Các mùa của thời gian – Phần VI


Modelski chia chu kỳ chính trị toàn cầu này thành bốn giai đoạn dài một phần tư thế kỷ, giai đoạn sau nối tiếp giai đạon trước theo một tiến trình hỗn loạn tự nhiên. Ở giai đoạn cường quốc thế giới ban đầu, cả nhu cầu (xã hội) về trật tự và sự đáp ứng (chính trị) về trật tự đều cao. Ở giai đoạn giảm tính chính danh, nhu cầu về trật tự giảm. Ở giai đoạn phi tập trung, sự đáp ứng về trật tự giảm. Chu kỳ lên đến đỉnh điểm khi nhu cầu trật tự tăng cao, dẫn đến một kỷ nguyên tạo ra trật tự của chiến tranh toàn cầu. Giai đoạn cuối cùng được phân biệt không chỉ bởi quy mô hủy diệt nhân loại, mặc dù điều này sẽ có thể rất dữ dội, mà bởi quan niệm phổ biến rằng một kết cấu chính trị toàn cầu cũ đã sụp đổ và một kết cấu mới được sinh ra. Ông mô tả quá trình toàn cầu này như câu chuyện huyền thoại tạo nên trong phạm vi của nó: “Các nhóm sự kiện lớn trong chu kỳ, các chiến dịch chiến tranh toàn cầu và các dàn xếp nổi tiếng, sự tuân thủ mang tính nghi thức của các nước lớn, và sự dần chìm vào quân lãng của các nước khác, tất cả tạo nên nghi thức của nền chính trị thế giới. Đó là những dấu mốc quan trọng của thời gian thế giới.

Trong bảng dưới, chú ý sự giống nhau giữa các chu kỳ chiến tranh hiện đại và các bánh xe thời gian cổ xưa. Sự luân phiên giữa chiến tranh và hòa bình, hoặc giữa trật tự và phát triển và lụi tàn, giống như âm dương của châu Á hay yêu thương và xung đột của Hy Lạp cổ đại. Những lý thuyết này phản ánh các mùa của tự nhiên và năm theo nghi thức đánh dấu chúng Một kỷ nguyên tăng trưởng của mùa xuân, tiếp theo là kỷ nguyên tưng bừng của mùa hè, và kỷ nguyên vỡ vụn của mùa thu được tiếp theo bằng cái chết của mùa đông – và rồi tái sinh. Giai đoạn cuối cùng gợi đến khái niệm ekpyrois của những nhà khắc kỷ, ngọn lửa thanh lọc và chuyển hóa sẽ kết thúc một chu kỳ và bắt đầu chu kỳ tiếp theo.

Seaculum hiện đại của chiến tranh và chính trị

Tác giảPhần tư IPhần tư IIPhần tư IIIPhần tư IV
Wright (1942)Hòa bìnhChiến tranh nhỏHòa bìnhChiến tranh lớn
Toynbee (1954)Quãng nghỉChiến tranh phụHòa bình chungChiến tranh tổng lực
Rosecrance (1973)Giảm can thiệpKhoảng trống quyền lựcTăng can thiệpChiến tranh
Ferrar Jr. (1977)Chiến tranh thăm dòChiến tranh điều chỉnhChiến tranh thăm dòChiến tranh bá quyền
Hopkins-Wallerstein (1982)Đỉnh cao bá quyềnBá quyền giảm dầnBá quyền tăng dầnChiến thắng dành bá quyền
Modelski-Thompson (1987)Cường quốc thế giớiGiảm tính chính danhPhi tập trung hóaChiến tranh toàn cầu
Thiên nhiênMùa xuânMùa hèMùa thuMùa đông

Điều gì diễn ra ở đây? Điều gì đã là Quincy Wright khẳng định trong những năm tháng tuổi trẻ và phản bác lại khi về già? Nhịp điệu nào đã khiến Arnold Toynbee thấy gợn sóng trong thời hiện đại của mọi nền văn minh mà ông nghiên cứu? Đó là đơn vị lịch sử mà người Etrusca đã phát hiện ra: saeculum tự nhiên, lịch sử chuyển động theo nhịp đập của một đời người.

Giai đoạn đỉnh cao của saeculum là thời kỳ một phần tư thế kỷ chiến tranh, biến động và hỗn loạn. Các học giả nhân văn thời kỳ đầu gọi đây là revolutio, bắt nguồn từ cụm từ revolutioners orbium calestium (về chuyển động quay của các thiên thể) của Copernicus. Cùng với Cải cách Tin Lành, từ cách mạng (revolution) hàm nghĩa con đường dẫn đến một thời kỳ Vàng son, đến thiên đường, đến công lý. Một thế kỷ sau, Thomas Hobbes liên hệ từ này với chính trị, một ý nghĩa được phát triển cùng với những cuộc cách mạng hào hùng của thế kỷ 18. Trong mấy năm gần đây, người Mỹ đã đánh giá thấp từ này qua việc liên tục gắn liền với các giai đoạn (như những cuộc cách mạng “hậu Watergate”, “Reagan”, và “Gingrich”) vay mượn từ danh tiếng của sự kiện trước đó mà không đạt tới bất kỳ kết quả gì tương tự.

Có một từ hay hơn, đó là khủng hoảng. Từ gốc Hy Lạp của nó, krisis, đề cập một thời điểm mang tính quyết định hoặc phân ly. Trong y học, krisis là khi các bác sĩ biết liệu một bệnh nhân sẽ hồi phục hay tử vong; trong chiến tranh, đó là thời điểm trong trận chiến mà sẽ quyết định một đội quân (hoặc quốc gia) chiến thắng hay thất bại. Thomas Paine đã gắn từ này với cuộc cách mạng chính trị năm 1776, khi ông bắt đầu xuất bản tác phẩm American Crisis (Tạm dịch: Khủng hoảng Mỹ) nổi tiếng của mình. Từ Metternich đến Burckhardt cho tới Nietzsche, một loạt các nhà tư tưởng thế kỷ 19 đã dùng từ này để chỉ các cuộc chiến tranh tổng lực định kỳ mà Marx gọi là “những chuyến tàu tốc hành của lịch sử”. Đến Thế chiến I, sử gia Gerhard Masur giải thích, từ này được sử dụng rộng rãi với ý nghĩa “một sự tăng tốc đột ngột của diễn trình lịch sử theo một cách đáng sợ”, đủ để “giải phóng các lực lượng kinh tế, xã hội, đạo đức với những sức mạnh và khía cạnh không thể lường trước, mà thường không thể trở về nguyên trạng”.

Khủng hoảng kết thúc một saeculum và bắt đầu một saeculum kế tiếp. Tuy nhiên, nếu nó biểu thị thời điểm cực hạn dương của chu kỳ, hay xung đột, thì có vẻ như một bất đối xứng kỳ lạ lại nảy sinh: Cực hạn đối lập của chu kỳ, thời điểm tối đa của âm – hay yêu thương, biểu thị điều gì? Nếu chúng ta có thể định vị và mô tả đông chí của lịch sử, thì chúng ta cũng có thể làm điều tương tự với hạ chí của nó.

Một manh mối quan trọng nằm trong mô tả của Modelski về giai đoạn giảm tính chính danh ở một phần tư thứ hai của chu kỳ, mà ông mô tả là mùa của “đổi mới bên trong” và “sự phục hồi các nền tảng chuẩn mực của hệ thống”. Cũng như thời kỳ một phần tư cuối cùng của chu kỳ là cần thiết để thay thế cấu trúc bên ngoài của các thể chế chính trị và thiết chế xã hội, thời kỳ một phần tư thứ hai là cần thiết để thay thế cấu trúc bên trong của nền văn hóa và các giá trị.

Điều gì làm nên những kỷ nguyên đó? Cách đây 40 năm, nhà nhân học tôn giáo Anthony Wallace đã dựa vào nghiên cứu trên toàn thế giới để đưa ra câu trả lời cuối cùng cho vấn đề này. Một “phong trào tái sinh” là một “nỗ lực có chủ đích, có tổ chức, có ý thức của các thành viên trong một xã hội để xây dựng một nền văn hóa thỏa mãn hơn”, ông viết. Ban đầu, các phong trào này là một phản ứng tập thể đối với “sự căng thẳng lâu dài và đáng kể về mặt tâm lý”. Khi thành công, chúng tạo nên một “mê cung văn hóa” hoàn toàn mới, một cách hiểu mang tính biến đổi về “tự nhiên, xã hội, văn hóa, tính cách, và hình ảnh con người”. Sau khi phân loại các phong trào đó (như người bản địa trội hơn người nhập cư, thức tỉnh lại đức tin, thuyết thiên niên kỷ, cứu thế,..). Wallace đưa ra giả thuyết rằng tất cả các tôn giáo tồn tại ngày nay là phần còn lại được chắt lọc từ “những viễn cảnh tiên tri hay bay bổng” của những phong trào đã qua. Wallace không nói đến tần suất xuất hiện của các phong trào tái sinh này, nhưng ông thật sự lưu ý rằng “chúng là những đặc điểm tái diễn trong lịch sử nhân loại” và – ngụ ý tới saeculum – rằng “có lẽ ít người đã sống mà không từng được tham gia vào một khoảnh khắc nào cùa quá trình tái sinh đó”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s