Theo thepaper.cn ngày 02/08/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan, ngang nhiên thách thức giới hạn đỏ của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Ngày 3/8, ngoại trưởng của Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7), trong đó có Nhật Bản, đã đưa ra tuyên bố chung về Đài Loan, nói rằng hoạt động của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và yêu cầu Trung Quốc không được đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ tuyên bố này, cho rằng “đảo ngược trắng đen, lẫn lộn phải trái” và hỏi: “Họ làm gì có quyền đó? Ai cho họ tư cách đó?”. Ngày 5/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp Nancy Pelosi, hai bên công khai đề cập đến vấn đề Đài Loan, Fumio Kishida cũng tuyên bố sai sự thật rằng việc tên lửa của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế, Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Trong khi Pelosi đang bận rộn gây rối ở châu Á, Nhật Bản cũng liên tục có những “tiểu xảo” liên quan đến vấn đề Đài Loan càng ngày càng đi xa trên con đường sai lầm.
Căn cứ của Mỹ ở Okinawa của Nhật Bản trở thành tiền tuyến bảo vệ cho Pelosi thăm Đài Loan
Nhật Bản là nước đồng minh có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, ý nghĩa chiến lược quân sự của Nhật Bản đối với Mỹ trong vấn đề liên quan đến Đài Loan là hiển nhiên. Vào buổi tối Pelosi đến Đài Loan, tổng cộng 22 máy bay tiếp dầu trên không KC135 đã đến căn cứ Kadena của Mỹ ở Okinawa Nhật Bản từ một căn cứ bên ngoài, hiếm khi nhiều máy bay tiếp dầu trên không lại tập trung tại căn cứ Kadena. Ngoài ra, khoảng 6 giờ tối cùng ngày, sau khi máy bay trinh sát điện tử EP3 của quân đội Mỹ được xác nhận cất cánh, thì 8 giờ tối lại xác nhận 5 máy bay tiếp dầu và 8 máy bay chiến đấu F-15 triển khai tại căn cứ Kadena cũng liên tục cất cánh.
Kanehara Nobukatsu, cựu Phó giám đốc Cơ quan an ninh trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe, thẳng thắn cho biết do không có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Bắc Á, nếu không có sự hỗ trợ của Nhật Bản, Mỹ sẽ không thể thực hiện được mục tiêu chiến lược là can thiệp vào tình hình eo biển Đài Loan, nhưng khoảng một giờ trước khi Pelosi đến Nhật Bản vào ngày 4/8, nước này bất ngờ tuyên bố trong cuộc tập trận bao vây đảo của Trung Quốc có 5 tên lửa đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Do đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phản đối gay gắt Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan. Từ đó có thể thấy Nhật Bản nhận thức rõ những sóng gió và hậu quả của việc Pelosi đi thăm Đài Loan, nhưng Tokyo vẫn có ý đồ lợi dụng tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan để liên kết với Mỹ kiềm chế Trung Quốc và phối hợp với Mỹ bảo vệ Đài Loan. Cùng với việc theo đuổi quyền kiểm soát lớn hơn ở khu vực Đông Á, Nhật Bản cũng đang tranh thủ quyền chủ động nhiều hơn trong quan hệ đồng minh “không cân xứng” với Mỹ.
Việc Pelosi đi thăm Đài Loan có thể khiến thế lực cánh hữu Nhật Bản đẩy nhanh sửa đổi hiến pháp
Nhiều người Nhật Bản cho rằng việc Pelosi đi thăm Đài Loan sẽ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng eo biển Đài Loan, khiến Nhật Bản phải tăng tốc chuẩn bị cho các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Chính phủ Nhật Bản kết nối an ninh quốc gia của chính họ với vấn đề Đài Loan. Do đó, sóng gió do chuyến thăm của Pelosi đến Đài Loan chắc chắn sẽ tác động đến Nhật Bản. Sự kiện này sẽ trở thành nhân tố kích thích Nhật Bản tăng tốc can dự vào vấn đề Đài Loan, lấy đó làm lý do để tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc của HIến pháp hòa bình và tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở Đông Hải (biển Hoa Đông).
Lực lượng cánh hữu Nhật Bản có ý đồ hối thúc nâng cấp quan hệ với Đài Loan
Từ lâu, lực lượng thân Đài Loan của Nhật Bản mong muốn nâng cấp quan hệ Nhật Bản – Đài Loan. Một là hoạt động của cánh hữu thường xuyên diễn ra. Những năm gần đây, nhiều tổ chức đại phương ở Nhật Bản đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản ban hành “Luật cơ bản về quan hệ Nhật Bản – Đài Loan” để tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, cứu nạn, an ninh, bảo vệ môi trường… Họ còn yêu cầu Chính phủ Nhật Bản tăng cường giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế, phòng chống thiên tai, hỗ trợ chính quyền Đài Loan gửi đơn tham gia HIệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhanh chóng xây dựng Luật cơ bản về quan hệ Nhật Bản – Đài Loan liên quan đến ngoại giao và an ninh.
Hai là, hoạt động của đảng cầm quyền Nhật Bản liên quan đến Đài Loan liên tục xuất hiện. Tháng 5/2022, Keisuke Suzuki, Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP), dẫn đầu một nhóm thành viên của Cục Thanh niên của LDP đến Đài Loan để hội đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Trước chuyến thăm của Nancy Pelosi, ngày 28/7, Shigeru Ishiba, cựu Tổng thư ký LDP và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, đã dẫn đầu một số nghị sĩ Nhật Bản đến thăm Đài Loan và hội đàm với Thái Anh Văn. Trong cuộc hội đàm, Shigeru Ishiba cho biết: “Nhật Bản sẽ gánh vác trách nhiệm cần thiết ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Ông cũng thảo luận với lãnh đạo chính quyền Đài Loan liên quan đến việc ứng phó khi Đài Loan gặp rắc rối.
(còn tiếp)
Nguồn: TLTKĐB – 20/09/2022