Cho đến nay, sức học của phần lớn đại diện các dân tộc người thiểu số luôn kém hơn so với sinh viên da trắng. Để tìm nguyên nhân của tình trạng mấy cân đối này, giảng viên đại học California J. Ogby đã nghiên cứu các vấn đề về sức học của trẻ em Mỹ gốc Phi. Các trẻ em này lý giải rằng, sức học kém và thiếu siêng năng học tập là do chúng trung thành với các giá trị của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Do đó, J. Ogby đã đưa vào văn bản khoa học thuật ngữ “tính đồng nhất đối lập”. Thì ra, việc tuân theo các tiêu chuẩn về thành tích học tập cao, lại bị cộng đồng Mỹ gốc Phi đánh giá như là sự phản bội các giá trị dân tộc. Trẻ em và những người trẻ tuổi tỏ ra thành công trong học tập có thể phải chịu những hình thức kỳ thị khác nhau trong nhóm sắc tộc riêng của họ. Thậm chí tỷ lệ phần trăm hôn ước và quan hệ tình dục giữa người Mỹ gốc Phi và người da trắng rất thấp, đây là một trong những tiêu chí điển hình nhất về mức độ không dung hợp dân tộc cao. Những nghiên cứu gần đây đã xác nhận sự hiện diện “tính đồng nhất đối lập” ở người Mexico, Puerto Rico và Ấn Độ, tức là ở những đại diện của các nhóm thiểu số sắc tộc có kinh nghiệm về “sự kỳ thị” từ xa xưa. Thực tiễn giảng dạy các môn học đa văn hóa cho thấy, việc tái lập thường xuyên những sự kiện bi thương trong lịch sử giữa các dân tộc thường xuyên tăng cường chủ nghĩa dân tộc của các nhóm người thiểu số sắc tộc mà trong quá khứ từng bị kỳ thị.
Như vậy, mặc dù chính sách đa văn hóa có lịch sử tương đối dài, nhưng mục tiêu chính sách đối nội cơ bản của nó – hình thành tính đồng nhất kiểu mới của Mỹ – vẫn chưa đạt được ở mức đầy đủ. Dù những kết quả đạt được vẫn không có tính đơn nghĩa nhưng nghiên cứu thực tiễn đa văn hóa của Mỹ vẫn hấp dẫn đối với mỗi quốc gia đa dân tộc. Phân tích một cách hiệu quả kinh nghiệm này có thể giúp lựa chọn các phương pháp giáo dục liên văn hóa có hiệu quả và qua được sự kiểm nghiệm của thực tiễn. Phương thức có tính chất xây dựng trong giáo dục tính đồng nhất chung là giảng dạy chủ nghĩa đa văn hóa thông qua việc phản ánh sự đóng góp tích cực của các nhóm thiểu số sắc tộc vào sự phát triển của văn hóa chung, làm quen với những giá trị dân tộc độc nhất vô nhị mà những kiến thức và hiểu biết về chúng có thể làm phong phú thế giới quan của tất cả sinh viên. Kinh nghiệm giáo dục đa văn hóa ngày càng cần thiết trong xuất khẩu giáo dục nhằm phục vụ hoạt động tổ chức công tác sinh viên quốc tế.
Hiện nay, ở Hoa Kỳ có rất nhiều tổ chức làm công việc thu hút và tiếp nhận sinh viên quốc tế đang hoạt động. Đó là Viện Giáo dục Quốc tế, Hiệp hội Quốc gia về Vấn đề Sinh viên Nước ngoài, Hiệp hội Quốc gia các tư vấn viên cho sinh viên nước ngoài và nhiều tổ chức khác.
Chiến lược xuất khẩu giáo dục đại học của Hoa Kỳ được quy định bởi một loạt những ưu tiên mà chủ yếu trong số đó hiện nay vẫn là lợi nhuận cao từ việc bán các dịch vụ giáo dục. Dạy học cho người nước ngoài mang lại cho nền kinh tế Mỹ hàng tỷ USD mỗi năm. Trung bình, một sinh viên quốc tế ở Hoa Kỳ một năm phải chi từ 16 – 46,5 nghìn USD, tính tới số lượng sinh viên và số năm học của họ thì điều đó mang lại cho Hoa Kỳ một khoản lợi nhuận tài chính vô cùng lớn.
Đồng thời, sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế đóng vai trò quan trọng trong tính tích cực đổi mới của Hoa Kỳ: “…không có họ, sẽ không thể có vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong nền kinh tế hậu công nghiệp hiện đại”. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tương quan trực tiếp giữa số lượng sinh viên quốc tế ở trường đại học và số lượng bằng sáng chế. Phần lớn người được trao giải thưởng Nobel về thành tựu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học chính xác đều là những người đến từ các nước khác.
Các chương trình đưa sinh viên Mỹ ra nước ngoài, có từ năm 1946, vẫn đang tiếp tục nhưng về quy mô không thể sánh được với dòng sinh viên quốc tế vào Hoa Kỳ. Người Mỹ ở nước ngoài thích học các chuyên ngành khoa học nhân văn, quản lý và ngoại ngữ. Khác với sinh viên quốc tế mà phần lớn trong số họ đều ở lại Mỹ và quyết định tiềm lực khoa học của nước này, sinh viên Mỹ thường du học một thời gian ngắn, thường là một mùa hè hoặc một học kỳ và rất hiếm khi ở lại nước ngoài.
Xuất khẩu dịch vụ giáo dục có nghĩa to lớn cả đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Do chi phí học tập cao nên phần lớn sinh viên quốc học tại Mỹ là những đại diện của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Hình thành những đại diện của giới elite thế giới – những người mang giá trị Mỹ – là nhiệm vụ địa chính trị quan trọng nhất đặt ra trước chính phủ Hoa Kỳ. Cả nhà nước Xô viết vào thời của mình cũng đã thực hiện thành công khái niệm “sức mạnh mềm” thông qua việc đào tạo giới elite quốc gia của các nước chư hầu. Đất nước mà một người trẻ tuổi đã sống những năm tháng quan trọng của cuộc đời mình thường có ảnh hưởng đáng kể tới sự hòa nhập xã hội của người đó và hiếm khi họ coi đó là một đất nước hoàn toàn xa lạ khác.
Nhà nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục K. Gyuruz, nguyên chủ tịch Hội đồng Giáo dục Đại học Thổ Nhĩ Kỳ và giáo sư Đại học Mỹ, trong công trình Giáo dục đại học và tính cơ động của sinh viên quốc tế trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, cho rằng: “hệ thống quốc tế hóa giáo dục lớn nhất thế giới là công cụ hữu hiệu nhất của “sức mạnh mềm” trong kho tàng của Mỹ”. Ông cũng đưa ra danh sách các nhà lãnh đạo từng học tập ở Hoa Kỳ và đã trở thành những nhà truyền bá thành công các giá trị Mỹ. Trong số đó có cố cựu tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, Thủ tướng Pakistan B. Bhutto, tổng thống Gruzia M. Saakashvili, quốc vương Jordan Abdullah, thủ lĩnh tổ chức “Anh em Hồi giáo” của Ai Cập M. Mursi và nhiều nhà lãnh đạo khác. Tác giả của thuyết “sức mạnh mềm” J. Nye dẫn lời của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell: “Tôi nghĩ rằng, đối với đất nước chúng ta, không có gì quý hơn tình hữu nghị với các lãnh tụ tương lai trên thế giới đã từng học tập ở đây”.
Do giới elite các nước đang phát triển học tập rất đông ở Hoa Kỳ nên một số nhà nghiên cứu đã coi công tác với các đối thủ cạnh tranh trên lãnh thổ nước mành và xây dựng “chủ nghĩa thực dân mới về ý thức” là một trong những nhiệm vụ của xuất khẩu giáo dục. Nhìn chung, việc đào tạo các nhà lãnh đạo dân tộc đã tăng cường cả địa vị trung tâm của Hoa Kỳ trên thị trường dịch vụ giáo dục lẫn vị thế ngoại giao của nước này trên trường quốc tế.
Sự hiện diện của một số lượng lớn sinh viên quốc tế trên đất Mỹ cũng góp phần khắc phục chủ nghĩa vị chủng vốn rất cao trong truyền thống của người Mỹ, tạo điều kiện đào tạo họ cho vai trò lãnh đạo trên thế giới toàn cầu. Các sinh viên quốc tế thường có động cơ hơn, đánh giá cao cơ hội được học tập ở nước ngoài. Điều này ảnh hưởng tích cực tới bầu không khí chung ở trường đại học và kích thích sinh viên Mỹ học tập. Phần lớn sinh viên quốc tế ở Hoa Kỳ là sinh viên châu Á đến từ các khu vực đang phát triển năng động nhất trên thế giới – Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan, họ vốn thành công không chỉ trong giáo dục mà còn trong thích nghi với thực tiễn nước Mỹ. Nói chung, xuất khẩu dịch vụ giáo dục giúp Hoa Kỳ đạt được một loạt thành quả: lợi nhuận cao, vị trí hàng đầu về khoa học, hình thành giới elite dân tộc thân Mỹ, vị thế thủ lĩnh trong giáo dục và tác nhân kích thích để tiếp tục phát triển.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp kinh phí hoạt động cho hơn 450 trung tâm tư vấn giáo dục thuộc mạng lưới “Giáo dục ở Hoa Kỳ”, việc quản lý trực tiếp các trung tâm này ở phần lớn các nước trên thế giới đều do tổ chức phi thương mại “Hội đồng Giáo dục Quốc tế Mỹ” thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền nhiều bang cũng phát triển các chương trình địa phương nhằm thu hút sinh viên quốc tế.
Năm 2000, dưới sự bảo trợ của “NAFSA” (Hiệp hội Quốc gia về các vấn đề sinh viên nước ngoài), Hiệp quốc Quốc gia các tư vấn viên cho sinh viên nước ngoài đã được thành lập. Mỗi trường đại học đều có biên chế phụ trách việc thu hút sinh viên quốc tế; tốt nghiệp sinh các trường đại học Mỹ – các cựu sinh viên quốc tế cũng được thu hút đặc biệt tích cực vào đội ngũ tư vấn viên. Để được cấp chứng chỉ tư vấn viên, cần hoàn thành các khóa học nâng cao trình độ nghiệp vụ do Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn. Các trung tâm văn hóa Mỹ khắp nơi trên thế giới thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình về các phương diện khác nhau của hệ thống giáo dục Mỹ, các cuộc gặp với đại diện các trường đại học và các hội chợ giáo dục.
Nhưng tất cả những nỗ lực đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu giáo dục kể trên chỉ mang lại thành quả mong muốn nếu các trường đại học Mỹ xây dựng được môi trường đa văn hóa thuận tiện đối với người nước ngoài. Các cơ quan quản lý giáo dục của Hoa Kỳ tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi cụm từ “sinh viên quốc tế” chứ không phải “sinh viên nước ngoài” bởi sắc thái nào đó đi kèm theo giáo dục trong trường đại học Mỹ đều phải góp phần tạo ra được không khí tâm lý thoải mái đối với những khách nước ngoài. Các tư vấn viên tiếp tục đi kèm theo sinh viên quốc tế cả ở trường đại học, nơi đem lại cho họ những hứng thú trong giao tiếp với cơ quan hành chính và thế giới bên ngoài, giúp họ giải quyết các vấn đề về học tập, đời sống và riêng tư. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của “Hiệp hội Quốc gia các tư vấn viên cho sinh viên nước ngoài” là thường xuyên trao đổi kinh nghiệm công tác với người nước ngoài.
Hoa Kỳ có đài phát thanh chuyên trách “Americas Global College Forum – CFM” dành riêng cho sinh viên quốc tế. Các trường đại học xác lập chế độ hỗ trợ tất cả các nhóm sắc tộc. Việc thu hút sinh viên thuộc tất cả các dân tộc vào hoạt động tập thể có ý nghĩa đặc biệt. Trong chương trình đào tạo của nhiều trường đại học có các khóa học tiếng Anh, các giờ học về đa văn hóa và giao lưu xuyên văn hóa; các cộng đồng người nước ngoài kỷ niệm những ngày lễ dân tộc cùng với cả trường đại học. Trong cuốn sách hướng dẫn quản lý trường đại học, tác giả R.T. Flaun, nguyên lãnh đạo Đại học Mỹ, đã chỉ ra cả những vấn đề liênq uan đến các cộng đồng sắc tộc ly tán. Ông khuyên các nhà lãnh đạo tương lai của các trường đại học khi lựa chọn thủ lĩnh các tập thể phải phân chia đều vai trò này cho đại diện của tất cả các cộng đồng dân tộc ly tán để phòng ngừa làn sóng phản đối không tránh khỏi của sinh viên trong trường hợp ngược lại.
(còn tiếp)
Người dịch: Đoàn Tâm
Hiệu đính: Nguyễn Như Diệm
Nguồn: TN 2014 – 67 & 68