Phần còn lại của thế giới xem chúng ta như một giống loài có tính “bầy đàn”, quan điểm Á Đông, Ubuntu và châu Phi. Chủ nghĩa tập thể và tính tương thuộc. Trường phái Latin về xã hội và sự tiêu dùng. Nỗi lo sợ của chúng ta trước đám đông điên loạn. Văn hóa của cái “Tôi” và sự thiên vị của chúng ta dành cho các cá nhân, chuyên gia và các vị anh hùng. Chủ nghĩa cá nhân phần lớn xuất phát từ hệ tư tưởng Anglo-Saxon: xuất phát từ Thời kỳ Phục hưng và Khai sáng. Vì sao Bà Thatcher vừa đúng lại vừa sai. Làm thế nào các nhà tư tưởng cá nhân chủ nghĩa chủ động xây dựng được môn tâm lý học xã hội và những công cụ giúp chúng ta hiểu về hành vi đám đông. Điều này có ý nghĩa gì trong kinh doanh, nghiên cứu thị trường và các phương pháp hiện tại của chúng ta nhằm thay đổi hành vi đám đông.
Người da trắng xem.. các cá nhân… (là)… những sinh vật bé nhỏ có cuộc sống và cái chết riêng: quyền lực cá nhân, thành công và danh vọng chính là những thước đo giá trị tuyệt đối, những thứ làm nên mục đích của cuộc sống. Quan điểm về cuộc sống chia nhân loại thành nhiều thực thế đơn lẻ, nhỏ bé, luôn ở trong trạng thái xung đột triền miên và do đó, càng đẩy nhanh giây phút hủy diệt cuối cùng của chính mình.
Tuyên bố chính sách, năm 1944, Liên đoàn Tuổi trẻ, Đại hội quốc gia châu Phi
Một luồng gió nóng
Tôi còn nhớ rất rõ những bước chân đầu tiên của mình trên đất Ấn.
Tôi đến phi trường Goa mệt nhừ sau chuyến bay riêng (và hai giờ quá cảnh kỳ quái lúc nửa đêm ở Bahrain). Sau sự hỗn loạn thường thấy ở khu vực giao nhận hành lý cho du khách tứ phương, tôi và chị gái mình bước qua khu vực quản lý nhập cư để tiến về phía đám đông náo nhiệt bên ngoài những chiếc cửa tự động bắt mắt, và thứ ánh sáng như hun nóng của đất nước Ấn Độ.
Tôi còn nhớ trải nghiệm phấn khích đầu tiên của mình là đám đông người Ấn trong bộ sari màu sáng và vòng hoa cúc sặc sỡ trên người đều nhiệt tình chào đón bất kỳ ai – hay có vẻ là thế – đến với thiên đường du lịch của tiểu lục địa rộng lớn này. Tôi còn nhớ là bên ngoài, những chú bò thong thả dạo bước qua tòa nhà sân bay mà chẳng buồn để tâm đến đám đông lộn xộn kia; đối với chúng, những thứ như thế này là tầm thường và không có nghĩa gì đối với chu kỳ bất tận của sinh, tử và tái sinh. Nhưng hơn hết, tôi còn nhớ những luồng khi nóng xộc đến từ bên ngoài tòa nhà – một thứ không khí nóng bức và khô hanh đến kinh ngạc. Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy, cảm xúc ấy, luồng khí nó khô hanh ấy tràn vào mũi, cổ họng và phổi của mình, cùng với cảm giác say nắng mà nó gây ra.
Cảm giác khi ta gặp gỡ một nền văn hóa khác là như thế đó. Quá nhiều thứ tương đồng như cũng có quá nhiều điểm khác biệt. Một số có thể rất đáng lo ngại nhưng số khác chỉ hơi kỳ quặc mà thôi. Nhưng bất kỳ lữ khách nào cũng nhận ra rằng chức năng chủ yếu của du lịch là giúp chúng ta khám phá bản thân. Nhờ hiểu và chấp nhận những khác biệt ở nhiều lối sống khác nhau, chúng ta hiểu về bản thân mình một cách rõ ràng hơn. Thật vậy, quá trình này có thể giúp ta nhận ra trong số những ý nghĩ đã dẫn dắt mình đâu là thứ không còn hữu ích và đâu là thứ ta muốn giữ lại.
Bài này sẽ bàn về quan điểm rằng, trong thế giới Anglo-Saxon, chúng ta đã sai. Hầu hết phần còn lại của thế giới đều xem giống loài của chúng ta đầu tiên và trước nhất là một “giống loài chúng ta” và điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ mà còn đến cách cư xử của họ. Ngược lại, chúng ta lại bị mắt kẹt đằng sau lăng kính của hệ tư tưởng “cá nhân chủ nghĩa” và điều này – thậm chí còn hơn cả cấu trúc não bộ của chúng ta – là một trong những nguyên nhân chính khiến ta không thể nhận ra sự thật về những cái bản thể trần trụi giống khỉ của mình: bản chất bầy đàn của mình.
Chu du thực sự
Dĩ nhiên, các nhà nhân chủng học đi du ngoại để kiếm sống. Họ tìm hiểu về các nền văn hóa xa lạ không chỉ nhằm mục đích để hiểu về những hành vi bề mặt mà còn về những quan điểm ẩn chứa đằng sau đó về thế giới. Gần đây, tôi tình cờ đọc được một nghiên cứu về vai trò của loài sói đối với các nền văn hóa khác nhau của con người, nó tiết lộ tất cả những giả định thú vị mà chúng ta mang theo bên mình. Trong hầu hết các nền văn hóa của con người, loài sói có một giá trị văn hóa cửa ngõ (liminal) thú vị; tức là nó đại diện cho mọi nguy hiểm nằm ngoài sự an toàn của nền văn minh, trong Khu rừng tăm tối (Dark Woods), trong đời thực sự hay chỉ mang tính hình tượng Na Uy đang tranh cãi về hành động tàn sát 25% quần thể sói tự nhiên (khoảng chừng 24 con) tại đất nước họ – những người làm việc tại các khu vực băng giá hẻo lánh xem đây là biện pháp an toàn cần thiết; còn cư dân thành thị thì cho rằng đó là tội ác đối với thế giới tự nhiên. Dù đúng hay sai (và các nhà nhân chủng học luôn cố không nghĩ đến việc đúng sai), cuộc tranh luận cho thấy một điều kỳ lạ về những giả định mà mỗi nhóm có được về chính họ cũng như vị trí của họ trong thế giới này.
Ngày càng có nhiều nhà tâm lý học thực hiện các phân tích xuyên văn hóa theo cách tương tự. Sẽ không có gì sai khi nói rằng hầu hết những gì chúng ta biết về các lĩnh vực tâm lý khác nhau đều dựa trên những sinh viên tâm lý học da trắng thuộc tầng lớp trung lưu (thường là người Mỹ); thậm chí các phương pháp bắt nguồn từ những giả định xuất phát từ các nền văn hóa địa phương. Chẳng hạn, từ lâu, các nhà tâm lý học và các nhà linh trưởng học đã xem trí thông minh là một chức năng riêng lẽ. Đây là lý do vì sao loài tinh tinh (và một số chủ thể con người) được cho là ngu ngốc – chúng thể hiện rất kém trong các bài kiểm tra IQ truyền thống. Mãi đến khi phát hiện quan trọng về trí tuệ xã hội của Nick Humphrey’s được thừa nhận thì một định nghĩa hữu ích hơn về trí thông minh mới được cân nhắc và cho phép áp dụng để thay đổi phương pháp đánh giá trí thông minh của con người và các loài vật khác. Chúng ta hiện rất đề cao những năng lực phi thường của trí thông minh mà các loài linh trưởng sử dụng để tương tác hiệu quả với nhau.
Vì vậy, các nghiên cứu xuyên văn hóa có thể hé mở nhiều cách nhìn nhận khác nhau cho cùng một vấn đề, tùy thuộc vào nền văn hóa nơi bạn sinh trưởng. Nó giúp ta nhận ra điều gì được quyết định trên phương diện văn hóa, điều gì không, đâu là ảo giác và đâu là sự thật.
Người tiên phong trong lĩnh vực này không ai khác ngoài Richard Nisbett. Những nghiên cứu tâm lý học xuyên văn hóa đồ sộ của ông cung cấp một tập hợp bằng chứng thật sự thú vị cho giả thiết rằng những người phương Tây suy nghĩ hoàn toàn khác so với những người họ hàng của mình trong các nền văn hóa phương Đông.
Người phương Tây suy nghĩ theo hướng cá nhân và thiên về các nguyên nhân; còn người phương Đông suy nghĩ theo hướng tập thể các mối quan hệ và hệ thống. Ví dụ như Nisbett ghi nhận một hiện tượng gọi là “giết người hàng loạt tại trung tậm mua sắm” bởi một học sinh trung học người Mỹ gốc Trung Quốc (do bất mãn nên cậu thanh niên này đã mang vũ khí bán tự động của bố mẹ đến trung tâm mua sắm và gây ra tấn thảm kịch). Nisbett lưu ý rằng những tờ báo tiếng Trung Quốc ở địa phương bày tỏ nỗi thất vọng với cộng đồng. “Vì sao xảy ra cớ sự này? Chúng ta đã làm gì sai để rồi sự việc lại khủng khiếp đến thế?”, họ than khóc. Trong khi các tờ báo tiếng Anh lại truy tìm bệnh thái nhân cách của cá nhân xấu xa ấy, nghiên cứu thời điểm nào linh hồn đen tối của hắn được giải thoát.
Nisbett xem mô tả này không chỉ đơn thuần là sự khác biệt giữa phong tục của hai nền văn hóa mà còn là sự khác biệt trong cách nhìn nhận về thế giới. Nói cách khác, ông cho rằng những ý niệm mà ta tiếp thu trên phương diện văn hóa sẽ đóng vai trò như một bộ lọc hay lăng kính cho cách chúng ta quan sát và tương tác với thế giới xung quanh; nền văn hóa nơi chúng ta sinh trưởng sẽ thay đổi cách tư duy của chính mình. Ông đánh dấu bằng chứng về sự tự tin thái quá của người phương Tây trong việc xác định các mối quan hệ nhân quả giữa biến cố và những khuynh hướng tương ứng nhưng đối lập ở người Trung Quốc. Họ thiếu tự tin khi xác định các nguyên nhân của sự việc, không phải bởi vì họ ngu ngốc hay thiếu hiểu biết mà vì họ xem thế giới là chuỗi hệ thống với nhiều biến số chứ không chỉ một cá nhân với các đặc điểm nhân quả riêng lẻ và đơn giản. Nisbett dẫn chứng về hành động vui đùa của người mẹ với đứa trẻ sơ sinh để khẳng định rằng thế giới quan về văn hóa của đứa trẻ sẽ được truyền từ người mẹ từ những năm tháng đầu đời, và sẽ được củng cố sau đó. Trong một nghiên cứu về các bà mẹ và trẻ sơ sinh mang hai dòng máu Mỹ-Hàn và Mỹ-châu Âu, ông chú ý rằng sự vui đùa giữa người mẹ và đứa con ở nhóm đầu tiên là về mối quan hệ giữa hai người; còn với nhóm thứ hai, sự vui đùa có xu hướng thiên về khách thể, các đặc điểm và sự khác biệt giữa các khách thể.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Mark Earls – Tâm lý bầy đàn – NXB THTPHCM 2012