Thao túng dư luận để bôi nhọ chính sách Biển Đông của Trung Quốc
Thổi phồng dư luận là một biện pháp quan trọng để Mỹ thao túng vấn đề Nam Hải. Mỹ đang nỗ lực sử dụng biện pháp này để hạ thấp hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, chia rẽ mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc, đồng thời nâng cao tính pháp lý của việc Mỹ can dự vào tình hình ở Nam Hải. Sau khi lên nắm quyền, Biden đã nhanh chóng coi phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài là tiêu điểm để đưa vấn đề Biển Đông trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trong dư luận quốc tế. Biden và các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Tony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã nhiều lần nhắc lại lập trường ủng hộ phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài và hướng trọng tâm xung đột an ninh trên Nam Hải sang Trung Quốc. Tháng 01/2022, Cục Đại dương, môi trường quốc tế và các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành “Báo cáo số 150 về các ranh giới biển” liên quan đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải. Các tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ và các báo cáo liên quan của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp tư liệu cho giới truyền thông Mỹ tiếp tục thổi phồng vấn đề Nam Hải. Trong 9 tháng nắm quyền đầu tiên của Biden, có ít nhất 254 phương tiện truyền thông ở Mỹ đã tham gia vào việc thổi phồng dư luận về vấn đề Nam Hải, với 3527 tin bài có liên quan.
Lợi thế về quyền phát ngôn quốc tế đã tạo điều kiện cho Chính quyền Biden xây dựng bầu không khí dư luận có lợi cho Mỹ. Theo thống kê của giới báo chí, kể từ khi Biden lên nắm quyền, 5 chủ đề lớn về vấn đề Nam Hải được quốc tế đưa tin vẫn là các chủ đề liên quan trực tiếp đến yêu sách của Trung Quốc ở Nam Hải như “đường 9 đoạn”, “tự do hàng hải”, “quân sự hóa”, “luật pháp quốc tế” và “hoạt động xây dựng các đảo và đá”. Trong 9 tháng đầu tiên Biden cầm quyền, các phương tiện truyền thông quốc tế đã trích dẫn và đăng lại tới 7060 bài báo liên quan đến Nam Hải của các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây như Reuters, The Associated Press, Deutsche Presse Presse, AFP, The New York Times, The Washington Post, CNN, BBC, Australian Broadcasting Corporation (ABC) và các kênh truyền thông mạng xã hội như Twitter và Facebook, nhiều gấp 5, 6 lần so với 1251 bài báo được truyền thông Trung Quốc trích dẫn và đăng lại. Việc quan điểm của Mỹ chiếm vị trí chủ đạo trong các bản tin quốc tế về vấn đề Nam Hải và các lập trường liên quan khác bị gạt bỏ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách Nam Hải của Chính quyền Biden.
Chính sách Biển Đông của Mỹ khuấy đảo tình hình khu vực
Chính sách Nam Hải (Biển Đông) của Chính quyền Biden đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nam Hải cũng như mối quan tâm của các nước xung quanh về an ninh khu vực, gây căng thẳng cho tình hình an ninh khu vực. Trong bối cảnh các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Pháp và Đức có sự hồi âm tích cực, còn các nước như Philippines, Việt Nam và Indonesia có sự chuyển biến tiêu cực và thái độ đối với vấn đề Nam Hải, các chính sách liên quan của Chính quyền Biden đã mang lại những bất ổn mới cho tình hình Nam Hải vốn đã ổn định.
Tác động của quân đội Mỹ đối với an ninh khu vực Biển Đông
Các hành động khiêu khích, các cuộc tập trận quân sự dày đặc và “hoạt động tự do hàng hải” cảu quân đội Mỹ ở Nam Hải trực tiếp nhắm vào Trung Quốc đã gây sức ép rất lớn lên tình hình an ninh ở Nam Hải. Việc Mỹ lôi kéo các nước trong và ngoài khu vực liên tục tiến hành các cuộc tuần tra và tập trận ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc sẽ khiến môi trường an ninh khu vực xấu đi, làm trầm trọng thêm tình hình chạy đua vũ trang và làm gia tăng những khó khăn về an ninh trong khu vực. Bên cạnh đó, các nước ngoài khu vực như Mỹ đã giúp các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Nam Hải nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật và phòng vệ như lực lượng Cản sát biển, giúp họ nâng cao năng lực tuần tra và giám sát trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế thông qua đào tạo, huấn luyện, tập trận giao lưu và các hoạt động chung, khiến các bên tuyên bố chủ quyền tự tin hơn trong vấn đề xâm phạm quyền lợi biển.
Điều đáng chú ý là Chính quyền Biden ngày càng coi trọng việc “lợi dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc”, không ngừng đẩy mạnh hợp tác chính trị và quốc phòng với Chính quyền Đài Loan, đồng thời coi việc kiểm soát Nam Hải là biện pháp quan trọng để “bảo vệ” Đài Loan. Nhật Bản từ trước đến nay luôn có ý đồ lợi dụng tình hình căng thẳng ở Nam Hải để giảm bớt sức ép ở biển Hoa Đông, đã nhiều lần cử tàu chiến và máy bay đến Nam Hải để tuần tra hoặc tham gia các cuộc tập trận quân sự địa phương. Dưới sự thúc đẩy chung của Mỹ và Nhật Bản, tình hình ở Nam Hải, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan có thể cùng lúc nóng lên, làm gia tăng các nhân tố bất ổn cho an ninh của toàn bộ Đông Á.
Sức ép của việc nhiều nước ngoài khu vực gia nhập liên minh chính sách của Mỹ đối với an ninh khu vực Biển Đông
Lôi kéo các nước ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Nam Hải là biện pháp quen thuộc của Mỹ. Cùng với việc các cơ chế Bộ tứ bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ được củng cố, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ là những nước đầu tiên đi theo chính sách Nam Hải của Mỹ. Mỹ và Nhật Bản có lợi ích chiến lược chung trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả hai nước đều ủng hộ “tự do hàng hải” và “phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông”, đồng thời phản đối các yêu sách và Luật hải cảnh của Trung Quốc ở Nam Hải. Sau khi Biden lên nắm quyền, phạm vi tập trận quân sự Mỹ – Nhật đã mở rộng đến quần đảo Điếu Ngư. Đáp lại, trong chuyến thăm Mỹ, Yoshihide Suga bày tỏ ủng hộ “Hoạt động tự do hàng hải” của Mỹ ở Nam Hải và phản đối “những yêu sách và hành động đi ngược lại trật tự quốc tế ở Nam Hải” Australia là nước tiên phong đi theo chính sách Nam Hải của Mỹ. Dưới sự tác động của các quan chức chính phủ “thân Mỹ chống Trung Quốc”, Hải quân Australia đã đi qua Nam Hải 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 5/2021. Paul Dibb, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Australia, nói rằng Australia cần phải chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về quân sự có thể xảy ra ở Nam Hải; Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ra một tuyên bố chung bày tỏ hết sức quan ngại về việc “các đảo và đá đang tranh chấp ở Nam Hải tiếp tục bị quân sự hóa và các mối đe dọa an ninh khu vực liên quan”. Tháng 8/2021, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông báo cử một đội đặc nhiệm gồm 4 tàu chiến đến Nam Hải trong hai tháng để tập trận quân sự với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Anh, Pháp, Đức là những nước tiếp theo đi theo chính sách Nam Hải của Mỹ. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã tạo ra cái cớ để các nước châu Âu can thiệp vào an ninh khu vực Nam Hải. Sau khi Biden lên nắm quyền, Anh đã đưa ra báo cáo với tiêu đề “NƯớc Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh: Đánh giá toàn diện về an ninh, quốc phòng, phát triển và chính sách đối ngoại”, trong đó 27 lần đề cập đến cạnh tranh với Trung Quốc, từng bước thể hiện rõ chính sách can thiệp vào an ninh Nam Hải, đồng thời thông báo rằng Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã được điều động đến Nam Hải vào tháng 7/2021 để phô trương sức mạnh. Pháp đã công bố “Báo cáo chiến lược quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, trong đó nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ “hợp tác toàn diện” với Việt Nam, đồng thời đã cử tàu chiến đến vùng biển Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) ít nhất 12 lần trong nửa đầu năm 2021. Đức luôn tỏ ra tương đối thận trọng trong vấn đề Biển Đông, nhưng dưới sức ép của Mỹ cuối cùng cũng cử các tàu chiến mang tính tượng trưng đến tuần tra ở Nam Hải.
Dưới sự tác động của các nước như Mỹ, Anh và Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng bắt đầu can thiệp vào các vấn đề an ninh của Nam Hải. Sau khi tuyên bố chung về tình hình ở Nam Hải lần đầu tiên được ban hành vào năm 2019, tháng 4/2021, EU đã một lần nữa cùng lên tiếng chỉ trích sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu gây nguy hại cho hòa bình và ổn định ở Nam Hải, đồng thời cực lực phản đối “hành động đơn phương vi phạm quy tắc trật tự quốc tế”. Đồng thời, “Báo cáo chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU” do Hội đồng Đối ngoại EU ban hành cũng khẳng định tầm quan trọng trong việc triển khai lực lượng hải quân của các nước châu Âu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác quốc phòng và cùng giải quyết các thách thức an ninh quốc tế như an ninh hàng hải. Tháng 5/2021, tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng nhóm G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan, nhấn mạnh tầm quan trọng của “phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông”, và đưa vấn đề Nam Hải vào phạm vi cần quan tâm của chính sách. Chịu sự tác động của Mỹ, các nước như Nhật Bản, Australia, Canada, Anh và Pháp khi cử tàu chiến và máy bay đến tuần tra trên Nam Hải còn cố tình đi qua eo biển Đài Loan.
(còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (TQ)
TLTKĐB – 24, 25, 26/06/2022