Vai trò của truyền thông nhà nước – Phần III


Dân chúng nói chung. Các phương tiện truyền thông do nhà nước chi phối khiến đa số các đối tượng truyền thông tôn trọng và kính sợ hệ thống cai trị, nhưng nhiệm vụ không kém phần quan trọng chính là nuôi dưỡng thái độ thờ ơ và thụ động. Cách thức chủ yếu của các phương tiện truyền thông của hệ thống cai trị ở đây là kết hợp các hành động làm trệch hướng, xuyên tạc và gây hoang mang để cổ động cho cái mà học giả theo quan điểm dân chủ Ivan Krastev gọi là “chủ nghãi độc tài xác sống”.

Để duy trì quyền lực, chế độ độc tài buộc phải khiến đại đa số người dân không thể can thiệp vào các hoạt động chính trị. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát có thể giúp sức bằng cách nhấn mạnh những lợi ích của bối cảnh hiện tồn theo những cách thức tương đồng và bôi xấu mọi sự đối ngược với hiện trạng. Tồn tại những cảnh báo cho rằng, chi phí để theo đuổi sẽ vượt hơn mức bình thường và những lợi ích hão huyền của nó sẽ có hiệu ứng bình giảm và trở kháng. Truyền thông độc tài do nhà nước kiểm soát hiện thời thường thực hành truyền thông bằng nhiều phép dụng từ mà Albert O. Hirschman đã phân tích từ vài thập niên trước trong nghiên cứu kinh điển của ông về phép dụng từ phản nghịch. Các chương trình truyền thông hiện có nhiều nỗ lực đa dạng để chứng tỏ sự thay đổi về mặt chính trị sẽ có cái kết bằng không hay thậm chí bằng những hệ quả trái ngược với dự định, và nó sẽ buộc xã hội phải gánh chịu những khoản chi phí hoặc những hậu quả không thể chấp nhận.

Từ sau những cuộc biểu tình phản kháng cuộc bầu cử Thượng viện thiếu minh bạch diễn ra ở Nga hồi tháng 12/2011, chiến lược truyền thông của hệ thống cai trị đã hướng đích giảm trừ các động thái tích cực của dân chúng thông qua hoạt động giải trí. Tại sao lại phải tổ chức một cuộc mít tinh đường phố hay tham gia một nhóm dân sự trong khi những thứ hấp dẫn như Dom-2, một phiên bản của serie chương trình truyền hình thực tế Big Brother đang trình chiếu? Bằng cách xử sự như vậy với đại đa số dân chúng, chính quyền Putin đã bắt đầu học theo các phương thức ở giai đoạn cuối thời kỳ Xô viết, chú trọng hoạt động giải trí hơn là động thái chính trị.

Các kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát là công cụ chính yếu, ở các quốc gia độc tài, truyền hình vốn thu hút 3/4 hoặc hơn thế lượng công chúng quan tâm đến các tin tức chính trị. Ở Trung Quốc, ngay cả khi tồn tại sự phát triển bùng nổ của Internet, nhu cầu tin tức vẫn được đáp ứng chủ yếu thông qua mạng lưới truyền hình quốc gia. Ở Nga, 88% số người được hỏi trong cuộc thăm dò ý kiến của Trung tâm Levada hồi tháng 6/2013 đều trả lời họ đã thu nhận tin tức về quốc gia và thế giới thông qua truyền hình. Không một kênh truyền thông nào khác nhận được hơn mức 25% lượng câu trả lời. Cũng trong cuộc khảo sát này, 51% số người trả lời khẳng định niềm tin vào các chương trình phát sóng. Tỷ lệ này vẫn có nghĩa, ngay cả khi nó là kết quả của mức giảm mạnh từ tỷ lệ 79% số người bày tỏ sự tin tưởng vào các kênh truyền hình của Nga trong một cuộc khảo sát hồi tháng 8/2009. Dẫn chứng từ các quốc gia khác nhau như Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Iran và Việt Nam đều vẽ nên một bức tranh về tính ưu trội và tầm ảnh hưởng của các kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát không hề khác so với những gì được nhận thấy ở Nga.

Mặc dù vậy, như tỷ lệ giảm 28% mức độ tin tưởng đã chỉ ra, nhiều người Nga vốn tín nhiệm các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đang hoài nghi về những gì họ nhìn thấy. Nghiên cứu của Ellen Mickiewicz về khán giả truyền hình Nga cho thấy, họ không đơn thuần chấp nhận mọi thứ hiện diện trên các kênh truyền hình do Điện Kremlin kiểm soát, thay vì thế, họ thu nhận chúng theo những phương cách phức tạp vốn khác biệt so với ý định của giới cầm quyền. Thái độ bất tín ngày càng tăng đối với các kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát ở Nga có lẽ đã cảnh báo những rào cản đối với hình mẫu thụ động do các phương tiện truyền thông nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, truyền hình và các kênh truyền thông chính thống khác cũng chứng minh tính hiệu quả trong việc chuyển tải rõ ràng thông điệp cho rằng việc tích cực tranh luận với các nhà cầm quyền sẽ có hậu quả tai hại. Đại đa số mải mê với ý tưởng cho rằng họ có thể ít nhiều thay đổi hiện trạng. Họ vẫn giữ thái độ lãnh đạm và thờ ơ. Chính quyền Bắc Kinh, Moscow và các thủ phủ độc tài khác đã mạo danh các hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát để gợi mở những động thái phù hợp với những gì Barbara Geddes và John Zaller đã quan sát thấy liên quan đến chế độ độc tài quân sự tồn tại ở Brazil từ năm 1964 đến năm 1985. Đặc biệt, họ lưu ý, “mục đích chính yếu của việc bảo vệ truyền thông ủng hộ chính phủ là thuyết phục những người thờ ơ với chính trị chí ít cũng trở thành những nhân vật thụ động ủng hộ chính sách của chính phủ”. Nói cách khác, ngay cả khi khán giả của hệ thống truyền hình quốc gia không hẳn tin tưởng vào những gì họ thấy, họ vẫn phải xử sự theo cách vốn có.

Sau cùng, nó hàm nghĩa nhiều chế độ độc tài đã nhận ra những nền tảng hỗ trợ căn cốt của mình trong nhóm cư dân nông thôn và nhóm thị dân ít học – với các nhóm này, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã chứng tỏ bản thân có cách tiếp cận đặc biệt hiệu quả. Ở Trung Quốc, những người dân này vẫn là đối tượng truyền thông chính yếu của CCTV trong khi các công dân Trung Quốc trẻ hơn và được giáo dục tốt hơn bị thu hút về hướng Internet. Truyền hình quốc gia Nga đang cẩn trọng nuôi dưỡng dân chúng ở mọi vùng miền bằng một chế độ truyền thông bất biến, vốn mô tả việc Nga luôn bị bủa vây bởi các mối đe dọa từ nước ngoài mà đặc biệt là Mỹ. Những khán giả không có nhiều học thức hoặc trải nghiệm vốn có thể nói khác về những mối đe dọa từ Mỹ lại có khuynh hướng đặt niềm tin vào mạng lưới truyền thông quốc gia khi nó đưa ra những phán xét (khắt khe) các định ý và chính sách của Mỹ. Không hề ngoa ngôn khi nói rằng chủ nghĩa chống Mỹ, bằng nhiều phương cách khác nhau, chính là thứ gần cận nhất với “hệ tư tưởng” hợp nhất mà Điện Kremlin hiện sở hữu, cũng đồng thời nắm giữ vai trò chính thống trọng yếu đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những người nhiệt tình “kết nối” với Internet. Giống như truyền hình, Internet là thứ mà giới chức độc tài và những kẻ dưới quyền hiện nhận ra rằng họ cần phải nỗ lực kiểm soát. Thế giới tự do của truyền thông và nghị trình trực tuyến khiến họ ngày càng thêm lo ngại. Để nắm quyền quản lý, các cơ quan tuyên giáo và kiểm duyệt của nhà nước đang trở lại với các phương thức được chứng minh là hữu dụng trong việc “quản lý” các phươg tiện truyền thông truyền thống. Song không có sự tương đồng về nhiệm vụ: Thực hiện kiểm soát đối với nội dung chính trị cốt yếu của một mạng lưới truyền hình trung ương dễ dàng hơn nhiều so với việc kiểm soát nguồn tin trực tuyến tương tự. Nhưng các chế độ độc tài đang thể hiện sự quyết tâm cao độ và chú trọng đổi mới để đạt đến mục tiêu. Giống như với các phương tiện truyền thông truyền thống, các giải pháp hạn chế đang được thử nghiệm vốn không được thiết kế để khóa chặn mọi thứ, nhưng thay vào đó, nó chủ yếu hướng đích ngăn cản các nguồn tin chính trị hoặc những vấn đề nhạy cảm khác vốn luôn hướng tới các đối tượng truyền thông chính yếu. Khi việc sử dụng và phổ cập Internet gia tăng ở các quốc gia độc tài – và với dẫn chứng sinh động sẵn có từ Nga và thế giới Arab về năng lực hữu dụng của các công cụ sử dụng công nghệ web trong việc tổ chức những hành động phản kháng quy mô lớn – các chế độ độc tài đang làm việc tích cực hơn bao giờ hết để tìm cách cản trở dòng lưu chuyển thông tin chính trị xác tín thông qua không gian số.

Tính phổ truyền của Internet thật đáng để chú tâm, và nhiều hệ thống độc tài hiện là cấu phần tạo thành xu hướng – thực tế, các chính phủ của họ không có nhiều lựa chọn ở đây trừ khi họ muốn thử chi phối một Bắc Triều Tiên khác. Sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đòi hỏi phải được “nối mạng”. Vì vậy, ở một Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chuyên chế, 40% người dân đã truy cập Internet. Ở Belarus (vốn mang danh là “chế độ độc tài cuối cùng của châu Âu”), Kazakhstan, và Saudi Arabia, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, xấp xỉ 55%. Trung Quốc là quốc gia có mức phổ cập Internet là 45% và hiện có gần 600 triệu người sử dụng Internet, có hơn 330 triệu người sử dụng mạng xã hội, hầu hết họ đều dùng Sina Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc. Ở Nga, quốc gia mới đây đã vượt mức truy cập Internet 50%, các phương tiện truyền thông sử dụng công nghệ web như TV Rain đang giúp phe đối lập tiếp cận với lượng khán giả lớn hơn.

Khi Internet hiện diện hoành tráng hơn, động thái can thiệp chính trị mang tính độc tài đối với nó cũng có quy mô tương ứng. Cho đến gần đây Nga mới sử dụng các kỹ thuật tương đối tinh vi và phức tạp “được thiết kế để định hướng và gây ảnh hưởng đến thời điểm và cách thức thu nhận thông tin của người dùng tin mà không phủ nhận hoàn toàn quyền truy cập”. Theo đó, luật định 2012 của Nga cho phép chính phủ đóng cửa các trang web có nội dung không phù hợp – tương tự nội dung một nghị định do Bộ Truyền thông và Tổng cục An ninh Liên bang Nga (đơn vị kế nhiệm của ủy ban An ninh quốc gia Xô viết) ban hành, dự kiến có hiệu lực vào năm 2014, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet giám sát mọi động thái trên Internet, bao gồm các địa chỉ IP, các số điện thoại và tên người dùng, đánh dấu một bước thụt lùi thấy rõ xét về quyền tự do trên Internet. Ngày 01/09/2013, Việt Nam thực thi Nghị định 72, một giải pháp đầy tham vọng mong muốn ngăn cấm người dùng trực tuyến của đất nước này luận bàn về các sự kiện thời sự và chia sẻ các tin tức báo chí. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc lại dẫn đầu trong công tác kiểm duyệt trực tuyến và cũng trở thành chuyên gia hàng đầu về những phương thức tinh vi trấn áp truyền thông chính trị trực tuyến. Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với các hệ thống cai trị khác, như ở Belarus, Việt Nam và Zimbabwe. Ngay cả khi các quốc gia như Belarus, Việt Nam, Iran, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác nhận thấy sự gia tăng nhanh chóng quyền truy cập Internet, Tổ chức Nhân quyền Freedom House vẫn xếp họ vào danh sách những quốc gia có mức tự do trực tuyến thua kém hơn. Sự xếp hạng như vậy cho thấy, ở những quốc gia này, khả năng “quy tụ phản nghịch” có thể diễn ra, trong đó nội dung thông tin của các phương tiện truyền thông mới đang chịu sự kiểm soát ngày càng giống như tình trạng từng xảy ra đã lâu của các phương tiện truyền thông truyền thống.

(còn tiếp)

Người dịch: Bùi Hồng

Hiệu đính: Mai Chi

Nguồn: Christopher Walker & Robert W. Orttung – The role of State-Run Media, Journal of Democracy – January 2014. Vol.25, No.1

TN 2014 – 69

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s