Theo trang mạng worldbank.org của tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/9, tuần này, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên trên khắp Việt Nam bước vào năm học mới. Sau thời gian học tập bị gián đoạn, hy vọng rằng năm học mới sẽ tạo cơ hội cho học sinh bắt kịp, tiếp tục xây dựng nền tảng kỹ năng và kiến thức để giúp các em thành công. Hơn bao giờ hết, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng bằng cách thu hẹp khoảng cách giáo dục.
Về cơ bản, học tập trong đại dịch COVID-19 rất khác nhau giữa các nhóm dân số khi các hộ gia đình nghèo có khả năng tiếp cận với học tập trực tuyến kém hơn các hộ gia đình giàu có. Ngay cả trong số các hộ đã được kết nối kỹ thuật số thì việc học ở nhà cũng gặp khó khăn và mất tập trung.
Giáo dục là chìa khóa để tạo ra nguồn nhân lực tốt hơn, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong chặng đường phát triển tiếp theo của Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến lớn trong cải thiện chất lượng giáo dục, vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng và sự chênh lệch lớn giữa các nhóm kinh tế-xã hội liên quan đến việc hoàn thành giáo dục, chất lượng giáo dục cho trẻ em và mức chi tiêu của các hộ gia đình cho giáo dục.
Tỷ lệ hoàn thành trình độ học vấn của trẻ em ở các hỗ nghèo nhất thấp hơn nhiều so với trẻ em ở các hộ giàu nhất. Đến năm 19 tuổi, chỉ 1/5 số học sinh thuộc nhóm 20% dân số nghèo nhất vẫn còn đi học, so với con số 80% của nhóm 20% dân số giàu nhất.
Sự bất bình đẳng vẫn tồn tại giữa các sắc tộc và khu vực khi các dân tộc thiểu số thường bị tụt hậu về trình độ học vấn. Trong khi đó, tỷ lệ nhập học trung học cơ sở ở khu vực nông thôn thấp hơn gần 15 điểm phần trăm so với khu vực thành thị (76% so với 90%).
Các khu vực địa lý cũng có sự chênh lệch: trong thập kỷ qua, trẻ em ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên liên tục có kết quả học tập thấp hơn, dù khoảng cách giữa các vùng đang dần được thu hẹp. Những khu vực này vẫn có tỷ lệ nhập học trên thực tế thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học cao và chậm tiến bộ giữa các cấp học.
Chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục cũng chênh lệch rất lớn giữa các hộ gia đình giàu và hộ nghèo ở Việt Nam. Ngay cả ở các cấp học bắt buộc là giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, chi tiêu cho các lớp học thêm ở nhóm hộ giàu nhất cao gấp 5, 6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất. Các hộ gia đình người Kinh chi tiêu cho con cái đi học thêm nhiều gấp 7 lần so với các hộ dân tộc thiểu số. Sự chênh lệch này có thể do thu nhập hộ gia đình thấp hơn, ít có lớp học thêm ở các vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và chi phí cơ hội cho việc đưa trẻ đến trưởng cao hơn.
Sự chênh lệch trong chi tiêu giáo dục giữa các nền tảng gia đình cũng dẫn đến sự khác biệt trong việc hoàn thành giáo dục, do đó ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế trong tương lai, có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.
Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp chênh lệch. Các hộ gia đình khó khăn không thể tự thu hẹp chênh lệch đầu tư cho giáo dục. Sự chênh lệch trong việc hoàn thành giáo dục và kết quả học tập nhen nhóm từ sớm trong cuộc sống và có khả năng tiếp tục nới rộng khoảng cách nếu không được kiểm soát. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau thường không được học lên đại học hoặc không được học các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc có tay nghề cao và thường không có lựa chọn nào khác ngoài lao động chân tay, chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Điều này có thể khiến kết quả học tập và chất lượng cuộc sống của con cái kém hơn, kéo dài thêm chu kỳ nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cần có hành động chính sách kịp thời để cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng, giải quyết bất bình đẳng kinh tế-xã hội trong giáo dục và các cơ hội phát triển kỹ năng. Cần cải thiện hơn nữa chất lượng giảng dạy để hỗ trợ trẻ em nghèo, giảm bớt tác động do chi tiêu giáo dục thấp ở các nhóm hộ gia đình nghèo. Có thể đạt được công bằng trong giáo dục phổ thông bằng cách cải thiện sự sẵn sàng đi học, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, hỗ trợ tài chính và phi tài chính, giảm thiểu các rào cản xã hội, xây dựng cách tiếp cận về hợp đồng giữa nhà trường và phụ huynh.
Một nền giáo dục bình đẳng rõ ràng là có vai trò quan trọng. Đối với 23 triệu trẻ em đang đi học hiện nay, phải đảm bảo rằng tiềm năng vốn nhân lực của các em có thể được hiện thực hóa tối đa. Nền giáo dục cho tất cả mọi người là nền giáo dục vì một tương lai bình đẳng và thịnh vượng hơn.
Báo cáo “Đánh giá thực trạng nghèo & bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp” đánh giá các cơ hội và thách thức để có thể triển khai giáo dục công bằng hơn ở Việt Nam và nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề này.
Nguồn: TKNB – 09/09/2022