Hiện tại, thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn. Trong lúc cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng, công nghệ được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định vị thế kinh tế-chính trị toàn cầu của một nước – vốn được xem là nền tảng cốt lõi cho sức mạnh quốc gia. Vì thế, nhiều quốc gia đang mở rộng quy mô đầu tư vào việc phát triển khoa học-công nghệ. Đặc biệt, khi tốc độ đổi mới công nghệ hỗ trợ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tăng nhanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng như nền kinh tế dữ liệu tiến triển mạnh, việc đầu tư lớn vào các công nghệ mới đã mở ra một mô hình kinh tế mới. Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị các dự luật về cạnh tranh trong hoạt động sáng tạo và Luật cạnh tranh của Mỹ nhằm nâng cao khả năng đổi mới công nghệ và duy trì khoảng cách công nghệ với Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư quy mô lớn vào khoa học cơ bản, sản xuất chất bán dẫn, truyền thông và các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật khác. Thông qua Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025), Trung Quốc đã nhấn mạnh và ủng hộ sự phát triển và độc lập về công nghệ, do đổi mới công nghệ cao là nội dung cốt lõi của chiến lược quốc gia.
Tại Hàn Quốc, các biện pháp hỗ trợ như dự luật đặc biệt nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp chiến lược trọng điểm quốc gia đang được thảo luận, nhưng xét về cường độ và quy mô đầu tư, cũng như mức độ quan tâm của nước này còn kém xa so với Mỹ và Trung Quốc. Điều này được cho là do đổi mới công nghệ vẫn chỉ được coi là một vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ và chưa được mở rộng đến cấp độ an ninh đối ngoại hoặc chiến lược quốc gia, đồng thời do đổi mới công nghệ và an ninh ngoại giao chưa có sự phối hợp ăn ý với nhau.
Trường hợp của chất bán dẫn cho thấy công nghệ đã trở thành tài sản ngoại giao quan trọng nhất trong cấu trúc nền kinh tế-chính trị toàn cầu của Hàn Quốc và công nghệ tiên tiến sẽ tiếp tục là cơ sở để đánh giá sức mạnh quốc gia của nước này. Về mặt này, đổi mới công nghệ chắc chắn là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh và đối ngoại của Hàn Quốc. Từ quan điểm công nghệ, điểm cốt lõi trong chiến lược ứng phó của Hàn Quốc đối với cuộc cạnh tranh giành bá quyền công nghệ Mỹ-Trung không nên chỉ nằm ở việc chọn bên, mà cần hướng đến việc xác định những công nghệ mà Hàn Quốc có thể tiếp tục giới thiệu ra thị trường toàn cầu và những công nghệ mà Hàn Quốc có thể dựa vào đó để xây dựng tương lai của mình. Ví dụ, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thống trị lĩnh vực chất bán dẫn, song câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Giai đoạn hậu chất bán dẫn sẽ thế nào? Và làm thế nào để tìm kiếm công nghệ mới và thiết lập chiến lược đối với những thách thức từ công nghệ mới?
Chính phủ đương nhiệm ở Hàn Quốc đã cam kết đưa khoa học-công nghệ phát triển thành lĩnh vực dẫn đầu trong tương lai. Theo đó, các công nghệ mới cần được lựa chọn cẩn thận; việc hỗ trợ quá trình nghiên cứu có thể kéo dài tới 10 năm và tiến hành song sng với việc tách nghiên cứu khoa học khỏi chính trị, không để chính trị can thiệp vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hàn Quốc cần chuẩn bị một chiến lược quốc gia kết hợp đổi mới khoa học-công nghệ với các lĩnh vực ngoại giao và an ninh trong bối cảnh các công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, đang phát triển và cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung giành quyền bá chủ gây bất ổn cho các hoạt động sáng tạo.
Ngoại giao khoa học – công nghệ và hợp tác điều phối
Theo truyền thống, khoa học-công nghệ, ngạoi giao và an ninh luôn song hành với nhau cho dù mỗi lịnh vực đều phát triển một cách độc lập. Ví dụ, sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc ở các nước châu Âu và việc hình thành các thuộc địa ở châu Phi vào thế kỷ 19 đã trở nên khả thi nhờ việc phát minh động cơ hơi nước có khả năng đi sâu vào vào vùng đất thuộc địa và việc bào chế thành công thuốc trị sốt rét Quinin. Bước vào thế kỷ 21, mối quan hệ giữa khoa học-công nghệ và ngoại giao ngày càng được mở rộng. Ngoại giao khoa học-công nghệ đang được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức như hợp tác nghiên cứu và phát triển quốc tế, hoạt động phối hợp giữa các tổ chức khoa học-công nghệ quốc tế và ngoại giao cộng đồng khoa học-công nghệ. Hiện nay, cùng với những tiến triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc xung đột giành quyền bá chủ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, và ngoại giao khao học-công nghệ đang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Tuy nhiên, khi khoa học-công nghệ, chẳng hạn như công nghệ khí hậu, công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường, vaccine và phương pháp điều trị, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức chung của nhân loại trong phòng chống sự lây lan của dịch bệnh và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và ngoại giao giữa các nước lại gia tăng mạnh mẽ.
Vấn đề nổi cộm trong phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học tiên tiến là sự thừa nhận và phản ứng với những thách thức liên quan đến nền văn minh do những công nghệ này gây ra đã bị lu mờ, và các bên chỉ tập trung vào việc dùng công nghệ để vượt qua đối thủ. Vì vậy, đây sẽ là lĩnh vực ngày càng có nhiều rủi ro trong việc thiết lập các mặt bằng phát triển. Trong trường hợp này, nhiều khả năng chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua công nghệ Mỹ – Trung sẽ thuộc về công nghệ đã đẩy lùi con người, chứ không phải Mỹ hay Trung Quốc.
Hợp tác quốc tế trong quá trình xác định và giải quyết các vấn đề phát sinh từ công nghệ tiên tiến như robot sát thủ phụ trách an ninh quốc gia, robot trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, các tổ hợp máy móc mô phỏng chức năng của con người và không gian ảo là điều cần thiết. Trong quá trình tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, cần chú ý đến quá trình thiết lập và hình thành các chuẩn mực quốc tế về khoa học-công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thay vì chọn bên, Hàn Quốc cần quan tâm đến việc đóng góp vào các chiến lược, phương án và đối sách giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng và phối hợp ngoại giao với các quốc gia tầm trung có những mối quan tâm tương tự.
Chính phủ mới dự kiến sẽ đưa ra nhiều chính sách khác nhau và tìm cách tái cơ cấu tổ chức để giải quyết các vấn đề an ninh kinh tế và ngoại giao khoa học-công nghệ mà các bộ ngành không thể tự mình xử lý. Tất cả những thách thức hiện nay phải được tiếp và giải quyết từ góc độ tổng thể, bao gồm các vấn đề kinh tế, công nghệ, đối ngoại, an ninh và y tế. Sự thành công của chính sách khao học-công nghệ của chính phủ mới phụ thuộc vào việc chính sách đó có được thực hiện một cách quyết liệt và toàn diện thông qua sự hợp tác và phối hợp giữa các bộ ngành hay không. Sự hợp tác hoặc phối hợp này là điều cần thiết đối với các vnấ đề liên quan đến nhiều bộ ngành. Do đó, cần phải tìm ra một cơ chế quản trị có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này.
Nguồn: TLTKĐB – 29/07/2022