Ảo tưởng về chữ “tôi” – Phần IV


Kể lại câu chuyện

Dĩ nhiên, tôi có thể kể lại với bạn hay bất kỳ ai toàn bộ chi tiết câu chuyện về cách tôi đã can đảm tránh gây tai nạn cho đứa trẻ, theo cách như thể tôi quyết định làm thế (có lẽ còn mang màu sắc anh hùng nữa) nhưng đó hầu như chỉ là ảo giác. Sự thật lại hoàn toàn khác.

Bản thân hành động kể lại câu chuyện có thể quan trọng; có nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta thay đổi các dữ kiện của mình sao cho phù hợp với những gì người khác có thể quan tâm hoặc những gì chúng ta muốn họ nghĩ về mình, và cả những gì chúng ta muốn nghĩ về bản thân nữa.

Khái niệm của Leo Festinger về mâu thuẫn nhận thức (cognitive dissonance) cho thấy rằng chúng ta thường giải quyết mâu thuẫn giữa niềm tin và hành vi để cảm thấy thoải mái với hành vi của mình. Nếu một dự án thất bại, chúng ta thay đổi câu chuyện của dự án đó theo kiểu tự nhủ là để bảo vệ quan điểm về bản thân mình (trừ khi chúng ta dễ bị trầm cảm, trong trường hợp đó, chúng ta có thể thấy mình gánh vác quá nhiều hay thậm chí toàn bộ trách nhiệm đối với kết quả cuối cùng). Nếu bị sa thải, bạn chuyển hóa niềm tin và cảm xúc về công ty, về sự phù hợp của nó đối với bạn và các kỹ năng của mình nhằm điều khiển nó. Nếu một mối quan hệ không tiến triển tốt đẹp, chúng ta cũng hành động theo cách tương tự. Tôi còn nhớ một mẫu quảng cáo cho Bovril hồi còn bé. Quảng cáo đó có nội dung về một người con gái bị bạn trai cho “leo cây”. Cô gái đứng khó dưới mưa bên ngoài rạp chiếu phim, nơi hai người hẹn gặp. Về sau, khi đã được sưởi ấm và phấn chấn hơn nhờ một loại bia đặc sánh, cô quyết định rằng mình thật sự không thích cậu bạn trai kia. Cô bình luận: “Anh ta có cái mũi to đùng”. Điều mà cô gái chưa từng nghĩ đến trước đây.

Nói một cách đơn giản: thái độ có xu hướng thay đổi sau hành vi (chứ không phải trước). Đây là một thách thức cơ bản đối với một trong những giả định phổ biến nhất của hầu hết những ai thu thập, báo cáo và sử dụng dữ liệu khảo sát thị trường về hành vi đám đông cho các tổ chức thương mại. Không chỉ liên quan đến cuộc sống riêng tư mà cả trong kinh doanh, chúng ta có xu hướng cho rằng mỗi cá nhân (như khách hàng chẳng hạn) đều suy nghĩ, quyết định và sau đó mới hành động.

Do đó, chúng ta lo lắng về quan điểm và suy nghĩ của người khác. Những mô hình hành vi có thể thay đổi những gì củng cố cho cách nghĩ này như mô hình AIDA (Awareness: Nhận thức; Interest: Quan tâm; Desire: Khao khát và Action: Hành động) vãn tiếp tục phổ biến trong giới kinh doanh (đặc biệt là với những chuyên gia nghiên cứu thị trường lão luyện và các chuyên gia tiếp thị, chính trị gia có phần ngây thơ). Dĩ nhiên, các nhân chứng sẽ ủng hộ cho quan điểm này: nếu bạn hỏi từng người tiêu dùng, những người mà bạn đang muốn tác động đến quá trình ra quyết định của họ, họ sẽ có xu hướng ủng hộ phiên bản nghĩ-trước-làm-sau của câu chuyện (ai dám nghiêm túc thừa nhận rằng mình mua thứ gì đó mà không suy nghĩ và rồi thích nó sau khi đã mua? Nhất là những thứ có giá trị cao như xe hơi chẳng hạn). Và họ sẽ điều chỉnh ký ức về những gì đã trải qua để khiến hành vi của mình có ý nghĩa tại thời điểm đó.

Ký ức về hành động của chúng ta thường không đáng tin cậy. Sự thật là dường như mỗi chúng ta đều gắn thái độ và những gì đã xảy ra để đồng nhất với những gì chúng ta vừa làm. Làm-thay đổi suy nghĩ – tin, nếu bạn thích nói theo cách đó.

Giáo sư Andrew Ehrenberg đã lưu ý ảnh hưởng này trong các tài liệu marketing về bất kỳ danh mục hay thị trường nào; mọi người có xu hướng điều chỉnh những gì họ nói về một thương hiệu nào đó, tùy thuộc vào việc liệu họ có phải là người nghiện sử dụng nó hay không. Họ có xu hướng đề cao một thương hiệu lớn hơn so với thương hiệu nhỏ vì thương hiệu lớn này là cái họ đang mua. Như ông trình bày, “Tôi phải nghĩ rằng bạn gái của mình quyến rũ, suy cho cùng, cô ấy vẫn là bạn gái của tôi”. (Tôi cho rằng bởi vì những người khác cũng nghĩ cô ấy quyến rũ, nhưng ta sẽ bàn thêm về điều này sau).

Đúng như bạn mong đợi, cái vòng lặp gia cố này có vẻ như khiến các thương hiệu lớn càng trở nên lớn mạnh hơn, còn thương hiệu nhỏ vẫn cứ nhỏ bé. Nó không ngăn cản các thương hiệu lớn đánh mất thị phần nhưng thật sự đem lại cho chúng một lợi thế đáng kế.

Thời điểm quan trọng

Đến thời điểm này, chúng ta đã chứng kiến nhiều ảo giác mà chính trí não của mình tạo ra. Ký ức về hành động của chúng ta rất hay thay đổi và không đáng tin cậy, nhận thức của chúng ta về thế giới không chính xác và toàn diện như ta vẫn nghĩ, và chúng ta thay đổi ý nghĩa của mình để phản ánh hành vi (thay vì ngược lại). Tuy nhiên, có một ảo giác quan trọng khác chạm đến điều cốt lõi của trải nghiệm chữ “Tôi” trong mỗi chúng ta. Chính cái cảm giác bạn có được khi đưa ra quyết định – thậm chí với những việc rất đơn giản như lúc lắc ngón tay hay đầu – sẽ khiến bạn lạc hướng.

Benjamin Libet ở Đại học Harvard đã dành cả sự nghiệp nghiên cứu của mình để chỉ cho chúng ta thấy rằng sự trải nghiệm về hành động quyết định một việc gì đó thật sự xuất hiện sau hoạt động của não bộ, nơi hành động đó được khơi nguồn. Cuốn sách mới nhất của ông cung cấp bảng tóm lược các nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân nhằm khám phá và đo lường hiện tượng này và công trình này về sau được đặt theo tên của Benjamin.

Bài kiểm tra Libet sử dụng thiết bị giám sát não và điện kế để ghi lại dòng điện xuất hiện trên da của những người tham gia thí nghiệm. Thông thường (như ví dụ của Susan Blackmore trong Conversations on Consciousness), người ta nghiên cứu chuyển động của ngón tay. Những người tham gia được yêu cầu quan sát một điểm chuyển động và các nhà nghiên cứu sẽ quan sát thời gian cũng như thời điểm họ quyết định chuyển động ngón tay.

Libet nhận thấy rằng cái mà ông gọi là “tiềm năng về sự sẵn sàng” trong não bộ – bộ não ra lệnh cho hệ thần kinh vận động khởi đầu các chuyển động – bắt đầu sớm hơn chuyển động đó 550 mili-giây. Tuy nhiên, những người tham gia thí nghiệm chỉ nhận ra ý định chuyển động ngón tay của mình khoảng 350 mili-giây sau đó, sớm hơn 200 mili-giây so với lúc cử động nhưng trễ hơn hành động sẵn sàng. Dĩ nhiên, cũng có thể 350 mili-giây khác biệt ấy là do sự chậm chạp của người tham gia trong việc quan sát và tường thuật chính mình. Nhưng Libet hoàn toàn bác bỏ điều này.

Vì sao hiện tượng gián đoạn Libet này lại quan trọng? Trước nhất, nó cho thấy quan niệm của chúng ta rằng quyết định cá nhân vào lúc khởi đầu một chuỗi sự kiện để cuối cùng dẫn đến hành động có chủ ý là sai, ít nhất là với những hành động đơn giản. Có vẻ như chính trí não vô thức đã thực hiện phần nặng nhọc là khiến cho các hành động xảy ra chứ không phải ý chí của cái “Tôi”. Thứ hai, vì nó mở ra khả năng rằng quan điểm quyết định hành động của chúng ta là hoàn toàn sai.

Daniel Wegner ở Học viện Công nghệ Massachusets (MIT) tiếp tục đào sâu hơn so với những gì Libet đã làm. Qua việc phân tích các ví dụ về những thời điểm khi chúng ta làm những việc mà ta không nghĩ rằng mình sẵn sàng (như chào thua khi người ta cứ cố mời mình ăn thêm một miếng bánh nữa), cũng như những ta sẵn sàng thực hiện một điều gì đó nhưng lại không làm (như nói cho sếp biết rằng ông/bà ấy đã sai), Wegner cho rằng đó thường là do ảo giác về ý chí (cụ thể, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của ảnh hưởng xã hội đến hành vi cá nhân, điều thường xuyên xảy ra dù chúng ta không nhận thấy).

Tuy nhiên, sau nhận xét quả quyết của Isaiah Berlin’s về chủ đề nêu trên, ông tiếp tục cho rằng ảo giác này là “cần thiết với con người”. Ông cho rằng chúng ta cần phải cảm thấy như thể mình đang quyết định mọi thứ để tồn tại trong các nhóm phức hợp nơi ta đang sống, và ông thừa nhận rằng chúng ta thực sự có thể quyết định mọi thứ và hành động, nhưng rất hiếm hoi.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Mark Earls – Tâm lý bầy đàn – NXB THTPHCM 2012

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s