Trên thực tế, lý do khiến Ấn Độ tích cực tham gia Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là để hiện thực hóa chiến lược hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đây cũng chính là chiến lược trỗi dậy của Ấn Độ. Trong quá trình này, Ấn Độ cần phải có sự phối hợp và hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc, thực hiện sự dịch chuyển chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất trên toàn cầu từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán của Trung Quốc, Ấn Độ cho rằng thời cơ đã đến, vì vậy nước này đã tận dụng cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan để loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế. Tuy nhiên, Ấn Độ đã thúc đẩy chiến lược này được hơn hai năm nay và không đạt được kết quả gì, ít nhất là đến nay vẫn chưa đạt được kết quả rõ rệt nào. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay khiến Ấn Độ nhận thấy lại có cơ hội mới để tiếp nhận sự dịch chuyển ngành nghề, vì Ấn Độ tuyên bố rằng họ đã thoát khỏi dịch COVID-19, trong khi Trung Quốc đang bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh. Ấn Độ cho rằng trong 10 năm tới là thời kỳ phát triển kinh tế của Ấn Độ, nên họ tích cực tuyên truyền ở trong và ngoài nước.
Một cơ hội khác là do xung đột Nga-Ukraine. Do các nước phương Tây cho rằng Trung Quốc biết trước kế hoạch của Putin tấn công Ukraine và Trung Quốc với Nga là một bên, nên họ cũng đang tích cực định hướng dư luận thế giới để làm cho người dân các nước tin tưởng và nhận định này.
Điều này khiến Ấn Độ nhận thấy thời cơ đã đến. Tất nhiên, khi xung đột Ukraine-Nga nổ ra, Ấn Độ cũng rất lo lắng. Họ lo lắng cuộc xung đột này sẽ làm giảm sự tập trung của Mỹ đối với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chuyển sự đầu tư của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sang châu Âu, sau đó chỉ còn Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu lẫn nhau. GIới chiến lược Ấn Độ cho rằng điều này chắc chắn là một cơn ác mộng đối với Ấn Độ.
Để ngăn chặn tình huống này xảy ra, Ấn Độ đang tích cực tham gia hợp tác song phương và tiểu đa phương với một số nước như Nhật Bản, Australia để giữ chân Mỹ. Một số chiến lược gia ở Ấn Độ cũng tích cực thuyết phục Mỹ không nên vì xung đột Nga-Ukraine mà giảm sự chú ý đối với Trung Quốc, nhắc nhở người Mỹ rằng Trung Quốc với là kẻ thù lớn nhất của họ. Do đó, Ấn Độ hiện đang tăng cường hợp tác kinh tế thương mại nhiều hơn với Nhật Bản và Australia, tăng cường kết nối kinh tế và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng với các bên. Đồng thời, giữ chân Mỹ, không để Mỹ chuyển sự chú ý sang châu Âu.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tích cực phối hợp với các nước châu Âu. Một mặt, các nước châu Âu muốn Ấn Độ thay đổi lập trường trong vấn đề xung đột Nga-Ukraine, không nên tiếp tục mua nhiều dầu mỏ của Nga. Mặt khác, họ cũng muốn hợp tác với Ấn Độ để phát huy vai trò ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, do đó nhiều nhà lãnh đạo của các nước châu Âu đã tới thăm Ấn Độ. Sau đó, Modi cũng tích cực đến thăm châu Âu. Trong một thời gian ngắn, hai bên đã có sự tương tác rất tích cực.
Một mặt, Modi muốn giải thích trực tiếp với các nước châu Âu lý do khiến Ấn Độ có lập trường tương đối trung lập trong vấn đề Nga-Ukraine là vì nước này phụ thuộc nghiêm trọng vào vũ khí của Nga và sự tồn tại của mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Mặt khác, Modi cũng muốn nhân cơ hội này thuyết phục một số nước như Đức chuyển đầu tư và công nghệ từ Trung Quốc sang Ấn Độ, giúp Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, thay thế Trung Quốc.
Chúng ta có thể thấy trong các chuyến thăm của Modi đến Đức, Pháp và một số nước Bắc Âu gần đây, nhiều thỏa thuận đều xoay quanh công nghệ tiên tiến của các nước này, như năng lượng hydro, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo… Ngoài ra, còn có một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vũ khí quốc phòng, đây là động thái nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí của Nga.
Ấn Độ là nước láng giềng có tranh chấp lịch sử và biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, có vị trí địa lý quan trọng để kiểm soát các tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ Dương, là nền kinh tế kiểu mới và là quốc gia đang phát triển chỉ đứng sau Trung Quốc. Vị trí địa lý đặc biệt này và vị trí của Ấn Độ trong toàn bộ hệ thống quốc tế hiện hành đã khiến nước này trở thành đối tượng lôi kéo của các bên.
Hiện Ấn Độ vẫn duy trì thái độ hung hăng ở khu vực biên giới Trung – Ấn, vẫn hy vọng có thể dựa vào căng thẳng ở biên giới Trung – Ấn để kích động dư luận thế giới. Một mặt, nhằm giảm áp lực đối với Ấn Độ trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, đồng thời khiến phương Tây tin rằng Ấn Độ có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế và ngăn chặn Trung Quốc; mặt khác, Ấn Độ còn muốn lợi dụng hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp được tổ chức tại Trung Quốc đê gây sức ép với Trung Quốc nhằm đạt được lợi ích thiết thực.
Nguồn: TLTKĐB – 28/06/2022