Philippines dừng đàm phán về thăm dò năng lượng với Trung Quốc ở Biển Đông


Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 23/6 cho biết, đàm phán về khả năng thăm dò khai thác năng lượng chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đã chấm dứt do “những giới hạn của Hiến pháp và các vấn đề về chủ quyền”.

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Locsin nêu rõ mục tiêu của Philippines trong việc thăm dò khai thác nguồn dự trữ năng lượng ngoài khơi không thể đạt được nếu phải đánh đổi bằng chủ quyền quốc gia. Ông không giải thích chi tiết quyết định này. Đàm phán lần này xoay quanh tài sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Philippines và Trung Quốc đã tranh cãi về chủ quyền biển trong nhiều thập kỷ. Năm 2018, hai bên cam kết cùng nhau thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, bất chấp việc Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khu vực này. Phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin về quyết định ngừng đàm phán với Trung Quốc có đoạn: “Chúng tôi đi xa nhất có thể về mặt Hiến pháp. Chúng tôi đã đến sát mép vực và chỉ tiến thêm một bước thôi là rơi vào khủng hoảng Hiến pháp. Ba năm đã trôi qua và chúng tôi chưa đạt được mục tiêu phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí rất quan trọng đối với Philippines, nhưng không thể vì thế mà phải trả giá bằng chủ quyền; thậm chí 1 ly cũng không”.

Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh: “Điều này giải thích cho sự thoái lui đột ngột từ phía Philippines. Việc đàm phán đã phải dừng lại sau 3 năm làm việc cùng nhau rất chân thành và nỗ lực từ phía Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và tôi. Cả hai chúng tôi đều đã cố gắng đi xa nhất có thể – tính đến cả các mong muốn của Trung Quốc và các giới hạn Hiến pháp của Philippines. Mọi chuyện đã phải dừng lại”.

Ông khẳng định trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia hiện thuộc về chính quyền mới, đồng thời nhấn mạnh: “Việc từ bỏ bất kỳ phần nào thuộc chủ quyền của Philippines không phải là một lựa chọn. Không phải tình cảm; không phải vì tiền”. Nhà ngoại giao đầu của Philippines, được trang mạng Inquirer dẫn lời khẳng định rằng việc “2 nước có bất đồng không đồng nghĩa với việc họ mâu thuẫn trên mọi phương diện”. Không có quyết định về vấn đề nêu trên được đưa ra khi nào.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa phản hồi yêu cầu bình luận về sự kiện này.

Philippines, quốc gia chủ yếu dựa vào nhập khẩu nhiên liệu, đã gặp khó khăn khi cố tìm kiếm các đối tác nước ngoài giúp khai thác nguồn năng lượng ngoài khơi do vướng vào các tranh cãi chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc. Việc Philippines và Trung Quốc cam kết sẽ làm việc cùng nhau một phần là do mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều chuyên gia từng hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận này do tính chất nhạy cảm về chính trị, cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc chia sẻ tài nguyên năng lượng đều có thể được coi là động thái hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền của phía bên kia hoặc từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Ngoại trưởng Locsin cho biết chính Tổng thống Duterte đã quyết định hủy các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề này: Ông nói: “Tổng thống đã lên tiếng… các cuộc thảo luận về dầu khí đã chấm dứt hoàn toàn… mọi thứ đã kết thúc”.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin cho thấy 2 bên đã rơi vào tình thế bế tắc. Ông nói: “Chúng ta có những hạn chế về mặt Hiến pháp với việc khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí ngoài khơi. Điều quan trọng nhất là mọi hoạt động phát triển dầu khí đều phải diễn ra với sự giám sát toàn diện và kiểm soát của nhà nước, bởi đó là tài nguyên của chúng ta”. Ông cũng cho rằng lợi nhuận phân chia cho Philippines phải lớn hơn mới là điều hợp lý.

Tháng 4/2022, Bộ Năng lượng Philippines (DOE) đã ra lệnh đình chỉ các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Tây Philippines. Yêu cầu được đưa ra một tháng sau khi Tổng thống Duterte, trong một bài phát biểu trước công chúng, cho biết nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận thăm dù chung với Bắc Kinh để tránh xung đột, và một nhân vật nào đó “từ Trung Quốc” đã nhắc nhở ông về điều này khi biết về các hoạt động theo kế hoạch của các công ty khác trong khu vực. Ông Duterte nói thêm rằng chính nhân vật này cũng cảnh báo ông rằng Bắc Kinh sẽ điều động binh sĩ đến Biển Tây Philippines nếu nước này triển khai quân đội trong khu vực.

Yêu cầu của DOE đã chấm dứt “tất cả các hoạt động thăm dò” theo Hợp đồng Dịch vụ 72 và 75 – hai địa điểm ngoài khơi tỉnh Palawan trước đó từng được chính phủ xác định là các khu vực có thể xúc tiến hoạt động thăm dò năng lượng chung với Bắc Kinh – trong khi chờ đợi thông tin từ Cơ quan Điều phối An ninh, Công lý và Hòa bình sau khi cơ quan này nhắc đến “các tác động chính trị, ngoại giao và an ninh quốc gia của bất kỳ hoạt động nào ở Biển Tây Philippines”. Tập đoàn Năng lượng PXP và công ty con Forum – được chính phủ thuê để tiến hành các hoạt động thăm dò – đã phải tuyên bố dừng hoạt động do điều kiện bất khả kháng, cho biết lệnh đình chỉ ngăn cản họ “thực hiện các nghĩa vụ của mình”.

Theo các nhà chỉ trích, Trung Quốc đã đe dọa các bên tranh chấp ở Biển Đông, vốn đang tiến hành các hoạt động thăm dò năng lượng, nhằm gây áp lực buộc họ phải chấp nhận các thỏa thuận phát triển chung.

Nguồn: TKNB – 27/06/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s