Mặc dù chi phí học tập ở Hoa Kỳ rất cao, một số nhóm sinh viên nước ngoài vẫn có cơ hội được học tập miễn phí ở đây trong những trường hợp đặc biệt. Nhưng tỷ lệ sinh viên nước ngoài được học miễn phí ở Hoa Kỳ vô cùng nhỏ và nó không ảnh hưởng đáng kể đến quá trình xuất khẩu giáo dục của nước này. Đó là số lượng hết sức hạn chế những người tị nạn, nạn nhân của nạn buôn người, người Samoa và Cuba. Trợ cấp tài chính cho sinh viên quốc tế của Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục hết sức hạn chế và được cấp phát chủ yếu bởi những lý do thực dụng. Từ năm học thứ hai trở đi sinh viên có nhiều cơ hội nhận trợ cấp hơn nếu họ đạt thành tích cao trong học tập, thành tích thể thao, âm nhạc và thành tựu trong đời sống xã hội mang lại lợi ích cho trường đại học Mỹ. Phía Mỹ khi phân bổ trợ cấp cũng ưu tiên cho thạc sĩ tốt nghiệp các chương trình đào tạo thạc sĩ và tham gia nghiên cứu cơ bản. Những sinh viên nghèo có thể được Cục Các vấn đề sinh viên nước ngoài hỗ trợ bằng cách cấp phép cho đi làm thêm, nhưng nếu chưa được phép của Cục thì sinh viên không được phép làm thêm và có nguy cơ bị tước visa sinh viên. Trước tiên, Cục khuyến khích các công việc làm thêm ở ngay trong trường đại học: phần lớn cán bộ khoa học và trợ giảng là sinh viên quốc tế đã và đang học tập tại trường.
Tính cơ động quốc tế của các nhà khoa học, cái làm giàu cho nền khoa học và giáo dục Mỹ bằng những tư tưởng và cách tiếp cận mới, là một trong những tiêu chí chủ yếu của quốc tế hóa. Tính cơ động của các nhà khoa học mang tầm quan trọng đặc biệt bởi lẽ, mức độ quốc tế hóa thể hiện ở tương quan tỉ lệ phần trăm sinh viên và giảng viên nước ngoài so với sinh viên và giảng viên bản địa là một trong những tiêu chí bắt buộc khi đánh giá uy tín của trường đại học trên các bảng xếp hạng giáo dục. Như vậy, sự cần thiết phải có mặt trên các bảng xếp hạng này cũng trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy quá trình quốc tế hóa các trường đại học của Hoa Kỳ.
Trong tương lai gần, những người quản lý hệ thống giáo dục Hoa Kỳ ở tất cả các cấp lên kế hoạch dồn nỗ lực ngày càng lớn cho quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học với trọng tâm là thu hút sinh viên giỏi từ khắp nơi trên thế giới. Chi phí giáo dục đại học ở Hoa Kỳ thường xuyên tăng, trong điều kiện cạnh tranh từ phía các trường đại học các nước hàng đầu Đông Nam Á, Canada, Australia, giáo dục giá rẻ và miễn phí của Pháp và Đức không ngừng gia tăng, điều đó đã thúc đẩy hệ thống giáo dục Mỹ phát triển mạnh hơn.
Một trong những hình thức bành trướng giáo dục triển vọng nhất là giáo dục từ xa. Ở tất cả các khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh và có nhu cầu nhanh chóng nắm vững những năng lực mới, hình thức giáo dục này được đòi hỏi nhiều nhất.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, ngày từ năm 2010 đã có hơn một triệu sinh viên tốt nghiệp các khóa học trực tuyến. Các trường đi đầu trong giáo dục từ xa đã cung cấp hàng trăm khóa học trực tuyến cho hàng chục nghìn sinh viên. Đó là các trường: Đại học mở Công nghệ Mỹ Massachusetts, Đại học Phoenix, Đại học Đông Nam Nova. Một số trường đại học Mỹ giám sát và bảo trợ các trường phổ thông trực tuyến. Ở Hoa Kỳ, giáo dục từ xa đã thực sự thay thế giáo dục hàm thụ và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp học tập suốt đời của người trưởng thành. Thực tế chứng mình rằng, những sinh viên tham gia chương trình đào tạo từ xa, nhờ hệ thống các module, có thể nhanh chóng nắm vững những kiến thức mới, hiểu rõ và chính xác tài liệu học tập hơn so với những sinh viên học theo phương thức truyền thống. Những ưu việt của giáo dục từ xa là: tính độc lập, tính đa dạng, tính dễ tiếp cận, tính chủ động trong học tập và sự phát triển của hệ thống kiểm tra kiến thức.
Giáo dục từ xa được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục không chính quy mà vai trò của hệ thống này ngày càng lớn do nhu cầu học tập suốt đời của người trưởng thành. Bất cứ hoạt động giáo dục nào không được cấp bằng chính thức đều có thể được gọi là giáo dục không chính quy. Ưu việt của giáo dục không chính quy tách rời sự giám sát quan liêu là ở chỗ ứng dụng nhanh chóng những công nghệ và chương trình mới. Giáo dục chính quy vay mượn nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả của giáo dục không chính quy. Chính tại Hoa Kỳ, nơi mà những tri thức hiện đại và có tính ứng dụng luôn được đánh giá cao, giáo dục không chính quy phát triển mạnh nhất. Hình thức giáo dục này luôn được người Mỹ sử dụng rộng rãi không chỉ trong trường học mà còn trong các tổ chức xã hội, các cơ quan, thư viện, bảo tàng, nhà thờ và giáo đường Do Thái.
Trong cuốn sách Một quân đội khác của nước Mỹ (2013), tác giả đưa ra ví dụ về các chương trình giáo dục không chính quy của Mỹ dành cho sinh viên-nhà khoa học chính trị ở Iraqi Kurdistan. Mục đích của những chương trình này là truyền bá tư tưởng chủ nghĩa liên bang và tư tưởng dân chủ do các cán bộ của chính phủ Hoa Kỳ tham gia giảng dạy ở đây đảm nhiệm. Trong khuôn khổ các chương trình không chính quy đang được triển khai ở nhiều quốc gia (ví dụ, ở Pakistan), các buổi hòa nhạc, các cuộc triển lãm, các buổi đọc thơ, các câu lạc bộ nghiên cứu nghệ thuật cũng được mở ra. Hơn nữa, những người trẻ tuổi có thể nhận ra những khuyết điểm của chế độ chính trị và kinh tế-xã hội nước mình bằng cách so sánh với đời sống của thanh niên các nước khác. Tác giả thừa nhận rằng, cần phải phát triển các chương trình giáo dục không chính quy cả ở các nước có tư tưởng chống Mỹ ngày càng tăng, chẳng hạn ở Malaysia. Một ví dụ về hoạt động thành công trong môi trường chống Mỹ là việc công nhận các giảng viên đến từ Hoa Kỳ dưới hình thức các công dân Vương quốc Anh. Tiếng Anh được giảng dạy rộng rãi ở bất cứ quốc gia nào và qua đó làm cho sinh viên quan với các giá trị phương Tây. Đây được coi là “phương thức thành công nhất của cái gọi là ngoại giao xã hội”. Sự phát triển mau lẹ của các công nghệ từ xa hiện đại đã trở thành chất kích thích mạnh mẽ mới đối với việc truyền bá rộng hơn nữa giáo dục không chính quy.
Giáo dục từ xa dần trở thành công cụ hữu hiệu đối với việc bành trướng giáo dục khu vực và xuyên quốc gia. Ở Hoa Kỳ, các consortium – các mạng lưới giáo dục, một trong những mô hình hội nhập giáo dục triển vọng nhất, đã hoạt động từ khá lâu và rất hiệu quả. Một ví dụ điển hình của consortium khu vực thành công trong giáo dục là Đại học Công nghệ Quốc gia (NTU) được thành lập tại Colorado vào năm 1984 và liên kết hơn 50 trường đại học ở tất cả các vùng của Hoa Kỳ thông qua truyền TB vệ tinh và gửi email.
(còn tiếp)
Người dịch: Đoàn Tâm
Hiệu đính: Nguyễn Như Diệm
Nguồn: TN 2014 – 67 & 68