Ba quốc gia trụ cột trong tương lai địa chính trị của thế giới Hồi giáo – Phần I


Nếu chúng ta muốn tìm kiếm những quốc gia mà tương lai có thể tác động đến toàn bộ thế giới Hồi giáo, thì hãy nhìn đến Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan. Ba quốc gia trụ cột này chắc chắn sẽ tác động lên các vấn đề địa chính trị của thế giới Hồi giáo, theo cách tốt lên hoặc xấu đi.

Ý tưởng về quốc gia trụ cột lại được nhắc tới trong nửa sau của những năm 1990 qua các nghiên cứu của Robert Chase, Emily Hill và Paul Kennedy. Một quốc gia trụ cột là một nước có vai trò then chốt trong khu vực, một sức mạnh đáng kể do có tầm quan trọng về địa lý, dân số cũng như tiềm năng kinh tế. Theo cách nói của Chase, Hill và Kennedy, “một quốc gia trụ cột có tầm quan trọng trong khu vực đến mức sự sụp đổ của nó có thể đồng nghĩa với sự mất ổn định xuyên quốc gia: di cư, bạo lực cộng đồng, ô nhiễm, dịch bệnh… Do vậy, đó là một quốc gia mà những lựa chọn và sự phát triển của nó có một ảnh hưởng lớn, vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Nếu người ta muốn tìm kiếm những quốc gia như vậy có ảnh hưởng đến địa chính trị của thế giới Hồi giáo theo nghĩa rộng, thì đương nhiên người ta sẽ tìm thấy ba nước: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Pakistan; những quốc gia khác có thể có ảnh hưởng trong những môi trường khu vực theo nghĩa hẹp hơn (như Algeria ở Bắc Phi, Ai Cập ở Cận Đông, Indonesia ở Đông Nam Á). Nói đến “thế giới Hồi giáo” là nói đến một cộng đồng chia sẻ các giá trị văn hóa lịch sử chung trên toàn cầu (ký ức về một thời kỳ hoàng kim gắn với các đế chế Hồi giáo vĩ đại trong quá khứ) và cùng bị tác động bởi một tình hình địa chính trị, chính trị và an ninh nào đó liên quan đến lịch sử gần đây (hiểm họa thánh chiến đặc biệt mạnh mẽ, sự yếu kém của các nhà nước ra đời từ quá trình phi thực dân hóa, ảnh hưởng nặng nề của các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là các cường quốc phương Tây). Thật vậy, chúng ta không thể hiểu được khái niệm “thế giới Hồi giáo” nếu như chúng ta mắc phải sai lầm phổ biến, ở phương Tây, là nhấn mạnh vào thần học.

Thổ Nhĩ Kỳ, một lực lượng “tân Ottoman”?

Ngay từ những năm 1990, Chase, Hill và Kennedy đã nhận thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ tầm vóc của một quốc gia trụ cột. Những phân tích của họ nêu bật điều hiển nhiên: vị trí địa lý hoàn hảo của đất nước này, một ngã tư giữa châu Âu, Á-Âu, Trung Đông, thế giới Địa Trung Hải, các mối quan hệ đặc biệt với thế giới Hồi giáo và cộng đồng nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, bởi vị thế, nhưng trên hết, bởi lịch sử của mình, Ankara có khả năng tỏa sáng trên toàn thế giới Hồi giáo.

Một số người nói đến các khuynh hướng “tân Ottoman”. Nhưng trên thực tế, đó là sự trở về với cội nguồn của đất nước, hơn là một ý thức hệ bành trướng mới. Chúng ta có xu hướng quên rằng các cư dân Thổ Nhĩ Kỳ, một phần cũng là hậu duệ của những cư dân Hồi giáo trước đây của phần còn lại của thế giới Ottoman, những người buộc phải tị nạn ở Anatolia. Đối với nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, những gì người Bosnia hay người Kosovo trải qua sau khi Nam Tư tan rã chỉ là sự tiếp nối của sự sụp đổ Đế chế Ottoman. Điều này cho thấy một tình cảm gần như yêu nước, nhưng không giới hạn ở các biên giới hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ, nuôi dưỡng một tâm lý hoài niệm thúc đẩy mong muốn gây ảnh hưởng đến các lãnh thổ Ottoman trước đây. Cái được gọi là “chủ nghĩa tân Ottoman” có thể được coi là mang tính phòng thủ. Trước hết, đó là việc bảo vệ sự ổn định và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh môi trường khu vực bất ổn, đặc biệt là ngăn chặn sự xuất hiện các hậu cứ của các phần tử ly khai Kurd vốn từ chối sự tồn tại của Thổ Nhĩ Kỳ như hiện nay. Mục đích cũng là không để các quốc gia khác (Iran, Nga, Mỹ) áp đặt trong môi trường khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ những lựa chọn ảnh hưởng tới những lợi ích quốc gia của họ. Nhưng ngoài sự phòng thủ đơn thuần của Thổ Nhĩ Kỳ, người ta nhanh chóng nhận ra một tham vọng được nuôi dưỡng bởi lịch sử và địa lý. Theo Ahmet Davutoglu, cựu Ngoại trưởng và là Thủ tướng của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có một chiều sâu chiến lược mà nước này có thể khai thác, để thoát khỏi tình trạng chỉ là một căn cứ tiền phương của NATO.

Tầm nhìn về thế giới này, chắc chắn được lý tưởng hóa, nhưng cũng phù hợp với thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, và mong muốn của Mỹ xoay trục sang châu Á. Nó cũng lý giải tầm quan trọng của ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông (hỗ trợ phong trào nổi dậy Mùa Xuân Arab), cũng như ở Caucasus (ủng hộ Azerbaijan, một quốc gia nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và là quốc gia Hồi giáo dòng Shiite), ở Trung Á (bằng chứng là “chủ nghĩa tân Ottoman” chỉ là một trong số nhiều công cụ để thực hiện mong muốn khuếch trương sức mạnh), ở Balkans (hỗ trợ tích cực cho việc công nhận một nước Kosovo độc lập) và đến tận Nam Á.

Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy rằng Trung Quốc coi Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia cần thiết trong chính sách ngoại giao đối với thế giới Hồi giáo, dù là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ hay sự phát triển của dự án những Con đường tơ lụa mới.

Tóm lại, chúng ta đang thực sự đối mặt với một quốc gia trụ cột quan trọng. Và nếu nhà nước này gặp khó khăn, điều đó đồng nghĩa với rất nhiều rắc rối bên ngoài biên giới của họ. Nếu một ngày nào đó nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu đến mức dẫn đến sự chia rẽ sắc tộc, thì vấn đề người Kurd sẽ trở nên nhức nhối hơn nhiều ở Syria, Iraq và Iran; nói rộng hơn, đó sẽ là nguồn kích động cho tất cả những người ly khai trong thế giới Hồi giáo, và đặc biệt ở các nước láng giềng, ở Trung Đông, Nam Á và Trung Á. Khi gặp khó khăn về kinh tế hoặc ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa ra những lựa chọn cực đoan có thể làm rung chuyển sâu sắc địa chính trị của thế giới Hồi giáo: do đó, tùy thuộc vào việc Thổ Nhĩ Kỳ có từ bỏ những mối quan hệ ưu tiên với Mỹ hay không, điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, và từ đó với Azerbaijan và Trung Á. Một lập trường chống phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể gây được tiếng vang nào đó, ít ra ở các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và ở Nam Á theo đạo Hồi. Cuối cùng, một Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu hơn sẽ không thể chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp và các hoạt động buôn bán ma túy, đặc biệt từ Afghanistan, tạo thêm những xung đột giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời củng cố logic nguy hiểm về “cuộc đụng độ giữa các nền văn minh” được ủng hộ bởi những người theo chủ nghĩa dân túy và cực hữu ở châu Âu.

(còn tiếp)

Nguồn: www.aerion24.news

TLTKĐB – 01/08/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s