Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần cuối


Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo cấp quốc gia: Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động R&D đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Mạng lưới này sẽ giúp cải thiện năng lực và hiệu quả đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra các bước đột phá nhảy vọt, ươm mầm nhân tài lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ cũng như gia tăng số lượng nghiên cứu có khả năng được thương mại hóa thành công.

Đến năm 2018, Trung Quốc đã thành lập được 5 trung tâm, chủ yếu tập trung vào các công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin như pin (ở Bắc Kinh), chế tạo đắp lớp (ở Tây An), thông tin và quang điện tử (ở Vũ Hán), người máy (ở Thẩm Dương), in ấn và màn hình linh hoạt (ở Quảng Đông). Hai trung tâm đổi mới sáng tạo sản xuất cấp quốc gia trong lĩnh vực vi mạch và cảm ứng thông minh đã được phê duyệt xây dựng ở Thượng Hải vào tháng 5/2018. Sau khi hai trung tâm này đi vào vận hành, Trung Quốc có tổng số 7 trung tâm được thành lập.

Một ví dụ là Viện chế tạo đắp lớp quốc gia, được thành lập năm 2016, đây là trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo đầu tiên được thành lập ở Trung Quốc. Trung tâm này có sự tham gia của 5 trường đại học và 13 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực của hoạt động gia công bù như linh kiện, nguyên liệu, sản xuất máy móc và phát triển phần mềm. Trung tâm này dành ưu tiên cho hoạt động khám phá các công nghệ chung thiết yếu mang lại lợi ích cho toàn bộ hệ sinh thái – bao gồm phát triển nguyên liệu, phần mềm, thiết bị chính và linh kiện chủ chốt. Các doanh nghiệp phi thành viên và các tập đoàn đổi mới công nghệ công nghiệp cũng tham gia các hoạt động của trung tâm này nhằm tạo động lực cho việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Chính quyền Trung Quốc cam kết tài trợ 200 triệu NDT để xây dựng trung tâm này bên cạnh vốn tài trợ của chính quyền tỉnh và doanh nghiệp trong ngành. Chính quyền cũng hỗ trợ cung cấp lực lượng lao động thông qua các gói giải pháp khuyến khích nhân tài (ví dụ kế hoạch “Hàng nghìn nhân tài”).

Một ví dụ khác là Trung tâm đổi mới sáng tạo vi mạch quốc gia được xây dựng tại Khu công nghệ cao Trạm Giang ở khu Phố Đông mới của Thượng Hải. Khu công nghệ này có hơn 200 doanh nghiệp vi mạch nổi tiếng của Trung Quốc và nước ngoài được Đại học Phúc Đán và hai nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Trung Quốc là SMIC và Tập đoàn Huahong xây dựng. Lĩnh vực hoạt động của trung tâm R&D vi mạch có kích thước 5 nanomet hoặc nhỏ hơn, cũng như các công nghệ tiên tiến như in tia cực tím EUV, mô phỏng, kỹ thuật tích hợp tiên tiến, kết nối và tích hợp sự vật để kiểm soát quá trình (OPC). Các tập đoàn vi mạch lớn của Trung Quốc cũng sẽ hợp tác với trung tâm để đóng góp vào hoạt động R&D của ngành, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp nhân tài, bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ nâng cấp công nghệ ngành và xây dựng các dây chuyền sản xuất quy mô lớn trong tương lai.

Ngoài các trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm đổi mới sáng tạo hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Các trung tâm cấp quốc gia và cấp tỉnh này đã thiết lập nên hệ thống đổi mới sáng tạo hoạt động sản xuất, trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh.

Các trung tâm đổi mới công nghệ cấp quốc gia:

Ngoài các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo. Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập hai trung tâm đổi mới công nghệ, trong đó một trung tâm là về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới (không sử dụng nhiên liệu truyền thống, ví dụ xe chạy bằng điện và kết hợp điện – xăng) và một trung tâm về vận tải đường sắt tốc độ cao.

Trung tâm đổi mới công nghệ phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ và chính quyền Bắc Kinh thành lập ở Bắc Kinh. Trung tâm này gồm 21 đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, R&D phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc, bao gồm Baidu, Đại học Thanh Hoa, Tập đoàn BAIC của Bắc Kinh, Geely, BYD. Vốn tài trợ của bộ và chính quyền trung ương sẽ được cấp cho Trung tâm để thực hiện thử nghiệm, dịch vụ nghiên cứu và ươm mầm công nghệ.

Khu trình diễn các sáng kiến đổi mới sáng tạo độc lập quốc gia:

Khu trình diễn các sáng kiến đổi mới sáng tạo độc lập quốc gia được Chính phủ Trung Quốc thành lập để thực hiện các chương trình thí điểm, thu thập kinh nghiệm và trình diễn hoạt động sáng tạo độc lập và phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã lập kế hoạch thúc đẩy nhân rộng thực hiện các chính sách thí điểm ở Zhongguancun sang các khu vực khác cũng như đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhờ đó các khu đổi mới sáng tạo quốc gia đang được thành lập trên các địa phương khắp cả nước. Tới cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt thành lập 17 khu trình diễn như vậy ở các địa phương từ thành phố duyên hải Thâm Quyến đến Thành Đô. Mười bảy khu trình diễn sáng kiến đổi mới sáng tạo cấp quốc gia này được Chính phủ Trung Quốc lựa chọn và được phép áp dụng các chính sách thuận lợi cũng như các cơ chế khuyến khích để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế khu vực trên cơ sở khai thác các điểm mạnh và lợi thế địa lý của mình.

Trong mô hình khu trình diễn sáng kiến đổi mới sáng tạo này, các thành phố/cụm thành phố có thể lựa chọn đối tượng đăng ký tham gia khi thành lập khu trình diễn sao cho đảm bảo điều kiện là khu trình diễn bao gồm các ngành xuất sắc dẫn đầu với nhiều doanh nghiệp sáng tạo, xung quanh là các học viện nghiên cứu và tài năng, áp dụng các chính sách vi mô linh hoạt và có môi trường kinh doanh thuận lợi. Chính phủ cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi cho các khu này, nhờ đó các khu trình diễn có thể dẫn dắt đất nước trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển giao công nghệ, tài trợ phát triển công nghệ và chia sẻ giải pháp về cơ chế khuyến khích. Với các biện pháp trên, các khu trình diễn này là nơi dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện chính sách công nghệ liên quan vốn phụ thuộc vào khả năng thử nghiệm của hệ thống và sáng kiến về chính sách. Các khu trình diễn này được kỳ vọng sẽ đi đầu trong hoạt động phát triển các lĩnh vực cần sáng tạo cũng như cải cách hệ thống khoa học – công nghệ. Đó đồng thời cũng là nơi tập trung các ngành công nghiệp mới. Bằng cách chỉnh sửa cơ chế quản lý đổi mới sáng tạo cho phù hợp với điều kiện của địa phương, các khu trình diễn này đã khám phá ra cách thức phát triển thích hợp. Tất cả các hoạt động này đã giúp các khu trình diễn tránh khỏi tình trạng phát triển giống nhau, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện hiệu quả các chính sách đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo độc lập trong nền kinh tế Trung Quốc.

d/ Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Các nhận định sau đây là những điểm quan trọng khi tổng kết sáng kiến của Trung Quốc để quản lý và phối hợp những mục tiêu về khoa học – công nghệ hướng tới phát triển công nghiệp và giúp làm đòn bẩy đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc:

(1) Có tầm nhìn xa, nhà nước định hướng và phát triển theo mục tiêu cùng với những chính sách phù hợp, đồng nhất với các chính sách kinh tế và đổi mới sáng tạo;

(2) Cũng giống như Hàn Quốc, sự quan tâm đến chính sách thúc đẩy khoa học – công nghệ cần được chuyển hóa thành hệ thống luật trực tiếp và gián tiếp;

(3) Huy động nguồn lực phù hợp: Cải cách trong khối giáo dục đại học, các tổ chức R&D của nhà nước và củng cố môi trường thuận lợi của đổi mới sáng tạo;

(4) Tổ chức và quản lý R&D và công nghệ: hoạt động thúc đẩy được thực hiện thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung hoạt động. Mô hình của Trung Quốc nổi bật với các sàn giao dịch công nghệ và sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ (ví dụ sàn giao dịch công nghệ Thượng Hải – STTE);

(5) Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở Trung Quốc cho thấy, Việt Nam cần phải tạo lập hệ sinh thái toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển, người tiêu dùng được trở thành trung tâm của các sản phẩm, dịch vụ, và đội ngũ lao động được đào tạo để tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s