Gần đây, việc Ấn Độ tích cực rêu rao thuyết về “bẫy nợ của Trung Quốc”, lôi kéo các nước tầm trung và nhỏ ở Nam Á, thắt chặt hợp tác kinh tế với Nhật Bản, Australia, châu Âu… ngoài tìm kiếm cơ hội phát triển của mình, cũng đang dần lộ rõ ý đồ kiềm chế Trung Quốc.
Làm thế nào để đánh giá chiến lược của Ấn Độ đối với Trung Quốc hiện nay? Xoay quanh vấn đề này, trang mạng Người quan sát (-) số ra mới đây đã đăng bài phỏng vấn Lưu Tông Nghĩa (+), Thư ký Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Đông Á thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:
(-): Ngày 11/5, Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Lý Cực Minh gặp gỡ Ngoại trưởng Bangladesh Abul Kalam Abdul Momen, hai bên một lần nữa cùng xác nhận không tồn tại cái gọi là “bẫy nợ của Trung Quốc” ở Bangladesh. Gần đây, ở một số nước như Sri Lanka, Nepal, Pakistan… xuất hiện những bất ổn về chính trị và kinh tế, trong khi Ấn Độ luôn rêu rao thuyết về “bẫy nợ của Trung Quốc”. Liệu sự tuyên truyền không có gì mới mẻ này còn được đón nhận ở Nam Á hay không?
(+): Sự tuyên truyền này vẫn rất được đón nhận ở Ấn Độ. Nó là một phần trong cuộc chiến thông tin của Ấn Độ và phương Tây nhằm vào Trung Quốc. Trong vấn đề này, Ấn Độ thậm chí đóng vai trò định hướng rất xấu, bởi thuật ngữ “chủ nghĩa đế quốc chủ nợ” do học giả người Ấn Độ Brahma Chellaney đưa ra. Sau khi bài viết này của ông xuất hiện, nó đã được lan truyền rộng rãi ở phương Tây, khơi mào cho trào lưu dùng “bẫy nợ” để bôi nhọ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Sự tuyên truyền này cũng được đón nhận ở một số nước ở Nam Á như Sri Lanka, Nepal và Pakistan. Vì một số phần tử trí thức ở những nước này chịu ảnh hưởng của phương Tây trong thời gian dài, nên họ thườn gkhông tranh luận nhiều về thông tin tuyên truyền do phương Tây đưa ra, hoặc một số người ở trong nước nhận tiền của phương Tây chuyên tìm cách phá hoại mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác.
Tình hình này đặc biệt nổi bật ở Nepal. Phần lớn các hãng truyền thông lớn của Nepal đều đã bị phương Tây thâu tóm. Có thông tin cho rằng quỹ đầu tư George Soros đã chi rất nhiều tiền để hoạt động ở Nepal. Do đó, trong vấn đề liệu Nepal có nên phê chuẩn thỏa thuận Kế hoạch thách thức thiên niên kỷ (MCC) gần đây, giới truyền thông của nước này hoặc là không đưa ra bình luận hoặc là nghiêng về phía Mỹ.
Trên thực tế, kiểu dư luận này cũng tồn tại ở Bangladesh, nhưng hoàn toàn không giống với các nước khác như Nepal, Bangladesh hiện không tồn tại cuộc khủng hoảng nợ. Hiện nợ nước ngoài của Bangladesh chiếm khoảng 13 – 14% GDP, tron khi đó nợ nước ngoài của Sri Lanka trong năm 2021 chiếm khoảng 119% GDP. Trong số các nước chủ nợ của Sri Lanka, khoản cho vay của Trung Quốc còn ít hơn của Nhật Bản, chỉ chiếm khoảng 9%.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, Bangladesh là nước có nền kinh tế phát triển nhất ở Nam Á, GDP bình quân đầu người trong năm 2021 đạt hơn 2000 USD, cao hơn cả Ấn Độ. Sở dĩ có được thành tựu này là do Bangladesh đã tìm ra được ngành thế mạnh của mình, đó chính là ngành sản xuất hàng may mặc.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị của Bangladesh tương đối ổn định, hai chính đảng lớn của nước này có lập trường nhất quán trong vấn đề thúc đẩy mở cửa kinh tế. Bất kể đảng nào lên cầm quyền đều tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy chính sách mở cửa và có tính kế thừa về chính sách mạnh mẽ. Điều này cũng khác với các nước khác ở Nam Á, ví dụ như Pakistan sau khi thay đổi chính quyền đã có sự thay đổi tương đối lớn về chính sách. Ngoài ra, vấn đề tôn giáo cực đoan ở Bangladesh cũng không nghiêm trọng, họ luôn kiên trì tuân theo xu hướng thế tục hóa, đây cũng là lợi thế phát triển của nước này.
Trước sự tác động của các yếu tố như tình hình dịch COVID-19, Mỹ tăng lãi suất và xung đột Nga – Ukraine, lợi thế của Bangladesh càng được thể hiện rõ hơn, cho nên nước này không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng như các nước Nam Á khác.
(-): Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia vào ngày 16/5, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết: “Hôm nay, Bộ Tài chính muốn tìm được 1 triệu USD cũng là một thách thức”. Tại sao Sri Lanka lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ và cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng như vậy?
(+) Đối với các nước Nam Á, nợ được chia làm hai loại chính: một là nợ sản xuất; hai là nợ tiêu dùng. Hai loại nợ này hoàn toàn không giống nhau. Như nợ của Bangladesh về cơ bản là nợ sản xuất và nó có thể tạo thành vòng tuần hoàn tốt, điều này có nghĩa là các khoản nợ của Bangladesh có thể được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề địa phương và thu được ngoại hối thông qua hoạt động sản xuất, làm như vậy mới có đủ tiền để trả nợ, sau đó tiền dư thừa sẽ được tích lũy.
Tình hình hiện tại ở Sri Lanka tương đối nghiêm trọng. Kể từ khi Chính quyền Mahinda Rajapaksa lên cầm quyền đến nay, các khoản nợ của Sri Lanka chủ yếu được sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Điều này chắc chắn đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, cho nên trong giai đoạn đó, nền kinh tế của Sri Lanka phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, tình hình tài chính của Sri Lanka xuất hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù là quốc gia đang phát triển, nhưng Sri Lanka cũng là nhà nước phúc lợi (nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy phúc lợi kinh tế và xã hội của công dân – ND). Trong vấn đề giáo dục và y tế, do người dân Sri Lanka không cần phải trả tiền, khiến ngân sách hàng năm của nước này thu không đủ chi, nên trong hoàn cảnh hiện tại điều này đã tạo ra gánh nặng rất lớn cho ngân sách của Sri Lanka.
Dưới tác động của dịch COVID-19, việc Mỹ tăng lãi suất và xung đột Nga – Ukraine, ngành du lịch, một ngành trụ cột khác của Sri Lanka, cũng bị tác động nghiêm trọng. Cộng thêm các yếu tố như lượng kiều hối của người lao động ở nước ngoài giảm mạnh, đồng tiền mất giá và giá dầu quốc tế tăng mạnh, cũng như ở trong nước thực hiện các chính sách sai lầm như cắt giảm thuế hoặc yêu cầu toàn bộ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất chè và gạo, làm cho sản xuất nông nghiệp sụt giảm. Tất cả những yếu tố này đã khiến Sri Lanka bùng nổ cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
(còn tiếp)
Nguồn: TLTKĐB – 28/06/2022