Những thay đổi tiêu cực trong chính sách Biển Đông của một số nước ASEAN
Philippines là đồng minh trung thành với chính sách Nam Hải của Mỹ trong thời kỳ Obama. Sau khi Biden lên nắm quyền, các lực lượng trong Philippines, vốn dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để tranh giành quyền lợi ở Nam Hải, đã hoạt động tích cực hơn nữa. Tháng 2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng trong bối cảnh Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với một khu vực rộng lớn ở Nam Hải, thì Mỹ chính là lực lượng đối trọng hiệu quả với Trung Quốc; Thượng nghị sĩ Philippines Richard J. Gordon nói bóng gió Trung Quốc là “lực lượng không thân thiện” khi tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển và tài nguyên của Philippines, lên tiếng rằng ngư dân Philippines đang bị đe dọa, ức hiếp và Philippines cần sự giúp đỡ của Mỹ. Sự trỗi dậy của các lực lượng thân Mỹ trong chính trường Philippines đã gây ra các hiệu ứng chính trị-xã hội, truyền thông Philippines không ngừng chỉ trích chính sách Nam Hải của Duterte. Trong sự cố ở đá Ba Đầu, 9 tổ chức phi chính phủ đứng đầu là Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines đã ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc dừng hành vi “khiêu khích”. Các quan chức cấp cao, bao gồm cả phó tổng thống và một số thượng nghị sĩ Philippines đã lên tiếng phản đối chính sách Nam Hải của Trung Quốc. Cùng với sự thay đổi thái độ của Philippines đối với vấn đề Nam Hải, chính sách Nam Hải của Philippines dựa trên nền tảng là chính sách ngoại giao thân thiện đối với Trung Quốc của Duterte đã suy yếu đáng kể.
Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách Nam Hải của Việt Nam nhìn chung đã chuyển sang hướng ổn định và thực dụng, nhưng vẫn tiếp tục chiến lược dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Song song với việc duy trì ổn định quan hệ ngoại giao Trung-Việt, Việt Nam cũng tích cực hùa theo chính sách Nam Hải của Chính quyền Biden. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hai lần công khai tuyên bố “hoạt động tự do hàng hải” của tàu chiến Mỹ và châu Âu ở Nam Hải đã góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển này. Tháng 6/2021, tại Hội nghị lần thứ 31 cảu các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý đã kêu gọi tất cả các bên không lựa chọn các hành động đơn phương có thể làm phức tạp thêm tình hình. Kể từ đó, tại một loạt cuộc họp ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng phong trào không liên kết, Việt Nam thường xuyên bày tỏ quan điểm về vấn đề Nam Hải, có thái độ ngày càng cứng rắn đối với một số vấn đề nhạy cảm. Tháng 8/2021, tại phiên thảo luận mở cấp cao tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Tăng cường an ninh hàng hải”, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu về vấn đề Nam Hải, nhắc lại quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, chĩa mũi dùi vào Trung Quốc. Xét các yếu tố như số lượng quan chức cấp cao Việt Nam thân Trung Quốc ngày càng giảm do tuổi tác cao, sức ép từ mô hình phát triển kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng của Việt Nam đối với nhu cầu tài nguyên dầu khí ở Nam Hải, lợi thế đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, thặng dư thương mại và thâm hụt thương mại Trung-Việt, Mỹ-Việt…, thì trong trường hợp rủi ro có thể kiểm soát, Việt Nam vẫn có khả năng ngả về phía Mỹ.
Indonesia là một trong những nước chủ động tiếp nhận ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ trong vấn đề Nam Hải. Trong chuyến thăm đến Indonesia, Blinken đã xác nhận hợp tác an ninh song phương, vai trò lãnh đạo của Indonesia trong ASEAN và địa vị trụ cột của Indonesia trong trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời ủng hộ việc Indonesia đối đầu với Trung Quốc, điều này đã khiến chính sách an ninh của Nam Hải của Indonesia xuất hiện những thay đổi nhỏ. Tháng 8/2021, Mỹ và Indonesia đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên “Garuda Shield” với quy mô chưa từng có tại khu vực Nam Sumatra, Đông Kalimantan và Bắc Sulawesi. Đồng thời, đáp lại công hàm ngoại giao của Trung Quốc yêu cầu Indonesia ngừng khoan thăm dò ngoài khơi, thành viên Ủy ban an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Indonesia Muhammad Farha nói: “Câu trả lời của chúng tôi rất kiên định, chúng tôi sẽ không ngừng khoan vì đó là chủ quyền của chúng tôi”.
Những hạn chế mà Mỹ phải đối mặt khi thao túng tình hình ở Biển Đông
Chính sách Nam Hải (Biển Đông) của Chính quyền Biden dựa trên nền tảng “tự do hàng hải” ở Nam Hải, với liên minh chính sách bao gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức, với điểm đột phá địa chiến lược là các nước xung quanh Nam Hải, dựa vào lợi thế về dư luận quốc tế để gây sức ép đối với Trung Quốc. Nhìn bề ngoài, chính sách Nam Hải của Chính quyền Biden đã tập hợp lực lượng từ nhiều quốc gia và trên nhiều lĩnh vực như an ninh quân sự, quan hệ quốc tế và quyền phát ngôn quốc tế. Trên thực tế, chính sách với ý đồ chi phối an ninh khu vực Nam Hải này không chỉ thiếu tính pháp lý chính sách tối thiểu và không thể đưa cấu trúc an ninh Nam Hải trở lại trạng thái Chiến tranh Lạnh, mà còn vấp phải sự phản đối của các nước Đông Nam Á khi chạm vào “lằn ranh đỏ” của an ninh khu vực.
Thiếu sót về pháp lý của các nước ngoài khu vực khi can thiệp vào Biển Đông
Chính sách của Chính quyền Biden lấy lý do “tự do hàng hải” để định hình lại cục diện an ninh ở Nam Hải, chủ yếu là nhằm xây dựng một liên inh địa an ninh chống lại Trung Quốc để duy trì vị trí bá chủ thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ với tư cách là một quốc gia châu Mỹ, mà lại yêu sách quyền lợi tại châu Á – phía bên kia bán cầu, là thiếu tính chính danh. Do đó, bất kể dưới thời Obama hay Biden, cái gọi là “hoạt động tự do hàng hải” ở Nam Hải chỉ có thể tìm thấy tính chính danh với lý do “bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” và “thúc đẩy trật tự thế giới tốt đẹp hơn”. Tuy nhiên, mặc dù tần suất và cường độ “hoạt động tự do hàng hải” của Chính quyền Biden ở Nam Hải lớn hơn nhiều so với trước đây, nhưng lý do vẫn là những cái cớ ngụy tạo như “Trung Quốc đe dọa an ninh và tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa”. Cái lý do mà Mỹ có thể “tùy tiện bôi nhọ, đàn áp, ép buộc và uy hiếp các nước khác mà không phải trả bất kỳ cái giá nào” này thực sự quá khiên cưỡng, đến mức các học giả phương Tây cũng khó đồng tình. Các phân tích khách quan từ các nước phương Tây cho rằng có sự khác biệt giữa quy tắc hàng hải ở một số nước xung quanh Nam Hải và nguyên tắc tự do hàng hải do Mỹ khởi xướng. Hoạt động tự do hàng hải theo định nghĩa của luật quốc tế cũng không cho phép Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự hàng hải gần như không giới hạn; hoạt động tự do hàng hải của Mỹ phải dựa trên luật pháp quốc tế, nếu không, hoạt động đó sẽ trở nên vô nghĩa. Vì vậy, cái gọi là “hoạt động tự do hàng hải” do Mỹ tiến hành hiện nay chỉ là thể hiện với Trung Quốc quan điểm của Mỹ trong vấn đề Nam Hải và chứng tỏ cam kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực, chứ không dám phát động một cuộc tấn công quân sự thực sự nhằm vào Trung Quốc, cũng không có lợi cho việc xây dựng một trật tự khu vực tốt đẹp hơn.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (TQ)
TLTKĐB – 24, 25, 26/06/2022