Mỹ Latinh trước “vận mệnh hiển nhiên”- Phần cuối


“Dân chủ” co dãn

Thông qua tivi hay các thiết bị kỹ thuật số khác, mọi người thường xuyên tiếp nhận những lời bào chữa đầy nhiệt huyết cho các cuộc chiến nhân danh nhân quyền và hòa bình. Trong ký ức của nhiều người, những cuộc chiến tại Nam Tư, Afghanistan, Iraq đều có chung hình ảnh về các nhà nước tội phạm bị dẹp bỏ, chứ không phải những nạn nhân của xâm lược và chiến tranh địa chính trị để tước đoạt tài nguyên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tự trao cho mình quyền tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để lên lớp những người đồng cấp mình trên toàn thế giới về dân chủ và những kẻ thù của nó, trong khi những hình ảnh về vụ hỗn loạn tại đồi Capitol hôm 6/01/2021 vẫn còn mới và nhân vật cánh hữu Robert Kagan tuyên bố trên tờ Washington Post rằng Mỹ sắp rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp sâu sắc, khiến nền dân chủ lâm nguy và gây ra nguy cơ nội chiến.

Tiếp đó, Biden tổ chức một hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, nhưng lại không muốn mời 3 quốc gia là Cuba, Venezuela, và Nicaragua. Những gì diễn ra hôm nay chỉ đơn giản là một phần của một lịch sử dài đầy rẫy những cuộc chiến và nền ngoại giao sử dụng sức mạnh của Mỹ tại khu vực, những lần Mỹ công nhận các chế độ độ tài tại Mỹ Latinh (như Trujillo, Somoza, Batista, Pérez Jiménez, Pinochet, Videla, Stroessner, Duvalier cùng nhiều ví dụ khác), cũng như những lần lật đổ các chính phủ hợp hiến và dân chủ (như Jacobo Arbenz tại Guatemala, Joao Goulart tại Brazil, Salvador Allender tại Chile, Manuel Zelaya tại Honduras và Evo Morales tại Bolivia), chưa kể những âm mưu bất thành nhắm vào các lãnh đạo khác (Fidel Castro tại Cuba,Hugo Chávez và Nicolás Maduro tại Venezuela).

Chính phủ Mỹ và các tập đoàn phục vụ họ là những tác nhân khuyến khích các nền độc tài hữu khuynh đẫm máu tại khu vực kể từ thế kỷ XIX, và cũng tạo ra nỗi ám ảnh về “chủ nghĩa cộng sản” cũng như hiện trạng xã hội khó khăn tại Cuba và Venezuela. Giọng điệu khi đề cập tới 2 quốc gia này vẫn được giữ nguyên từ thời Chiến tranh Lạnh, và một ví dụ điển hình về việc kích động tư tưởng đó là việc Thống đốc bang Florida mới đây đã phê chuẩn một đạo luật tiểu bang cho phép giảng dạy về những “nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản” trong các trường học.

Mới đây, Mỹ cũng vừa tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo đánh giá của tạp chí Economist, hiệp hội này bao gồm các “nền dân chủ khiếm khuyết” là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, các “chính phủ toàn trị” là Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Lào, cùng một vương triều Hồi giáo chuyên chế là Brunei. Thông cáo của Nhà Trắng về sự kiện này chỉ liệt kê các dự án mà hai bên đã và sẽ thực hiện, mà không đả động tới đề tài “dân chủ”. Một lần nữa, Washington cho thấy giá trị thực sự mà họ theo đuổi chỉ là lợi ích, vì việc sắm vai “bên bảo vệ nền dân chủ” lúc này là không khôn ngoan. Biden chỉ có thể cam kết đầu tư 150 triệu USD vào hạ tầng, an ninh và cuộc chiến lại đại dịch COVID-19 cho các đối tác trên, chỉ bằng 1/10 cam kết tương tự trước đó của Bắc Kinh với ASEAN.

Khi châu Âu lên tiếng

Hồi đầu tháng 5/2022, tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã diễn ra một cuộc họp cấp cao của Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF) với chủ đề “Củng cố quan hệ giữa 2 bờ Đại Tây Dương”.

Tại đây, Tổng thư ký của Tổ chức Iberia-Mỹ Latinh Andres Allmand – một chính trị gia cực hữu người Chile từng tham gia sáng lập và làm chủ tịch Phong trào đoàn kết và đổi mới dân tộc – đã kêu gọi châu Âu và Mỹ Latinh cần củng cố “giao thoa chiến lược” của mình. Cuộc chiến tại Ukraine khiến cho Mỹ Latinh trở thành khu vực thiết yếu để thỏa mãn “những nhu cầu của châu Âu về năng lượng, nguyên liệu và lương thực”. José Juan Ruiz, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hoàng gia Elcano của Tây Ban Nha, nhấn mạnh rằng những thách thức hiện tại mang đặc điểm “cuộc cuộc đấu tranh giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài” và nhắc nhở rằng Mỹ Latinh “thuộc về trật tự thế giới mà châu Âu và Mỹ bảo vệ, dựa trên nền tảng các lợi ích, tính chất đặc thù của các thể chế và các giá trị”. Một điểm nhấn của hội nghị là việc Đại sứ Mỹ tại Tây Ban Nha, Julissa Reynoso, được mời phát biểu và đã đề cao “khái niệm về dân chủ mà Mỹ Latinh và châu Âu chia sẻ”.

Rõ ràng trong cuộc thảo luận này, đề tài xuyên suốt chính là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh: những người tham gia đều thể hiện rõ mối lo ngại trước dòng đầu tư gia tăng liên tục của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và Caribe, điều mà theo họ gây nguy hiểm cho những giá trị và nền dân chủ tại khu vực này, cũng như quan hệ với châu Âu. Như vậy, trong nỗ lực kiềm chế vị thế của Trung Quốc tại Mỹ Latinh, giờ đây Mỹ quay lại sử dụng châu Âu.

Đại sứ Julissa Reynoso, một người gốc Cộng hòa Dominica, bạn của Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và từng nhận học bổng của quỹ Soros, đã lấy làm tiếc về tình trạng đối thoại thưa thớt giữa Mỹ và Mỹ Latinh. Có lẽ nhà ngoại giao này đã bỏ qua thực tế rằng cuộc đối thoại đó đã bị thay thế bởi cuộc đối thoại của Nhà Trắng từ vài năm qua, với việc các chính quyền Mỹ liên tiếp áp đặt các lợi ích và điều kiện của mình.

Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất giữa Mỹ và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) diễn ra từ tháng 6/2015, nhưng ngay trước đó, Washington đã nỗ lực phá hoại các sáng kiến hội nhập và hợp tác nội khối trong khu vực Mỹ Latinh, điển hình như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ *Unasur) và chính bản thân CELAC. Chính tình thế xa cách này đã được Trung Quốc tận dụng, và quốc gia đông dân nhất thế giới hiện đã vượt Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ Latinh, chỉ sau Mỹ.

Như vậy, thông điệp trong hội nghị cấp cao của CAF khá đơn giản: trên danh nghĩa các “giá trị” gắn kết khu vực này với châu Âu, Mỹ Latinh cần phải bước vào cuộc chiến “giữa các nền dân chủ và các thể chế độc tài” và cân nhắc lại quan hệ với Trung Quốc như một yếu tố chống lại các giá trị và thể chế của khu vực. Có thể hiểu đây là thông điệp mà những diễn đàn và hội nghị mang tính khu vực, châu lục hay liên khu vực như CAF sẽ phát đi trong giai đoạn này.

Với Mỹ Latinh, một hình thái “chiến tranh lạnh” mới như giữa Mỹ và Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích, mà sẽ khiến khu vực này bị chia rẽ do sức ép từ bên ngoài và tầm nhìn ngắn hạn của lãnh đạo nhiều nước trong khu vực, do đó khiến Mỹ Latinh lại trở thành tiêu điểm của cạnh tranh giữa các cường quốc. Để tránh bị lừa dối, Mỹ Latinh cần thực sự hội nhập thành một mặt trận thống nhất trong một thế giới đa cực và ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn, và áp dụng chính sách chủ động không liên kết để bảo vệ người dân và các nền kinh tế của mình trước những xung đột không liên quan tới lợi ích của mình.

Nguồn: TLTKĐB – 28/06/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s