Theo đài RFI, không phải vô cớ mà hồi tháng 4/2022, Liên hợp quốc đưa ra báo cáo kêu gọi thế giới xem xét lại cách khai thác và sử dụng cát, một trong những tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, để hướng tới sự phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia còn đề xuất “nền kinh tế tuần hoàn về cát”.
Cát không phải là nguồn tài nguyên vô hạn, nhưng lại đang bị khai thác nhanh hơn khả năng tái tạo tự nhiên, bởi vì phải mất hàng triệu năm cát mới được tái tạo trong tự nhiên, nên có thể dẫn tới sự thiếu hụt trong tương lai gần, trong khi cát là một vật liệu xây dựng không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, từ ngành chế tác thủy tinh, sản xuất nhựa, xà phòng bột giặt, kem đánh răng, mỹ phẩn, đến chế tạo chip điện tử, pin mặt trời… và đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường. Theo TV5 Monde, chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng, 2/3 số công trình trên thế giới được xây từ bê tông, trong khi 2/3 bê tông là từ cát. Làm 1km đường cũng cần tới 30.000 tấn cát.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều thứ 2 thế giới
Giải thích về việc tại sao cát không phải là nguồn tài nguyên vô cùng vô tận, có thể khai thác thoải mái như nhiều người nghĩ, Giáo sư địa chất biển và bờ biển Eric Chaumillon thuộc Đại học La Rochelle và Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), cho biết: “Cát được tiêu thụ với số lượng cực kỳ lớn, cát thực sự là một trong những loại tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên hành tinh Trái đất, đứng thứ 2 sau nước, đứng trước cả dầu mỏ và khí đốt. Về khối lượng, mỗi năm có 40 – 50 tỷ tấn cát được tiêu thụ. Đây thực sự là khối lượng vô cùng lớn, tương đương với một bức tường cao 27m và dày 27m bao quanh Trái đất…
Ngày nay, con người khai thác nhiều cát hơn cả lượng mà tất cả các con sông chuyển ra đại dương. Vì vậy, chúng ta đã thực sự đến thời điểm mà hoạt động của con người lớn hơn hiện tượng địa chất lớn nhất – sự xói mòn của tất cả các lục địa và sự vận chuyển trầm tích của tất cả các con sông trên thế giới”.
Từ đất liền hướng ra biển và tác động đến hệ sinh thái
Ngoài xây dựng và bồi lấp biển để đắp đảo nhân tạo, mở rộng diện tích đất liền là lĩnh vực thứ 2 sử dụng nhiều cát nhất. Singapore và Dubai là những thành phố đi đầu trong lĩnh vực lấn biển. Khi các vỉa cát ở đất liền, trong lòng đất đã gần cạn, cát sa mạc lại quá mịn, đều, tròn, không phù hợp với xây dựng, sản xuất công nghiệp, từ cuối thế kỷ 20, các nhà khai thác bắt đầu chuyển hướng xuống đáy biển, nhưng không quá xa bờ.
Trước nhu cầu sử dụng cát, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng trong những năm qua không ngừng tăng cao, Giáo sư Eric Chaumillon cho rằng: “Để hạn chế những tác động có hại này, ưu tiên đầu tiên là sử dụng điều độ. Giống như đối với năng lượng, chúng ta phải biết tiêu thụ điều độ, đúng mức. Việc tiêu thụ cát chủ yếu liên quan đến xây dựng, nên điều đầu tiên là phải hạn chế nghiêm ngặt, chỉ cho phép các dự án xây dựng thật cần thiết.
Bên cạnh việc sử dụng điều độ còn có sự thay thế vật liệu. Có không ít thử nghiệm, sáng chế đang được thực hiện. Khi chúng ta phá hủy các tòa nhà cũ cũng có thể tái chế vật liệu. Ngoài ra, cần khai thác tạo giá trị cho rác thải công nghiệp, phế liệu, thậm chí còn có khả năng sử dụng gỗ vụn, xơ dừa”.
Trong suốt một thời gian dài, cát không được coi là lĩnh vực thu hút sự chú ý, nhưng khi dân số thế giới ngày càng tăng, các dự án xây dựng ngày càng nhiều và hoành tráng, các vỉa cát ngày càng giảm, việc khai thác ngày càng phức tạp thì cát ngày càng có giá trị.
Chỉ trong 4 năm, từ năm 2013 – 2017, Trung Quốc sử dụng lượng cát bằng cả nước Mỹ sử dụng trong một thế kỷ. Nhu cầu về cát và lợi nhuận thu được cao đến mức mà ở nhiều quốc gia, các băng đảng “mafia cát” xuất hiện ngày càng nhiều, chẳng hạn như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Senegal, Marocco, Tây Phi và nhiều nước đang phát triển khác. Theo TV5 Monde, khai thác cát biển quá đà cũng khiến Indonesia đang mất dần các bãi biển, thậm chí 25 hòn đảo cũng đã biến mất.
Nguồn: TKNB – 14/10/2022