(+) Chiến lược của Trung Quốc ở Trung Á tác động như thế nào đến các quốc gia phương Tây?
(-) Trung Á không phải là ưu tiên hiện tại của châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, ở một số thời điểm gần đây, khu vực này nhận được sự quan tâm của phương Tây. Điều này được thể hiện chẳng hạn qua việc Mỹ sử dụng các tuyến đường qua Trung Á để tiếp tế cho lực lượng đồn trú bị sa lầy ở Afghanistan và việc các nước lớn ở châu Âu chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung Á để sơ tán người dân khỏi Kabul, Afghanistan, hồi tháng 8/2021. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) nhìn chung liên tục thảo luận về khu vực mà họ muốn tập trung vào, nhưng Brussels thường gặp khó khăn trong việc duy trì trọng tâm của mình. Và việc EU có can dự vào Trung Á hay không phụ thuộc vào việc ai cầm quyền ở Brussels (hay giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU). Chẳng hạn, Anh có sự hiện diện mạnh mẽ và các mối liên kết chặt chẽ với nhiều quốc gia Trung Á, nhưng Trung Á lại không phải là một ưu tiên đối với London.
Đồng thời, tất cả các bên đều đóng vai trò quan trọng ở khu vực xét về mặt kinh tế và viện trợ. Các nước sốt sắng tìm cách thuyết phục các quốc gia Trung Á cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm hơn. Nhưng sự thiếu tập trung có nghĩa là mục tiêu này chỉ được các lãnh đạo cấp cao theo đuổi ở mức độ hạn chế. Điều này trái ngược với Trung Quốc hay Nga, vốn có quan điểm gia trưởng đối với khu vực. Trong các phát biểu và hội đàm với các nhà lãnh đạo khu vực, Putin đã thể hiện quan điểm rằng Nga sẵn sàng triển khai lực lượng quân đội để giúp Trung Á đối phó với các mối đe dọa an ninh khu vực. Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy trong khu vực cả về kinh tế lẫn chiến lược, nhưng nước này vẫn tiếp tục thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các nhà lãnh đạo của Trung Á. Tất cả những điều này sẽ giúp lấn át các lợi ích và cách tiếp cận của phương Tây, vì trong khi Trung Á muốn tiếp cận nhiều bên, bao gồm cả phương Tây, thì phương Tây dường như lại không gắn kết với Trung Á hoặc không tỏ rõ sự quan tâm đối với khu vực này. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga vẫn giữ quan điểm. Riêng Trung Quốc còn tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á trên cơ sở phát huy tiềm lực kinh tế mạnh mẽ của mình.
Điều này có nghĩa là Trung Á sẽ ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy của Trung Quốc. Do vậy, Mỹ hoặc châu Âu sẽ khó đạt được mục tiêu cao hơn. Điều này cũng có nghĩa là Trung Á sẽ trượt dần khỏi ảnh hưởng của phương Tây và rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Và nếu nhà địa lý lịch sử người Anh Halford Mackinder đúng, thì phương Tây đang mất kiểm soát đối với “hòn đảo thế giới” và do đó mất dần quyền lực và ảnh hưởng trên toàn thế giới.
(+) Chiến lược của Trung Quốc ở Trung Á có gì giống và khác với chiến lược của các nước lớn khác trong khu vực (như Nga) và những nước ngoài khu vực có lợi ích quan trọng ở Trung Á (như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản)?
(-) Có nhiều điểm tương đồng giữa chiến lược của các nước khi xét tới việc tìm kiếm cơ hội và đề nghị đầu tư cũng như sự quan ngại về các vấn đề an ninh khi can dự với người dân Trung Á. Nhưng đồng thời cũng có một số khác biệt lớn. Nga không coi Trung Á là một khu vực láng giềng, mà là phần lãnh thổ mở rộng của nước này. Nga không có quan điểm tương tự đối với các khu vực thuộc các nước láng giềng khác có người Nga sinh sống, nhưng xét về khía cạnh kinh tế và xã hội, Nga vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với các quốc gia Trung Á. Điều này không chỉ được thể hiện ở sự xuất hiện của một loạt cơ chế sau khi Liên Xô sụp đổ – như Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU), Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) hoặc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) – mà còn được thể hiện ở quan điểm của Nga rằng khu vực này là điểm yếu với những nguy cơ và mối đe dọa tiềm tàng đối với họ (các lực lượng thù địch có thể xuất phát từ Afghanistan, đi qua khu vực Trung Á để tấn công Nga). Điều này khác với cách tiếp cận mang tính giao dịch của Trung Quốc, vốn ít quan tâm đến việc kiểm soát hoặc thể hiện trách nhiệm với Trung Á mà tập trung vào lợi ích của chính mình và ảnh hưởng của các diễn biến ở khu vực đối với họ.
Các nước khác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hàn Quốc quan tâm đến khu vực ở những mức độ khác nhau và có những động thái khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã kêu gọi tranh thủ các di sản của người Turk để phát triển các mối quan hệ ở Trung Á, nhưng những điều này thường không mang lại kết quả như mong đợi. Thổ Nhĩ Kỳ là một lựa chọn thay thế cho lao động nhập cư từ Trung Á, một số công ty và hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ rất được đón nhận trong khu vực và Istanbul đã tích cực tìm cách tăng cường các liên kết quyền lực mềm thông qua giáo dục và văn hóa. Tuy nhiên, Istanbul khó có thể tạo ra ảnh hưởng tương tự như các quốc gia khác. Cả hai nước đều sử dụng ngân hàng chính sách và các công ty của mình để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc tiếp cận các nguồn lực trong khu vực. Và cả hai đều có tầm nhìn tiên tiến về việc can dự, nhưng khoảng cách địa lý khiến chính sách can dự của Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ thực sự hiệu quả nếu họ duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với các nước láng giềng Trung Á.
Tương tự, Ấn Độ luôn tìm cách can dự với Trung Á. Tất cả các nhà lãnh đạo Ấn Độ gần đây đều đã thực hiện các chuyến công du lớn đến Trung Á sau các tuyên bố thể hiện sự quan tâm và chú ý đến khu vực này. Và trong lịch sử, Ấn Độ từng hiện diện ở khu vực với lực lượng không quân đồn trú ở Tajikistan. Nhưng sự hiện diện này sau đó bị gián đoạn – không chỉ do sự phức tạp về mặt địa lý (với Afghanistan và Pakistan ở giữa, và cảng Chabahar ở Iran là một tuyến đường khó khăn từ Trung Á đến Ấn Độ), mà còn bởi những lo ngại chiến lược liên quan đến Trung Quốc cũng như thực tế rằng Ấn Độ không phải là một nền kinh tế chỉ huy và có xu hướng không rõ ràng trong chính sách đối ngoại (ngoại trừ với Pakistan). Tất cả những điều này trái ngược với mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc dành cho Trung Á. Trung Quốc dễ dàng can dự với Trung Á nhờ ưu thế địa lý và không phải lo lắng về sự nghi kỵ của Nga trong thời điểm này.
(+) Nhiều cuộc thảo luận về Trung Quốc tập trung vào sự trỗi dậy của nước này trên phạm vi toàn cầu cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ yếu là trong lĩnh vực hàng hải. Liệu một khu vực không giáp biển như Trung Á có bị gạt ra khỏi các cuộc thảo luận đó hay không? Nếu vậy, tại sao lại cần quan tâm đến đế chế mà Trung Quốc vô tình gây dựng ở trung tâm châu Á?
(-) Việc chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các nước hầu như chỉ tập trung vào sức mạnh hàng hải là điều đáng thất vọng bởi điều này đồng nghĩa với việc bỏ sót vùng đất rộng lớn và giàu có ở trung tâm lục địa Á – Âu – một khu vực tràn ngập cơ hội, sở hữu nền văn minh và văn hóa cổ đại, cũng như gây ra nhiều vấn đề đáng buồn cho phương Tây trong quá khứ. Sự kiện khủng bố ngày 11/09/2001 bắt nguồn từ Afghanistan. Gần đây hơn, Trung Á đã trở thành khu vực có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Trung Quốc và Nga (và thậm chí là cả Iran) – các cường quốc và là đối thủ chính của phương Tây. Xét ở nhiều phương diện, việc phát triển các chiến lược hướng tới châu Á nhưng lại bỏ qua vùng trung tâm Á – Âu khiến phương Tây bỏ lỡ một cơ hội. Như đã đề cập trước đây, theo Mackinder, bất cứ ai kiểm soát khu vực này đều có thể kiểm soát thế giới. Cho dù không tính đến vai trò địa chính trị quan trọng của Trung Á thì đây vẫn là khu vực đáng quan tâm, vì Trung Á tiếp giáp châu Âu nên những gì xảy ra ở Trung Á đều có thể ảnh hưởng đến phương Tây. Việc bỏ qua Trung Á không chỉ khiến phương Tây bỏ lỡ cơ hội gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, mà còn khiến họ mất đi cơ hội đánh giá cách thức hoạt động của chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở một khu vực mà nước này không thể bỏ qua.
Nguồn: TLTKĐB – 31/07/2022