Trang mạng Formiche.net (Italy) ngày 12/7 đăng bài viết của tác giả Rossana Miranda cho rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Trung Quốc vẫn chưa thể dừng lại. Báo cáo được công bố gần đây của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung QUốc cho biết nước này ghi nhận 424 ca mắc mới, trong đó có 317 người không có triệu chứng và 107 người có triệu chứng. Mặc dù con số này thấp so với số cá dương tính tương ứng ở Mỹ và châu Âu – những nơi đang xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới cũng như sự gia tăng cả về số người nhập viện, song những số liệu trên vẫn là tình trạng báo động đối với chính quyền Bắc Kinh. Hiện tại, số ca dương tính tại Trung Quốc là 226.811 và số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 5226. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, biện pháp phong tỏa đã được Trung Quốc áp dụng tại Đặc khu hành chính Macao.
Theo trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, biến thể Omicron BA.5 đã khiến số ca mắc mới gia tăng mạnh. Biện pháp phong tỏa đã được quyết định triển khai trong 7 ngày, trong đó quy định ngừng tất cả các hoạt động được coi là không thiết yếu, bao gồm cả sòng bạc. Các địa điểm vui chơi giải trí ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc thuộc Tây Bắc Trung Quốc, cũng bị đóng cửa. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong một tuần do xuất hiện 10 ca dương tính có triệu chứng và 17 ca khác không có triệu chứng. Biện pháp phong tỏa khắc nghiệt này đã tác động mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc. Theo tờ The New York Times, tổng doanh số bán hàng giảm mạnh và nhiều nhà hàng, cửa hiệu buộc phải đóng cửa vĩnh viễn. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến mức báo động. Phải chăng việc cứu chữa còn tệ hơn mắc bệnh? Tờ The New York Times nhận định: “Nền kinh tế giảm tốc đã làm dấy lên những hoài nghi về tính khả thi trong chiến lược cứng rắn của Trung Quốc nhằm thực sự loại bỏ tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19, kéo theo nhiều thiệt hại về mặt kinh tế, xã hội liên quan đến các biện pháp hạn chế này”.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm thành phố Vũ Hán mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn nhấn mạnh yêu cầu cơ bản là phải loại bỏ triệt để virus. Ông nói: “Nên chấp nhận một số tác động tạm thời đối với sự phát triển của nền kinh tế hơn là cứ để cho sự an toàn và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng. Kiên trì sẽ chiến chiến thắng”. Tuy nhiên, tờ The New York Times cho rằng chiến lược này giống như việc “dùng xẻng đập ruồi”. Chính sách “Zero-COVID” xét từ khía cạnh y tế thì có thể hiệu quả song tốn kém và gây nhiều tranh cãi. Nhiều thành phố bị tê liệt hàng tuần trong khi các khu đô thị, chung cư bị cô lập toàn bộ. Quyền tự do cá nhân hoàn toàn bị hạn chế. Theo dự kiến, ngày 15/7, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu kinh tế quốc gia trong quý II/2022. Một khảo sát của hãng tin Bloomberg nhận định rằng chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra kết quả tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội trong quý II/2022 là khoảng 1%. Đây là sự sụt giảm lớn so với mức 4,8% trong quý I/2022 và có thể khiến chính phủ Trung Quốc không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay”. Cố vấn kinh tế của chính phủ Trung Quốc Yang Weimin cho rằng “sự không chắc chắn là yếu tố chính gây ra tổn thất cho sự phát triển kinh tế” của Trung Quốc. Tuy nhiên, không chỉ bởi đại dịch COVID-19, chuyên gia này còn nhấn mạnh đến sự mất lòng tin của các nhà đầu tư sau những cuộc “trấn áp” các doanh nghiệp bị cáo buộc lạm dụng vị thế chi phối thị trường, vi phạm chính sách quản lý hoặc quy tắc đạo đức của Bắc Kinh. Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Văn phòng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc Hu Deping bày tỏ lo ngại: “Chúng ta không thể luôn ở trạng thái bấp bênh như vậy. Điều này tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Các doanh nghiệp chỉ có thể tự tin khi không còn những mâu thuẫn tồn tại trong chính sách”. Do đó, chính quyền Trung QUốc có thể phải tính đến một số thỏa hiệp nhằm giảm bớt tâm trạng lo lắng và bất bình trong xã hội hiện nay.
Nguồn: TKNB – 15/07/2022