Từ tham vọng toàn cầu hóa đến chủ nghĩa duy ý chí ngoại giao
Với Brexit, Vương quốc Anh được kỳ vọng sẽ lại trở thành một nhân tố hàng đầu, có sức nặng ngoại giao. Tóm lại, nước này sẽ tạo ra một tiếng nói mới trên trường quốc tế, tiếng nói của “Nước Anh toàn cầu”. Sự tái định hướng chiến lược này dẫn đến việc đổi mới các thể chế của Anh. Ngay từ năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May đã thành lập Bộ Thương mại quốc tế, trong khi vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã sáp nhập với Bộ Phát triển quốc tế của nước này. Một cơ quan mới được hình thành, mang tên Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và phát triển (FCDO), nhằm tối đa hóa ảnh hưởng toàn cầu của Vương quốc Anh, kết hợp ngoại giao với hỗ trợ phát triển. Về phía Bộ Quốc phòng, tuy không có sự cải tổ về cơ cấu, nhưng có một sự gia tăng đáng kể ngân sách được phân bổ, – tháng 11/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố chi thêm 24 tỷ bảng Anh dành cho quốc phòng trong 4 năm tiếp theo.
Đối với Vương quốc Anh hậu Brexit, chiến lược “Nước Anh toàn cầu” lúc này là một mong muốn hơn là một chính sách hiệu quả. Mùa Hè 2021, việc Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan đã thử thách tham vọng toàn cầu hóa của Anh. Trước giờ Kabul bị đánh chiếm, Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab còn đang nghỉ hè. Sân bay bay Kabul tràn ngập những người đang cố chạy trốn khỏi cuộc khủng bố sắp tới, nhưng Raab thì bặt vô âm tín. Ông ủy quyền, trì hoãn, cuối cùng quay trở lại London và từ chức vào tháng 9, do không theo kịp tình hình. Tháng 11, Raphael Marshall, người phụ trách bộ phận xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Anh trong quá trình sơ tán khỏi Kabul, đã cung cấp cho Quốc hội Anh một bằng chứng không thể chối cãi: sự hỗn loạn và vô số những quyết định thiếu sáng suốt trong những ngày tháng 8 nước sôi lửa bỏng đã khiến hàng nghìn người có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Anh đã bị bỏ rơi.
Từ khát vọng thống nhất đến một đất nước bị chia rẽ
Cuộc bỏ phiếu về việc Anh “đi” hay “ở lại” EU, và việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trước đó đã không thể dẫn tới một tính toán hợp lý nhằm đưa nước Anh vào một tiến trình chinh phục các thị trường trên thế giới. Người đứng sau cuộc trưng cầu ý dân này, cựu Thủ tướng David Cameron, đã coi đây là cơ hội để chấm dứt hoàn toàn sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và những người bài châu Âu trong đảng Bảo thủ Anh. Những căng thẳng giữa Scotland và Anh không phải là mới, nhưng Brexit đã khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi phần lớn người dân Scotland đã bỏ phiếu chọn “ở lại” trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Về phía Bắc Ireland, người dân không mấy thích nghi với tình hình hiện tại. Boris Johnson đã không giữ lời hứa mà ông đã đưa ra ở Belfast rằng việc “ly hôn” với EU sẽ không bao giờ gây thiệt hại cho sự đoàn kết giữa Anh và Bắc Ireland. Thế nhưng, chính Nghị định thư Ireland và Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU, lại là nguồn gốc gây rắc rối. Để duy trì tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu, mà Cộng hòa Ireland là thành viên, và các hiệp định hòa bình Ireland, theo đó hai miền Ireland không thể tách rời nhau, hàng hóa quá cảnh giữa Anh và Bắc Ireland phải chịu các hạn chế, khai báo và kiểm tra giống như các sản phẩm đến một quốc gia EU. Nói tóm lại, ở Bắc Ireland, Brexit vẫn chưa kết thúc.
Brexit: một vương quốc tan rã?
Cùng với thời gian, những vấn đề khác đã được đặt ra trong đời sống chính trị và xã hội của Anh. Đặc biệt, vào tháng 12/2021, thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử lập pháp tại North Shropshire cho thấy những cái buộc tham nhũng liên quan đến chính phủ đảng Bảo thủ được quan tâm hơn so với sự phân cực của Vương quốc Anh vì Brexit. Những bất bình đẳng kinh tế-xã hội sẽ không mất đi sau Brexit trừ khi chúng được giải quyết bằng con đường chính trị.
Đối với những người ủng hộ “rời khỏi EU”, lựa chọn này đồng nghĩa với việc Anh có thể lấy lại sự tự do, vượt qua được những rào cản đối với thương mại phi điều tiết, nêu cao bản sắc nước Anh. Tuy nhiên, kể từ ngày 31/01/2020, việc rời khỏi EU, các hiệp ước và các quy tắc hậu Brexit đã khiến những rắc rối xuất hiện, thay vì khiến chúng biến mất. Mọi thứ cần được xây dựng lại: các chuẩn mực thương mại, các mối quan hệ đa phương, sự thống nhất quốc gia. Brexit đã được định hình, sự giải phóng của Anh dường như không chỉ là một chiến lược, một khát vọng, mà là một giấc mơ về quyền lực, tự do, thống nhất được nuôi dưỡng không phụ thuộc vào thực trạng của thế giới ngày nay. Cùng với thời gian, Vương quốc Anh có thể biến giấc mơ này thành hiện thực. Với tất cả những điểm yếu của nó, đất nước này vẫn là một cường quốc kinh tế – đứng thứ 6 thế giới – và có một quyền lực mềm mạnh hơn mức trung bình. Nhưng trước mắt, sự hứa hẹn mà Brexit mang lại vẫn còn xa vời thực tế.
Nguồn: TLTKĐB – 29/07/2022