Vai trò của truyền thông nhà nước – Phần IV


Bất chấp tính phổ toàn bề ngoài của Internet, môi trường chính trị và truyền thông khác biệt của mỗi quốc gia đều định hướng và kiềm chế ảnh hưởng vốn có của truyền thông trực tuyến. Môi trường chính trị nhìn chung ở Nga và Trung Quốc đều bao hàm những nhân tố khích lệ khả năng tự kiểm duyệt thường thấy ở những nhà báo làm việc cho các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Nhà nước cũng có thể cấm phạt những người viết nhật ký cá nhân trên mạng (blogger) và những người sử dụng Internet khác khi họ thể hiện trực tuyến những quan điểm “trái chiều”. Trường hợp thí dụ của Alexei Navalny – một blogger và nhà hoạt đọng chính trị nổi tiếng đã tố giác nạn tham nhũng phổ biến trong giới chức Nga, và đã phải đối mặt với những tôi danh hình sự nghiêm trọng – cũng là bịa đặt theo quan điểm của nhiều người – vì những hành động bị cho là có sai phạm tài chính, đã minh chứng cho xảo thuật thô sơ nhưng hiệu quả này. Việc thiếu vắng những phiên tòa độc lập đã khiến tất cả những hành động áp chế như vậy đều trở nên quá dễ dàng.

Nhưng thật trớ trêu bởi tính công khai và đa chiều rộng mở của Internet đối với vô số các quan điểm chính luận và phản luận lại có thể làm tê liệt khả năng của các phương tiện truyền thông mới giúp nới lỏng sự kìm kẹp của giới elite độc tài chính tắc quyết tâm nắm giữ quyền lực. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát luôn tán dương hiện trạng. Nội dung đối án trực tuyến có thể thách thức phát ngôn chính thống của nhà nước bằng những phương cách đặc thù như nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến môi trường, quan hệ dân tộc, tham nhũng, các sai phạm pháp luật, sai sót trong việc cung cấp dịch vụ y tế, và vân vân. Nhưng những chuyện kể và những lời chỉ trích hỗn tạp này – ngay cả khi có gạt sang một bên việc chúng sẽ khó nhọc ra sao để đến với số đông khán giả thực thụ – cũng không nhất thiết sẽ hợp thành một lập luận chặt chẽ để phản kháng chính quyền. Chẳng hạn, người Nga đang tổ chức đòi hỏi quyền lợi của mình trong những trường hợp cụ thể – phản đối việc bỏ hoang một kho tàng kiến trúc hay một khu công viên đáng được trân trọng, hoặc yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho dân thường – nhưng họ không liên hợp để thay đổi tổng thể hệ thống chính trị, đặc biệt là sau những vụ đàn áp thẳng tay mà ông Putin đã ra lệnh thực thi hồi năm 2012.

Ở Trung Quốc, các nhà chức trách đã làm tốt công việc kiểm duyệt Internet của họ bằng cách loại bỏ mọi nội dung (dù với bất kể hàm ý gì) có vẻ như có khả năng thúc đẩy sự huy động xã hội. Kế hoạch hành động là trì hoãn hoặc ngăn chặn các hành động, quy trình hành động liên hợp tự thân. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa nỗ lực này lên một cấp độ mới vào tháng 9/2013 khi họ bắt đầu một cuộc đàn áp thẳng tay trên máy tính đối với các trang nhật ký cá nhân của những người định hướng quan điểm.

Phần lớn các cơ quan kiểm duyệt Internet của Trung Quốc đều bao gồm những cổng thông tin tư nhân như Sina.com luôn thực hiện chỉ huấn của chính thể độc đảng bằng cách kiểm soát các trang mạng của bản thân để tuân thủ (hoặc thậm chí là thúc đẩy) các đường hướng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các chế độ độc tài cựu phái muốn tự thân vận động; còn các chế độ độc tài tân phái lại muốn thuê ngoài, ở nơi có thể lợi dụng các lực lượng thị trường để tăng cường năng lực kiểm duyệt. Bắc Kinh vẫn có sự kiểm duyệt chính thức. Nhưng họ biết nguồn nhân lực đó là không đủ, nên đã thuê các công ty tư nhân thực hiện phần lớn các việc làm bất chính để đảm bảo rằng sự thành công về mặt thương mại và thậm chí cả sự đòi hỏi sống còn những nỗ lực kiên định đều phục tùng đường lối của chính đáng. Trong nỗ lực đáp ứng các mục tiêu của giới chức cầm quyền, các công ty được khuyến khích đổi mới. Twitter và các công ty nước ngoài khác vốn từ chối tuân thủ các chuẩn mẫu kiểm duyệt ở địa phương đơn thuần nhận thấy bản thân họ bị loại trừ khỏi thị trường rộng lớn của Trung Quốc.

Hơn nữa, Bắc Kinh, Moscow và các chính thể độc tài khác đều đang tăng cường vận dụng các giải pháp thao túng công phu trực tuyến để tạo thành “nhiễu trắng” với tính cách là một phương thức gây nhiễu loạn cho các địch thủ tiềm tàng ở phe đối lập. Các tài khoản tự động hóa, hay những công cụ tìm kiếm “bot”, vốn được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các chính thể này đều nhằm mở rộng phạm vi truyền thông của chính phủ, công kích các phong trào dân sự độc lập và các phe phái chính trị đối lập với mục đích “bùn hóa nước trong” khi các vấn đề hệ quả chính trị đang được đặt trên bàn thảo luận.

Cách đây không hẳn đã lâu, tồn tại một giả định phổ biến cho rằng, Internet sẽ khởi động các mạch phun thông tin ở khắp mọi nơi, đảm bảo kéo theo sự thay đổi về mặt chính trị. Thay vì thế, có vẻ như phương pháp thuần hóa cách biểu đạt chính trị trên các phương tiện truyền thông truyền thống đang được chỉnh sửa và vận dụng cho các phương tiện truyền thông mới với ảnh hưởng tăng cường. Xu hướng “quy tụ phản nghịch”, ở đó không gian dành cho sự biểu đạt trực tuyến hàm nghĩa chính trị đang thu hẹp và dịch chuyển theo hướng các phương tiện truyền thông truyền thống kém tự do hơn, đã hàm chứa những ẩn ý thật sự đáng lo ngại. Trong số hàng loạt các giải pháp hạn định, một số mang tính công khai, số khác tinh vi và phức tạp hơn mà Bắc Kinh, Moscow và những chính thể học theo họ đã thực hiện chí ít cũng sẽ khiến chung ta đặt câu hỏi, liệu Internet có thể chịu đựng sự xâm phạm độc đoán và tự trụ giữ bản thân với tính cách là một diễn đàn mở cho hoạt động luận bàn chính trị ở các quốc gia độc tài.

Phe nhóm đối lập và xã hội dân sự, ở các quốc gia dân chủ, truyền thông khai mở là nhân tố huyết mạch của xã hội dân sự và phe nhóm chính trị đối lập. Ở các chế độ cai trị độc tài, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát luôn tìm cách cô lập các tổ chức xã hội dân sự  trong xã hội nói chung với ý đồ cản bước mọi sự hợp tác chính trị giữa các tổ chức cũ và mới. Hướng đích mục tiêu này, các phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành đang nỗ lực gây nghi ngờ trong tư duy của dân chúng về mọi ý niệm về một đối án chính trị đối với chế độ hiện tồn. Các hoạt động công kích truyền thông đều nhằm giải hợp pháp hóa xã hội dân sự và phe nhóm đối lập, mở đường cho các biện pháp đàn áp khác. Chẳng hạn, khi một chế độ độc tài muốn kết tội một nhà lãnh đạo xã hội dân sự với những tội danh hình sự gán ép, trước hết họ thường sẽ “xoa dịu đối tượng” bằng cách khiến nhà lãnh đạo đó trở thành mục tiêu của vùng phủ sóng truyền thông bất lợi.

Các phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành thường buộc tội phe đối lập luôn muốn gây ra tình trạng hỗn loạn, một lời buộc tội có lẽ sẽ sở hữu tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các xã hội có lịch sử bất ổn chính trị. Cùng với nó, những phát ngôn chỉ trích chế độ có thể được mô tả là những công cụ có chủ ý hoặc không chủ ý của phương Tây, một thủ đoạn phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Zimbabwe, Azerbaijan, và Nga. Các hãng truyền thông quốc tế như BBC, Radio Free Europe/Radio Liberty, và Radio Free Asia thường bị khóa chặn, để từ đó loại bỏ các kênh truyền thông cốt yếu của xã hội dân sự nhằm thu nhận các nguồn tin độc lập và giao tiếp với các đối tượng truyền thông quốc nội.

Người phát ngôn của phe đối lập thường không bao giờ có được quyền tiếp cận trực diện với số khán giả được bảo vệ nghiêm ngặt của các phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành. Khi nó có vẻ giống như một thứ mánh khóe chiến thuật – có lẽ là lúc việc công khai lên án một người sẽ không chỉ làm gia tăng tính công khai hoặc thậm chí là đồng thuận – hệ thống cai trị sẽ khiến phát ngôn chỉ trích không còn hiện diện rõ ràng trong công luận. Mạng lưới truyền hình do nhà nước kiểm soát của Nga, đặc biệt là NTV [đài truyền hình phủ sóng ở Liên bang Nga, Tây Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ – ND] đã nhiều lần tăng thời lượng phát sóng toàn quốc cho chương trình gây rúng động hàm ý các nhà hoạt động xã hội vì quyền con người và các nhà cải cách khác đang hành động vì những lợi ích ngoại biên, nếu không nói là đang tìm cách gây hại cho nhà nước Nga. Trong số các chương trình này có “Giải phẫu một cuọc biểu tình” (Anatomy of a Protest), một bộ phim tài liệu nổi tiếng được công chiếu hồi năm 2012 nhằm hạ nhiệt các cuộc biểu tình diễn ra tại Moscow và các thành phố khác sau các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống còn nhiều sai phạm. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã tìm cách hạ thấp danh tính của những kẻ chuyên bới xấu như Navalny và Magnitsky vì tội nhận hối lộ (Magnitsky vẫn đang chịu sự phỉ báng sau khi đã chết ở trong tù) ngay cả khi những nhân vật này đã dũng cảm để đưa ra ánh sáng những việc làm sai trái của chính quyền. Đã thấy rõ bài học dành cho bất kỳ ai có hướng suy nghĩ về việc học theo họ.

Phải chăng cách đối xử hà khắc như vậy đã được cấp trên ra lệnh trực tiếp? Rất có thể là không, chỉ bởi vì không cần thiết phải có chỉ lệnh công khai. Các phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành, giống như những con người tùy tùy của Vua Henry II, luôn ở trong tư thế sẵn sàng tấn công mọi con chiên thời nay của Thánh Thomas Becket và có lẽ thậm chí không cần phải nghe khẩu lệnh của nhà cầm quyền “Liệu có ai giúp ta thoát khỏi tên thầy tu ngỗ nghịch này không?” ở Nga và các quốc gia tương tự hiện thời, chế độ cai trị dường như nhận thấy tự kiểm duyệt là cách thức kiểm duyệt tốt nhất, và các cuộc tấn công “tự phát” nhằm vào những kẻ chỉ trích là những cuộc tấn công hiệu quả nhất. Trong hoạt động kiểm duyệt, tinh thần của nhà nước đã được quốc nội hóa, còn trong các cuộc tấn công nhằm vào những kẻ chỉ trích, giới quan chức không bao giờ phải chỉ tay hay tuyên bố buộc tội – những gì họ muốn hoàn tất hoàn toàn được thấu hiểu và không cần phải bàn cãi.

Ở Trung Quốc ngày nay, tất cả các tòa báo và các hãng truyền thông lớn đều có đăng ký hành nghề với nhà nước hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc và vẫn chịu phụ thuộc vào các thể chế nhà nước (quan trọng nhất là Ban Tuyên giáo) vốn có thẩm quyền chỉ huấn các đường hướng truyền thông. Khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng, chỉ những tác giả thân tín với chính quyền mới nhận được đường truyền phát sóng.

Quyền hành được chính giới thực thi đối với nội dung truyền thông được minh họa ấn tượng bằng trường hợp của Lưu Hiểu Ba. Là một trí thức uyên bác bị bỏ tù vì những lập luận kiên định chống lại nguyên tắc một đảng liên tục cầm quyền, ông không được nhiều người biết đến ngoại trừ số ít các nhà hoạt động xã hội vì quyền con người và các chuyên gia Trung Quốc. Cũng không nhiều người ngoài Vương triều Trung Hoa từng nghe nói về ông. Điều đó đã được thay đổi vào ngày 08/10/2010 khi Ủy ban Nobel ở Oslo công bố Lưu Hiểu Ba được trao tặng Giải Nobel Hòa bình vì “sự đấu tranh lâu dài và phi bạo lực vì các quyền con người căn bản ở Trung Quốc”. Thật bất ngờ, tin tức thế giới tràn ngập những đề mục về nhân vật chống đối yêu hòa bình và dũng cảm này, người bị bỏ tù chỉ vì dám nói ra chủ kiến của mình và ủng hộ cho những quyền hạn mà công dân ở các quốc gia dân chủ vốn được thụ hưởng một cách trọn vẹn.

Lưu Hiểu Ba bị buộc tội một năm trước đó vì tội “kích đột lật đổ chính quyền nhà nước”, một điều khoản trong Bộ luật Hình sự của Trung Quốc thường được vận dụng để bịt miệng những người chỉ trích tính ưu việt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hành động để quy tội ở đây là sự tham gia của ông trong việc soạn thảo và truyền bá Hiến chương 08 với những tuyên ngôn ủng hộ dân chủ. Thế giới rộng lớn hơn có lẽ đang tôn vinh dũng khí của Lưu Hiểu Ba và kích động việc cam kết thực thi cách hành xử nhân đạo, cao thượng, nhưng khán giả truyền hình Trung Quốc lại không hề nghe được tin tức gì về ông. Chỉ cộng đồng trực tuyến Trung Quốc mới có khả năng né tránh hành động kiểm duyệt và che giấu nguồn tin chính thống để có được thông tin về người Trung Quốc đầu tiên giành Giải Nobel Hòa bình.

(còn tiếp)

Người dịch: Bùi Hồng

Hiệu đính: Mai Chi

Nguồn: Christopher Walker & Robert W. Orttung – The role of State-Run Media, Journal of Democracy – January 2014. Vol.25, No.1

TN 2014 – 69

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s