Xây dựng lại chính sách đối ngoại Mỹ trong bối cảnh tương quan lực lượng mới trong khu vực
Hướng tới một chiến lược ngoại giao mới dựa trên các đối tác chủ chốt: Israel, Saudi Arabia, Ai Cập
Trong khi chính sách của Mỹ ở Trung Đông chủ yếu hướng tới Iraq và cuộc xung đột Israel-Palestine cho đến năm 2008, Tổng thống Obama đã cố gắng rút dần lực lượng Mỹ khỏi Iraq và tiến tới cùng Iraq giám sát các hoạt động tại thực địa. Lường trước những tác động của ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran, ông ũng khởi xướng Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhằm ngăn chặn sự phát triển của một năng lực hạt nhân khác trong khu vực có thể đe dọa an ninh của Israel. Cuối cùng, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã khởi xướng các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước láng giềng Arab – giờ đây được biết đến với tên gọi “Thỏa thuận Abraham”, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc – với mục đích tạo ra một liên kết chiến lược cho phép làm giảm sức nặng của Iran trong khu vực cũng như các lực lượng ủy nhiệm và đồng lõa của Iran (Hezbollah, lực lượng dân quân Shiite của Iraq, chế độ Syria, lực lượng (Houthi). Nói tóm lại, các sáng kiến ngoại giao được ưu tiên hơn các hành động quân sự phòng ngừa kém hiệu quả, nhiều rủi ro an ninh và chi phí tốn kém. Theo nhà nghiên cứu Tamara Cofman Wittes, những kết quả chiến lược tốt nhất của Mỹ ở Trung Đông có được là nhờ ngoại giao. Theo Dalton và Karlin, Mỹ cần chú trọng hơn đến các công cụ phi quân sự để giúp các đối tác trong khu vực vượt qua những thách thức dài hạn về quản trị, thiết lập các khế ước xã hội, củng cố cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Những sáng kiến như vậy sẽ cần một nguồn tài trợ bền vững và có trách nhiệm từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Tuy nhiên, các yêu cầu ngân sách của USAID đã được Quốc hội Mỹ điều chỉnh giảm từ năm 2017, từ 50,1 tỷ USD vào năm 2017 xuống 41 tỷ USD vào năm 2021. Nói tóm lại, các công cụ ngoại giao, kinh tế (viện trợ phát triển) và tình báo sẽ cho phép Mỹ theo đuổi một chiến lược cạnh tranh hơn trong khu vực.
Theo Tamara Cofman Wittes, việc giảm sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông sẽ tạo ra một thế cân bằng khó khăn: Giảm bớt dấu ấn quân sự đã lỗi thời của Mỹ mà không gây thêm mất an ninh, đồng thời duy trì sự răn đe đối với các nước thù địch, điều này là cần thiết để đáp ứng những lợi ích then chốt của Mỹ. Cũng theo ông, có hai câu hỏi khó đặt ra với Washington về những ưu tiên và kỳ vọng của họ: Làm thế nào để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và làm thế nào để phối hợp tham vọng ngoại giao với việc rút khỏi cam kết quân sự. Liên quan tới Iran, ba nhà phân tích chính trị Martin Indyk, Mara Karlin và Tamara Cofman Wittes gợi ý rằng ngoại giao Mỹ nên áp dụng cách tiếp cận có thể khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Với cách tiếp cận này, Mỹ sẽ làm việc với các bên liên quan khác (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức) và Iran để đàm phán một thỏa thuận tiếp theo. Đồng thời, các nước này sẽ góp phần vòa sự ổn định của khu vực.
Hướng tới một chiến lược quân sự ít tốn kém hơn
Để có một chiến lược quân sự ít tốn kém hơn, các nhà phân tích Dalton và Karlin khuyến nghị Chính quyền Washington nên từng bước xem xét lại các lực lượng của họ ở Trung Đông – đó là các căn cứ quân sự, tài sản và quân nhân Điều này có thể kéo theo việc giảm bớt quân số và chú trọng vào các hoạt động đầu tư có mục tiêu hơn. Các lực lượng mặt đất và các phương tiện tấn công cũng có thể được giảm bớt. Cuối cùng, cần phải giảm bớt nhân sự trong các cơ quan đầu não và chỉ huy của Mỹ ở vùng Vịnh. D(iều này có nghĩa là cần tập trung vào yếu tố cốt lõi, như củng cố hệ thống phòng thủ chống tên lửa, xây dựng lực lượng hải quân có khả năng tiếp cận bờ biển, các chiến dịch đặc biệt và năng lực chống khủng bố, năng lực tình báo, giám sát và trinh sát và, cuối cùng, hậu cần và các công cụ cần thiết. Theo Melissa Dalton và Mara Karlin, Mỹ nên hợp lý hóa các căn cứ quân sự của mình trong khu vực. Toàn bộ căn cứ của Mỹ (hầu hết nằm ở Vùng Vịnh) được duy trì và phát triển kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 đều có ý nghĩa quan trọng để tiến hành các cuộc chiến tranh liên tiếp ở Iraq và triển khai các chiến dịch ở Afghanistan, cũng như thực hiện các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố và răn đe đối với Iran. Để duy trì vị thế an ninh mới của mình trong khu vực, Mỹ cần tăng cường các quan hệ đối tác an ninh, cũng như tăng cường huấn luyện, các cuộc tập trận và các hoạt động trao đổi quân sự để có thể đạt được các mục tiêu an ninh chung với các nước đối tác. Chẳng hạn, các cuộc tập trận quân sự của Mỹ với một số quân đội trong khu vực rất hữu ích, cả về mặt chiến lược (để răn đe Iran, trấn an các đối tác vùng Vịnh và tạo điều kiện hợp tác giữa họ dựa trên mối quan hệ chính trị căng thẳng giữa các nước vùng Vịnh khác nhau) lẫn mặt tác chiến (để đảm bảo rằng quân đội Mỹ luôn sẵn sàng đối phó với các cuộc xung đột trong tương lai ở Trung Đông). Việc hợp tác với các đồng minh như Anh và Pháp để cùng chia sẻ các nguồn lực và các căn cứ quân sự cũng có thể góp phần bù đắp cho những thay đổi vị thế của Mỹ. Chiến lược quân sự mới được nhiều nhà phân tích và nhà nghiên cứu khuyến nghị này dường như ngụ ý sửa đổi các hình thức can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông sao cho một số cường quốc khu vực có thể tham gia tích cực hơn vào hợp tác an ninh nhằm hỗ trợ những lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Kết luận
Sau 3 thập kỷ bá quyền của Mỹ ở Trung Đông, các chuyên gia Mỹ nhận thấy Mỹ có sự thu mình lại mang tính chiến lược trong khu vực để đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và tập trung vào những lợi ích ưu tiên còn lại: đảm bảo tiếp cận các tuyến hàng hải chiến lược, hưởng lợi từ các mạng lưới kinh tế và tài chính, đấu tranh chống khủng bố và chống lại ảnh hưởng địa chính trị của Iran. Nhiều nhà phân tích Mỹ khuyến nghị một chiến lược ngoại giao mới, nhằm củng cố các quan hệ đối tác với các đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực (như Israel, Saudi Arabia, Ai Cập) để đối phó với các đối thủ địa chính trị như Nga và Trung Quốc, đồng thời triển khai một chiến lược quân sự ít tốn kém hơn. Điều này đòi hỏi phải xem xét lại chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, điều vẫn chưa rõ ràng dưới thời Tổng thống Biden. Hiện tại, Biden đang tự định vị mình như một người bảo vệ hiện trạng và về cơ bản dường như không đoạn tuyệt với chính sách mà Donald Trump đã theo đuổi. Chính quyền Biden dường như đang tiếp tục từ bỏ cam kết với khu vực này và chỉ duy trì sự hiện diện của Mỹ trong các lĩnh vực chiến lược. Trong Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời (tháng 3/2021), Tổng thống Mỹ dường như quay trở lại với cách tiếp cận truyền thống hơn, ưu tiên ổn định khu vực, các giá trị cơ bản như nhân quyền và duy trì hiện trạng. Ưu tiên của Chính quyền Biden cho đến nay trước hết là xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng như kế hoạch phục hồi, tái tập trung các hành động vào các thách thức trong nước.
Nguồn: www.frstrategie.org
TLTKĐB – 16/04/2022