Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: Sự đoạn tuyệt với Thỏa thuận Liên minh?


Theo thediplomat.com, khi chính phủ liên minh hiện tại của Đức được thành lập vào cuối năm 2021, Thỏa thuận Liên minh của Đức đề cập đến việc thực hiện một cách tiếp cận mới, quyết liệt hơn đối với Trung Quốc. Cho đến lúc đó, chính sách kinh tế giữa hai nước; những lo ngại về vi phạm nhân quyền và việc đàn áp những tiếng nói bất đồng ở Trung Quốc, hay các động thái ngày càng quyết đoán hơn của Bắc Kinh ở khu vực Đông Á, đều chỉ là để phô diễn. Điều này giờ đây đã thay đổi.

Thỏa thuận Liên minh ủng hộ việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng chỉ “khi nào có thể” và chỉ “trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế”. Thỏa thuận này tuyên bố rằng Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, mà chính phủ tiền nhiệm dưới thời Thủ tướng Angela Merkel đã xoay sở để Hội đồng châu Âu đồng ý cho thông qua trong những ngày cuối cùng của năm 2020, đi ngược lại những cảnh báo của chính quyền sắp nhậm chức tại Mỹ Joe Biden lúc đó, hiện không thể hoàn tất “vì một số lý do” và yêu cầu đối xử có đi có lại đối với các công ty châu Âu tại thị trường nội địa Trung Quốc. Thỏa thuận Liên minh cũng đề cập việc giảm sự phụ thuộc chiến lược của Đức vào nền kinh tế Trung Quốc. Thỏa thuận này cho rằng xung đột lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác trong khu vực cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế và hiện trạng ở Eo biển Đài Loan chỉ có thể được thay đổi bằng các biện pháp hòa bình và với sự nhất trí của cả hai bên.

Ở Đức, với truyền thống về tuân thủ luật pháp, các Thỏa thuận Liên minh đều rất được coi trọng. Các thỏa thuận này thường rất dài (Thỏa thuận Liên minh hiện nay dài 178 trang) là trọng tâm công việc của chính phủ. Các thỏa thuận này giống như kế hoạch chi tiết cho hoạt động của nền chính trị, các quyết định của chính phủ và việc Quốc hội Đức thông qua các luạt trong 4 năm tới. Khi chính phủ mới bắt đầu làm việc, những phát biểu từ 3 đảng trong liên minh cầm quyền cho thấy rằng chính sách đối với Trung Quốc của Đức đang cần một cuộc đại tu lớn.

Lo ngại về “sự phụ thuộc bị vũ khí hóa”, “các lỗ hổng chiến lược” và việc tìm kiếm “khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng” nhanh chóng không chỉ tập trung vào Nga, mà còn cả Trung Quốc. Điều này dường như đã tạo thêm sức ép và động lực cho Berlin tiếp cận Bắc Kinh. Giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã trở thành khẩu hiệu mới không chỉ ở Berlin mà còn trên toàn ngành công nghiệp Đức.

Ngành công nghiệp xe hơi của Đức tiêu thụ khoảng 40% tổng sản lượng của mình ở Trung Quốc; đối với Volkswagen, con số này là khoảng 50% và nếu không có thị trường Trung Quốc, hãng này có lẽ sẽ không thể tồn tại và phát triển như một nhà sản xuất ô tô độc lập. BASF, công ty hóa chất lớn nhất thế giới, gần đây đã mở một địa điểm sản xuất khổng lồ mới ở miền Nam Trung Quốc, nơi họ đã chi tới 10 tỷ euro; công ty này dự kiến sẽ tạo ra 2/3 tăng trưởng doanh thu trong tương lai tại thị trường Trung Quốc.

Theo một phân tích về các công ty Đức, 40% số công ty thương mại và gần một nửa số các hãng công nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian quan trọng. Trong ngành công nghiệp xe hơi, tỷ lệ này là 75%.

Để giảm mức độ phụ thuộc cao như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Mặc dù các tập đoàn của Đức ở nhiều nơi đang tiến hành các bước để phát triển các nguồn cung ứng và thị trường thay thế, nhưng hướng đi chung dường như vẫn là gắn bó với Trung Quốc. Do đó, một nghiên cứu gần đây của MERICS cho thấy ngành công nghiệp xe hơi của Đức đang tăng cường sự hiện diện ở Trung Quốc, chẳng hạn bằng cách tăng cổ phần trong các công ty đối tác địa phương. Ngành này cũng đang chuyển các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sang Trung Quốc. Mục đích dường như là để “Trung Quốc hóa” sự hiện diện của các công ty Đức ở Trung Quốc, với các giá phải trả là giảm bớt mối quan hệ và khả năgn phối hợp với các hoạt động ở Đức.

Thực tế về sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc đã khiến ngành công nghiệp Đức cản trở những nỗ lực nhằm thay đổi lập trường truyền thống, vốn chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Berlin đối với Trung Quốc. Điều này cũng đã khiến chính phủ liên minh bị chia rẽ, trong đó Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thúc đẩy một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh như Thỏa thuận Liên minh đã đề ra. Một trường hợp thử thách sự đoàn kết của chính phủ liên minh gần đây là khi công ty vận tải Trung Quốc COSCO nỗ lực mua lại 35% cổ phần của 1 trogn 4 bến cảng thuộc cảng Hmaburg, Đảng Xanh và FDP (cùng 6 bộ) đã phản đối thỏa thuận nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng  quan trọng của Đức. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ thỏa thuận này và cuối cùng áp đặt một dàn xếp với các đối tác liên minh miễn cưỡng của mình. Scholz trước đây từng là thị trưởng của Hamburg; trong một cuộc trò chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi ông còn giữ chức vụ này, ông đã gọi Hamburg là “cảng nhà của Trung Quốc ở châu Âu”.

Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Scholz đến Trung Quốc thể hiện sự đoạn tuyệt với Thỏa thuận Liên minh và quay trở lại cách tiếp cận chính sách đối ngoại chú trọng tới thương mại. Việc ông đi cùng với phái đoàn theo thông lệ gồm những người đứng đầu ngành công nghiệp của Đức là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự thay đổi đó. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức, do bà Annalena Baerbock của Đảng Xanh đứng đầu, đang điều phối công việc của chính phủ để xây dựng một chiến lược mới của Đức đối với Trung Quốc. Hiện tại, tài liệu này dự kiến sẽ được hoàn tất sớm nhất vào mùa Xuân năm 2023.

Nguồn: TKNB – 07/11/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s