Theo The Diplomat, trong cuốn sách “Sinostan: China’s Inadvertent Emprie” (tạm dịch “Kẻ cuồng Trung Quốc: Đế chế Trung Quốc vô tình gây dựng”, Raffaello Pantucci – nghiên cứu viên cao cấp tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore và là thành viên cấp cao của Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ở London – và Alexandros Petersen – học giả, nhà văn và chuyên gia đánh giá sức mạnh địa chính trị đã thiệt mạng trong vụ tấn công và đánh bom một nhà hàng ở Kabul, Afghanistan, năm 2014 – đưa độc giả đến vùng trung tâm lục địa Á – Âu để có cái nhìn sâu sắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những kinh nghiệm đúc kết từ hơn một thập kỷ bôn ba, nghiên cứu và viết lách đã được đưa vào cuốn sách, phác họa bức tranh về sự gia tăng quyền lực và hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á. Năm 2013, tại Kazakhstan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Và thông qua việc xem xét bước tiến của Trung Quốc ở Trung Á, chúng ta có thể thực sự nắm bắt được các phương thức và động cơ thúc đẩy sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, Pantucci (-) sẽ giải thích về mối liên hệ giữa Tân Cương và Trung Á, vốn là trọng tâm của các nỗ lực của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời đi sâu phân tích các tác động từ sự can dự của Trung Quốc vào khu vực Á – Âu đối với các cường quốc khác như Nga và Mỹ.
(+) Cuốn sách bắt đầu với hình ảnh những người công nhân Trung Quốc đang làm đường ở Kyrgyzstan vào năm 2011. Vậy cơ sở hạ tầng vật chất (như đường xá) có tầm quan trọng như thế nào đối với sự can dự cũng như các mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc ở Trung Á?
(-) Cơ sở hạ tầng vật chất luôn là yếu tố then chốt giúp Trung Quốc can dự vào Trung Á. Nhìn lại chuyến công du của Thủ tướng Lý Bằng tới khu vực này năm 1994 (ông đã đến thăm thủ đô của tất cả các nước Trung Á, ngoại trừ Dushanbe, thủ đô Tajikistan và là nơi bị nội chiến tàn phá), có thể nhận thấy hai vấn đề cốt lõi mà ông tập trung trong suốt chuyến đi là lực lượng ly khai và việc xây dựng những con đường tơ lụa mới. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các tuyến đường đang được nói đến đều bắt đầu từ Trung Á, chạy qua Trung Quốc đến Nhật bản và mới chỉ được thay đổi trong thời gian gần đây. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng lớn đầu tiên trong khu vực là các đường ống dẫn khí từ các khu mỏ ở Kazakhstan đến Trung Quốc. Sau đó, các công ty và quỹ tài chính của Trung Quốc đã được huy động vào việc nâng cấp đường xá, xây dựng thêm các đường ống dẫn từ các mỏ khí đốt quan trọng của Turkmenistan đến Trung Quốc, cũng như xây dựng các đường hầm, đường sắt và đường bộ xung quanh khu vực. Tất cả những công trình này là sự bổ sung cho một loạt cơ sở hạ tầng khác đã được xây dựng như trạm điện, hạ tầng năng lượng phụ trợ, sân bay và các tòa nhà.
Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc vì nó giúp kết nối Tân Cương với thế giới – một trong những lợi ích chính mà nước này có được ở Trung Á. Tân Cương và các quốc gia tiếp giáp khu tự trị này đều có cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Và nếu Trung Quốc muốn làm cho Tân Cương thịnh vượng (đáp án lâu dài cho sự bất ổn mà Bắc Kinh nhìn thấy ở Tân Cương), thì họ cần cải thiện cơ sở hạ tầng ở Tân Cương cũng như các khu vực xung quanh.
Cuối cùng, xét ở nhiều phương diện, những gì đang diễn ra ở Trung Á trong hơn hai thập kỷ qua là nền tảng đã được toàn cầu hóa của BRI. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn về Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (SREB) khi công bố ý tưởng về chính sách đối ngoại dài hạn của Trung Quốc trong bài phát biểu tại Astana vào năm 2013. Một tháng sau đó, tại Jakarta, Tập Cận Bình đã đề cập đến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSR), mà sau đó được kết hợp với SREB để trở thành BRI với phạm vi điều chỉnh rộng hơn. Toàn bộ ý tưởng về cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho tầm nhìn về chính sách đối ngoại xuất phát từ những gì đang diễn ra ở Trung Á. Ý tưởng này được xây dựng trên lập luận rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng và tăng cường sự kết nối là biểu hiện của một nền kinh tế thịnh vượng hơn, giúp khu vực ổn định hơn. Đây là mô hình mà Trung Quốc đã áp dụng thành công ở trong nước, có thể nhân rộng ra bên ngoài và là quân bài giúp gắn kết Trung Quốc với thế giới.
(+) Trung Quốc có hay không một chiến lược toàn diện đối với Trung Á? Các cam kết trong chiến lược này có phải chỉ là các giải pháp tình thế trong mối quan hệ song phương?
(-) Khi phỏng vấn nhiều chuyên gia và quan chức cấp cao của Trung Quốc về việc liệu Bắc Kinh có một chiến lược riêng cho khu vực Trung Á hay không, các tác giả đều bị từ chối và chế nhạo. Nhưng trong những năm đầu tiên triển khai chiến lược của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Trung Á và tuyên bố thành lập SREB. Tuy nhiên, SREB chỉ đưa ra một tầm nhìn chứ không chỉ ra một kế hoạch cụ thể. Chúng tôi cho rằng SREB không phải là một chiến lược cụ thể (một chiến lược cụ thể là phải chỉ ra trình tự các bước cần thực hiện để đạt được mục tiêu). Tuy nhiên, một tầm nhìn rộng lớn hơn lại được đặt ra và toàn bộ hệ thống của Trung Quốc đã đi theo hướng mà tầm nhìn đó chỉ ra. Điều này có nghĩa là tất cả các tổ chức, cơ quan và ban ngành đã hoạt động theo những cách riêng nhằm kết nối với nhau và thể hiện vai trò trong tầm nhìn rộng lớn hơn mà Tập Cận Bình đã đề ra.
Việc Trung Quốc có một chiến lược toàn diện đối với khu vực Trung Á chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng hơn nhiều đối với Tân Cương. Và xét ở một số phương diện, Trung Á ngẫu nhiên nằm trong mục tiêu cốt lõi (ổn định Tân Cương) và đóng vai trò là phần mở rộng của chiến lược Tân Cương. Kết quả là, tầm nhìn của Trung Quốc đối với khu vực được thể hiện phần lớn qua một loạt cam kết song phương mà nếu được kết hợp lại với nhau thì có thể tạo thành một chiến lược (nhất là khi các cam kết giống nhau trong từng trường hợp), nhưng rõ ràng đó không phải là chiến lược toàn diện cho khu vực Trung Á (BRI có thể được xem là một chiến lược chính sách đối ngoại rộng hơn của Trung Quốc và không chỉ nhằm vào Trung Á).
Điều khác biệt duy nhất cần đề cập đến trong bối cảnh này là sự ra đời của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau sự sụp đổ của Liên Xô và nhóm Thượng Hải 5 (bao gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan), vốn được thành lập để giúp phân định biên giới và thiết lập quan hệ an ninh giữa Trung Quốc với các quốc gia mới được thành lập có chung biên giới với họ. Tổ chức này đôi khi được mô tả là phương tiện để thực hiện chiến lược của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, nó dường như tồn tại song phương với các lợi ích cụ thể của Trung Quốc vốn được giải quyết ở cấp độ song phương.
(+) Vì sao nói chiến lược của Trung Quốc đối với Trung Á là phần mở rộng của chiến lược và chính sách của họ đối với Tân Cương?
(-) Bắc Kinh từ lâu đã lo lắng về sự ổn định và an ninh ở Tân Cương. Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì quyền kiểm soát đối với Tân Cương do khu vực này cách xa Bắc Kinh (chênh lệch hai múi giờ nếu Trung Quốc sử dụng múi giờ theo khu vực, tương đương khoảng 5 hoặc 6 giờ đi máy bay). Có thời điểm căng thẳng ở Tân Cương đã leo thang thành bạo lực và các hành động ly khai thậm chí đã diễn ra. Sự kiện mang tính bước ngoặt xảy ra gần đây nhất là vào tháng 7/2009, khi bạo loạn ở Urumqi (thủ phủ Tân Cương) khiến ít nhất hàng trăm người thiệt mạng và tạo ra hình ảnh đáng xấu hổ về nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông buộc phải rời Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Italy để trở về ổn định tình hình trong nước.
Sau đó là nỗ lực thay đổi mọi thứ theo hai hướng: Một là tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Trung Á thông qua việc triển khai chiến dịch “công kích dữ dội” trong bối cảnh các lợi ích và cư dân Trung Quốc ở Trung Á bị tấn công và Trung Quốc lo ngại các nhóm người Duy Ngô Nhĩ bất đồng chính kiến có thể sử dụng khu vực này như một căn cứ để tấn công Trung Quốc. Hai là đầu tư mạnh mẽ vào khu vực – một phương án dài hạn để ổn định Tân Cương theo quan điểm của Bắc Kinh.
Nhưng để làm cho một khu vực trở nên thịnh vượng, cần ủng hộ sự thịnh vượng và kết nối ở các khu vực láng giềng. Xét ở nhiều phương diện, Tân Cương có thể được coi là “quốc gia” thứ sáu hoặc thứ bảy ở khu vực Trung Á (tùy thuộc vào việc Afghanistan có được xem là một quốc gia Trung Á hay không). Điều này không phủ nhận việc Tân Cương là một phần của Trung Quốc nhưng nhấn mạnh việc Tân Cương có sự gắn kết sâu sắc với khu vực – ở Tân Cương có đông người Kyrgyzstan, Tajik và Kazakhstan sinh sống, tương tự như việc ở Trung Á có nhiều người Duy Ngô Nhĩ, người Hán và người Đông Can (một dân tộc liên quan đến người Hồi ở Trung Quốc) cư trú. Điều này làm nổi rõ mối quan hệ giữa Tân Cương và Trung Á, cũng như việc Tân Cương, giống như các nước Trung Á khác, có vị trí địa lý cách xa bờ biển và các tuyến đường thương mại hàng hải toàn cầu.
Vì vậy, Tân Cương chỉ có thể phát triển kinh tế khi các tuyến đường từ đây qua Trung Á đến châu Âu, Nga và nhiều nơi khác được mở ra và khi khu vực này nắm bắt được các cơ hội và thâm nhập các thị trường ở Trung Á. Cuối cùng, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Trung Á đương nhiên là thứ mà cỗ máy kinh tế Trung Quốc tham lam vô độ sẽ không ngừng thèm khát. Tất cả những điều này làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực Trung Á đối với người Trung Quốc, đặc biệt là đối với Tân Cương (theo quan điểm của Trung Quốc).
(còn tiếp)
Nguồn: TLTKĐB – 31/07/2022