”, các chế độ độc tài chú trọng truyền hình bởi lẽ đó là nơi tập trung đa số nhãn cầu. Ở hầu hết các xã hội, đó là nguồn lực chủ yếu để con người nắm bắt thông tin và dữ kiện. Phạm vi phủ sống của truyền hình – cả việc thể hiện nội dung gì lẫn việc thể hiện như thế nào – đều quyết định và định hướng nội dung chủ luận chính trị. Hơn nữa, mọi thứ tồn tại trên truyền hình đều định rõ nhận thức của công chúng về quyền lực sở hữu của một hệ thống cai trị lớn mạnh đến mức nào.

(còn tiếp)

Người dịch: Bùi Hồng

Hiệu đính: Mai Chi

Nguồn: Christopher Walker & Robert W. Orttung – The role of State-Run Media, Journal of Democracy – January 2014. Vol.25, No.1

TN 2014 – 69

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s