Câu chuyện về nhân khẩu học của Czech và sự hội nhập của cộng đồng người Việt – Phần II


Nền kinh tế hạn chế di cư

Theo chuyên gia Sobotka, một yếu tố khác khiến Czech trở nên khác biệt với các nước cùng chế độ cộng sản trước đây sau năm 1989 là trong khi ngành y tế rơi vào khủng hoảng ở mọi nơi khác, thì việc Czech không bị sụp đổ về kinh tế đồng nghĩa với việc “đã có sự đầu tư rất nhanh vào các công nghệ mới không có trước đây. Vì vậy, những vấn đề như điều trị ung thư và chăm sóc người cao tuổi được cải thiện nhanh chóng, và tỷ lệ tử vong bắt đầu giảm, chỉ vài năm sau khi thay đổi chế độ và sau 30 năm đình trệ”.

Không giống như phần lớn còn lại của châu Âu cộng sản, Czech vốn đã được công nghiệp hóa trước Chiến tranh thế giới thứ hai, không hoàn toàn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp khổng lồ, mà nếu bị đóng cửa sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn về kinh tế ở các thành phố và các khu vực, tương tự như đã xảy ra ở Slovakia. Các ngành công nghiệp nhỏ hơn của Czech có khả năng vượt qua quá trình chuyển đổi tốt hơn nhiều và kể từ đó, người Czech có ít động lực kinh tế hơn để di cư so với công dân của các nước cộng sản cũ khác, thậm chí là một số nước Tây Âu.

Chuyên gia Kucera nói: “Đối với người dân của chúng tôi, không có ý nghĩa gì khi phải đi làm việc ở Anh, bởi vì số tiền họ kiếm được ở đó, trừ đi chi phí ăn ở, ít hơn nhiều so với số tiền họ kiếm được ở đây”.

Lập luận của chuyên gia Kucera được dữ liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Vương quốc Anh ủng hộ. Hậu Brexit, 78.200 người Czech đã nộp đơn xin ở lại Anh so với 136.970 người Slovakia. Trong khi đó, dân số của Slovakia chỉ bằng khoảng một nửa dân số của Czech; 444.940 người Bồ Đào Nha đã đăng ký ở lại Anh dù dân số của Bồ Đào Nha gần như bằng Czech.

Nghiên cứu của Sobotka cũng tiết lộ rằng tỷ lệ di cư của Czech ngang với tỷ lệ di cư của các quốc gia Tây Âu thịnh vượng và khác biệt so với các quốc gia Trung và Đông Nam Âu. Theo ông, khoảng 4 – 6% người Czech thuộc mọi thế hệ hiện đang sống ở nước ngoài và “điều này không quá khác biệt so với những gì bạn thấy ở Anh hoặc Pháp”.

Dòng người nhập cư

Yếu tố đầu tiên khiến Czech giống với một quốc gia phương Tây giầu có hơn về mặt nhân khẩu học là vấn đề nhập cư.

Vào cuối năm 2021, có 660.849 người nước ngoài đăng ký cư trú tại nước này, trong đó 320.534 người có hộ khẩu thường trú trong khi hầu hết những người còn lại có giấy phép lao động ngắn hạn. Các nhóm nhập cư lớn nhất gồm 196.875 người Ukraine, 114.630 người Slovakia và 64.851 người Việt Nam.

Dựa trên dữ liệu và xu hướng của Czech đến cuối năm 2021, Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat dự đoán dân số của Czech sẽ đạt 10,76 triệu người vào năm 2030, sau đó giảm xuống 10,53 triệu người vào năm 2050. Nhưng mọi dự đoán hiện tại đều không còn phù hợp. Đến ngày 13/9, 431.285 người tị nạn Ukraine đã đăng ký và được ở lại Czech vì lý do chiến tranh.

Chắc chắn, kể từ đó, một số hoặc thậm chí phần lớn những người Ukraine này có thể đã trở về nhà hoặc rời sang các nước khác như Đức. Nhưng một số lượng lớn vẫn đang ở lại và khi nhiều trẻ em tị nạn bắt đầu đi học, chiến tranh tiếp diễn, số người thường trú ở Czech sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo chuyên gia Kucera, dân số của Czech “chắc chắn sẽ tăng lên trong viễn cảnh trung và dài hạn”, nhưng sự xuất hiện bất ngờ của hàng trăm nghìn người Ukraine đồng nghĩa với tương lai nhân khẩu học của Czech “rất không chắc chắn” và hiện tại là không thể dự đoán.

Người Việt Nam đã ở Czech hơn 60 năm

Tờ Denik (Nhật báo) của Czech ngày 23/5/2022 đăng bài viết của tác giả Daniela Tauberova nói về sự thay đổi của cộng đồng người Việt ở Czech sau hơn 60 năm hội nhập. Bài viết có tựa đề: “Người Việt Nam đã ở Czech hơn 60 năm. Thế hệ kế tiếp đang thay đổi”.

Những người Việt Nam đầu tiên đến Czech vào năm 1956. Họ là trẻ em từ miền Bắc Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, được đưa đến Chrastava ở Liberecko. Năm 1973 trở thành một cột mốc quan trọng khi Việt Nam đề nghị Czech tiếp nhận từ 10.000 đến 12.000 người sang học tập.

Thế hệ đầu tiên của những người nhập cư sống rất khép kín trong cộng đồng của họ và làm việc chăm chỉ 7 ngày một tuần – chủ yếu là ở các khu vực. “Đó là nơi tất cả những người Việt Nam bắt đầu. Tôi còn có một chị gái và một em trai. Chúng tôi đã phải giúp đỡ cha mẹ của chúng tôi. Làm việc 7 ngày một tuần” – Jana Nguyenová từ Olomouc, người đến Czech năm 1996 khi mới 12 tuổi xác nhận. Chị nhớ lại: “Đó là một sự thay đổi lớn đối với tôi. Môi trường, văn hóa nước ngoài, tôi không biết tiếng Czech. Lúc đó ở Olomouc không có nhiều người Việt Nam. Ở độ tuổi tôi có khoảng 5 người. Những người bạn đồng lứa của tôi lúc đầu không chấp nhận tôi”.

Những người nhập cư đầu tiên từ Đông Nam Á (người Việt Nam) làm việc không biết mệt mỏi, rất quan tâm để đảm bảo rằng con cháu của họ, chủ yếu sinh ra ở Czech, được học hành và nhờ đó họ khá giả hơn cha mẹ mình.

(còn tiếp)

Nguồn: TLKTĐB – 05/11/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s