Tôi và chúng ta – Phần II


Những người Hy Lạp thận trọng

Giả thiết cơ sở của ông để giải thích những khác biệt này là khá táo bạo (nếu không muốn nói là hoàn toàn không có thách thức): nền văn hóa phương Tây của chúng ta bắt nguồn từ nền văn hóa thương nghiệp và nghề đi biển của người Hy Lạp cổ đại. Sự khác biệt và chia cắt có ý nghĩa quan trọng. Những tư tưởng về sau hình thành nên thế giới phương Tây như dân chủ và nhân quyền đều xuất hiện trong bối cảnh sống động và đầy màu sắc này. Tính logic, hợp lẽ phải và thuật hùng biện là những kỹ năng cốt lõi được định hình trong xã hội nơi chúng được sinh ra. Nhưng ngược lại, ông cũng cho biết nền văn hóa chính thống của Trung Quốc – triết lý Khổng Tử – chính là sản phẩm của một môi trường, nơi tính thuần nhất, chứ không phải tính hỗn tạp, mới là quy phạm. Hiếm có ai ra khỏi làng minh; ít khi thấy người lạ, vì thế sự khác biệt chưa bao giờ có ý nghĩa quan trọng. Ở đây, tính qua lại và sự phụ thuộc lẫn nhau có ý nghĩa sống còn đối với những ai sinh sống trong nền văn hóa đó.

(Về chủ đề này, thật thú vị là dù trí tuệ Trung Hoa có thể vượt trội phương Tây cả vài thiên niên kỷ nhưng các nhà lý luận người Trung Quốc chưa bao giờ tìm ra cái mà trong logic học gọi là “luật bài trung” – một trong những nguyên tắc nền tảng của logic học cổ điển châu Âu. Quy luật này nói rằng một vật, không thể cùng lúc có và không có một thuộc tính. Một thứ không thể vừa là A vừa là –A. Nếu không có công cụ này thì phần lớn truyền thống tranh luận và hùng biện của phương Tây sẽ trở nên thừa thãi. Hầu hết những bài báo mà bạn đọc và tôi đọc hay sáng tác sẽ không thể đứng vững; thực tiễn khoa học như chúng ta đã biết với giả thiết và chứng minh giả thiết sẽ không thể tưởng tượng nổi; cho đến khi vật lý lượng tử và nguyên lý bất định xuất hiện).

Dù bạn nghĩ gì về lời giải thích bao quát của Nisbett về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Hy Lạp và Trung Hoa, thì những hiện tượng mà quá trình so sánh này đang cố gắng làm rõ – cách suy nghĩ và hành xử của những người ở hai nền văn hóa ấy – sẽ khá bất ngờ và có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực. Bằng kinh nghiệm của bản thân tôi biết sẽ khó khăn như thế nào khi thu thập ý kiến từ các nhóm khách hàng tập trung người Thái Lan hay Trung Quốc; dường như họ không có phương tiện bày tỏ ý kiến khác biệt; hay có vẻ như điều này không được xem là đúng đắn. Ngược lại, ở phương Tây, bạn chỉ cần bật máy ghi âm lên và hầu như ai cũng có thể nói cho bạn nghe ý nghĩ của họ (thậm chí họ huyên thuyên trên mức cần thiết), và bất đồng với người bên cạnh một cách khá thô lỗ.

Ubuntu

Không chỉ có các nền văn hóa Á Đông mới thách thức sự tập trung vào các cá nhân của văn hóa phương Tây. Những ai sinh trưởng trong các nền văn hóa châu Phi cũng có xu hướng tư duy về tập thể, về con người với tư cách một loài động vật quần thể chứ không phải những cá thể của một giống loài cá nhân chủ nghĩa. Từ “Ubuntu” được tìm thấy ở cả nền văn hóa Zulu lẫn Xhosa và nó có vai trò định hình cho cuộc sống ở châu Phi.

Ubuntu có nghĩa là “lòng nhân đạo được sẻ chia” hay “tình thương dành cho người khác”. Về bản chất, nó là một sự thừa nhận như Tổng giám mục Desmond Tutu đã nói:

[Rằng] Tình thương của tôi được tiếp nhận và gắn bó mật thiết với tình thương của bạn. Một người có ubuntu luôn tỏ ra niềm nở, thân thiện, ấm áp và hào phóng, sẵn sàng chia sẻ, cởi mở và giúp đỡ người khác; tin tưởng người khác; không cảm thấy lo sợ khi người khác có khả năng và giỏi giang, bởi người này có sự tự tin cần thiết xuất phát từ hiểu rằng họ thuộc về một tập thể lớn hơn và sẽ thấp kém đi khi người khác bị bẽ mặt hoặc bị hạ thấp.

Dù các cá nhân có thể nói rằng họ sở hữu hay thể hiện Ubuntu, nhưng ý nghĩa thực sự lại thiên về ý thức hệ; nó đại diện cho một nhu cầu thôi thúc phải hành động (như thành ngữ Zulu có câu: một người chỉ khẳng định sự tồn tại của mình thông qua người khác). Ubuntu làm sáng tỏ nguồn gốc của sự sẻ chia trong nhiều nền văn hóa châu Phi (dù nghèo khó nhưng chủ nhà vẫn sẵn sàng thiết đãi khách tất cả thức ăn mà họ có) và ý thức đoàn kết giúp các cộng đồng này vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất.

Ta sẽ dễ dàng xem đây là một tuyên bố nổi loạn nhưng yếu ớt về tính tương thuộc, về tình yêu và sự chia sẻ; dễ đánh giá thấp khoảng cách giữa quan điểm của chủ nghĩa thực dân và người bị trị về tính nhân đạo. Câu trích dẫn ở đầu bài, được trích ra từ tuyên bố chính sách của Đại hội Quốc gia châu Phi (ANC) năm 1944, đã thể hiện sự mâu thuẫn sâu sắc giữa quan điểm Ubuntu và phương Tây về mọi thứ. Một lần nữa, chỉ khi hiểu được quan điểm của người khác về mình, chúng ta mới hiểu được mình thật sự là ai và biết cách nhìn nhận về bản thân. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm lại điều này.

Người da trắng xem… các cá nhân… (là)… những sinh vật bé nhỏ có cuộc sống và cái chết riêng: quyền lực cá nhân, thành công và danh vọng chính là những thước đo giá trị tuyệt đối, những thứ làm nên mục đích cuộc sống.

Những sinh vật nhỏ bé. Cuộc sống riêng. Và cái chết riêng. Không phải toàn bộ sự thật, bạn có thể nghĩ như thế. Nhưgn cũng không phải hàng triệu dặm cách xa thực tế cuộc sống ở một thành phố phương Tây hiện đại.

Hòa bình và hòa giải

Như đã nói, việc áp dụng ý tưởng Ubuntu có vai trò chính trị quan trọng giúp Nam Phi tránh được những cuộc tàn sát thảm khốc mà các quốc gia thời hậu thuộc địa trên lục địa này phải hứng chịu trên con đường đạt được quy tắc số đông. Việc chuyển giao chế độ được đánh giá không chỉ đơn thuần như trao chìa khóa một tủ rượu. Desmond Tutu, Nelson Mandela và về sau là Mbeki đều thực hiện những sáng kiến xây dựng chính sách dựa trên ý tưởng trung tâm này. Có thể thành quả quan trọng nhất, xét về quá trình chuyển biến trong hòa bình từ quốc gia giàu có nhất châu Phi thành một đất nước đa văn hóa, chính là Ủy ban Sự thật và Hòa giải, nơi Tutu giữ vị trí chủ tịch torng nhiều năm, dù vẫn bận bịu với các công việc hàng ngày.

Ủy ban này tận dụng tư tưởng về lòng nhân ái được sẻ chia để hàn gắn những vết thương giữa các nhóm dân tộc khác nhau trong xã hội Nam Phi, không chỉ giữa người da đen và da trắng, mà là giữa tất cả các khu vực khác nhau, bất kể nhóm này đã làm gì đối với nhóm kia. Xin trích lại lời của Tutu:

Tha thứ không chỉ là vị tha. Nó chính là hình thái tốt nhất của sự tư lợi. Những gì tha hóa bạn cũng sẽ tha hóa tôi. [Sự tha thứ] mang đến cho con người sự kiên cường, cho phép họ tồn tại và thoát khỏi hình ảnh con người trầm lặng, bất kể mọi nỗ lực đang tìm cách tha hóa họ”.

Chương trình này – hiện được áp dụng cho các quốc gia có xung đột khác như Rwanda và sau này là Bắc Ireland – có năm giai đoạn được cho là cần thiết để đạt được sự hòa giải lâu dài.

1/ Nhận biết tội lỗi

2/ Bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi

3/ Yêu cầu và cam kết tha thứ

4/ Đầu tiên là bồi thường thiệt hại chiến tranh

5/ Hòa giải

Nhiều nhà tâm lý trị liệu và chuyên gia về mối quan hệ sẽ nói với bạn rằng nếu các cá nhân trong thế giới của chúng ta muốn tìm kiếm một giải pháp bền vững để khắc phục sự khác biệt giữa họ thì tính tương đồng là một trong những yếu tố cần thiết. Một thứ gì đó rất khác biệt nhưng khó đạt được hơn “sự tha thứ rẻ tiền” mà Bob Hoffman chế nhạo (tôi nghĩ ông muốn ám chỉ “chỉ đơn giản là quên đi” hay những tuyên bố phiến diện giống như thế về sự tha thứ).

Thực tế rằng Nam Phi vẫn gặp khó khăn không có gì đáng ngạc nhiên; đây là một quốc gia hùng mạnh với đa số dân cư sốn gtrong cảnh nghèo khó, tương phản với một số ít người được xếp vào loại giàu nhất hành tinh, và đây hoàn toàn không phải là thiên đường hạ giới. Đặc biệt, những người dân nghèo hơn và trình độ kém hơn dưới sự cai trị của nhóm Afrikaner vẫn thường cảm thấy khó thích nghi trong một quốc gia thời kỳ hậu hòa giải. Có nghĩa là, khó có thể chối bỏ sự thật rằng quốc gia này, xét theo nhiều phương diện, có tính thống nhất cao hơn các nước láng giềng, thoải mái với chính mình và với vị trí của mình trên thế giới; tránh được các cuộc thảm sát đẫm máu thời hậu thuộc địa mà nhiều nước láng giềng khác như Zimbabwe của Robert Mugabe phải hứng chịu. Bên cạnh nỗ lực và trách nhiệm của những người dẫn đầu quá trình này, niềm tin dành cho tư tưởng Ubuntu là hoàn toàn xứng đáng. Khi quốc gia cầu vồng (theo cách gọi của Tổng thống Nelson Mandela về nước Nam Phi hậu aparthai) có thể hợp nhất dưới một lá cờ và cùng nhau hát vang ca khúc Nkosi Sikelel iAfrika (Chúa ban phước cho châu Phi – Quốc ca Nam Phi từ năm 1994), những gì bạn thấy là một quốc gia được hàn gắn bởi chính tư tưởng Ubuntu (lòng nhân ái được sẻ chia) của mình. Ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Mark Earls – Tâm lý bầy đàn – NXB THTPHCM 2012

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s