Các nhà đầu tư bị đối xử lạnh nhạt
Lần can thiệp IPO lớn đầu tiên của Tập Cận Bình là vào tháng 11/2020, khi các cơ quan quản lý loại bỏ thương vụ IPO, mà hẳn sẽ được xem là kỷ lục, trị giá 37 tỷ USD của Ant, tập đoàn công nghệ đang phát triển nhanh thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba. Thế nhưng, cuộc thanh trừng trên quy mô lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ đã bắt đầu gần 12 tháng trước, ngay sau khi ứng dụng gọi xe Didi Chuxing niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York, bất chấp cảnh báo từ các nhà quản lý Trung Quốc trước những lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu.
Hành động can thiệp đó đã khiến gần như tất cả các đợt IPO ở nước ngoài phải tạm dừng để chờ các cơ quan quản lý hoàn thiện các quy tắc mới về niêm yết ở nước ngoài đối với các công ty có lượng lớn dữ liệu người dùng. Đồng thời, căng thẳng đã bùng phát sau khi Bắc Kinh từ chối trao cho các nhà quản lý Mỹ toàn quyền tiếp cận báo cáo kiểm toán của các công ty Trung Quốc có giao dịch trên Phố Wall, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bị loại khỏi thị trường cổ phiếu và khiến người ta đặt câu hỏi liệu việc bán cổ phiếu ở New York có đáng để họ chấp nhận rắc rối hay không.
Trưởng bộ phận phụ trách thị trường vốn cổ phần châu Á tại một ngân hàng đầu tư ở Phố Wall cho biết: “Mỹ đang tỏ ra khó khăn”. Người này nói rằng chắc chắn sẽ có thêm nhiều đợt IPO của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Hong Kong nếu Bắc Kinh cho phép các công ty tiếp tục niêm yết ở nước ngoài, nhưng các loại hình công ty khác nhau sẽ chi phối luồng giao dịch. Người này nói thêm: “Những doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ, nền tảng, nhạy cảm về dữ liệu là những đối tượng khó đầu tư. Trong khi đó, nếu bạn đưa một công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Trung Quốc tiếp cận thị trường, thì mọi người sẽ hiểu rằng đó là mô hình kinh doanh mà chính phủ sẽ khuyến khích”.
Không ai biết khi nào các đợt IPO ở nước ngoài sẽ bắt đầu trở lại. Dữ liệu từ nền tảng dịch vụ tài chính Dealogic cho thấy 95% tổng số vốn trị giá 35 tỷ USD được huy động bởi các công ty Trung Quốc trong các đợt IPO năm 2022 được tích lũy trên thị trường nội địa, nơi các ngân hàng đầu tư nhà nước như Quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc (CICC) và ngân hàng đầu tư Trung Quốc Citic Securities chiếm đa số các giao dịch và việc mua bán cổ phiếu mới đòi hỏi phải được các nhà chức trách thông qua.
Do đó, hầu hết các đợt niêm yết hiện được chuyển đến Thượng Hải hoặc Thâm Quyến, và không mấy ai cho rằng điều này sẽ sớm thay đổi. Một luật sư kỳ cựu về IPO của một tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Hong Kong cho biết: “Những gì diễn ra trong quý I mang lại cho bạn cơ sở để đưa ra dự báo về tình hình trong khoảng thời gian còn lại của năm”. Điều đó sẽ ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các đợt IPO của Trung Quốc, trong khi các ngân hàng hàng đầu ở Phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley sẽ bỏ lỡ cơ hội niêm yết ở Hong Kong và New York, vốn thu về hàng tỷ USD phí thường niên trong những năm gần đây.
Ngoài việc quyền tiếp cận các thị trường chứng khoán toàn cầu bị hạn chế, trong 12 tháng qua, những thay đổi đã đẩy nhanh quá trình giao dịch, mà trong đó hoạt động quản lý và đầu tư được nhà nước hậu thuẫn đã tác động đến việc lựa chọn các công ty được tiếp nhận nguồn vốn từ các nhóm đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân cần thiết để mở rộng quy mô cho một đợt IPO. Nhà phân tích Yang thuộc Công ty tư vấn quản lý Bain nói: “Mọi người đều biết năm nay khó khăn như thế nào”. Bà ước tính mức quỹ chưa được triển khai do các nhà đầu tư tập trung vào thị trường châu Á nắm giữ đã tăng lên mức kỷ lục 650 tỷ USD vào năm 2021 do hoạt động giao dịch ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi những lo ngại của các nhà đầu tư về căng thẳng về địa chính trị Trung-Mỹ và việc thắt chặt các quy định.
Thế nhưng, bà cũng nói thêm rằng trong khi nguồn tiền cho một số phân khúc công nghệ vốn thu hút nhiều vốn sở hữu tư nhân giảm mạnh trong nửa cuối năm 2021, nguồn tiền cho những phân khúc khác như chất bán dẫn lại tăng cao một phần nhờ vào các quỹ do chính phủ lãnh đạo.
Vốn sẽ bị lãng phí một cách đáng kể
Phạm vi và tham vọng của các quỹ chỉ đạo của chính phủ cũng đã tăng đáng kể trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Được thành lập bởi các cơ quan chính phủ hoặc vì các cơ quan này, các quỹ đầu tư công-tư nói trên thực hiện nhiệm vụ kép là thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu chính sách của Bắc Kinh và mang lại lợi nhuận tài chính.
Theo ước tính từ nhóm nghiên cứu độc lập Zero2IPO, kể từ đầu năm 2013, khoảng 1800 quỹ chỉ đạo của chính phủ đã huy động được hơn 900 tỷ USD để đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và đã được các cơ quan quản lý cho phép tăng gấp đôi con số đó. Số liệu từ công ty cung cấp dữ liệu đầu tư Preqin cho thấy tỷ lệ vốn đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc và vốn đầu tư mạo hiểm gây quỹ cho các quỹ do nhà nước lãnh đạo đã tăng từ khoảng 2-3% trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lên hơn 30% trong những năm gần đây. Bain ước tính khoảng 40% trong số hơn 86 tỷ USD được huy động bởi các quỹ trong và ngoài nước tập trung vào Trung Quốc trong năm 2021 đã được chuyển đến các quỹ do nhà nước hậu thuẫn.
William Bao Bean, một đối tác lớn của công ty đầu tư mạo hiểm toàn cầu SOSV, cho biết: “Phần lớn nguồn tài trợ cho các vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc là từ chính phủ”. Ông cho biết mặc dù nguồn vốn được kiểm soát bởi các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trên thị trường ở Trung Quốc thường là vốn toàn cầu”, nhưng việc đầu tư đã trở nên khó khăn hơn nhiều trong 4 năm qua do chính phủ ngày càng thắt chặt các biện pháp kiểm soát.
Kết quả là sự thay đổi về nguồn vốn đã tạo ra nhiều đợt IPO cho các công ty thuộc lĩnh vực mà theo kế hoạch của Bắc Kinh sẽ trở thành các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi như ngành sản xuất xe điện, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và ngành sản xuất các thiết bị cấp cao khác. Theo Gavekal Dragonomics, công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, những đợt niêm yết như vậy lần đầu tiên chiếm hơn một nửa giá trị huy động vốn cổ phần ở Trung Quốc vào năm 2020 và tăng giá trị lên mức kỷ lục 735 tỷ NDT vào năm 2021.
Thomas Gatley, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu tài chính Gavekal, cho biết thị trường vốn cổ phần của Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới, trong đó tầm nhìn của Bắc Kinh quy định mục tiêu đầu tư của vốn trong nước và vốn quốc tế.
Cơ hội đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn ở các nhà sản xuất hàng cao cấp và các công ty AI mà Trung Quốc đang cần để thoát khỏi tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc các công ty năng lượng tái tạo và xe điện mà giới lãnh đạo nước này xem là trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai. Gatley nói: “Đó là vụ cá cược mà bạn đang thực hiện với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc”.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu tầm nhìn táo bạo, có mục đích dành cho thị trường vốn cổ phần của Trung Quốc có hiệu quả hay không. Một trong những lý do dẫn tới sự xuất hiện của câu hỏi này là việc đảng tăng cường kiểm soát tiến trình lập kế hoạch từ trên xuống mà phớt lờ các tín hiệu thị trường. Gatley nói: “Vốn sẽ bị lãng phí một cách đáng kể do các công ty hoạt động không tốt hoặc do sự xuất hiện của một số hình thức gian lận”.
(còn tiếp)
Nguồn: https://www.ft.com/content/d5b81ea0-5955-414c-b2eb-886dfed4dffe
TLTKĐB – 20/09/2022