Giải phóng văn hóa trên blockchain: Âm nhạc – Phần I


Đó không phải là một bữa tiệc sinh nhật bình thường như mọi năm. Buổi lễ diễn ra ở tòa nhà Round House, cách trung tâm thành phố London một giờ lái xe. Khu nhà rộng mênh mông được trang hoàng bằng những cây đèn LED cảm ứng âm thanh, nhà phao và một bữa tiệc buffet sang trọng đến mức nó xứng đáng dành cho Hoàng tử Henry VIII. Đám đông đến tham dự cũng gồm đủ thành phần: một nghệ sĩ cầu thủy tinh, chừng 20 đứa bé chập chững biết đi cùng với cha mẹ chúng, hàng xóm, nhạc sĩ, và một vài lập trình viên blockchain. Chúng ta có Vinay Gupta, một kỹ sư người Scotland gốc Ấn được biết đến nhờ sáng lập ra Hexayurt – hệ thống nhà cứu trợ thiên tai. Gupta giờ đây là người phụ trách giải đáp về blockchain cho công chúng. Paul Pacifico, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Nghị sĩ Sáng giá (FAC), cũng góp mặt trong sự kiện này. Sau một thời gian làm việc tại ngân hàng, Pacifio giờ đây đang đấu tranh cho quyền lợi của các nghệ sĩ. Và, tất nhiên, chủ nhà của chúng ta, Imogen Heap cũng tham dự. Cô là một nhà soạn nhạc kiêm nhạc sĩ tài ba, đã được bình chọn là “Nghệ sĩ truyền cảm hứng của năm” bởi độc giả của Music Week và hiện đang là mẹ của bé Scout một tuổi.

“Tôi mong rằng công việc hiện tại của mình có thể có ý nghĩa gì đó với Scout vào một ngày không xa”. Heap chia sẻ. Cô bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình đối với ngành công nghiệp âm nhạc. “Ngành âm nhạc hiện nay vẫn còn hoạt động rời rạc, thiếu sự lãnh đạo và vẫn còn đầy rẫy những điều bất cập trong đó”, cô nói. “Mọi thứ đảo lộn hết cả. Giới nghệ sĩ như đang ngoi ngóp ở phía cuối chuỗi thức ăn vậy. Thật quá sức vô lý. Âm nhạc hiện hữu mọi lúc mọi nơi, từ trên điện thoại cho đến taxi. Nhưng những gì giới nghệ sĩ nhận được lại ngày càng bèo bọt”.

Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Internet là một thế giới kỳ diệu, nó vừa là trung gian sáng tạo vừa là kênh tự do ngôn luận. Không thiếu những ý tưởng mà các nghệ sĩ, nhà thiết kế, lập trình viên tài năng và người hâm mộ trên khắp thế giới có thể làm cùng nhau trên World Wide Web. Cũng không thiếu cách để kiếm tiền từ những sự hợp tác này. Các ngành công nghiệp sáng tạo như phát hành nhạc và thu âm hiện nay đang khai thác những nguồn thu mới như tải nhạc số và nghe nhạc trực tuyến. Vấn đề ở đây là với mỗi đối tác trung gian mới, phần lợi nhuận của các nghệ sĩ lại bị giảm đi và họ hầu như không có tiếng nói trong chuyện này. David Byrne của ban nhạc Talking Heads đã tóm tắt lại tình hình trên chuyên mục ý kiến độc giả: “Tôi thấy mô hình này chẳng hỗ trợ được cho bất cứ ngành nghệ thuật nào, chứ không riêng gì âm nhạc. Và hậu quả nhãn tiền là Internet sẽ hút cạn mọi nội dung sáng tạo trên thế giới, chẳng còn gì sót lại nữa”.

Ở bài này, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn nhận xem blockchain có thể làm được gì để đặt các nghệ sĩ vào trung tâm của mô hình, nghĩa là họ không chỉ đơn giản “nổi tiếng”, tức là được thực hiện quyền tự do ngôn luận, mà giờ họ cũng có thể “có miếng” bằng cách tối đa hóa lợi ích cả về tinh thần lẫn vật chất trong khối tài sản trí tuệ của mình. Nói cách khác, mục đích của blockchain là phục hồi quyền lợi cho giới nghệ sĩ: không còn những tổ chức trung gian luôn rình rập vơ vét, cũng không phải chịu kiểm duyệt từ chính phủ. Ở đây, chúng tôi đưa ra bản khảo sát các ngành văn hóa bao gồm nghệ thuật, báo chí và giáo dục – nơi kế sinh nhai và những quyền cơ bản của con người đạt được sự cân bằng.

Thương mại công bằng trong âm nhạc: Từ âm nhạc trực tuyến cho đến quyền đo lường

“Nếu Scout cũng theo nghiệp nhạc sĩ, vậy con bé sẽ kiếm tiền kiểu gì đây? Chắc chắn nó chẳng thể kiếm đủ tiền để sống”, Imogen Heap nói về sự nghiệp âm nhạc của con gái mình, nếu xét theo tình hình ngành công nghiệp âm nhạc hiện nay. “Chúng ta cần thứ gì đó thật đơn giản và mang tính nòng cốt, đáng tin cậy, để cho mọi người thấy họ có thể dùng âm nhạc để kiếm số”. Paul Pacifio đồng tình: “Chúng tôi muốn một ngành công nghiệp âm nhạc có thể phản ánh các khía cạnh văn hóa, công nghệ, xã hội, và thương mại trong thời đại của chúng ta và có thể đảm bảo chắc chắn về một tương lai cho cả người tiêu dùng lẫn những người tạo lập”. Heap đã hợp tác với Pacifio, Vinay Gupta và nhiều người khác để tạo ra hệ sinh thái âm nhạc mới này.

Nếu có một thị trường dự đoán về sự đổi mới, chúng tôi sẽ đặt cược cho đội của Heap. Năm 2009, có trở thành người phụ nữ đầu tiên giành được giải Grammy solo vì đã tự thiết kế và thực hiện album Ellipse. Cô đã đưa tất cả những người theo dõi mình trên Twitter của mình đến lễ trao giải bằng cách diện “bộ đầm Twitter”. Trang phục được thiết kế bởi Moritz Waldemeyer, với điểm nhấn là những dải màn hình LED tường thuật trực tiếp từng dòng tweet của người hâm mộ xung quanh. Vào năm 2013, Heap đã cùng tổ chức phi lợi nhuận Mi.Mu phát minh ra một hệ thống găng tay âm nhạc. Nó kết hợp phần mền ánh xạ với các cảm biến chuyển động, cho phép người biểu diễn có thể kiểm soát ánh sáng, âm nhạc và các video bằng những cử chỉ do họ tự điều chỉnh.

Sáng chế này đã giành được giải nhất tại lễ trao giải Berlin năm 2015 cho hạng mục Thời trang Công nghệ (WearableIT/FashionTech). Chiếc găng tay nhanh chóng gây được sự chú ý. Ngôi sao nhạc pop Ariana Grande đã đăng thông báo này lên YouTube cùng với video hát lại bản hit “Hide and Seek” của Heap: “Tôi muốn cảm ơn thần tượng của tôi @imogenheap, đã cho phép tôi sử dụng Găng tay Mi.Mu trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới đầu tiên của mình”. Nếu ai vẫn nghi ngờ khả năng của Heap về việc tạo ra một cộng đồng xung quanh công nghệ m1ơi, thì hãy suy xét lại.

“Chúng tôi biết chắc chắn mình thực sự muốn gì”, Heap nói. “Chúng tôi không phải là một đám người rỗng tuếch chỉ biết ngồi trong phòng khách hút cần và sáng tác âm nhạc. Chúng tôi cũng là những doanh nhân chăm chỉ nữa”. Heap coi công nghệ blockchain như một nền tảng mới nơi những người tạo ra tài sản trí tuệ có thể nhận về những giá trị xứng đáng. Các hợp đồng thông minh nói riêng có thể loại bỏ được những vấn đề phức tạp trong ngành đồng thời đơn giản hóa vai trò chủ đạo của các nhãn hiệu âm nhạc trong hệ sinh thái này.

Cỗ máy Rube Goldberg tiếp tục quấy nhiễu: Sự phức tạp trong kinh doanh âm nhạc

Để lý giải về Talking Heads, hãy nhìn lại xem chúng ta đã tới đây bằng cách nào? Chúng ta thực hiện việc này ra sao? Mọi chuyện bắt đầu từ vấn đề cơ bản rằng các nghệ sĩ đã ký vào những hợp đồng được soạn từ thời đĩa nhạc còn làm từ nhựa vinyl, khi ngăn cách giữa các nghệ sĩ ghi âm và khán giả tiềm năng của họ là những khoản phí sản xuất và phân phối lớn tương tự. Heap nói với chúng tôi rằng, “Lần đầu tiên tôi tìm ra một hãng thu âm, tôi nghĩ rằng mình có thể cố gắng để nhận mức lợi nhuận 15%. Trong hợp đồng ghi âm vài năm trước, tôi thậm chí còn nhận được 19%. Vậy nên nếu may mắn, mọi người có thể nhận được mức lợi nhuận cao hơn bây giờ nhiều”. Một số nghệ sĩ đã chuyển nhượng hoàn toàn bản quyền tác phẩm của họ cho các hãng thu âm. Theo luật liên bang, điều này đồng nghĩa với thời hạn bản quyền kéo dài 95 năm hoặc cả cuộc đời của người nghệ sĩ cộng thêm 70 năm sau đó nữa. Hãy nghĩ về những cải cách không tưởng mà một hợp đồng phải chứa đựng trong đó để bảo đảm công bằng cho các nghệ sĩ và người thừa kế của họ.

Ban đầu, các hãng thu âm chưa có chỗ đứng, trong khi đó sóng radio vẫn là vua còn cửa hàng đĩa hát là nữ hoàng, các công ty giải trí không chỉ phải tìm kiếm tài năng mới mà còn phải dõi theo sự nghiệp nghệ thuật của họ. Trong 25 năm qua, ngành công nghiệp này đã thực hiện mua bán, sáp nhập từ hàng nghìn hãng đĩa nhỏ lẻ xuống còn ba ông lớn thâu tóm quyền lực giải trí toàn cầu là Sony Music Entertainment, Universal của Vivendi Music, Warner Music Group cùng với vài trăm hãng sản xuất độc lập khác. Ba ông lớn kể trên nắm giữ 15% cổ phần của Spotify, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến phổ biến và đem lại nhiều lợi nhuận nhất hiện nay. Bởi vậy, họ sẽ nhận được thêm một khoản tiền tươi nếu Spotify trở thành phương tiện công cộng. Apple đã trở thành nhà bán lẻ âm nhạc lớn nhất thế giới và Live Nation là công ty giải trí trực tuyến toàn cầu.

Có thể thấy, bởi vậy mà bản quyền âm nhạc trên toàn thế giới đang tập trung trong tay chỉ một vài nhà. Các hãng ghi âm và công ty tổ chức tour diễn đã bắt đầu yêu cầu các nghệ sĩ thực hiện giao dịch 360 độ. Điều đó có nghĩa là họ sẽ thu được lợi nhuận từ tất cả những gì mà một nghệ sĩ tạo ra – quyền phát hành tác phẩm, quyền sử dụng bản thu âm, quyền biểu diễn khi nghệ sĩ lưu diễn, bao gồm cả các vật phẩm ăn theo và các quyền tài trợ – bất kể họ đầu tư ra sao vào việc duy trì những quyển đó.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Don Tapscott & Alex Tapscott – Cuộc cách mạng blockchain – NXB ĐHKTQD 2018

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s