Vai trò của truyền thông nhà nước – Phần cuối


Ở Nga, các vấn đề công chính được phát sóng trên các kênh truyền hình chính yếu – Channel One, Rossiya và NTV, đều đề cao tính chất đáng tin cậy của các học giả được chính phủ thừa nhận. Các nhân vật đối lập, các nhà hoạt động chính trị và những người chỉ trích xã hội có chăng cũng hiếm khi được mời lên sóng. Số ít các nhà hoạt động chính trị, bao gồm những người đứng đầu phe đối lập như Boris Nemtsov và Lyudmila Alexeyeva được biết đến vì quá trình hoạt động đoàn thể của họ trước khi bắt đầu thời đại Putin. Nhưng vẫn không ai nắm giữ được nhiều quyền lực ảnh hưởng đối với công chúng Nga – họ đã bị các phương tiện truyền thông đại chúng cấm cửa từ rất lâu. Các nhà hoạt động chính trị trẻ tuổi hơn cũng thường xuyên bị tách biệt khỏi các chương trình truyền hình có lượng khán giả phổ rộng. Phát biểu trên Đài phát thanh Ekho Moskvy ngày 22/5/2013, Vladimir Posner, cựu thành viên phụ trách công tác tuyên giáo của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Xô viết, hiện là người dẫn chương trình cho một chương trình tọa đàm nổi tiếng trên kênh truyền hình Channel One thuộc quyền sở hữu của nhà nước, đã thừa nhận “Tôi biết có một số người tôi không thể mời” hiện diện trên sóng truyền thông. Trong danh sách này có tên những người đứng đầu phe đối lập như Nemtsov, Navalny, và Vladimir Ryzhkov. Các phương tiện truyền thông dưới quyền kiểm soát của nhà nước đang tạo ra những rào cản cao vời khiến xã hội dân sự và các phe nhóm đối lập nhận thấy bản thân họ khó có thể vượt qua trong nỗ lực tiếp cận số đông đối tượng truyền thông với cách nhìn nhận đối ngược về nguyên tắc trị lý và đời sống chính trị.

Truyền thông nhà nước ở các nền dân chủ yếu kém

Mô hình truyền thông do nhà nước kiểm soát đang đạt đến hình thái uy lực lớn nhất, hiệu quả nhất trong bối cảnh chủ nghĩa độc tài chuyên chế. Song một vài đặc tính và phương cách đặc thù của nó vẫn đang được chứng minh là có sức hấp dẫn đối với chính quyền dân cử ở các quốc gia có nền dân chủ yếu kém hoặc có nguy cơ suy biến thành chủ nghĩa độc tài. Ở Ecuador, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, chính quyền đang thực thi quyền kiểm soát hiệu quả đối với các phương tiện truyền thông điện tử truyền thống, đồng thời theo đuổi những nỗ lực ngăn cản các phát ngôn chính trị trực tuyến. Những động thái như vậy sở hữu những hàm nghĩa quan trọng đối với triển vọng dân chủ ở các quốc gia này.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Đảng Công ý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã chi phối đời sống chính trị và chính thể trong hơn một thập kỷ, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng của nhà nước đối với các phương tiện truyền thông quảng bá đã được phơi bày trong các cuộc biểu tình quy mô lớn chống đối chính phủ hồi tháng 6/2013. Khi các nhà hoạt động chính trị xuất hiện đông kín Quảng trường Taksim ở Thành phố Istanbul, các kênh truyền thông chịu ảnh hưởng chính yếu của nhà nước ở quốc gia này lại cho công chiếu các phim tài liệu về việc huấn luyện chim cánh cụt và cá heo. Thủ tướng Erdogan gọi Twitter là một “mối đe dọa” và giới chức cầm quyền đã tiến hành đàn áp thẳng tay những người sử dụng mạng xã hội này, bắt giữ hàng chục người với tội danh công bố “thông tin sai lệch”. Các kênh truyền thông thân chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách nhiệm tổ chức các cuộc biểu tình cho những địch quân ẩn danh ở nước ngoài. Các phương tiện truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thấy tình trạng dần mất đi tính độc lập của mình khi các mối quan hệ làm ăn không tương hợp giữa chính phủ và các chủ sở hữu phương tiện truyền thông chính yếu ngày càng phát triển. Những thỏa hiệp để kết thân này đã khiến yêu cầu phục tùng chính trị khó có thể xem thường. Các phương tiện truyền thông đã trở thành kẻ đồng lõa trong việc làm gia tăng tính bất dung chính trị trong giới chức cầm quyền.

Nicaragua đã hướng đến sự thống trị của nhà nước đối với truyền thông từ khi Tổng thống Daniel Ortega tái đắc cử năm 2007. Ông Ortega hiện kiểm soát gần một nửa các hãng tin truyền hình của đất nước; các con ông đang vận hành ba hãng trong số đó. Tổng thống Ortega đã đưa vào hoạt động ít nhất hai trang mạng thông tin, và được cho là đang vận hành bí mật các trang nhật ký cá nhân trên mạng (blog) được nhà nước hậu thuẫn và các “trung tâm gây rối” truyền thông xã hội nhằm đe dọa các địch thủ và lực lượng phi đảng phái. Giới phân tích chính trị cho rằng, tài lực truyền thông này đã mang lại cho ông Ortega một công cụ để hạ thấp danh tín những kẻ chỉ trích, và rằng việc công khai các thông tin truyền thông xác thực đã giúp ông thắng lớn với 63% phiếu bầu hồi tháng 11/2011, tăng đáng kể so với đa số tương đối 38% phiếu bầu ông giành được 5 năm trước đó.

Từ khi tái đắc cử Tổng thống Ukraine hồi năm 2010, Viktor Yanukovich đã theo đuổi cách tiếp cận truyền thông đại chúng nỗ lực tìm cách học theo những phương diện cốt yếu trong chiến lược của Điện Kremlin. Các hãng tin truyền hình tầm cỡ quốc gia hoặc được chính phủ trực tiếp kiểm soát hoặc chịu tùy thuộc vào các thủ lĩnh chính trị có quan hệ mật thiết với chính phủ. Ngoại lệ duy nhất là TVi, một hãng truyền thông tuy vẫn duy trì được tính độc lập nhưng đã phải trả qua một quá trình chuyển đổi quyền sở hữu không minh bạch hồi giữa năm 2013. Trong suốt khoảng thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10/2012, TVi đã phải chịu rất nhiều sự phiền nhiễu. Trong tháng 7, cảnh sát thuế đã bất ngờ kiểm tra các trụ sở làm việc của hãng này. Trong khi đó, việc đưa tin về các hoạt động của chính phủ của các kênh thông tin truyền thông có ảnh hưởng thống trị lại mang tính xu nịnh nhiều hơn và ít có khả năng thực thi bất kỳ một sự kiểm soát thực sự nào đối với các chính sách và hành động của chính giới.

Tổng thống Rafael Correa của Ecuador đã trở nên nổi tiếng với các chính sách kiểm soát chặt chẽ (thường thông qua các vụ kiện cáo yêu cầu phải trả những khoản bồi thường thiệt hại khổng lồ) đối với các kênh truyền thông dám chỉ trích chính quyền của ông. Năm 2012, ông đã hủy bỏ bản quyền truyền thông của kênh truyền hình Telesangay và đóng cửa Đài phát thanh Morena, cũng là một kênh truyền thông của phe chống đối. Tổng thống Correa kêu gọi tẩy chay các phương tiện truyền thông tư nhân “sai lạc”. Trong bài phát biểu hôm 29/5/2012, ông đã công khai xé bỏ một số báo của tờ La Hora, và la lớn “Cứ để cho họ kêu oan!”. Ông đang triển khai các chương trình phát thanh và truyền hình lên sóng hàng tuần mà bản thân vốn phải gánh vác nhiều khoản chi phí, đồng thời vận dụng có chọn lọc, khắt khe các điều luật để tấn công những kẻ chỉ trích ông trong xã hội dân sự và phe đối lập, cảnh báo các địch thủ và quân đồng minh, cho họ thấy ai sẽ là người thắng và ai sẽ là kẻ thua theo quan điểm của Tổng thống.

Tất cả điều đó có nghĩa gì?

Một người tuân phục chế độ độc tài đương thời đã bị xúi giục giao phó các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát vào tay những nhân vật đã lỗi thời. Nhưng đó là một sai lầm: Thông tin về sự chuyển nhượng các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát với tính cách là một thế lực chính trị quan trọng thấy rõ là đã quá vội vàng. Tính đa dạng phổ rộng hơn của truyền thông ngày nay có nghĩa nó ngày càng được biết đến ít hơn khi trở thành công cụ biểu đạt chính trị cốt yếu: Truyền hình vẫn giữ ngôi vị thống trị tối cao, và thông qua đó, các chế độ độc tài đã học cách định hình nghị trình chính trị và ngăn cản sự phát triển lớn mạnh các mối liên hệ giữa xã hội dân sự và dân chúng nói chung.

Giới cai trị độc tài hiểu họ cần có các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát để tồn tại; bởi vậy quá trình tự do hóa toàn diện của chúng không được mong đợi sẽ xảy ra. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đang tồn tại trong một kiểu nhà tù thể chế: chúng không thể tự do cho đến khi ở đó có sự thay đổi mang tính cách mạng. Sự kiểm soát của nhà nước đối với các phương tiện truyền thông, một khi đã siết chặt, không thể dễ dàng được nới lỏng mà không cần mở cửa tử và đánh liều với bản thân chế độ. Mickhail Gorbachev, vị Tổng thống cuối cùng của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (USSR) đã nhận ra điều này với chính sách galsnost (công khai). Ông nghĩ mình đã cứu nguy cho hệ thống Xô viết bằng những cuộc cải cách như vậy, song trên thực tế, ông đã ký giấy chứng tử cho nó.

Trong thời đại thông tin lưu truyền ở một phạm vi rộng lớn với tốc độ chớp nhoáng ở cả trong và ngoài các giới tuyến quốc gia, thật khó có thể chấp nhận quan điểm cho rằng thông tin và các dữ kiện chính trị có thể được khoanh vùng một cách thành công. Ai đó đã quên không nói với một số nhân vật độc tài ngoan cố trên thế giới rằng con đường dẫn đến sự khai mở hơn nữa của truyền thông là tất yếu. Các chế độ độc tài chỉ chú trọng bản năng tự bảo toàn; họ sẽ không đành bỏ mặc bản thân cho những dòng chảy thông tin chính trị tự do, cũng không từ bỏ những nỗ lực chi phối truyền thông nội quốc. Họ đòi hỏi các phương tiện truyền thông phải ghi khắc một cách thường xuyên và có hệ thống vào tâm trí của các đối tượng truyền thông cốt yếu quan niệm cho rằng, không tồn tại một đối án có thể chấp thuận để thay thế giới chức đương quyền. Internet có thể mang lại một đối án tự do hơn cho các phương tiện truyền thông truyền thống do nhà nước thống trị, nhưng những đặc tính chính yếu vốn mang lại cơ hội này (đặc tính đa dạng và phân quyền của thế giới trực tuyến) cũng khiến Internet trở thành một đối thủ yếu kém trước một chính thể độc tài chú trọng công nghệ laser với những thông điệp mang tính kỷ luật khắt khe. Các thế lực chống đối có thể được tự do trong phát ngôn trực tuyến, nhưng liệu họ có thể đưa ra một đối án mạch lạc thay thế các thuyết dẫn của hệ thống cai trị?

Có lẽ cán cân sẽ thay đổi. Sự cách tân các phương tiện truyền thông mới có thể làm giảm tính phân đoạn và cho phép các nhà cải cách lái câu chuyện chính trị theo một hướng đi mạch lạc hơn và cố kết hơn, nhưng điều này chưa hẳn rõ ràng. Một viễn cảnh khác đáng lo ngại hơn là các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát sẽ tồn tại như một thế lực ưu việt trong khi các chế độ độc tài theo đuổi quyết đoán hơn “năng lực quy tụ” – thuần phục các phương tiện truyền thông mới như họ đã thuần phục các phương tiện truyền thông truyền thống. Trong kịch bản khắc nghiệt này, các giá trị phi tự do của các phương tiện truyền thông truyền thống do nhà nước kiểm soát giành phần thắng và làm lu mờ những giá trị phi tự do của các phương tiện truyền thông mới tự do hơn. Thiếu vắng sự thay đổi về mặt chính trị vừa đủ để cải thiện truyền thông xác tín, các phương tiện truyền thông mới liệu có đủ can đảm chống cản quyền lực kiểm soát độc tài để duy trì sự tồn tại của nghị trình chính trị nhiều hàm nghĩa? Và nếu họ làm được, các thông tin và dữ kiện chính trị độc lập mà các phương tiện truyền thông mới cung cấp liệu có thể có những cuộc thâm nhập đủ sâu và đủ nhiều để tạo ra sự thay đổi trong các chế độ ở đó nhiều người dân vẫn là một loại đối tượng truyền thông bất đắc dĩ của các phương tiện truyền thông truyền thống do nhà nước điều hành?

Ngày nay, các chính thể độc tài đang chủ tâm cướp đoạt của hàng trăm triệu con người nhiều nguồn thông tin và nội dung phân tích xác thực và độc lập. Những nỗ lực hiện tại trong các bước quá độ dân chủ ở Bắc Phi và châu Á sẽ nói cho chúng ta biết nhiều về những triển vọng cải tổ các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát để dẫn đến sự thay đổi dân chủ. Khả năng và cách thức các phương tiện truyền thông truyền thống do nhà nước điều hành ngưng hoạt động và các phương tiện truyền thông mới phát triển bén rễ ở Ai Cập, Libya, Tunisia và Myanmar sẽ trở thành vấn đề tất yếu đối với vận mệnh dân chủ phổ rộng hơn của họ và đối với sự hiểu biết sâu rộng hơn về vấn đề này.

Thomas Jefferson tin rằng, nhu cầu sở hữu “nguồn thông tin toàn diện về các vấn đề của con người thông qua các kênh ấn phẩm công khai” vì một nền dân chủ lành mạnh sẽ tùy thuộc vào những người công dân có tri thức, mong muốn được tiếp cận với dòng chảy tư tưởng tự do và được luận bàn về những vấn đề có ý nghĩa dân sự quan trọng. Trái ngược hoàn toàn, chủ nghĩa độc tài thành danh lại lôi kéo báo chí về phe chính phủ (hoặc trên giấy tờ hoặc trên thực tế), và tồn tại bằng cách thu hẹp dòng chảy tư tưởng về hệ vấn đề quan trọng nhất nhằm đảm bảo rằng các công dân của họ vẫn giữ nguyên tình trạng thụ động do vô thức.

Người dịch: Bùi Hồng

Hiệu đính: Mai Chi

Nguồn: Christopher Walker & Robert W. Orttung – The role of State-Run Media, Journal of Democracy – January 2014. Vol.25, No.1

TN 2014 – 69

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s