Mỹ Latinh trước “vận mệnh hiển nhiên”- Phần đầu


Trang mạng Digital Question gần đây đăng bài viết của nhà báo người Uruguay Aram Aharonian, Chủ tịch Quỹ vì hội nhập Mỹ Latinh (FILA) và thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ Latinh (CLAE) về những vận động gần đây trong quan hệ Mỹ – Mỹ Latinh trong tình hình mới và những vấn đề trong bản chất của mối quan hệ này.

Mỹ luôn cố áp đặt một số phận mà họ cho là không thể tránh khỏi của Mỹ Latinh và Caribe, theo đó hai khu vực này là đồng minh của Mỹ do vị trí địa lý và đặc điểm thể chế, và đứng cùng hàng ngũ trong một trật tự thế giới mà Washington và các đồng minh Tây Âu tới nay vẫn bảo vệ, dựa trên lợi ích của chính các nước này, bản chất các thể chế họ lập ra và những giá trị “dân chủ” mà chính họ cổ vũ nhưng lại không làm theo.

Nên nhớ rằng Mỹ Latinh là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Mỹ và là đối tác thương mại có mức tăng trưởng nhanh nhất, đồng thời là nguồn cung chính cho cocaine và người nhập cư – cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những yếu tố này nhấn mạnh sự phát triển liên tục của mối quan hệ giữa 2 bên. Nhưng dường như những áp lực của riêng Mỹ giờ đây là không đủ và Washington phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh của mình trong NATO.

Trước nay, ảnh hưởng của Mỹ dựa trên sự bảo hộ các quyền lợi của doanh nghiệp nước này và lợi ích địa chính trị của Washington, cùng với chủ nghĩa can thiệp quân sự. Về mặt tư tưởng, nó dựa vào học thuyết “vận mệnh hiển nhiên”, trong đó cho rằng quá trình “thuộc địa hóa” và gây ảnh hưởng đến Mỹ Latinh phải do Mỹ tiến hành.

Lập luận của Mỹ luôn là áp đặt đối với các nước khác những luật lệ và cách diễn giải của riêng mình, về tự do và dân chủ. Mỹ rất tinh thông trong nghệ thuật biến những cuộc chiến chinh phục của mình thành những cách thức để thiết lập trật tự thế giới. NATO và Liên minh châu Âu luôn đặt các giá trị dân chủ và nhân quyền vào trọng tâm các diễn văn của họ. Mọi hành động được tiến hành, bào chữa, áp đặt, trên danh nghĩa của những giá trị này hay để bảo vệ chúng. Và bộ mặt khác của chúng luôn là can thiệp “nhân đạo”, cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố”, chống các chính phủ không đảm bảo nhân quyền, chống những “nhà nước tội phạm”. Tất nhiên tất cả là dựa trên cách nhìn của Mỹ.

Thế giới được phân chia rõ ràng thành 2 phe: Một bên là dân chủ, là chân lý, là những người tốt; bên kia là chủ nghĩa toàn trị, là những kẻ xấu xa. Kẻ thù là những kẻ toàn trị, bạn bè là những người ủng hộ dân chủ. Cách thức xác định ai thuộc phe nào mang nặng tính trừng phạt và được áp đặt như mô hình kỷ luật. Những nước nào không đi theo Mỹ sẽ là những nước độc tài, phát xít và là kẻ thù của tự do; còn những nước nào nghi ngờ, chỉ trích hoặc lên án Mỹ sẽ bị coi là những kẻ phản bội hay ngu ngốc.

Hành xử ngoại giao

Vào cuối tháng 5/2022, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cố vấn đặc biệt cho Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ Christopher Dodd đã tiếp kiến Tổng thống Argentina Alberto Fernández để đề nghị ông không vắng mặt trong hội nghị này và đưa ra “mồi nhử” rằng Biden rất nóng lòng gặp người đồng cấp Argentina.

Câu trả lời của Tổng thống Fernández là không ai mong muốn chiến thắng của Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hơn ông, vì người tiền nhiệm Donald Trump đã gây ra quá nhiều tổn hại cho khu vực, khi làm suy yếu Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) kể từ khi Tổng thư ký Luis Almagro được bổ nhiệm, như việc kiểm soát Ngân hàng phát triển liên Mỹ – thể chế tài chính này lần đầu tiên có một Chủ tịch người Mỹ thay vì một người Mỹ Latinh như truyền thống, vụ đảo chính tại Bolivia và mưu đồ tấn công quân sự Venezuela.

Nhưng ông cũng nói thêm rằng không ai sau đó thất vọng hơn ông, khi một năm rưỡi đã trôi qua nhưng Tổng thống Biden vẫn chưa sửa chữa được bất kỳ sai lầm nghiêm trọng nào trong số đó. Đây chính là lúc cuộc đối thoại đột ngột trở nên căng thẳng, khi Đại sứ Mỹ tại Argentina Marc Stanley xen vào chất vấn về cuộc gặp giữa Tổng thống Fernández và người đồng cấp Nga Vladimir Putin và nhấn mạnh rằng nước chủ nhà sẽ có quyền lựa chọn khách mời (liên quan tới việc Mỹ không mời Cuba, Venezuela và Nicaragua tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, điều làm dấy lên sự phản đối từ nhiều quốc gia Mỹ Latinh). Alberto Fernández đã đáp lại rằng Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ không phải là một bữa tiệc sinh nhật và rằng “không thể chấp nhận một sự can thiệp như vậy vào quan hệ giữa hai nước có chủ quyền”.

Đó là một ví dụ về cách hành xử điển hình của Mỹ tại Mỹ Latinh, ngay cả khi thế giới và châu lục đã bước sang những năm 2020, với đảng Dân chủ cầm quyền tại Mỹ và Argentina là một quốc gia có tầm ảnh hưởng đáng kể tại Nam Mỹ.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 28/06/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s