Itamar Even-Zohar trong đa sinh quyển văn hóa – Phần cuối


Có thể thấy rằng, tính từ thời điểm bắt đầu khái niệm hóa một thao tác nghiên cứu mang tính dị biệt với xu thế đương thời, đầu những năm 1970, đến nay lý thuyết đa hệ thống đã trải qua một quãng thời gian thử nghiệm, điều chỉnh, tranh biện và tự tranh biện 40 năm. Với những đóng góp mang tính lý thuyết/phương pháp luận trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn chương, Itamar Even-Zohar trở thành người tiên phong trong nghiên cứu và đề xuất lý thuyết đa hệ thống văn hóa, văn chương. Quan niệm của Itamar Even-Zohar, rằng: văn hóa, văn chương nhân loại không phải là những đơn thể biệt lập, phi tương tác; rằng: việc định vị “trung tâm” – “ngoại biên” chỉ là những thao tác mang tính tương đối, có ngữ cảnh; và rằng: khi xem xét cá giao thoa không thể bỏ qua vai trò của những động năng trong mỗi nền văn hóa, văn chương, trên thực tế có một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử ý thức hệ của ngành khoa học xã hội nhân văn, bởi nó góp phần buộc thuyết “dĩ Âu vi trung” phải đứng vào vị trí đúng của mình. Thêm nữa, khái niệm đa hệ thống văn hóa, văn chương và diễn giải của ông về sự tương tác bên trong và tương tác giữa các hệ thống, tương tác liên hệ thống này đã mở ra những khả năng mới cho việc nhìn nhận bản chất và giá trị văn hóa của các giao thoa văn hóa, văn chương – một hiện tượng phổ biến trong mọi phát triển và càng trở nên quan yếu trong thế giới đương đại.

3/ Lý thuyết đa hệ thống với không gian Việt Nam

3.1. Lý thuyết đa hệ thống (Polysystem Theory) do Even-Zohar đề xuất từ những nghiên cứu thực tế về giao thoa văn chương văn hóa, về văn học dịch, và vai trò của văn hóa văn chương trong việc kiến tạo quốc gia/dân tộc đã trở thành đề tài của các tranh luận học thuật tại các hội thảo quốc tế trong nhiều năm, được dẫn nhập vào Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc (Hong Kong), và đặc biệt là đã được các công trình mang tính lý thuyết trích dẫn trong chương trình đào tạo tại một số đại học hàng đầu thế giới và châu Âu. Mối quan tâm này của Itamar Even-Zohar xuất hiện ở ông từ 40 năm trước, và liên tục được tác giả bổ sung, điều chỉnh cho đến gần đây.

Với riêng Việt Nam và nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam, các công trình của Itamar Even-Zohar ngoài những giá trị chung nói trên, theo chúng tôi còn hữu ích ở chỗ: 1) Việt Nam là nước có lịch sử văn hóa phát triển lâu dài, nhưng luôn ở vị thế phụ thuộc và đi sau, nên có khá nhiều chia sẻ với những tình huống cũng như giải pháp được đặt ra trong nghiên cứu của tác giả; 2) Ở thời điểm hiện tại, các giá trị văn hóa và nghiên cứu văn hóa xã hội ở Việt Nam vẫn đang gặp vô vàn vướng mắc, khủng hoảng; 3) Bản thân công trình nghiên cứu của Itamar Even-Zohar đã không còn là mới mẻ với học giới quốc tế, nhưng tại Việt Nam cho đến nay chỉ một số ít nhà nghiên cứu biết đến nó và dẫn nhập vào độc giả Việt Nam từ góc độ quan tâm riêng, như vai trò của dịch thuật văn chương, hoặc vấn đề trung tâm-ngoại biên – những vấn đề mang tính bộ phận của hệ thống quan tâm ở Even-Zohar. Góc nhìn Việt Nam đối với kết quả nghiên cứu của Itamar Even-Zohar chắc chắn là có lý, xét từ quan điểm định giá trị, từ nhu cầu, từ điều kiện làm việc hay phạm vi của chủ đề mà các tác giả bản địa đang bàn đến… Nói cách khác, với Việt Nam, lý thuyết đa hệ thống và những nghiên cứu văn hóa của Itamar Even-Zohar cho  đến nay mới chỉ là những “dẫn nhập nhân thế”; còn thực sự chúng là gì và đình hình thành ra sao…, thì vẫn còn xa xôi và mơ hồ.

3.2. Thực chất, bước làm quen đầu tiên của chúng tôi với Itamar Even-Zohar cũng từ mộit đôi điểm nhấn theo cách trên. Song đẩy thêm tìm hiểu của mình sang toàn bộ hệ thống làm việc của ông, chúng tôi nhận ra rằng, sẽ là hữu ích hơn nếu người đọc có cơ hội hiểu biết đầy đủ về hệ thống quan niệm của người sản sinh ra nó, và nhất là biết và hiểu cơ sở hình thành nên hệ thống đó. Công trình của Itamar Even-Zohar có thể là sự gợi ý cho việc đi tìm những đáp án khả thi nhất định cho các vấn đề hiện tại và lâu dài đang đặt ra ở Việt Nam; và việc giới thiệu toàn cảnh lý thuyết đa hệ thống văn hóa, văn chương của ông cũng có thể cung cấp các dữ liệu cần thiết cho việc suy tư cả lý thuyết cũng như thực tiễn để sự lựa chọn, cân nhắc có cơ sở hơn, hoặc tự nhận thức về văn hóa trở nên đa chiều hơn. Bên cạnh đó, những bất toàn trong các thao tác cũng như kết quả làm việc của ông cũng sẽ có giá trị gợi dẫn không nhỏ cho chúng ta, khi đối diện với thực tế Việt Nam.

Bởi, như chính Itamar Even-Zohar nói, “công trình tập hợp năm 1990 của tôi có lẽ là đóng góp cuối cùng và là công trình chia tay với một đề tài nghiên cứu (lý thuyết đa hệ thống) – nơi văn chương được khắc họa thành nhân vật chính, và từ năm 1993, tôi chuyển sang giải quyết một đề tài mà ở đó “văn chương” thậm chí không có mặt”. Thêm nữa, bên cạnh việc tự khẳng định thế mạnh, chỗ khu biệt của nghiên cứu văn hóa bằng lý thuyết đa hệ thống so với các cách tiếp cận văn hóa khác:

Một phương diện rất cơ bản của lý thuyết đa hệ thống là loại bỏ những giả định văn hóa và các sản phẩm văn hóa… Khi nghiên cứu văn hóa, chúng tôi cố gắng tránh rơi vào những chiếc bẫy của hoặc “bình dân là đích thực và chân chính” hoặc “bình dân là sự thoái hóa của những giá trị cao”.

Ông cũng đã nhận thấy và thừa nhận rằng “lý thuyết đó sẽ không tiến triển được bằng cách viết đi viết lại nền tảng căn bản của chính nó”. Nghĩa là ông biết lý thuyết của mình không chỉ cần được điều chỉnh mà có thể đã đến lúc cần có sự thay mới.

Như một lẽ đương nhiên, mọi lý thuyết đều xuất sinh từ một/những điều kiện cụ thể, không một lý thuyết nào là hoàn hảo, và ngay cả một lý thuyết ưu việt nhất cũng không phải là chìa khóa vạn năng. Đấy cũng là một nguyên cớ khiến chúng tôi có thêm một Phụ lục là phân tích của một học giả Trung Quốc – nơi có một thực tiễn lịch sử, văn hóa mang nhiều điểm chia sẻ với Việt Nam. (Cuộc trao đổi giữa Even-Zohar với một phóng viên cũng được đưa têm vào Phụ lục với mục đích giúp độc giả Việt Nam hiểu thêm chủ đích của tác giả). Song trên hết, ý tưởng và quan niệm của Itamar Even-Zohar cần được nhận biết bằng chính những bộ óc Việt Nam một khi nó xuấ thiện ở đây. Ý tưởng này của chúng tôi nảy ra như một sự tự hưng phấn để “tự trợ” cho một khởi hành được bắt đầu từ nhiều năm trước đây, lại ngẫu nhiên gặp gỡ với quan niệm của tác giả khi ông đồng ý viết “Lời đầu” cho ấn bản tiếng Việt vào thời điểm này:

Với những hiểu biết ít ỏi về Việt Nam, tôi tin rằng các vấn đề của tính không thuần nhất không nên xa lạ với độc giả Việt Nam của tôi, bởi trạng thái đó quen thuộc ở nhiều cấp độ trong văn hóa Việt Nam và theo dọc lịch sử Việt Nam. Tôi đang nhắc đến không chỉ thực tế rằng Việt Nam là quê hương của nhiều tộc người và nhóm văn hóa khác nhau – mà một trong số đó là bản địa, còn số khác là người nhập cư sau này, mà còn nhắc đến tính đa dạng trong các nhóm ưu đẳng. Hơn nữa, Việt Nam chưa bao giờ sống trong một thế giới biệt lập, vì những quan hệ với Trung Hoa và phần còn lại của bán đảo Đông Dương, cũng như giao thoa quy mô với phương Tây luôn rất hệ trọng đối với sự tồn tại của mình. Do vậy, tôi cảm thấy với những đổi thay rất thoảng qua, các vấn đề của Việt Nam cũng có thể dễ dàng thay thế một số quy trình văn hóa đã được phân tích trong các nghiên cứu của tôi – những quy trình áp dụng vào các vùng lãnh thổ khác và các nền văn hóa khác, hoặc chúng có thể đóng vai trò những vật tương thích mang tính soi sáng. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp độc giả Việt Nam không chỉ trong việc có được những hiểu biết sơ bộ về các nền văn hóa không quen thuộc mà quan trọng hơn là còn có thể giúp cung cấp những mô hình khả dĩ cho việc xử lý các tình huống khác nhau của Việt Nam. Nếu những độc giả say sưa với cuốn sách này có thể làm được việc đó thì cũng có thể hy vọng rằng khung khổ mà tôi đề xuất trong đó có thể trở nên phong phú hơn, được điều chỉnh và diễn giải thêm, và do đó có thể trở nên khả dụng cho các thiết chế/hoàn cảnh lịch sử mà tác giả này không am hiểu. Chỉ qua làm việc tập thể, tiếp cận theo hướng không đơn nhất mới có thể phát triển.

3.3. Với những ai đọc kỹ các bài viết của tác giả sẽ thấy ý niệm trên đây đã thẩm thấu trong hầu hết các nghiên cứu của ông. Chịu ảnh hưởng mạnh của cấu trúc luận, Itamar Even-Zohar đã bước vào lĩnh vực văn hóa học và định vị cho mình một vị trí riêng giữa các trào lưu văn hóa học đương đại. Đúc kết của nhà khoa học Trung Đông ở những năm đầu thế kỷ 21 này lại ngẫu nhiên bao chứa nhiều tương đồng với nhà nhân chủng học xuất sắc người Pháp – Claude Lévi-Strauss – những năm 1950. Từ quan sát các chủng tộc người theo cách nhìn cấu trúc chủ nghĩa, Lévi-Strauss từng đi đến nhận xét rằng “đời sống loài người không phát triển theo một sự đơn điệu giống hệt nhau, mà là qua những phương thức đa dạng đến lạ lùng của các xã hội và các nền văn minh”, hay bản chất của văn minh là sự cùng tồn tại, liên hợp của những nền văn hóa khác biệt. Và ở vị trí “trung tâm”, đề xuất cách nhìn giá trị văn minh và lịch sử nhân loại của Lévi-Strauss:

Thật ra những yếu tố đó (cống hiến của mỗi tộc người cho văn minh nhân loại) ít quan trọng hơn cái cách thu thập, duy trì hay loại trừ chúng ở mỗi nền văn hóa. Và cái làm nên tín độc đáo của mỗi nền văn hóa chủ yếu nằm ở cách giải quyết các vấn đề của riêng nó.

Thực sự không khác với đúc rút của Even-Zohar. Họ giống nhau vì có điểm xuất phát chung là chủ nghĩa cấu trúc? Chắc chắn là không!

Thêm một đối sánh khác. Trong lời “Dẫn nhập” cho tiểu luận “Lý thuyết đa hệ thống” tác giả cho biết quan niệm của mình về một lý thuyết: “các phương pháp và phương pháp luận không phải – như chúng ta biết từ lịch sử khoa học và lịch sử tư tưởng – là sản phẩm của một chương trình trừu tượng nào đó được tuân thủ một cách hệ thống bởi các nhóm học giả mẫn cán”. Ông cũng khẳng định mọi du nhập lý thuyết không thể được tiến hành theo cách coi đó là “những công cụ” cho việc “giải quyết các vấn đề mà bản chất phức tạp của nó không thể xử lý được bằng phương tiện quan sát giản đơn hay ấn tượng mơ hồ”. Những ý tưởng như vậy về lý thuyết ở Itamar Even-Zohar lại cũng cùng một chiều hướng với Edward Said – một chuyên gia văn học so sánh và lý thuyết hậu thực dân, khi ông luận về sự du hành của lý thuyết:

Chúng ta chắc chắn phải vay mượn một khi muốn vượt qua những ràng buộc của môi trường tri thức kế cận. Chúng ta dứt khoát cần đến lý thuyết bởi đủ thứ lý do mà hẳn sẽ buồn tẻ nếu nhắc lại ở đây. Tuy nhiên điều còn cần hơn và quan trọng hơn lý thuyết là một nhận thức phê bình rằng sẽ không một lý thuyết nào có thể bao quát, ngăn cản, lường trước được tất cả những hoàn cảnh mà chúng được sử dụng.

Và:

một đột phá có thể trở thành cạm bẫy nếu nó được sử dụng một cách không phê phán, lặp đi lặp lại và không giới hạn.

Họ gặp nhau vì cả hai là những người đồng thời (Even-Zohar sinh năm 1939, Said năm 1935)? Vì họ là những đồng hương Trung Cận Đông (Said sinh ra là người Palestine, còn Even-Zohar là Israel)? Hẳn nhiên, câu trả lời ở đây cũng là phủ định.

Cuối cùng, để kết lại dẫn nhập nhỏ này, chúng tôi muốn nhắc lại: quá trình xuất hiện và “du hành” của lý thuyết đa hệ thống, như đã nói ở trên, tự nó là hình ảnh minh họa sinh động nhất cho tính đa dạng của những tồn tại và kết nối tri thức. Từ một địa điểm khiêm nhường trên bản đồ khoa học, lý thuyết đa hệ thống đã thành hình, đi ra thế giới bên ngoài, và bây giờ đến Việt Nam. Đặt trong một không gian mới, bộ khung học thuật này đang đợi chờ được đón nhận như cách mà người sinh thành ra nó mong mỏi, “một khung nhận biết”, “một hệ giả thuyết” để xử lý các tình huống thực tế phức tạp.  

Nguồn: Itamar Even-Zohar – Lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa, văn chương – NXB TG 2014.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s