Các mùa của thời gian – Phần IX


Khủng hoảng Nội chiến (1860 – 1865; cao trào 1863) bắt đầu bằng cuộc tấn công bất ngờ của John Brown và cuộc bầu cử của Abraham Lincoln, khiến một số bang miền Nam lập tức hiểu đây là một lời mời gọi ly khai. Các bang này bèn ly khai, gây nên cuộc xung đột bạo lực nhất trên mảnh đất Tân Thế giới, với thương vong lớn hơn mọi cuộc chiến khác của Mỹ cộng lại. Cuộc chiến lên tới đỉnh điểm với Tuyên ngôn Giải phóng và Trận chiến Gettysburg. Trong vòng hai năm, Robert E. Lee đầu hàng vào Chủ nhật Lễ Lá, còn Lincoln bị ám sát năm ngày sau đó, vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh – gợi cho những nhà thuyết giáo đứng tuổi thấy tự hào về biểu tượng tôn giáo. Liệu kết quả này có đáng với những nỗi khổ phải chịu hay không trở thành một câu hỏi mà sử gia James McPherson nói là “có lẽ sẽ không bao giờ ngưng được tranh luận – nhưng vào thời điểm năm 1865 đó, rất ít người da màu và không nhiều người miền Bắc hoài nghi về câu trả lời”. Không giống các cuộc Khủng hoảng khác, đoạn kết của Nội chiến mang lại dự cảm về một bi kịch đang lan tỏa nhiều hơn là tinh thần lạc quan. Mỹ bước vào Khủng hoảng như một nước cộng hòa nông nghiệp bị chia rẽ vì phân biệt chủng tộc; và xuất hiện như một chiếc máy phát điện công nghiệp hóa, hằn sẹo chiến tranh nhưng vẫn hết mình vì nguyên tắc bình đẳng công dân.

Đại suy thoái và Thế chiến II (1929 – 1946; cao trào 1944) bắt đầu từ vụ sụp đổ thị trường chứng khoán thứ Ba Đen tối cho tới những thời khắc u ám nhất của Thế chiến II, một thời kỳ trải dài gần như từ khi Franklin D. Roosevelt nổi lên và nắm quyền. Bắt đầu như một thời đại tuyệt vọng, Khủng hoảng nặng nề trôi qua các khu ổ chuột Hooverville và những cơn bão bụi của Đại suy thoái, tuy nhiên trong suốt thời gian này, tinh thần quốc gia hợp nhất xoay quanh giấc mơ về cộng đồng. Cuộc tấn công Trân Châu cảng của Nhật Bản đã thổi bùng lên phản ứng xã hội nhanh chóng và thống nhất. Trong vòng vài tháng, Mỹ lên kế hoạch, huy động và sản xuất trên quy mô chưa từng có. Sau khi đạt đỉnh điểm là các cuộc tấn công anh dũng của hải quân ở hai châu lục xa xôi, tâm trạng khẩn trương lắng xuống sau sự đầu hàng của phe Trục, giải ngũ, và một thời bình thịnh vượng đến bất ngờ. Mỹ bước vào Khủng hoảng như một nước theo chủ nghĩa biệt lập, công nghiệp hóa thất bại, và xuất hiện như một siêu cường toàn cầu có năng lực công nghiệp, các thiết chế dân chủ và Kế hoạch Marshall hào phóng khiến cho thế giới tự do kinh ngạc – và đối thủ mới là Liên Xô phải ghen tị.

Những thời kỳ thức tỉnh của người Mỹ gốc Anh

Trong khi Khủng hoảng sắp xếp lại thế giới bên ngoài của quyền lực và chính trị, thì Thức tỉnh sắp xếp lại thế giới bên trong của tinh thần và văn hóa. Trong khi Khủng hoảng đề cao nhóm và làm mới lại không gian công cộng, thì Thức tỉnh đề cao cá nhân và làm mới lại không gian riêng tư. Trong khi Khủng hoảng lại bắt đầu lại cuốn lịch của chúng ta trong lĩnh vực chính trị, thì Thức tỉnh làm điều tương tự với văn hóa. Khi người Mỹ ngày nay nói về các cuộc bầu cử hoặc liên minh, thì chúng ta có xu hướng bắt đầu bằng việc nói “Kể từ thập niên 1930 [hoặc 1940]…” khi bàn về âm nhạc hay tôn giáo, chúng ta thường bắt đầu bằng việc nói, “Kể từ thập niên 1960 [hoặc 1970]…” Trong thời kỳ Khủng hoảng, người nhiều tuổi hơn ra lệnh và người trẻ làm những việc lớn; trong thời kỳ Thức tỉnh, người nhiều tuổi là người tiến hành và người trẻ ra lệnh.

Cũng như Thế chiến II gợi cảm hứng cho các sử gia nghiên cứu về chu kỳ chiến tranh, Cách mạng Nhận thức đã làm dấy lên mối quan tâm mới về sự tái diễn định kỳ của biến động văn hóa. Sự cuồng nộ của giới trẻ, các cộng đồng, thuyết duy linh của cuối những thập niên 1960 và 1970 nhắc đến các thời kỳ tương tự trong quá khứ của Mỹ. Một số gợi nhớ tới những phóng viên điều tra, nhà truyền giáo, và người ủng hộ nữ quyền quân sự trong các thập niên 1890 đến 1910. Một số khác, đặt ra thuật ngữ “Người theo thuyết tiên nghiệm mới”, quay về với những xao động thời thanh niên từ thập niên 1830. Năm 1970, khi sử gia Richard Bushman tổng kết cuộc Đại thức tỉnh của thập niên 1740, ông đã so sánh “trận động đất tâm lý” này với “những cuộc biểu tình đòi quyền công dân, những cuộc nổi loại ở trường học, và bạo loạn đô thị của thập niên 1960 cộng lại”.

Mọi biến động trong trường học đã truyền cảm hứng cho một số học giả xuất chúng suy ngẫm về những thời kỳ Thức tỉnh trong lịch sử Mỹ. Nhà xã hội học của Đại học Berkeley là Robert Bellah chỉ ra rằng chúng đều đặn tái sinh “một tập hợp chung các tri thức đạo đức về tốt xấu, đúng sai”. Sử gia của Đại học Brown là William McLoughlin, người vay mượn trực tiếp từ lý thuyết của Wallace, mô tả đó là những thời đại của “sự tái sinh văn hóa” trải rộng “trong khoảng thời gian một thế hệ” và kết thúc bằng “một sự thay đổi sâu sắc những niềm tin và giá trị”. Ông nhận thấy, những thời kỳ Thức tỉnh của Mỹ có một nối quan hệ cộng sinh với những thời kỳ Khủng hoảng của quốc gia: Mỗi thời kỳ Thức tỉnh được nuôi dưỡng bởi sự an toàn và sung túc của trật tự cũ mà nó ăn mòn, và khai sinh ra nền tảng mang tính quy chuẩn mà dựa vào đó trật tự mới tiếp theo được lập nên. McLoughlin xác định năm thời kỳ Thức tỉnh của Mỹ: “Thức tỉnh Thanh giáo” vào thế kỷ 17; “Đại thức tỉnh” vào thế kỷ 18; và các Đại thức tỉnh “Thứ hai”, “Thứ ba”, “Thứ tư” bắt đầu lần lượt vào những thập niên 1820, 1890, 1960.

Trong nhiều năm, những người bảo thủ chính trị phản đối quan điểm cho rằng trạng thái xáo trộn của thập niên 1960 là một hình thức thể hiện tinh thần. Gần đây, nhiều người đã thay đổi ý kiến và tuyên bố coi thập niên 1960 là nền tảng cho sự ra đời của việc tái sinh tôn giáo và chủ nghĩa đạo đức trong thập niên 1990. Những bài viết tán đồng “Đại thức tỉnh Thứ tư” lan truyền trên các phương tiện truyền thông bảo thủ – từ các chuyên mục của George Will đến những bài luận trên tờ Wall Street Journal. Các học giả ở những lĩnh vực không liên quan gì tới tôn giáo giờ đây cũng kêu gọi sự chú ý đến mô hình Thức tỉnh định kỳ này. Năm 1995, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel là Robert Fogel tuyên bố rằng “để hiểu được xu hướng chính trị và những phát triển kinh tế trong tương lai, ta phải hiểu được các chu kỳ tín ngưỡng trong lịch sử Mỹ và các phong trào cải cách mà chúng sinh ra”. Theo quan sát của ông, từ một thời kỳ Thức tỉnh này đến thời kỳ kế tiếp, “chu kỳ điển hình kéo dài khoảng 100 năm”, và theo ông thì “Đại thức tỉnh Thứ tư” (cái mà “bắt đầu khoảng năm 1960”) đã đi qua giai đoạn thức tỉnh lại lòng mộ đạo nhưng vẫn đang tái định hình quan điểm của công chúng.

Cũng như người Mỹ có lẽ bắt đầu cảm thấy chúng ta đang gần với thời kỳ Khủng hoảng tiếp theo hơn là Khủng hoảng trước đó, các học giả trực cảm rằng chúng ta đang gần với Thức tỉnh vừa qua hơn là Thức tỉnh tiếp theo. Ngày tháng chính xác của các thời kỳ Thức tỉnh của người Mỹ gốc Anh có thể khác nhau, nhưng có lẽ hầu hết các sử gia đều cơ bản đồng ý với các thời đại sau đây:

Thời kỳ Cải cách Tin Lành (1517 – 1542; cao trào 1536) bắt đầu khi Martin Luther đưa ra các luận đề nổi tiếng của ông phê phán học thuyết của Giáo hoàng. Từ đó bắt đầu một phần tư thế kỷ biến động về tôn giáo và xã hội. Ở châu Âu, nó gây ra những cuộc nổi dậy của nông dân, dị giáo cuồng tín, cuộc cướp phá Rome, và sự tan rã của Công giáo trên khắp nước Đức và vùng Scandinavia. Ở Anh, lòng nhiệt tình ngùn ngụt dâng cao cho đến khi Vua Henry VIII chính thức tuyệt giao với Giáo hoàng, gây ra những phong trào cải cách rộng rãi chia rẽ các thành phố với nhà thờ trên khắp vương quốc. Thời kỳ Thức tỉnh đạt đỉnh điểm với việc xuất bản Kinh Thánh của William Tyndale, cuộc nổi dậy Công giáo bị đàn áp, và Nghị viện Anh tịch thu những bất động sản lớn của Giáo hội. Tình hình chỉ lắng xuống khi các nhà cải cách mệt mỏi, nhà cầm quyền trở nên đề phòng, và những cuộc chiến ở nước ngàoi thắp lên ảo tưởng rộng khắp. Thời kỳ Thức tỉnh này biến đổi hoàn toàn Anh từ một bên ủng hộ trung thành của Giáo hội La Mã thành một quốc gia sở hữu tôn giáo và các nguyên tắc xác tín mới được cá nhân hóa của riêng mình.

Thời kỳ Thức tỉnh Thanh giáo (1621 – 1649; cao trào 1640) bắt đầu như một cuộc hồi sinh mạnh mẽ của lòng nhiệt thành Tin Lành cấp tiến khắp châu Âu. Trên lục địa châu Âu, nó bùng cháy tại Bohemia và dẫn tới Chiến tranh Ba mươi năm tàn khốc. Ở Anh, nó sục sôi vào năm 1621 khi Hạ viện ban hành bản Kháng nghị Vĩ đại lên án sự cai trị độc đoán và vô đạo của Vua James I. Sau khi con trai của James lên ngôi, nhiệt huyết cải cách có được sự ủng hộ của công chúng nhưng chưa có sự tiến bộ rõ rệt nào. Không nản lòng, John Winthrop dẫn đầu những tín đồ chân chính “lưu giữ tàn dư” tới Mỹ, tạo nên cuộc Đại di cư đến vùng New England. Nơi quê nhà, sự nhiệt thành Thanh giáo, một cách tất yếu, đã dẫn đến Cách mạng của Cromwell và việc chặt đầu Vua Charles I; ở các thuộc địa, sự phấn khích lắng xuống khi các cộng đồng Thanh giáo mới củng cố tính chính thống luân lý của họ. Anh bước vào thời kỳ Thức tỉnh này mà vẫn mơ về đế chế và vàng ròng, một giấc mơ khiến không một quốc gia châu Âu nào thiết lập được thuộc địa ở Tân Thế giới; Anh xuất hiện cùng một giấc mơ mới về Thiên đường cho phép các cấy ghép thuộc địa này tồn tại.

Thời kỳ Đại thức tỉnh (1727 – 1746; cao trào 1741) bắt đầu như một làn sóng của những cuộc phục hưng đức tin đơn lẻ ở Thung lũng Connecticut, đa số được dẫn dắt bởi Jonathan Edwards trẻ tuổi có uy tín. Nó lan tỏa nhanh chóng, đặc biệt ở các thuộc địa miền Bắc và miền Trung, và lên tới đỉnh điểm vào năm 1741 trong chuyến thăm Mỹ đầy kích động của nhà truyền giáo Phúc âm sinh ra tại Anh George Whitefield. Khi “ánh sáng mới” thách thức “ánh sáng cũ”, sự phục hồi đức tin đã chia rẽ các nhóm thực dân và đưa những tín đồ trẻ đầy cảm xúc về đức tin vào cuộc đọ sức với những người già thủ cựu điềm tĩnh trong công việc. Sau các cuộc tụ tập đông người và “những buổi hòa ca của lễ cầu nguyện” vào đầu thập niên 1740, nhiệt huyết giảm dần. Trước thời kỳ Thức tỉnh này, nước Mỹ thực dân tôn trọng điều mà người trẻ gọi là “Thời kỳ băng giá tôn giáo” của người già đương thời; Mỹ sau đó đã loại bỏ vĩnh viễn những quan niệm của Cựu Thế giới về sự phân biệt giai cấp và đoàn kết xã hội ra khỏi vùng đất này.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s