Truyền hình vẫn chưa có đối thủ cạnh tranh xứng tầm. Việc truy cập và sử dụng Internet đang gia tăng, và gia tăng nhanh chóng ở một số quốc gia; các công nghệ mới giúp những người dân bình thường có thể tiếp cận một lượng thông tin đa dạng phổ rộng, giúp họ giao tiếp với nhau một cách nhanh chóng và không tốn kém. Truyền thông xã hội có lẽ cũng giúp hình thành những thuyết dẫn, đặc biệt có liên quan đến nỗi bất bình của nhiều người, và đang làm thay đổi cơ chế hành động tập thể. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông mới vẫn đang tồn tại trong cái có thể gọi là “thời kỳ trỗi dậy” thuộc tiến trình phát triển, và vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi chúng có thể thách thức vị thế hạng nhất của truyền hình trong các xã hội độc tài.
Ở những phương tiện truyền thông khác, thế giới trực tuyến phải chịu sự phân tách nhiều hơn. Các chế độ độc tài, theo bản chất, chú trọng hết mức vào việc duy trì quyền lực và do vậy luôn sử dụng truyền thông nhà nước một cách có hệ thống để hướng đích mục tiêu này. Hệ thống truyền hình do nhà nước kiểm soát luôn gửi đến các khán giả của mình thông điệp về trạng thái không bị kìm giữ. Trái lại, Internet là một tạp thể của nhiều âm giọng không tương hòa – không phải là nền tảng tốt nhất để thúc đẩy một phe chống đối hợp nhất, cố kết trước các thế lực hiện tồn.
Nhà nước kiểm soát hoạt động truyền thông như thế nào
Những giải pháp nào cho phép các hệ thống truyền thông nhà nước – bao gồm không chỉ truyền hình mà cả báo chí, đài phát thanh và các phương tiện truyền thông mới, tất cả đều được hậu thuẫn bởi lực lượng cảnh sát và tòa án dưới danh nghĩa chính trị – tồn tại trong thời đại hiện nay với những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và truyền thông, đặc biệt là trong các lĩnh vực Internet và truyền thông xã hội? Để đạt được sự thống trị hiệu quả, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát trong các chế độ độc tài đã nỗ lực tìm cách gây ảnh hưởng đến bốn đối tượng truyền thông khác nhau. Được liệt kê theo trình tự vị thế quan trọng đối với hệ thống cai trị, các đối tượng truyền thông này bao gồm: 1) giới elite trong liên minh của bản thân hệ thống cai trị; 2) dân chúng nói chung; 3) những người sử dụng Internet thường xuyên của quốc gia; và 4) nhóm phái chính trị đối lập và xã hội dân sự độc lập.
Giới elite trong liên minh hệ thống cai trị. Các chế độ độc tài luôn phải lo lắng về chính giới elite của mình, những người vừa đảm nhận trách nhiệm lớn lao về tiền đồ tốt xấu của chế độ vừa có khả năng hơn mức tiêu chuẩn để “luôn thắng thế” bằng cách “tiến bước linh hoạt” theo bổn phận. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát phải đặt thành nhiệm vụ bảo đảm những rường cột của chế độ chính yếu này, bao gồm nhà chức trách đương quyền (hoặc giới cầm quyền) luôn ở thế vững vàng, khiến cho tinh thần đoàn kết không ngừng nghỉ và sự trung thành với chế độ luôn được “phát huy mạnh mẽ”.
Những dấu hiệu chi phối truyền thông minh bạch về những thành viên liên minh cầm quyền chủ chốt hiện đào tẩu sẽ bị thanh trừng, trong đó có việc thanh trừng bằng các chiến dịch bôi nhọ truyền thông. Trong bối cảnh này, mọi điều truyền thông hiện đề cập ở mọi thời điểm đều không quan trọng bằng năng lực của giới chức cầm quyền chứng tỏ họ có thể áp đặt mọi thông điệp theo ý muốn. Các nhà độc tài đều nhận thức rõ ràng, như Guillermo O’Donnell và Philippe Schmitter đã chỉ ra, các chế độ phi dân chủ có thể bắt đầu phá sản nếu một lúc nào đó những người theo chế độ ôn hòa định vị và tiếp cận được phe đối lập bằng những nhân vật mà họ có thể tiến hành đàm phán. Ngăn giữ các cấu phần của giới elite cai trị không bị phân tách và tìm kiếm lối thoát là một mục tiêu thống trị cốt yếu, và do vậy là một nhiệm vụ quan trọng của các phương tiện truyền thông do hệ thống cai trị điều hành.
Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng quyền thống trị truyền thông của mình để gửi gắm chỉ hiệu đến một số đối tượng truyền thông thuộc giới elite cốt yếu. Họ bao gồm chính các thành viên của ban lãnh đạo Đảng cũng như của bộ máy hành chính nhà nước, và cộng đồng các doanh nghiệp đang phát triển lớn mạnh và gắn bó mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anne-Marie Brady đã nhận định vai trò vô cùng quan trọng của các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc là “nhánh bộ thứ tư của chính phủ” (hơn là “giới báo chí”) cũng như lợi thế của nó trong việc chuyển tải tới giới elite những thông điệp ủng hộ hệ chính thể độc đảng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng truyền thông để phô diễn quyền lực của mình đối với các phe nhóm chủ chốt. Ông đặc biệt muốn duy trì quan hệ với Silovik (những nhân vật có thế lực), những người phục vụ trong quân đội, trong lực lượng cảnh sát, và cơ quan an ninh quốc gia. Các đối tượng truyền thông mục tiêu khác mà các show diễn sức mạnh có tiếng của ông Putin hướng đến (trong đó có việc tham gia cổ vũ một trận đấm bốc tay trần cùng ngôi sao phim hành động người Bỉ Jean-Claude Van Damme, cùng với những hình ảnh được truyền phát rộng rãi chụp ông Putin cởi trần cưỡi ngựa và khi ông đeo một khẩu súng trường đi săn chó sói) bao gồm các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty năng lượng và các nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên khác vốn nắm giữ vai trò vô cùng to lớn trong nền kinh tế Nga. Quyền chi phối của ông Putin đối với các kênh sóng truyền thông nhắc nhở các phe nhóm chủ chốt rằng, họ đang được hưởng lợi từ vị thế của ông với tư cách một nhân vật lãnh đạo tối cao, cũng nên dè chừng thái độ không hài lòng và cả những gì có thể xảy ra khi ông rời bỏ chính trường.
Dự luật Magnitsky được Quốc hội Mỹ thông qua hồi cuối năm 2012 đã đặt thành một thách thức cho sức ảnh hưởng của Putin đối với giới elite. Được đặt theo tên gọi của Sergei Magnitsky, một luật sư người Nga đã chết trong một nhà tù ở Moscow năm 2009 sau khi bị bỏ tù vì tội vạch trần hành vi tham nhũng của giới chức chính quyền, đạo luật này đã áp đặt các lệnh trừng phạt của giới chức Mỹ (cấm các hoạt động liên quan đến ngân hàng và việc đi lại) đối với đích danh một số quan chức người Nga. Việc thông qua đạo luật này là một nỗ lực để chứng tỏ với từng thành viên thuộc giới elite của Putin rằng, họ có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với hành động vi phạm nhân quyền nội quốc. Sau khi chính phủ Mỹ công bố danh sách 18 người Nga bị áp dụng lệnh trừng phạt hồi tháng 4/2013, các quan chức của chính quyền Putin đã xuất hiện trên các chương trình truyền hình quốc gia nổi tiếng để tỏ thái độ xem thường và bác bỏ các lệnh trừng phạt. Mặc dù việc ban hành đạo luật này của Mỹ có thể khích lệ một số nhân vật trong giới elite Moscow cảm thấy việc ủng hộ Putin sẽ không còn có lợi cho lợi ích của họ, nhưng việc những nhân vật này xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia đã báo hiệu cho những nhân vật có liên can chính yếu rằng Điện Kremlin của Putin có lẽ sẽ không chịu quy hàng trong việc đòi hỏi sự tiếp tục trung thành của họ.
Tương tự, Điện Kremlin có thể sử dụng các phương tiện truyền thông đã quy phục của mình như một cách thức để duy trì quan hệ với các quan chức địa phương. Trong suốt cuộc đàn áp thẳng tay phe đối lập sau lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ III của ông Putin hồi tháng 5/2012, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã có vô số những lời lẽ tán dương đặc biệt dành cho các quan chức địa phương đã ra lệnh bắt giữ những nhân vật hoạt động tích cực ở phe đối lập.
(còn tiếp)
Người dịch: Bùi Hồng
Hiệu đính: Mai Chi
Nguồn: Christopher Walker & Robert W. Orttung – The role of State-Run Media, Journal of Democracy – January 2014. Vol.25, No.1
TN 2014 – 69