Các mùa của thời gian – Phần VIII


Đối với những thổ dân châu Mỹ, sự xâm lược này của thời gian tuyến tính đã để lại những hậu quả bi thảm. Nó tạo ra một rào cản không thể vượt qua giữa nền văn hóa của họ và của những kẻ mới đến – một rào cản đã ấn định số phận của nhiều dân tộc bản địa và tàn sát hoặc làm ly tán những dân tộc khác. Đối với thế giới, sự xâm lược này khởi đầu cuộc thử nghiệm đáng chú ý nhất trong lịch sử hiện đại: một xã hội được sinh ra mới, được giải phóng khỏi mọi giới hạn truyền thống hoặc tự nhiên mà óc sáng tạo của con người có thể chiến thắng. Cả người châu Âu và người Mỹ đều cảm thấy điều gì đó trọng đại đang diễn ra. Hegel mô tả Mỹ là “vùng đất của tương lai, nơi cách xa chúng ta nhiều thời đại, gánh nặng của lịch sử thế giới sẽ tự phơi bày”. Như những nhà sáng lập từng trực cảm, một trật tự mới cảu các saeculum đã được tạo ra.

Cho đến thế kỷ 18, saeculum Mỹ và châu Âu đập cùng một nhịp điệu. Rồi từ đó, saeculum Mỹ đã cho thấy một lịch trình đều đặn hơn và thậm chí được định nghĩa rõ hơn các chu kỳ châu Âu mà Toynbee ghi lại.

Các cuộc khủng hoảng của người Mỹ gốc Anh

Để hiểu tốt nhất về mô hình, hãy bắt đầu với hiện tại và ngược về quá khứ. Từ cuộc tấn công Trân Châu Cảng đến cuộc pháo kích Pháo đài Sumter là 85 năm. Đó cũng chính là khoảng thời gian giữa trận Pháo đài Sumter và bản Tuyên ngôn độc lập. Thêm hai năm nữa (tới trận Gettysburg), và ta có phép tính “87 năm” nổi tiếng của Tổng thống Lincoln. Tiếp tục ngược về quá khứ, và chú ý rằng 87 năm cũng là khoảng thời gian giữa Tuyên ngôn Độc lập và cao trào của Cách mạng Vinh quang về thuộc địa.

Thêm khoảng một thập niên nữa vào độ dài của các saeculum ấy, và bạn sẽ thấy mô hình này tiếp tục trong lịch sử tổ tiên của những thực dân Anh: 99 năm trước Cách mạng Vinh quang là chiến thắng trước Hạm đội Tây Ban Nha hình thành nên Đế quốc Anh, và 103 năm trước nữa là chiến thắng giành ngôi báu của Henry Tudor trong những cuộc Chiến tranh Hoa Hồng.

Không chỉ khi nhìn lại, mà ngay cả khi những sự kiện này xảy ra, người ta đã nhận ra mình đang tham gia vào các lần tái diễn lại các phần huyền thoại lịch sử. Năm 1688, những người ủng hộ Cách mạng Vinh quang của Anh tập hợp thành đám đông khi nhắc lại rằng năm đó, do ý trời, là kỷ niệm lần thứ 100 của “Năm 1688 vĩ đại” – chiến thắng Armada của Nữ hoàng Elizabeth. Năm 1776, Thomas Paine kích động những thực dân bằng việc nhắc đến số phận của vị vua Stuart cuối cùng. Tại Gettysburg, Lincoln khiến cả nước xúc động khi gợi lên những gì “ông cha ta đã đem tới lục địa này”. Tang lễ Tổng thống Roosevelt khi Thế chiến II gần kết thúc đã khiến hàng triệu người Mỹ nhớ tới diễn văn từ biệt của Walt Whitman dành cho Lincoln (“Ôi thuyền trưởng! Thuyền trưởng của tôi! Chuyến đi khủng khiếp của chúng ta đã kết thúc rồi.”).

Theo thời gian, các sử gia Mỹ đã xây dựng một danh mục thuật ngữ xoay quanh những mốc ngày tháng kế tiếp nhau này. Thập niên 1930, Charles và Mary Beard tuyên bố Nội chiến là “Cách mạng Mỹ thứ hai” – cái tên sau này được sử dụng lại vô số lần. Thập niên 1970, Carl Degler gọi Chính sách Kinh tế Mới là “Cách mạng Mỹ thứ ba”. Trong câu chuyện lịch sử đáng tin cậy gần đây của mình về HIến pháp Mỹ, Bruce Ackerman xác định “không phải là một, mà là  ba thời khắc “lập quốc” trong lịch sử chúng của chúng ta: cuối thập niên 1780, cuối thập niên 1860, và giữa thập niên 1930”.

Ngày nay, mặc dù vẫn nghĩ mình là cư dân của thời kỳ hậu Thế chiến II, nhưng chúng ta ngờ rằng có phải mình gắn với “thời điểm lập quốc”, tiếp theo hơn là thời điểm trước đó. Nhà báo Michael Lind đã đặt tiêu đề phụ cho cuốn sách của ông về tương lai Mỹ là “Chủ nghĩa dân tộc Mới và Cách mạng Mỹ Thứ tư”. Nhà khoa học chính trị nổi tiếng Walter Dean Burnham, sau khi tổng hợp ba cuộc “cách mạng” trước, dự đoán “rằng tình hình chính trị biến động hiện nay có hể dẫn đến một nền Cộng hòa Mỹ Thứ tư”. Do các tác giả này không hề nhắc tới thời điểm, nên dự báo của họ có vẻ không táo bạo. Xét theo thời gian, bất kỳ thời hậu chiến nào cũng sẽ trở thành thời tiền chiến.

Danh sách các Khủng hoảng của người Mỹ gốc Anh không hề xa lạ, và có lẽ chỉ có đôi chút tranh cãi về ngày tháng.

Khủng hoảng Chiến trnah Hoa hồng (1459 – 1487; cao trào 1485) bắt đầu với một sự đổ vỡ không thể vãn hồi giữa gia tộc Lancaster thống trị (hoa hồng đỏ) và gia tộc York quyền lực (hoa hồng trắng). Sau khi lên án lẫn nhau, tố cáo tội phản quốc, và mở ra những cuộc đụng độ nhỏ, hai gia tộc thù địch này đã đẩy Anh chìm một vào một phần tư thế kỷ hỗn loạn chính trị chưa từng có, khi ngôi vui đổi chủ sáu lần, hàng tá các quý tộc thượng lưu nhất bị giết, các vị vua và hoàng thân bị sát hại, và những lãnh địa rộng lớn bị tước đoạt. Trận Townton (1461), kết thúc bằng chiến thắng của gia tộc York, là trận chiến đẫm máu nhất từng diễn ra trên đất Anh. Trên chiến trường của Trận Bosworth (1485), người sáng lập triều đại là Henry Tudor đã đánh bại và giết chế Richard III, vị vua Anh cuối cùng tử trận khi giao tranh. Anh bước vào thời kỳ Khủng hoảng như một vương quốc trung cổ bị truyền thống ràng buộc, và xuất hiện như một quốc gia-dân tộc quân chủ hiện đại.

Khủng hoảng Armada (1569 – 1594; cao trào 1588) bắt đầu khi nước Anh Tin Lành cảm thấy mối đe dọa toàn cầu của gia tộc Habsburg hùng mạnh theo Công giáo đang bủa vây. Một cao trào ngoạn mục diễn ra ngay sau đó: những nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm mưu sát Nữ hoàng Elizabeth; hành trình vòng quanh thế giới bằng đường biển của Francis Drake trên một con tàu chở đầy kho báu cướp được của Tây Ban Nha; và sự tử trận anh dũng của Philip Sidney ở vùng Lowlands. Sau đó là thời kỳ Sợ hãi tột cùng của Anh vào mùa hè khi Hạm đội Tây Ban Nha xâm lược, kết thúc bằng một chiến thắng kỳ diệu đến mức chuông nhà thờ vẫn đổ hàng năm để tưởng nhớ sự kiện này trong nhiều thập niên sau đó. Anh bước vào thời Khủng hoảng như một quốc gia dị giáo đầy rẫy xung đột, và xuất hiện như một cường quốc hàng đầu châu Âu, trung tâm của một đế chế đang vươn rộng ra toàn cầu.

Khủng hoảng Cách mạng Vinh quang (1675 – 1704: cao trào 1689) bắt đầu ở các thuộc địa ven Đại Tây Dương của Anh với hai thảm họa cùng lúc: Cuộc nổi loạn của Bacon, một vụ nổi dậy bạo động ở Virginia; và Chiến tranh của Vua Philip, cuộc chiến diệt chủng ở vùng New England đối với người da đỏ Algonquin – có tỉ lệ thương vong bình quân trên đầu người cao hơn bất kỳ cuộc xung đột nào mà người Mỹ từng tham chiến. Sau này, những thực dân sa vào các biến động chính trị khác, bắt đầu bằng các quan điểm chuyên chế của Công tước xứ York hậu duệ gia tộc Stuart, Cách mạng Vinh quang trên toàn thuộc địa ủng hộ Vua William, và rồi một thập niên chiến tranh tiếp theo chống lại khu vực New France thuộc Canada. Các thử thách kết thúc với sự kiệt quệ của New France và tin tức về chiến thắng của Công tước xứ Marlborough trước Vua Louis XIV tại Blenheim – một chiến thắng mà Winston Churchill (hậu duệ trực hệ của Công tước) mô tả là “đã làm thay đổi trục chính trị của thế giới”. Đối với Tân Thế giới, sử gia Richard Maxwell Brown nhận định, “sẽ không hề cường điệu khi gọi giai đoạn (1670 – 1700 là thời kỳ Cách mạng Mỹ thứ nhất”. Nước Mỹ nói tiếng Anh bước vào Khủng hoảng như một khu thuộc địa lạc hậu trì trệ cuồng tín, và xuất hiện như một xã hội tỉnh lẻ ổn định mà sự hiểu biết và giàu sang sánh ngang với hào quang lộng lẫy nơi quê hương châu Âu của mình.

Khủng hoảng Cách mạng Mỹ (1773 – 1794; cao trào 1781) bắt đầu khi phản ứng của Nghị viện Anh đối với sự kiện Tiệc trà Boston thổi bùng lên ngọn lựa đấu tranh của thực dân mà “Ủy ban thư tín” của Samuel Adams đã cẩn thận chuẩn bị. Hành trình một đi không trở lại – từ việc vũ trang cho dân quân và những người lính đầu tiên tử trận, cho đến khi ký Tuyên ngôn Độc lập – đã nhanh chóng trôi qua. Trong suốt mùa đông ảm đạm năm 1778 khi Tướng George Washington lui quân khỏi New York, mọi người e sợ rằng cuộc khởi nghĩa có thể thất bại và tất cả các nhà lãnh đạo của nó sẽ bị treo cổ như những kẻ phản bội. Cuộc đấu tranh lên đến đỉnh điểm khi Mỹ giành chiến thắng tại Saratoga và Yorktown. Tâm trạng khẩn trương không hề giảm cho tới khi Hiến pháp được phê chuẩn và kết cục sau Chính biến Thermidor của phái Jacobin – khi những công dân Mỹ non trẻ dõi theo cuộc cách mạng ở Pháp với các kết buồn hơn sự kiện nơi quê hương họ. Nước Mỹ gốc Anh bước vào Khủng hoảng như những thuộc địa trung thành dù hơi dễ bạo động; nó xuất hiện như phép thử tham vọng nhất về nền dân chủ cộng hòa mà thế giới từng chứng kiến.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s