Không chỉ có hoạt động của một số nghị sĩ và chính trị gia Nhật Bản ngày càng mạnh dạn hơn trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã xác nhận sẽ thiết lập chức vụ mới “Quan chức hoạch định vấn đề Đài Loan” thuộc Cục châu Á và châu Đại Dương của bộ này trong năm 2022. Nhiệm vụ chủ yếu của quan chức đó là phụ trách vấn đề Đông Hải trong đó có quần đảo Điếu Ngư và Đài Loan. Ngoài ra, một số chính trị gia kêu gọi không chỉ tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ trong vấn đề Đài Loan, mà còn phát huy ảnh hưởng của Nhật Bản ở Đông Nam Á để đoàn kết các nước Đông Nam Á gia nhập hàng ngũ ủng hộ Đài Loan.
Trên thực tế, sau khi Trung Quốc thông qua Luật chống ly khai, nhà cầm quyền Đài Loan không dám vội vàng tuyên bố độc lập, Nhật Bản đã có nhận định rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, khi quan hệ Trung-Mỹ xuống thấp những năm gần đây và quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan tiếp tục xấu đi, Mỹ có ý đồ đụng chạm đến giới hạn đỏ của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan, thì Nhật Bản đã cảm thấy có thể thực hiện mưu đồ kiếm lợi. Do đó, trong bối cảnh đọ sức nhưng không phá vỡ thế cân bằng giữa Trung Quốc với Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan, Nhật Bản kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội này để sử dụng “quân bài Đài Loan”, thậm chí ở mức độ nhất định còn tận dụng sự kiềm chế và kiên nhẫn của Trung Quốc mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan để tìm kiếm lợi ích lớn hơn với tâm lý của “con bạc”. Chuyến thăm Đài Loan của Pelosi trở thành cơ hội tốt và tiêu chuẩn đánh giá để Nhật Bản quan sát kỹ phản ứng của Trung Quốc.
Lợi dụng “Đài Loan gặp rắc rối” để thúc đẩy mạnh mẽ việc sửa đổi hiến pháp và luật pháp
Sự leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan do chuyến thăm Đài Loan của Pelosi có thể trở thành “căn cứ” đủ vững chắc để lực lượng cánh hữu của Nhật Bản thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp.
Thứ nhất là lợi dụng tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan để tuyên truyền về khủng hoảng an ninh, tạo bầu không khí cho việc sửa đổi Hiến pháp và đạo luật.
Ngày 4/8, Nhật Bản cho rằng tên lửa trong cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan rơi vào vùng đặc quyền kinh tế do nước này vạch ra, đã đưa ra kháng nghị đối với Trung Quốc. Trong chương trình truyền hình, nghị sĩ LDP Hoshino Tsuyoshi công khai tuyên bố sự kiện này một lẫn nữa khẳng định Nhật Bản cũng là “người trong cuộc” trong vấn đề Đài Loan, người dân Nhật Bản phải nhận thấy “tính chân thực” về “rắc rối của Đài Loan cũng là rắc rối của Nhật Bản”. Nhật Bản cũng đề cập đến tranh chấp Trung Quốc-Nhật Bản ở Đông Hải, đưa ra đường trung tuyến ở Đông Hải mà Trung Quốc không thừa nhận để gây khó dễ cho Trung Quốc. Một là họ muốn lợi dụng tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan để đục nước béo có, coi việc thiết lậpđường trung tuyến giả định đã trở thành sự thật; hai là nhân chuyến thăm Nhật Bản của Pelosi để bày tỏ lập trường tương đồng giữa Nhật Bản và Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan; ba là thông qua việc tuyên truyền mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc để chứng minh “sự thật” Đài Loan gặp rắc rối cũng là rắc rối của Nhật Bản, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng đối với chính sách liên quan đến Đài Loan.
Lâu nay, lực lượng cánh hữu Nhật Bản muốn logic nội tại của việc can thiệp vào vấn đề Đài Loan là coi quần đảo Điếu Ngư thuộc tiền đồn của lãnh thổ Okinawa Nhật Bản để phân định vùng biển Nhật Bản, thậm chí sử dụng vấn đề quần đảo Điếu Ngư làm phương thức để “chủ động châm lửa đốt mình”, hợp lý hóa hành động can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Họ mong muốn lấy lý do bảo vệ an ninh quốc gia Nhật Bản để trói buộc lực lượng phản đối sửa đổi Hiến pháp, giảm bớt sự cản trở của dư luận trong nước, thực hiện ý đồ sửa đổi Hiến pháp của họ.
Thứ hai là thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện chiến lược, đạo luật liên quan đến đảm bảo an ninh.
Nhật Bản đã xác định rõ sẽ sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia vào nửa cuối năm 2022, với trọng điểm là tập trung vào nâng cao khả năng tấn công các căn cứ của kẻ địch, hoàn thiện chiến lược an ninh kinh tế nhằm tăng cường sức mạnh phòng vệ của Nhật Bản. Hiện nay, trong các chương trình nghị sự như chiến tranh tình báo và tuyên truyền chiến lược, sản xuất quốc phòng, cơ sở công nghệ, chuyển giao thiết bị quốc phòng, quản lý vũ khí và kiểm soát vũ khí, bảo vệ nhân dân, môi trường chiến lược của Nhật Bản trong tương lai…, Nhật Bản đều lấy trung tâm là Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, tiến hành nhiều vòng trưng cầu ý kiến của doanh nghiệp ngành chế tạo và chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.
Ngoài chiến lược an ninh nêu trên, năm 2022, Nhật Bản sẽ chính thức thực hiện Đạo luật khảo sát đất đai trọng yếu, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Nhật Bản trưng dụng đất dân sự cho mục đích quân sự. Dự luật này phá vỡ quy định của Luật thu hồi đất hiện hành vốn không liên quan đến việc sử dụng đất cho mục đích quân sự và quốc phòng. Chính phủ Nhật Bản sẽ quản lý và trừng phạt các chủ sở hữu đất tư nhân vì mục đích quân sự. Theo quy định của dự luật này, Thủ tướng Nhật Bản có thể chỉ định “các khu vực cần quan tâm” và “khu vực quan tâm đặc biệt” ở các khu vực như trong vòng 1 km xung quanh các cơ sở quan trọng và trên các đảo xa, yêu cầu người sử dụng đất cung cấp báo cáo và tài liệu sử dụng đất đai. Hiện nay, Nhật Bản đã thành lập cơ quan quản lý dài hạn gồm hơn 30 người trong Văn phòng Nội các phụ trách thúc đẩy việc thực hiện dự luật này. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng nội dung dự luật này có nhiều phần mơ hồ, có thể xâm phạm đến các quyền được Hiến pháp bảo vệ như quyền sở hữu tài sản, cuộc sống riêng tư, tự do tư tưởng tốt đẹp…
Trước xu thế Nhật Bản can thiệp vào vấn đề Đài Loan với những lý do khác nhau trong những năm gần đây, Trung Quốc cần theo dõi sát sao, nghiên cứu và nhận định sớm, đáp trả chính xác hành vi khiêu khích của các lực lượng thân Đài Loan, kiềm chế hiệu quả sự lan rộng của dư luận chống Trung Quốc ở Nhật Bản, kiên quyết đấu tranh chống lại sự liên kết của các lực lượng quốc tế thân Đài Loan và chống Trung Quốc, ra sức thực hiện “Tiếng nói có sức mạnh, hành động có hiệu quả”.
Nguồn: TLTKĐB – 20/09/2022