Việt Nam sẽ xem xét lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân


Theo báo Kommersant, các nhà chức trách Việt Nam muốn tính toán lại việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở phía Nam của đất nước để đảm bảo an ninh năng lượng. Vấn đề này được truyền thông địa phương đề cập sau phiên họp gần đây của Ủy ban về các vấn đề kinh tế của Quốc hội Việt Nam.

Giới chức Việt Nam lưu ý rằng họ có kế hoạch nghiên cứu khởi động lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, phía Đông Nam của đất nước. Dự án này bị từ bỏ vào năm 2016 để chuyển sang sản xuất than và khí đốt. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh của chương trình nghị sự về khí hậu, Việt Nam muốn từ bỏ dự án điện từ than vốn chiếm 50% trong cán cân năng lượng. Ngoài ra, năng lượng hạt nhân một lần nữa được cho là có lợi hơn trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng.

Việt Nam lần đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng điện hạt nhân vào năm 2006 do nhu cầu về điện ngày càng tăng. Ban đầu, Việt Nam muốn vận hành lò phản ứng đầu tiên vào năm 2020 và đến năm 2030 sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 15 GW. Năm 2011, Nga và Việt Nam đã ký một thỏa thuận về việc xây dựng hai tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận – 1 với công suất 2,4 GW. Tổng chi phí dự án 10 tỷ USD, trong đó khoản vay của nhà nước Nga là 8 tỷ USD. Việt Nam cũng muốn xây dựng thêm hai tổ máy bổ sung với công suất 2,4 GW theo dự án đầu tư của tập đoàn JINED Nhật Bản với trị giá 11 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ ký hợp đồng chắc chắn với bất kỳ ai.

Vào năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã hoãn việc phát triển điện hạt nhân trong 4 năm do các cuộc đàm phán về kinh phí, và vào năm 2016, chính phủ đã tuyên bố đóng băng kế hoạch trong thời gian không xác định. Sau đó, các nhà chức trách Việt Nam đã giải thích quyết định của họ bằng các dự báo thấp hơn về nhu cầu điện, cũng như “điều kiện kinh tế”, cụ thể là mức nợ công nước ngoài cao, vào thời điểm đó đã lên đến 65% GDP. Thay vì các nhà máy điện hạt nhân đắt tiền, Quốc hội đề xuất xây dựng 6 GW điện than và các trạm khí đốt vào năm 2030.

Mùa Hè năm 2020, truyền thông địa phương cho rằng Hà Nội có thể quay trở lại ý tưởng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ bỏ hoàn toàn điện than. Theo các kế hoạch đang được thảo luận, đơn vị điện đầu tiên có thể được xây dựng vào năm 2035 với mức công suất tăng lên 5 GW vào năm 2045. Hiện nay, sản lượng phát điện từ than trong cán cân năng lượng của Việt Nam chiếm khoảng 50% với sản lượng phát khoảng 119 TWh mỗi năm (1 TWh (Terawatt/giờ) = 1.000.000 MWh), tỷ trọng của các nhà máy nhiệt điện khí khoảng 18% (42,5 TWh), khoảng 1/3 sản lượng đến từ thủy điện (66 TWh). Tổng sản lượng năm 2019 là 238 TWh và mức tiêu thụ là 209 TWh.

Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nga Ekaterina Kvasha cho biết, Việt Nam quay trở lại xem xét xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ yếu là do giá nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Ngoài ra, vào đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đưa năng lượng hạt nhân vào phân loại của EU, tức là công nhận năng lượng hạt nhân là năng lượng sạch và xanh. Bằng cách này, Việt Nam sẽ có thể giảm thiểu rủi ro do chi phí phát điện cao và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chuyên gia Ekaterina Kvasha tin rằng “việc lựa chọn công nghệ và đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị trên thế giới, như thường diễn ra trong các dự án lớn”.

Hiện tại, Tập đoàn công nghệ hạt nhân Rosatom có dnah mục xuất khẩu lớn nhất thế giới về xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, và các tập đoàn Trung Quốc và KEPCO của Hàn Quốc cũng đang tích cực tham gia vào thị trường này. Các công ty Mỹ và EU đã xây dựng rất ít tổ máy trong thập kỷ qua.

Trong bài phân tích được đăng trên trang mạng của Trung tâm Carnegie Moskva, nhà nghiên cứu Việt Nam Anton Svetsov cho rằng Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng đối với chiến lược xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân của Nga. Ông tin tưởng Rosatom có thể trở thành một đầu tầu mới trong hợp tác song phương, hình thành một ngành công nghiệp công nghệ cao mới và là một bước đột phá cho Việt Nam cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Theo nghĩa rộng hơn, việc xây dựng thực tế một nhà máy điện hạt nhân ở Đông Nam Á có thể là một đóng góp nghiêm túc vào chiến lược hiện diện của Nga ở khu vực này, ngoài các dự án trong lĩnh vực dầu khí và xuất khẩu vũ khí.

Theo ông Anton Svetsov, câu chuyện hủy bỏ dự án điện hạt nhân trước đây của Nga tại Việt Nam không phải là chuyện Nga mất gì hay không thực hiện thành công dự án kinh tế đối ngoại ở châu Á. Ngược lại, đây là lời đề nghị có chất lượng cao với công nghệ tiên tiến và phù hợp thực tế của Nga, nhưng hợp đồng đã không thành công do một tình huống không may. Điều làm cho sự mất mát này càng đáng chú ý là bởi sự thiếu vắng các dự án khác có trình độ tương tự của Nga ở Đông Nam Á.

Nguồn: TKNB – 15/06/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s