Theo trang hk01.com số ra gần đay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc chuyến thăm Trung Đông đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền. Qua chuyến thăm này, Mỹ muốn tăng cường mối quan hệ với Israel và Saudi Arabia – hai trụ cột trong chiến lược đại Trung Đông, đồng thời tiếp xúc với Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) ở Jordan để xoa dịu mâu thuẫn giữa các nước Arab và Israel, dốc toàn lực đối đầu với Nga trong vấn đề năng lượng, gây thêm áp lực với phé Shiite do Iran đứng đầu. Tuy nhiên, ông đã đạt được gì trong chuyến thăm này?
Điều trùng hợp là Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đến thăm Iran vào ngày 19/7, sau đó gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên. Cuộc đọ sức Mỹ – Nga kéo dài từ Ukraine sang Trung Đông.
Chuyến đi tay trắng?
Trong chuyến cônhg du 4 ngày, Joe Biden đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ông cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an ninh và phát triển với nhà lãnh đạo của 9 quốc gia Trung Đông. Mục đích của chuyến thăm này là “ngoại giao dầu mỏ”, nhưng dường như Biden đã đạt được rất ít kết quả thực chất.
Vào ngày Biden khởi hành chuyến công du Trung Đông, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao kỷ lục mới trong 40 năm và gần một nửa mức tăng là do giá năng lượng. Biden hy vọng thông qua chuyến công du này hối thúc các nước Trung Đông như Saudi Arabia tăng nguồn cung dầu. Saudi Arabia không chỉ đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà còn là một trong số ít quốc gia trong tổ chức này có năng lực sản xuất dư thừa. Nếu Saudi Arabia tăng cung dầu ra thị trường quốc tế thì sẽ giúp kìm hãm giá dầu.
Tuy nhiên, có thể nói Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman lại hoàn toàn nắm thế chủ động trong các cuộc đàm phán với Biden và cả thế giới đều thấy rằng vị thái tử sinh sau năm 1980 này dám “cụng tay” với Biden.
Trước tiên, tuyên bố chung sau cuộc hội đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman và Thái tử Mohammed chỉ nêu rõ Mỹ và Saudi Arabia cho rằng việc tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược có vai trò rất quan trọng, tái khẳng định sự cần thiết phải duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng quốc tế và đồng ý tiến hành tham vấn định kỳ về thị trường năng lượng quốc tế.
Thứ hai, Mỹ và Saudi Arabia đã ký 18 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, thông tin liên lạc, hàng không và chăm sóc sức khỏe. Các thỏa thuận này bao gồm hợp tác với Boeing, Raytheon, Medtronic, Digital Diagnostics và IQVIA. Hai nước cũng thỏa thuận về các dự án năng lượng sạch, năng lượng hạt nhân và urani. Tuy nhiên, trong số các thỏa thuận này không có cam kết tăng sản lượng dầu mỏ mà Biden mong muốn.
Sau cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia, Biden cho biết ông dự đoán Saudi Arabia sẽ tăng nguồn cung dầu trong những tuần tới. Tuy nhiên, Saudi Arabia nhanh chóng đáp lại rằng điều đó tùy thuộc vào nhu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Adel Jubeir hói rằng dầu mỏ không phải là vũ khí chính trị, cũng không phải là xe tăng, bạn không thể dùng nó để khai hỏa vào ai đó. Dầu mỏ là hàng hóa. Nếu bạn nói liệu chúng tôi có cam kết cung cấp thêm dầu hay không, điều này có nghĩa là chúng tôi thấy thiếu dầu và nếu chúng tôi thấy thiếu dầu thì sẽ sản xuất nhiều dầu hơn.
Cuối cùng, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh và phát triển ở Jeddah, Thái tử Saudi Arabia Mohammed cho biết Saudi Arabia có khả năng tăng công suất sản xuất dầu thô trong nước lên 13 triệu thùng/ngày, nhưng không có khả năng tăng sản lượng khai thác dầu thô ngoài hạn ngạch ở thời điểm hiện tại.
Theo số liệu mới nhất, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia trong tháng 6 là 10,585 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, không nên cho rằng việc gia tăng hàng triệu thùng dầu này là công lao của Biden. Trước tiên, cần lưu ý rằng có thể mất 5 năm mới đạt được mục tiêu 13 triệu thùng. Hai là, ngay từ đầu tháng 5, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết nước này dự kiến sẽ tăng sản lượng dầu từ 1 triệu thùng/ngày lên hơn 13 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2026 hoặc đầu năm 2027. Mặc dù Biden cuối cùng đã phải nhún mình để đề nghị Saudi Arabia tăng sản lượng nhưng sự thỏa hiệp lại không thể đổi lấy dầu.
(còn tiếp)
Nguồn: TLTKĐB – 14/08/2022