Như Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố nhân kết quả cuộc đàm phán với Tổng thống Nga V. Putin tháng 5/2015: “trong quá trình thiết lập mối quan hệ quốc tế kiểu mới, Trung Quốc và Nga đã tích lũy được những kinh nghiệm tuyệt vời. Vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, Trung Quốc và Nga với tư cách Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng ủng hộ việc kiên quyết tuân thủ quy tắc của Liên hợp quốc và những quy phạm cơ bản của luật pháp quốc tế và hình thành quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên nguyên tắc hợp tác và cùng giành phần thắng”.
Trung Quốc chìa bàn tay hữu nghị và tương trợ cho Nga trong sự nghiệp chung tạo lập trật tự thế giới mới: “Chúng ta phải hợp nhất lợi ích riêng của mình với lợi ích chung của tất cả các nước, tìm kiếm và mở rộng những điểm giao hòa lợi ích của các bên khác nhau, đề xuất và xác định quan điểm mới “cả hai cùng thắng, nhiều bên cùng thắng và tất cả cùng thắng”, luôn luôn sẵn sàng chìa bàn tay tương trợ lẫn nhau giữa những giây phút khó khăn, cùng nhau thụ hưởng quyền và lợi ích và cùng nhau nhận trách nhiệm, bằng sức mạnh tập thể cùng giải quyết những vấn đề toàn cầu đang mỗi ngày một lớn lên”.
Dựa trên cơ sở những kinh nghiệm thành công của chính mình về thiết lập và phát triển quan hệ kiểu mới giữa các quốc gia, tuân thủ nguyên tắc duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác và cùng nhau xây dựng tương lai, Nga và Trung Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới:
+ Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, những lợi ích then chốt và mối quan tâm cơ bản của nhau, các dân tộc ở tất cả các quốc gia tự do lựa chọn chế độ xã hội và con đường phát triển, lên tiếng chống những hoạt động phá hoại chính quyền chính trị hợp pháp.
+ Tuân thủ những điều khoản Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và những nguyên tắc cơ bản khác của luật quốc tế và quan hệ quốc tế; tận tâm thực hiện các điều ước quốc tế, thúc đẩy quan điểm phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi cho tất cả các bên với tư cách là phương hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình, góp phần củng cố xu thế đa cực hóa, dân chủ háo và thượng tôn pháp luậ trong quan hệ quốc tế;
+ Giải quyết các bất đồng và xung đột giữa các quốc gia bằng con đường chính trị – ngoại giao; không cho phép thực hiện “trò chơi với tổng số bằng không” và tư tưởng “kẻ thắng trận sẽ có tất cả” đặc trưng cho thời kỳ chiến tranh lạnh; lên tiếng phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực, chống lại việc thực hiện trừng phạt đơn phơng và đe dọa trừng phạt;
+ Tạo điều kiện phối hợp hành động một cách xây dựng giữa các nền văn minh khác nhau; lên tiếng ủng hộ việc làm phong phú giữa các nền văn minh, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt văn hóa, chống lại thái độ không dung nạp văn hóa;
+ Phối hợp cùng nhau kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Liên hợp quốc; củng cố vai trò trung tâm của tổ chức này trong công việc quốc tế, vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bảo vệ lợi ích chung của các quốc gia thành viên, biến Liên hợp quốc thành cơ chế chủ yếu bảo đảm cùng tồn tại hòa bình của các quốc gia có chế độ chính trị – xã hội, truyền thống văn hóa và con đường phát triển khác nhau, thiết lập trật tự thế giới đa trung tâm công bằng hơn dựa trên hợp tác có lợi cho tất cả các bên;
+ Kiên quyết bảo vệ nguyên tắc không phân biệt nền an ninh trong quan hệ quốc tế. Việc đơn phương phát triển và bố trí hệ thống phòng, chống tên lửa trên quy mô toàn cầu sẽ tác động bất lợi lên tình hình quốc tế và có thể gây tổn hại đến ổn định và an ninh chiến lược toàn cầu. Cần có những nỗ lực chính trị – ngoại giao chung của tất cả các nước quan tâm để ngăn chặn phổ biến tên lửa đạn đạo và công nghệ tên lửa. Không cho phép âm mưu bảo đảm an ninh cho một quốc gia hay nhóm quốc gia cá biệt mà làm mất an ninh của những quốc gia khác;
+ Bảo đảm an ninh cho hoạt động vũ trụ và sử dụng không gian vũ trụ chỉ vào mục đích hòa bình, áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang trên vũ trụ; dốc sức khởi động nhanh chóng các cuộc đàm phán tại Hội nghị về giải trừ quân bị tại Geneva nhằm mục tiêu ký kết hiệp định quốc tế có giá trị cam kết pháp lý trên cơ sở dự án do Nga và Trung Quốc đề nghị về Hiệp ước ngăn ngừa bố trí vũ khí trên vũ trụ, sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực đối với các mục tiêu trên vũ trụ. Nga và Trung Quốc một lần nữa tuyên bố không cho phép bố trí vũ khí trên vũ trụ và kêu gọi tất cả các cường quốc vũ trụ hãy tuân thủ nguyên tắc này;
+ Tiếp tục bằng mọi biện pháp tăng cường phối hợp và cùng hành động trong khuôn khổ Ủy ban Liên hợp quốc về vũ trụ, trước tiên là những vấn đề trước mắt, như hoạt động bền vững dài hạn trên vũ trụ, bao gồm an ninh cho các hoạt động vũ trụ, cũng như phương thức và phương tiện duy trì không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình;
+ Tiếp tục kiên quyết tuân thủ những nguyên tắc và mục tiêu của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có những nguyên tắc “trách nhiệm chung, nhưng có phân biệt”, công bằng và những khả năng sẵn có; dốc hết sức nhằm củng cố hợp tác quốc tế trong vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng nhau hợp tác nhằm thực hiện Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các bên lần thứ 21 – Nghị định thư Kyoto tại phiên họp thứ 11 của các bên ở Paris năm 2015 về những giải pháp có tính đến lợi ích của tất cả các nước nhằm mục tiêu đối phó hiệu quả và công bằng với vấn đề thay đổi khí hậu;
+ Trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau nỗ lực thiết lập không gian thông tin đối tác cởi mở, an toàn và hòa bình; nghiên cứu đề xuất một mô hình vạn năng và hiệu quả về cách ứng xử của các quốc gia trong không gian thông tin, chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, cũng như nhằm mục đích phá hoại sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội các quốc gia. Xem xét dự án cách tân “Những quy tắc ứng xử trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế” do Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm trong thời gian ngắn nhất có thể đạt được sự đồng thuận quốc tế về vấn đề này.
Từ sự thấu hiểu lẫn nhau đến cùng hiệp đồng và hợp tác với nhau trong quá trình kiến tạo trật tự thế giới mới – đó là con đường mà quan hệ Nga-Trung đã đi qua ngay trước mắt chúng ta. Kinh nghiệm độc đáo của mối quan hệ đó có thể và cần phải được các nước thành viên của quan hệ quốc tế hiện đại biết tới và học tập áp dụng.
Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov một lần nữa nhấn mạnh: “Về thực chất, ở đây nói đến mối quan hệ kiểu mới giữa các quốc gia, ở mức độ nào đó là mô hình hợp tác của thế kỷ XXI”. Ông còn nói thêm: “Nga và Trung Quốc đều có những quan điểm trùng lắp hay gần gũi với nhau về những vấn đề then chốt của thời đại, liên tục lên tiếng ủng hộ sự ra đời của một cấu trúc thế giới mới đa trung tâm dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, tự chủ của các dân tộc và quyền của họ được tự mình lựa chọn con đường phát triển.
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: M.L. Titarenko, V.E. Petrovski – Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới mới: Lý luận và thực tiễn – NXB CTQG 2017