Công khai thông tin tình báo sớm, nên hay không?


Amy B. Zecart

Tại sao Mỹ lại hăng hái tới vậy trong việc công khai các thông tin tình báo bí mật khi Nga chuẩn bị tấn công Ukraine? Bởi không gian mạng cũng là một mặt trận, và dữ liệu là một vũ khí.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh kinh hoàng đang trở lại. Một lần nữa, xe tăng Nga lại lăn bánh qua biên giới, và một quốc gia có chủ quyền đang chiến đấu cho sự tồn tại của mình, ban đầu chẳng được trang bị gì ngoài những chai bom xăng thô sơ và một niềm tin mãnh liệt vào tự do. Đối với tất cả các cuộc thảo luận về các công nghệ mới nổi và những mối đe dọa mới, thì bạo lực ở Ukraine mang lại cảm giác thô sơ và công nghệ thấp, và thế giới đột nhiên trong cũ kỹ trở lại.

Tuy nhiên, giữa tất cả những dư âm này của quá khứ, cuộc tấn công của Nga đã mở ra một bước phát triển hoàn toàn mới và có thể thay đổi đáng kể địa chính trị trong tương lai: công khai các thông tin tình báo tuyệt mật vào ngay thời điểm sự việc đang diễn ra.

Chưa bao giờ Chính phủ Hoa Kỳ tiết lộ nhiều, chi tiết, nhanh chóng và liên tục về một kẻ thù như vậy. Mỗi ngày dường như đều có những cảnh báo mới, không phải kiểu cảnh báo mơ hồ “Nga có thể có hoặc có thể không”, mà là kiểu cảnh báo “đây là hình ảnh vệ tinh hiển thị lên đến 175.000 quân Nga tại các địa điểm cụ thể gần biên giới”. Ngay cả khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ông không có kế hoạch xâm lược và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phàn nàn rằng Hoa Kỳ đang thổi phồng mối đe dọa và làm chao đảo nền kinh tế của nước ông, các thông tin tình báo vẫn tiếp tục được tung ra – nêu chi tiết về số lượng và địa điểm quân được cập nhật, lịch trình xâm lược, thương vong ước tính và hơn thế nữa. Cảm giác như đang xem một trận cuồng phong sắp đổ bộ vào đất liền.

Thông tin tình báo được tiết lộ không chỉ về các hoạt động quân sự, mà còn về các kế hoạch bí mật là nòng cốt trong hoạt động tình báo của Nga. Các sĩ quan tình báo của Mỹ và Anh đã gióng lên hồi chuong cảnh báo về những âm mưu dàn dựng một cuộc đảo chính ở Kyiv, dựng lên chế độ bù nhìn và tiến hành các chiến dịch “treo cờ giả” để tạo ra những cái cớ giả tạo nhằm biện minh cho một cuộc xâm lược thực sự. Theo các quan chức Mỹ, có một kế hoạch của Nga liên quan đến việc cử những kẻ phá hoại đến miền Đông Ukraine để tấn công lực lượng ly khai Nga ở đó, khiến Ukraine có vẻ như là kẻ gây hấn và quân đội của Putin sẽ đến giải cứu. Một kế hoạch khác liên quan đến việc tạo một video giả mô tả sự bàn bạo của người Ukraine, được hoàn chỉnh với các diễn viên và xác chết.

Ba cách giải thích

Sẽ không dễ để nói quá về mức độ thay đổi mà điều này thể hiện. Tình báo là một thế giới được bảo vệ chặt chẽ, trong đó các quan chức không thích công khai những gì họ biết, hoặc làm thế nào họ biết, vì sợ đặt các nguồn tin vào rủi ro hoặc tiết lộ cho đối  thủ biết họ có bao nhiêu thông tin. Trong quá khứ, Hoa Kỳ chỉ công khai chia sẻ thông tin tình báo với những đồng minh thân cận nhất và hạn chế việc sử dụng các thông tin này. Lần này tại sao Nhà Trắng lại cởi mở như vậy? Cho đến nay, chính quyền Biden không nói gì nhiều về mục tiêu của chiến lược tình báo thẳng thắn đầy cấp tiến này. Nhưng dường như có ba cách giải thích.

Cách lý giải đầu tiên cho hành động này là phải truyền bá thông tin ra thế giới để chống lại chiến tranh thông tin bằng cách đưa ra sự thật trước khi những lời nói dối xuất hiện. Bản chất của các tiết lộ tình báo của Hoa Kỳ và đồng minh là “Đừng tin một lời nào mà Điện Kremlin sẽ nói với bạn. Tất cả chỉ là trò lừa bịp”. Người Nga là những chuyên gia trong lĩnh vực này, và trong các sự kiện trước đây – như gần đây là việc sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 – họ đã chiếm ưu thế. Chiến lược của Putin là làm tràn ngập khu vực với các thông tin giả, lan truyền thông tin sai lệch từ sớm và thường xuyên. Nghiên cứu tâm lý học cho thấy lý do tại sao cách này lại hiệu quả như vậy. Một khi đã tin những lời nói dối, chúng sẽ khó lay chuyển được, ngay cả khi đối mặt với những sự thật áp đảo. Lợi thế của người đi đầu trong chiến tranh thông tin là rất lớn. Đưa sự thật ra ánh sáng trước kẻ lừa đảo sẽ giúp tập hợp các đồng minh và tăng cường sự hỗ trợ ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài.

Việc tiết lộ thông tin tình báo cũng tạo thêm khó khăn cho Putin, khiến ông ta mất thăng bằng. Thay vì làm chủ cuộc chơi và xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine theo lịch trình của mình, Putin phải đáp trả với Washington. Và thay vì hành động mà không bị trừng phạt, ông ta phải dành tài sản quý giá nhất của mình – là thời gian – để lo lắng về những điểm yếu tình báo của chính mình. Làm thế nào mà Hoa Kỳ và các đồng minh biết được những gì họ biết? Họ sẽ làm gì với những thông tin có được từ sớm này? Những lỗ hổng tình báo nào của Nga phải được sửa chữa? Putin càng lo lắgn về các lỗ hổng tình báo của mình thì ông ta càng ít chú ý đến việc làm tổn thương người khác.

Bộ Tư lệnh không gian mạng Hoa Kỳ đã áp dụng một cách tiếp cận tương tự vào năm 2018 và gọi đó là “sự tham gia bền bỉ”. Ý tưởng rất đơn giản nhưng mạnh mẽ: Làm suy yếu hành vi tấn công của đối phương bằng cách khiến nó phải hoạt động nhiều hơn rất nhiều trong việc phòng thủ. Putin là một mục tiêu lý tưởng cho loại chiến lược này. Ông ta là một cựu đặc nhiệm tình báo có chút hoang tưởng và bị ám ảnh về các kẻ thù ở cả trong nước, chứ không chỉ riêng kẻ thù ở nước ngoài. Bạn có thể đưa người đàn ông đó ra khỏi KGB, nhưng không thể đưa KGB ra khỏi ông ta.

Cuối cùng, việc chủ động tiết lộ thông tin tình báo khiến các quốc gia khác khó đứng ngoài cuộc xung đột hoặc hỗ trợ thầm lặng cho Putin bằng cách ẩn sau những câu chuyện che đậy của ông ta. Hãy thử nghĩ nếu ngược lại, đó là một hành động bí mật – bắt buộc phải công khai những gì đang thực sự diễn ra để mọi người phải chọn bên.

Trong kiểu hành động bí mật, các chính phủ che giấu sự tham gia chính thức của họ vào một hoạt động nào đó. Một trong những lợi ích chính của hành động bí mật là nó cho phép các quốc gia khác giúp đỡ những “kẻ ranh mãnh”. Ngay cả khi tất cả mọi người đều biết sự thật, họ vẫn giả vờ như không biết, và lịch sử cho thấy ngay cả những cái cớ mỏng manh nhất cũng có thể cho các quốc gia một cơ hội đáng ngạc nhiên. Ví dụ, khi Liên Xô tấn công Afghanistan năm 1979, Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch bí mật khổng lồ để trang bị cho các mujahid (chiến binh thánh chiến) Afghanistan. Liên Xô biết Hoa Kỳ đang làm gì, và Hoa Kỳ biết rằng Liên Xô biết. Nhưng hành động bí mật cho phép Pakistan và Ai Cập âm thầm giúp đỡ các nỗ lực của Mỹ mà không sợ bị Liên Xô trả đũa. Nó cũng mang lại lợi ích cho Liên Xô, giữ cho một cuộc chiến ủy nhiệm ở Afghanistan không trở thành một cuộc chiến nóng bỏng chống lại Hoa Kỳ và kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, các tiết lộ thông tin tình báo đang làm điều ngược lại. Bằng cách loại bỏ tấm màn che đậy, Washington và các đồng minh đang để lại khoảng trống quý giá rất nhỏ cho các nước khác có thể đứng bên lề hoặc dễ dàng hỗ trợ Putin. Thụy Sĩ, một quốc gia nổi tiếng về tính trung lập và sẵn sàng giao dịch với “kẻ xấu”, đã ký vào các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Nước Đức không còn lung lay nữa, cuối cùng đã từ chối đường ống dẫn khí Nord Stream 2 và trong nháy mắt đã chuyển từ một nước tụt hậu về chi tiêu quốc phòng của NATO thành một nước dẫn đầu. Cách đây không lâu, khoảng một trăm nhà ngoại giao đã quay lưng lại với Nga theo đúng nghĩa đen, bước ra khỏi cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khi Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov phát biểu.

Chiến thuật có thể phản tác dụng

Chắc chắn là sự thống nhất của thế giới về bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng không bao giờ kéo dài. Trung Quốc vẫn nghiêng nhiều về Moscow trong hầu hết mọi việc. Và tình báo chỉ là một trong số nhiều yếu tố trong cuộc chơi. Không quốc gia nào muốn bị cuốn vào làn sóng của các lệnh trừng phạt toàn cầu, bị coi là mắt xích yếu trong NATO, hoặc bị coi là chọn sai bên trong lịch sử. Nhưng việc tiết lộ thông tin tình báo đã trở thành một công cụ mới rất mạnh mẽ. Các quốc gia sẽ khó trốn tránh sau câu chuyện giả dối của Nga hơn rất nhiều khi câu chuyện bị bóc trần trước khi nó được Putin nói ra.

Chiến lược tình báo này rất mới và thông minh, nhưng không phải là không có rủi ro. Sử dụng bí mật lúc này có thể đồng nghĩa với việc bị mất bí mật sau này. Bất cứ khi nào thông tin tình báo được tiết lộ công khai, sẽ có nguy cơ đối phương phát hiện ra các nguồn tin và phương pháp, đe dọa tính mạng và gây nguy hiểm cho khả năng tiếp tục thu thập thông tin tình báo từ các nguồn kỹ thuật và con người trong tương lai. Đó là lý do tại sao các cơ quan tình báo luôn quyết liệt chống lại việc tiết lộ thông tin.

Tiết lộ thông tin tình báo cũng có thể khiến các cuộc khủng hoảng khó xử lý hơn. Công khai những ý định và khả năng bí mật của kẻ thù còn có thể gây bẽ mặt. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy vui, nhưng chìa khóa để giải quyết khủng hoảng không phải là khiến kẻ thù của bạn bị dồn vào chân tường; mà là tìm các lối thoát để giữ thể diện. Ngoại giao tức là mang lại cho bên kia một lối thoát ngay cả khi bạn ghét anh ta vì những gì anh ta đã làm.

Cuối cùng, trong một thế giới tiết lộ triệt để, những thành công trong lĩnh vực tình báo có thể bị hiểu nhầm là thất bại. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng những tiết lộ tình báo về kế hoạch xâm lược của Putin đã khiến ông ta thay đổi suy nghĩ và quyết định không tấn công Ukraine nữa. Thông tin tình báo lẽ ra đã chính xác và hiệu quả  nhưng lại có vẻ sai lầm và vô ích. Nhiều người sẽ kết luận rằng ban đầu Putin hẳn là không bao giờ có ý định xâm lược, và các cơ quan gián điệp của Mỹ – từng bị chỉ trích về cuộc chiến Iraq, về sự thất bại trong việc ngăn chặn vụ 11/09 và vô số những bước đi sai lầm khác – lại mắc sai lần lần nữa. Niềm tin vào cộng đồng tình báo của Mỹ sẽ bị xói mòn, mặc dù điều đó không nên xảy ra.

Tuy nhiên, cho đến nay, bằng chứng từ cuộc chiến tranh ở Ukraine cho thấy thành tựu của chiến lược tiết lộ thông tin tình báo này lớn hơn nhiều so với rủi ro. Từ trước tới nay, sự lừa dối nhờ có không gian mạng dường như đang chiếm ưu thế. Cuộc chiến Ukraine đã dạy chúng ta rằng sự thật và tiết lộ vẫn có thể là vũ khí mạnh mẽ, ngay cả trong thời đại kỹ thuật số.

Người dịch: Minh Thư

Nguồn: Tạp chí Phương Đông – số 45 – 09/2022

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s