Trung Đông không còn là ưu tiên trong chiến lược toàn cầu của Mỹ
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram ở Cairo, Abdel Moneim Saeed, cho biết chính sách quốc tế của Mỹ vẫn hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu nhưng tập trung ở châu Âu và Thái Bình Dương (và ít hơn ở Trung Đông) nhằm tăng cường liên minh với các nước thành viên khác của NATO, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số phương tiện truyền thông theo chủ nghĩa tự do của Mỹ cho rằng Mỹ nên từ bỏ giáo điều chủ nghĩa can thiệp đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của họ cho đến nay và chỉ dẫn đến những thảm họa trong khu vực (trong đó có cuộc chiến chống khủng bố do George W. Bush khởi xướng). Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns cho rằng Mỹ phải điều chỉnh lại các mối quan hệ của mình trong khu vực để duy trì một hiện trạng nhất định. Với Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác, điều này đồng nghĩa với một sự hỗ trợ cho an ninh của họ trước các mối đe dọa từ bên ngoài, dù từ Iran hay bất kỳ quốc gia nào khác, và một sự hỗ trợ đáng kể cho quá trình hiện đại hóa chính trị và kinh tế. Liên quan đến Iran, Mỹ có mọi lợi ích trong việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Đó không phải là phương thuốc kỳ diệu cho mọi bất đồng giữa Washington và chế độ hiện tại ở Tehran, nhưng nó sẽ là điểm khởi đầu cần thiết để chống lại các mối đe dọa hạt nhân Iran và cuối cùng là giảm thiểu chúng.
Do vậy, Trung Đông không còn là mối quan tâm lớn đối với Mỹ như 30 năm trước, khi nước này gần như nắm quyền bá chủ và phụ thuộc vào Trung Đông về nguồn cung khí đốt. Theo các nhà nghiên cứu Aaron David Miller và Richard Sokolsky thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự phát triển của các nguồn năng lượng không hóa thạch và việc phát hiện ra các trữ lượng dầu khí lớn ngoài vùng Vịnh đã làm giảm sự quan tâm của Mỹ đối với Trung Đông. 85% lượng dầu xuất khẩu từ vùng Vịnh hiện nay là sang Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Về sự can thiệp quân sự, không giống như các nhà phân tích khác, Miller và Sokolsky cho rằng thật là ảo tưởng khi tin rằng một chính sách đối ngoại ít quân sự hóa hơn – một chính sách dựa nhiều hơn vào ngoại giao, viện trợ phát triển và các chương trình xây dựng dân chủ hơn là sử dụng vũ lực quân sự – sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp hơn về ổn định, phát triển kinh tế và chuyển đổi dân chủ. Những cạnh tranh sắc tộc, khu vực và bộ tộc, sự thiếu năng lực lãnh đạo và các quyền tự do cơ bản, sự quản trị yếu kém và những thể chế kém hiệu quả, sự thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng nhân quyền và tham nhũng lan rộng đã tạo ra một khu vực rạn nứt và rối loạn mà Mỹ không thể cải thiện, càng không thể “sửa chữa”. Theo Miller và Sokolsky, những trách nhiệm này chủ yếu cần được các cường quốc khu vực gánh vác và giải quyết.
Những thách thức kinh tế, an ninh và địa chính trị trong một bối cảnh bất ổn
Đảm bảo tiếp cận các tuyến hàng hải chiến lược và hưởng lợi từ các mạng lưới kinh tế và tài chính
Một trong những lợi ích kinh tế ưu tiên của Mỹ trong khu vực là duy trì sự ổn định tương đối để đảm bảo tiếp cận các tuyến hàng hải chiến lược (đặc biệt là Biển Đỏ và Vịnh Arab) và không làm suy yếu thương mại thế giới. Điều này có thể lý giải tại sao Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở Qatar, Kuwait và Bahrain, những quốc gia chiến lược trong nền kinh tế thế giới và cung cấp khí đốt. Căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ là Al-Udeid – nơi đồn trú khoảng 10.000 lính Mỹ cùng với trụ sở CENTCOM (Bộ chỉ huy các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông, Trung Á và Nam Á). Như vậy, cho dù Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ, quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu mỏ vẫn nằm trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc (dầu mỏ vùng Vịnh đã được xuất khẩu sang phương Đông, chứ không chỉ sang phương Tây).
Mỹ phần lớn vẫn là nước hưởng lợi từ các mạng lưới kinh tế và tài chính ở các khu vực mà họ tham gia, và đây vẫn là một lý do quan trọng khiến họ can dự. Theo Ghassan Salamé, học giả và nguyên là nhà ngoại giao, Mỹ đã “tư nhân hóa” phần lớn các hoạt động bên ngoài của mình. Trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, một mạng lưới kinh tế và tái chính thực sự đã được hình thành, trong đó Mỹ là bên hưởng lợi chính. Những người lính trẻ được đưa ra mặt trận, còn các công ty an ninh tư nhân ban đầu chịu trách nhiệm bảo vệ các bệnh viện quân đội, và sau đó tuyển mộ những người lính trẻ này. Quả thực, sự can thiệp của các công ty tư nhân trên chiến trường chủ yếu liên quan đến sự hỗ trợ cho thể chế quân sự: cung cấp lương thực và quần áo cho binh lính, bảo trì và sửa chữa thiết bị, hậu cần, vận tải… Nước đầu tiên sử dụng loại hình công ty tư nhân là Mỹ. Sự thiếu hụt quân số kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (từ 2,1 triệu người năm 1991 xuống còn 1,4 triệu người hiện nay) đã buộc Chính quyền Washington kêu gọi sự tham gia của các thực thể dân sự. Chẳng hạn, trong lực lượng Mỹ tham gia Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1990 – 1991), cứ 50 binh sĩ thì có một thường dân được tuyển mộ theo hợp đồng. Ở Iraq, vào năm 2004, tỷ lệ này đã tăng lên 1/10. Cuộc can thiệp vào Afghanistan (2001 – 2021), mặc dù tốn kém (theo ước tính của Lầu Năm Góc là 654 tỷ euro), vẫn mang lại lợi ích cho Mỹ.
Những thách thức địa chính trị và an ninh mới
Trong Chiến tranh Lạnh, những ưu tiên địa chính trị của Mỹ là chống lại ảnh hưởng của Liên Xô và bảo vệ Israel. Ngày nay, cục diện địa chính trị đã thay đổi đáng kể. Trước hết, mặc dù Mỹ vẫn là một đồng minh chính của Israel, nhưng nói đúng hơn quốc gia này đã trở nên tự chủ trong việc đảm bảo an ninh bên ngoài của mình. Cho dù Liên Xô sụp đổ, nhưng Nga đã hiện diện trở lại ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria, nơi các lợi ích của Nga gắn với các lợi ích của Iran để ủng hộ chế độ Bashar al-Assad. Theo nhà khoa học chính trị Matthieu Rey, “Vladimir Putin tìm thấy ở Trung Đông một cơ hội để trả thù cho những điều tủi nhục trong thời kỳ bá quyền của Mỹ”. Chẳng hạn, các sáng kiến của Liên hợp quốc bị ngăn chặn một cách có hệ thống bởi quyền phủ quyết của Nga, và Syria (đặc biệt là ở Aleppo) được Nga sử dụng làm nơi phô trương các loại vũ khí mới và các công ty an ninh tư nhân của họ. Kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Obama, người ta đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cường quốc khu vực thay thế vị trí bá quyền của Mỹ trong khu vực. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và iran đã tạo thành một thách thức địa chính trị mới đối với Mỹ: một mặt, ảnh hưởng trong khu vực của Iran (thông qua lực lượng dân quân và các trung gian chính trị của nước này) là một thách thức lớn đối với an ninh của Israel; mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là thành viên của NATO, đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và làm xáo trộn mối liên minh xuyên Đại Tây Dương. Cuối cùng, sự hiện diện ngày càng rõ rệt của Trung Quốc, thông qua các quan hệ đối tác kinh tế và các dự án phát triển trong khu vực, có thể là mối quan ngại đối với Washington, vì các nước vùng Vịnh là các đối tác thương mại chính của Trung Quốc.
Do đó, bảo vệ các lợi ích địa chính trị và an ninh của Mỹ bao hàm sự đối lập trực diện hơn với các quốc gia thù địch nhất, đặc biệt là ở Vùng Vịnh. Thật vậy, quyết định của Chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tìm kiếm một cách tiếp cận quyết đoán hơn để đối phó với cách hành xử gây bất ổn của Iran có thể kéo theo những hành động leo thang mà Mỹ sẽ phải sẵn sang đối phó bằng cách phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác. Các nhà nghiên cứu chính trị Mỹ cho rằng sự bất ổn ngày càng gia tang của khu vực và sự thay đổi các hình thức can thiệp của Mỹ đã khiến Quốc hội Mỹ phải yêu cầu Lầu Năm Góc nghĩ đến việc cải cách bộ máy sao cho linh hoạt và hiệu quả để đáp ứng các yêu cầu cảu CENTCOM (thường xuyên tăng cường quân sự để chống Iran – được coi là “mối đe dọa sắp xảy ra”), cũng như trong bối cảnh của các ưu tiên toàn cầu mới của Mỹ.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu chính trị Dalton và Karlin, quân đội Mỹ sẽ không rời khỏi Trung Đông hoàn toàn, nhưng điều quan trọng là chiến lược phòng thủ quốc gia của Mỹ tập trung chủ yếu vào Iran, Nga và Trung Quốc, và do đó sự hiện diện của họ tất nhiên hạn chế hơn nhưng mang tính chiến lược hơn. Theo Matthieu Rey, không hề có chuyện “rút lui” sự hiện diện của Mỹ trong khu vực (và đặc biệt ở Iraq), mà đúng hơn là sự tái triển khai các lực lượng đóng trên thực địa. Từ 10 năm qua, Mỹ tự xác định mình là trọng tài của một không gian mới mà họ chỉ muốn can thiệp máy bay không người lái và đường hàng không, điều này đặc biệt được nhận thấy trong cuộc xung đột ở Libya và Syria. Hơn nữa, một thách thức an ninh lớn đối với Mỹ vẫn là cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực, tiếp tục và tăng cường một chính sách tập trung đối phó với các nhóm vũ trang. Việc tiêu diệt Bin Laden và việc sử dụng ồ ạt các máy bay không người lái (cho một cuộc chiến chống khủng bố có mục tiêu) minh họa cho chiến lược này. Như quan chức Lầu Năm Góc James H. Anderson đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng 5/2020: “Các mục tiêu chiến lược của Mỹ là đảm bảo rằng khu vực này không phải là thiên đường dành cho những kẻ khủng bố, không bị khống chế bởi bất kỳ thế lực nào thù địch với Mỹ, và góp phần vào một thị trường năng lượng toàn cầu ổn định”. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden đã dự tính tiếp tục các hoạt động chống khủng bố nếu nhận thấy vẫn còn các mối đe dọa ở nước này. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Nhóm Khủng hoảng quốc tế ngày 17/9/2021, vẫn chưa rõ liệu Chính quyền Biden có tiếp tục chính sách chống khủng bố kế thừa từ các chính quyền trước đây hay sẽ đoạn tuyệt với quá khứ. Các nhóm thánh chiến đã trải qua một quá trình phát triển mạnh mẽ trong hai mươi năm qua, hàng ngũ của họ đã phát triển trong thời kỳ này và không còn phân tán như trước. Nhưng Mỹ cũng đã phát triển khả năng phòng thủ mạnh mẽ hơn trước những bất ổn quốc tế. Tuy nhiên, chính sách chống khủng bố của Biden cho đến nay dường như không rõ ràng, thậm chí không nhất quán.
Như vậy, 20 năm sau vụ tấn công ngày 11/09/2001 và 10 năm sau khi các biệt kích Mỹ tiêu diệt Osma Bin Laden, Chính phủ và Quốc hội Mỹ cần tự hỏi liệu lực lượng quân sự Mỹ có còn là công cụ cần thiết chống khủng bố, và trong bối cảnh nào. Theo nhiều nhà phân tích, các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ phải xem xét lại khuôn khổ pháp lý đã tạo nền tảng cho cuộc chiến chống khủng bố.
(còn tiếp)
Nguồn: www.frstrategie.org
TLTKĐB – 16/04/2022