Về chính sách kinh tế số, “Chiến lược Made in China 2025” (MIC 2025), Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố tháng 5/2015 nhằm phát triển toàn diện công nghiệp 4.0 ở Trung Quốc. Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là “nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm “made in China”; tạo ra thương hiệu riêng, xây dựng năng lực sản xuất vững mạnh bằng cách nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến, sản xuất nguyên liệu mới, các cấu phần quan trọng của sản phẩm”, để biến nền kinh tế Trung Quốc từ “công xưởng của thế giới” trở thành một “thế lực về công nghệ”. Về khung khổ chính sách, MIC 2025 được hoạch định như một chiến lược công nghiệp 10 năm, bổ sung cho các chiến lược phát triển kinh tế cùng giai đoạn và kế hoạch hàng năm. Về tầm nhìn, MIC 2025 được cho chỉ là giai đoạn 1 của chiến lược dài hơi hơn nữa, bao gồm: 2015 – 2025: trở thành cường quốc chế tạo công nghệ; 2025 – 2035: gia nhập nhóm các cường quốc chế tạo công nghệ toàn cầu hạng trung; 2035 – 2045: cường quốc hàng đầu thế giới về chế tạo công nghệ.
Giai đoạn 2010 – 2020, Trung Quốc đã hoạch định chiến lược đẩy mạnh các ngành công nghiệp đang nổi lên (Strategic emerging industries), nhấn mạnh vào các ngành năng lượng và mối quan tâm đến môi trường, bao gồm: công nghệ tiết kiệm năng lượng thân thiện môi trường, công nghệ thông tin thế hệ mới, công nghệ sinh học, chế tạo thiết bị hiện đại, năng lượng mới, nguyên liệu mới, phương tiện sử dụng năng lượng mới. Chiến lược MIC 2025 nhắm vào 10 lĩnh vực sau: công nghệ thông tin, tự động hóa và máy móc điều khiển số cao cấp, thiết bị hàng không và vũ trụ, thiết bị cơ khí hàng hải và đóng tàu hiện đại, thiết bị đường sắt, phương tiện tiết kiệm năng lượng, thiết bị điện, nguyên – nhiên liệu mới, thiết bị y tế hiện đại và dược phẩm sinh học, thiết bị nông nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng bằng việc thực hiện chiến lược này, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác hiệu quả với các nền kinh tế phát triển và các lĩnh vực khác như tài chính, y tế, giáo dục đều được hưởng lợi.
b/ Hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Trung Quốc bao gồm: các viện nghiên cứu nhà nước, khu vực giáo dục bậc cao và các doanh nghiệp: trong đó, các viện nghiên cứu nhà nước giữ vai trò chính trong việc hỗ trợ, phát triển công nghệ và nghiên cứu liên quan tới việc dự báo các hàng hóa công cộng.
Khu vực doanh nghiệp đã trở thành một thành phần thực hiện R&D lớn nhất về khía cạnh đầu vào và đầu ra của khoa học – công nghệ, giữ vai trò nổi bật trong quá trình phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Các doanh nghiệp tăng mạnh về chi tiêu R&D bằng nguồn vốn tự có, các doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh thực hiện các hoạt động R&D cùng với các công ty của Hong Kong, Macao và Đài Loan trong lĩnh vực công nghiệp và điện tử.
Sự mở rộng của khu vực giáo dục ở cấp đại học có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) ở Trung Quốc trong chiến lược phát triển kinh tế. Mức tăng tài trợ, chi tiêu R&D cho khu vực giáo dục bậc cao tăng nhanh, thúc đẩy sự tiến bộ của các trường đại học chuyên biệt, có năng lực nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực chủ chốt về khoa học – tự nhiên và kỹ thuật, nhằm tạo ra một hiệu suất và môi trường nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Giáo dục bậc cao được định hướng rõ rệt theo hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, các kết quả đầu ra khoa học – công nghệ dưới dạng các xuất bản phẩm khoa học và các đơn xin cấp bằng sáng chế.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Văn phòng Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc (SIPO) đã nhận được 1,3 triệu đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm 2016, nhiều hơn tổng số đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm 2016, nhiều hơn tổng số đơn xin cấp bằng ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Khu vực giáo dục bậc cao giữ một vai trò quan trọng trong việc truyền bá khoa học, tạo liên kết giữa khu vực hàn lâm với khu vực công nghiệp.
Với mục tiêu tăng cường cạnh tranh và thiết lập các trường đại học cấp đầu vào các tổ chức toàn cầu tới năm 2020, Trung Quốc đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các trường đại học đến từ các quốc gia có nền kinh tế mới nổi (Times higher education), đứng vị trí thứ 17 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Mặc dù Trung QUốc có nguồn nhân lực lớn nhất thế giới về khoa học – công nghệ, nhưng nguồn nhân lực mang tính đột phá trong khoa học – công nghệ còn tương đối thiếu, người có trình độ đại học trên tỷ lệ dân số vẫn còn thấp, ít nhà nghiên cứu đạt tầm cỡ thế giới.
Các viện nghiên cứu của nhà nước được tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khoa học – tự nhiên và các ngành công nghệ cao. Các viện nghiên cứu công PRI trở thành các tổ chức doanh nghiệp của Trung Quốc và được định hướng mạnh mẽ về R&D thử nghiệm và ứng dụng. Tổng chi của Trung Quốc cho R&D khoảng 279 tỷ USD trong năm 2017, tăng 14% so với năm 2016. Các cơ quan giáo dục bậc cao và doanh nghi65p công nghiệp cũng tham gia vào một loạt các chương trình khoa học – công nghệ quốc gia được chính phủ tài trợ.
Các công viên khoa học – công nghệ của các trường đại học quốc gia đã được thành lập, các khu công nghệ cao và vườn ươm công nghệ tập trung phát triển những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), người máy (Robot) và dữ liệu lớn (Bigdata). Chương trình đánh giá các trung tâm công nghệ kỹ thuật quốc gia đã được thiết kế bằng cách sử dụng một bộ chỉ số mới, tuy nhiên hầu hết các báo cáo đánh giá chỉ dành cho sử dụng nội bộ và không được công bố công khai. Các hệ thống khoa học và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc được liên kết yếu với các mạng toàn cầu, dưới mức trung bình của OECD.
c/ Thực trạng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc
Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay lại là những nhà đầu tư R&D cho công nghệ số hàng đầu trên thế giới. Vốn đầu tư cho R&D được triển khai ở cả hai chiều cạnh: nghiên cứu đổi mới công nghệ trong công ty (In-house) và đầu tư tài chính mạo hiểm cho các startup công nghệ. Có hai điểm đáng chú ý: (i) Các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn trực tiếp cho hoạt động R&D dưới dạng tín dụng hoặc thông qua các quỹ có quy mô lớn 3 – 21 tỷ USD; (ii) Thị trường tài chính công nghệ, tức là các giải pháp công nghệ mới cho thị trường tài chính (Fintech) cũng rất phát triển. Năm 2016, quy mô vốn đầu tư mạo hiểm cho fintech ở Trung Quốc là hơn 7,1 tỷ USD, vượt Mỹ (5,4 tỷ USD) và các nền kinh tế còn lại. Điều đó chứng tỏ trình độ ứng dụng công nghệ vào những lĩnh vực rất mới và tiên tiến như tín dụng ngang hàng (P2P).
Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều chương trình và hoạt động thúc đẩy khoa học – công nghệ như: Chương trình ngọn đuốc (Torch program), các hội chợ thương mại công nghệ, hỗ trợ cho việc thành lập đơn vị dịch vụ trung gian và các hoạt động khác. Các hoạt động này được tổ chức thông qua các tổ chức với các tên gọi cụ thể.
Trung Quốc phát triển các công viên khoa học – công nghệ. Trong năm 2018, tại các công viên khoa học – công nghệ có 375 trường cao đẳng và đại học, 303 trung tâm nghiên cứu công nghệ quốc gia, 406 phòng thí nghiệm mở, 292 cơ sở kiểm soát công nghệ, 118 trung tâm chuyển giao công nghệ, 221 cơ sở công nghiệp đặc thù quốc gia, 35 cơ sở công nghiệp phần mềm.
Trung Quốc thực hiện đa dạng hóa phát triển vườn ươm. Hiện nay, Trung Quốc có vườn ươm trong các trường đại học, vườn ươm khởi nghiệp cho sinh viên, các vườn ươm đặc thù chuyên ngành (phần mềm, dược phẩm sinh học, vật liệu mới, nano, sản xuất tiên tiến, multimedia, bảo vệ môi trường, thiết kế vi mạch); vườn ươm quốc tế, công viên khởi nghiệp tiến sĩ, công viên khởi nghiệp sáng chế.
Trung Quốc hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bằng cách thiết lập mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ quốc gia và mạng lưới các khu trình diễn ý tưởng đổi mới sáng tạo.
(còn tiếp)
TH: T. Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021