Thế hệ nghệ sĩ mới và những tiết mục mới (A&R)
Cuối cùng, một công việc quan trọng trong bất kỳ ngành công nghiệp sáng tạo nào, đó chính là tìm kiếm những viên ngọc thô và mài giũa chúng. Các nhạc sĩ tham gia tư vấn một cách rất tự nhiên và chơi trò chơi “A&R” trong các cuộc thi như The Voice. Blockchain hỗ trợ cho loại hình A&R này bằng các thuật toán ứng dụng. Như PeerTracks chẳng hạn. Theo như trang mục tiêu của nó quảng cáo thì đây là “nền tảng âm nhạc tuyệt vời nhất” cho cả hai, những người yêu nhạc lẫn các nghệ sĩ. Mỗi bài hát được các nghệ sĩ tải lên sẽ lập tức được PeerTracks gắn cho một bản hợp đồng thông minh, và hợp đồng này sẽ tự động đề ra mức lợi tùy theo thỏa thuận giữa người trình diễn với nhà soạn nhạc, nhà soạn lời và các thành viên khác trong nhóm. Các nghệ sĩ tự tạo ra mã thẻ token cho mình, để tên mình lên như thể đó là tấm thẻ bóng chày ảo. Chúng ta hoàn toàn có thể tích trữ token. Nghệ sĩ có thể cài đặt một số lượng mã sẵn có nhất định. Và cũng có thể tồn tại cả những phiên bản hạn chế. Phương thức hoạt động rất đơn giản: họ tạo một phương tiện lưu giữ giá trị, giá trị của nó sẽ tương quan với độ nổi tiếng của người nghệ sĩ.
Người dùng có thể truy cập vào toàn bộ hoặc một phần theo nhu cầu kho nhạc của PeerTraks mà không mất phí và cũng không bị làm phiền bởi các tin nhắn quảng cáo. Họ có thể lưu bài hát và lập danh sách phát ngoại tuyến hoặc tải bất kỳ bài hát, bất kỳ album nào có tên trong danh mục của PeerTracks. Không giống như Spotify và iTunes, người dùng có thể chọn mua token của các nghệ sĩ và trao đổi chúng như trao đổi thẻ bóng chày. Khi một nghệ sĩ trở nên nổi tiếng hơn, giá trị thẻ token của người đó cũng sẽ tăng theo, vậy nên người dùng cần nhìn nhận trước được những lợi ích tài chính của việc ủng hộ một nghệ sĩ trước khi họ trở nên nổi tiếng. Việc yêu mến một nghệ sĩ đồng nghĩa với những điều kiện đối đãi VIP, nhiều đặc quyền và đôi khi là quà tặng miễn phí từ các nghệ sĩ. Điều này khuyến khích những người nghe thụ động trên Spotify biến thành những thành viên quảng bá tích cực và xây dựng đội ngũ người hâm mộ lâu dài, tích cực. PeerTracks dự định trả cho các nghệ sĩ nhiều hơn cho việc nghe trực tuyến và tải xuống – lên tới 95% thu nhập – và được lập tức trả cho họ thông qua blockchain. Nhgệ sĩ có thể cài đặt mức giá riêng cho việc tải và sử dụng âm nhạc của họ cho mục đích kinh doanh. PeerTracks tuyên bố rằng “rất nhiều giám khảo/huấn luyện viên tài năng hướng lợi nhuận đang tìm kiếm những ngôi sao/mã token mới”. Bạn sẽ nghe được bài hát của các nghệ sĩ mới bởi hệ thống bình chọn của người nghe sẽ đẩy những bài hát đó lên mục gợi ý của PeerTracks.
Artlery phần mềm cho người yêu nghệ thuật, kết nối nghệ sĩ và khán giả
Thị trường nghệ thuật truyền thống vốn tai tiếng vì sự độc quyền với nhiều góc khuất. Một số ít các nghệ sĩ và nhà sưu tầm đại diện cho gần như toàn bộ thị trường, quanh đi quẩn lại chỉ có vài người, và rất ít nghệ sĩ trẻ có thể nhanh chóng thành danh trong môi trường đó. Tuy vậy, sự cởi mở và bản chất khó kiểm soát của thị trường nghệ thuật là rất khuyến khích việc thử nghiệm những hướng đi mới và những phương tiện truyền thông mới. Một mặt, nó góp phần dân chủ hóa thị trường nghệ thuật, mặt khác lại làm dân chủ hóa thị trường vốn đầu tư, và cả hai đều nhờ có sức mạnh biến đổi và sự thúc đẩy mạnh mẽ của blockchain bitcoin.
Artlery tự mô tả bản thân là một mạng lưới nơi các nghệ sĩ chấp nhận chia sẻ một phần thu nhập của mình với các khách quen và những người ngang hàng, những người có mối liên hệ xã hội với công việc của họ. Mục tiêu của Artlery là cho ra đời một đồng tiền được bảo đảm bằng tài sản tương đương với tác phẩm nghệ thuật trên blockchain, bằng cách thu hút những người yêu nghệ thuật làm chủ sở hữu chung hay cổ đông của những tác phẩm mà họ thích. Cách tiếp cận của nó là cung cấp những quyền lợi và ưu đãi về mọi mặt cho mọi người trên thị trường – nghệ sĩ, khán giả, người quản lý và những địa điểm tổ chức sự kiện như phòng trưng bày, viện bảo tàng, xưởng phim, hội chợ – thay vì để một bên hưởng lợi trong khi bên còn lại phải chịu phí tổn. Để tăng cường hỗ trợ và xây dựng danh tiếng cho một nghệ sĩ, ban đầu Artlery sẽ tổ chức IPO cho tác phẩm dạng số của nghệ sĩ đó. Ứng dụng Artlery cho phép các nghệ sĩ như JaZoN Frings, David Perea, Keith Hollander, Benton C. Bainbridge và Teens Bazaar sao chép các tác phẩm vật lý của họ sang dạng kỹ thuật số, chia chúng thành nhiều phần như những câu đố ghép hình rồi phân bổ cho các khách hàng dựa trên mức độ thưởng thức của họ đối với tác phẩm trên ứng dụng Artlery. Trong giai đoạn IPO, khách hàng có thể tích lũy lợi tức lên đến một mức phần trăm nhất định trên tác phẩm mà ban đầu nghệ sĩ đã tăng cho cộng đồng. Khi nền tảng này hoàn thiện, Artlery dự định sẽ cho phép trao đổi buôn bán các quyền lợi tích lũy trong từng tác phẩm.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Stanford Blockchain năm 2015 do Artlery tài trợ, Don quyết định ủng hộ một tác phẩm của Anselm Skogstad, có tiêu đề EUR/USD 3081, tác phẩm nghệ thuật với hình ảnh đồng tiền euro được phóng to và in trên một tấm nhôm Dibond dài khoảng 1m.
Cách thức mua bán tác phẩm nghệ thuật trên blockchain
Để mua tác phẩm đó, Don đã mở ứng dụng ví bitcoin của mình. Ông đã sử dụng ứng dụng để tạo ra một thông báo xác định lượng bitcoin tương đương với giá trị tác phẩm, chỉ định khóa công khai của Artlery là người nhận số bitcoin đó và sử dụng khóa bí mật của mình để “ký” hoặc chứng thực tin nhắn đó. Don phải kiểm tra cẩn thận những thông tin đã điền bởi trên blockchain không có chuyện tiền được gửi trả lại. Sau đó, Don gửi tin nhắn đi, không phải đến ngân hàng của mình ở Canada, mà là cho toàn bộ mạng lưới máy tính đang chạy hoàn chỉnh công nghệ blokchain bitcoin.
Một số người coi các máy tính này như các nút mạng, một số nút mạng lại đóng góp năng lực xử lý của chúng trong việc giải quyết các bài toán gắn liền với việc tạo ra một block. Như chúng tôi đã giải thích, cộng đồng bitcoin tự gọi mình là các thợ đào và công việc giải các thuật toán của họ cũng giống như khai thác những mỏ vàng. Đó là một sự tương đồng kỳ lạ bởi nó gợi lên hình ảnh các chuyên gia tài năng sẽ có nhiều lợi thế hơn những người mới tham gia. Nhưng không. Mỗi thợ đào đều chạy phần mềm như một chức năng tiện ích trên nền, và phần mềm đó đang xử lý tất cả công việc tính toán. Thợ đào thường nâng cấp cấu hình máy để tối ưu hóa sức mạnh xử lý, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tận dụng kết nối mạng tốc độ cao. Ngoài ra, việc này thực sự không cần đến bàn tay con người nhúng vào và bản thân con người cũng không được phép tham gia.
Không phải tất cả các nút mạng đều có thể đào bitcoin. Trên thực tế, phần lớn các nút mạng trên mạng lưới bitcoin chỉ đơn giản thực hiện xác minh các quy tắc bitcoin cho các dữ liệu mà nó nhận được, trước khi định tuyến dữ liệu đến các kết nối ngang hàng. Mạng lưới sẽ xác thực hai bit dữ liệu – liệu Don [Tapscott] có kiểm soát lượng bitcoin đã xác định và được phép giao dịch – rồi ghi nhận tin nhắn của Don là một giao dịch. Các thợ đào sau đó sẽ đua nhau chuyển đổi các giao dịch không có thứ tự và không được ghi lại thành các giao dịch có thứ tự và được ghi lại trong một khối dữ liệu. Mỗi khối vừa phải bao gồm bản tóm tắt hoặc hàm băm của khối giao dịch trước đó, vừa bao gồm thêm một con số ngẫu nhiên được gọi là nonce. Để chiến thắng cuộc đua, máy tính phải tạo ra hàm băm của block. Hàm băm này phải có một số lượng các chữ số 0 xác định ngẫu nhiên đứng ở đầu. Không thể đoán trước được số nonce nào sẽ tạo ra một hàm băm với số lượng chính xác của các chữ số 0 đó, do đó các máy tính phải thử các nonce khác nhau cho đến khi chúng tìm ra đúng giá trị. Cái này cũng giống như trúng xổ số vì không có một kỹ năng liên quan nào cả. Tuy nhiên, con người có thể tăng khả năng trúng xổ số của mình lên bằng cách mua một bộ xử lý trong của máy tính loại tiên tiến nhất, bộ xử lý này chuyên giải quyết các vấn đề toán học của bitcoin; hoặc mua nhiều vé số hơn, tức là chạy nhiều nút mạng mạnh hơn; hoặc như người ta thường làm, góp chung nút mạng của mình với các nút mạng khác – chẳng hạn như các đồng nghiệp ở văn phòng – và đồng ý chia số tiền thưởng nếu một trong các nút mạng trúng thưởng. Vậy nên chiến thăng là do may mắn, sức mạnh xử lý và kích thước của mỏ đào.
Tốc độ xử lý hàm băm (hash rate) là thước đo tổng công suất xử lý của mạng lưới bitcoin. Tổng toàn bộ tốc độ xử lý hàm băm của toàn mạng càng cao thì càng khó để tìm số nonce đúng. Khi một thợ đào tìm ra một hàm băm với số lượng chính xác các chữ số 0, người này sẽ chia sẻ bằng chứng xử lý của mình với tất cả các thợ đào khác trên mạng lưới. Đây là một bước tiến khoa học lớn trong điện toán phi tập trung: sử dụng bằng chứng xử lý để đạt được sự đồng thuận mạng, hay còn được biết tới với tên gọi là Bài toán các vị tướng Byzantine. Các thợ đào khác báo hiệu rằng họ chấp nhận block bằng cách tập trung vào việc tạo lập block tiếp theo – block này phải bao gồm hàm băm của block mới được lập. Giống như các khóa công khai và khóa bí mật của Don chỉ dành cho duy nhất ông, hàm băm của mỗi block cũng là duy nhất: Nó hoạt động giống như dấu vân tay mã hóa, khiến cho tất cả các giao dịch trong block có thể kiểm chứng được. Không thể có chuyện có hai block có hai dấu vân tay giống nhau. Thợ đào chiến thắng sẽ nhận được một lượng bitcoin mới xem như là phần thưởng – phần mềm sẽ tự tạo và phân bổ tiền mới – và block đã chạy hàm băm được nối vào với chuỗi.
Vậy là trong vòng 10 phút kể từ khi Don phát đi tin nhắn, ông và Artlery đã nhận được xác nhận rằng giao dịch bitcoin của Don đã tạo ra “đầu ra giao dịch chưa được chi tiêu”, tức là Artlery có thể tiêu nó bằng cách Don đã làm – phát đi một tin nhắn xác định số lượng gửi cũng như địa chỉ của người nhận và cho phép giao dịch với khóa công khai của Artlery. Nếu nghị sẽ và các khách hàng biết khóa công khai cảu cả Don và Artlery thì họ có thể biết thỏa thuận đã hoàn thành giữa họ và số tiền giao dịch. Đó là lý do chúng tôi gọi nó là sổ cái công khai – tất cả các giao dịch đều rõ ràng và ẩn danh. Chúng ta có thể thấy địa chỉ của các bên nhưng không thể biết tên của những người đằng sau nó. Mỗi block sau đó được dùng để xác nhận thêm về giao dịch của họ.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Don Tapscott & Alex Tapscott – Cuộc cách mạng blockchain – NXB ĐHKTQD 2018