Iran, gã khổng lồ chân đất sét?
Iran không phải là một trong những quốc gia trụ cột nổi bật trong những năm 1990. Có lẽ vì vào thời điểm đó, vẫn còn được đánh dấu bằng cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980 – 1988), khả năng ảnh hưởng của Iran dường như hạn chế. Nước Cộng hòa Hồi giáo này chỉ được xem là một quốc gia Trung Đông. Tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine và ảnh hưởng của Mỹ dường như làm giảm khả năng ảnh hưởng của Iran trong một thời gian dài.
Nhưng cách tiếp cận này bị mắt kẹt trong một tầm nhìn hạn hẹp về Iran. Bị ám ảnh cú sốc của cuộc Cách mạng năm 1979, người phương Tây có xu hướng quên rằng đằng sau nước Cộng hòa Hồi giáo này luôn có một “đế quốc” Iran, từng có ảnh hưởng ở khu vực này của thế giới. Xét về vị trí địa lý, trên thực tế Iran là một quốc gia trụ cột giữa nhiều khu vực khác nhau, nhất là sau một “cuộc chiến chống khủng bố” đã giúp họ loại bỏ được các kẻ thù ở biên giới của họ (Taliban thế hệ đầu tiên và Saddam Hussein). Dĩ nhiên, người ta nghĩ đến Trung Đông, nơi Iran đã sử dụng cuộc chiến tranh phi đối xứng và việc hỗ trợ cho các tổ chức phi nhà nước để khẳng định ảnh hưởng của họ, dù các phương tiện tài chính còn hạn chế. Nhưng Iran cũng là một nhân tố quan trọng ở Nam Á: chắc chắn họ là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở Afghanistan, cùng với Pakistan, và các lựa chọn ngoại giao của Iran, giữa Pakistan và Ấn Độ, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự cạnh tranh giữa hai quốc gia này. Cuối cùng, Iran cũng là một nhân tố quan trọng trong khu vực Âu-Á. Trong cuộc chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia từ năm 1992 đến 1994, Iran dành cho Armenia sự ủng hộ ngoại giao rất lớn. Tương tự, Iran là một nước có ảnh hưởng quan trọng trong tiến trình hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến ở Tajikistan năm 1997. Do vậy, Iran có ảnh hưởng rõ ràng đến ba khu vực chứ không chỉ một.
Nhưng rủi ro đối với quốc gia trụ cột này là nguy cơ mất ổn định đáng kể. Iran là nước duy nhất trong số ba nước nói trên ra mặt chống đối Mỹ. Thực vậy, kể từ cuộc cách mạng năm 1979, sự đối đầu của Mỹ và Cộng hòa Hồi giáo vẫn mạnh mẽ. Làm dịu mối quan hệ song phương này chưa bao giờ là điều thực sự có thể thực hiện được, bởi vì điều đó cần có những chính quyền cởi mở với đối thoại ở cả 2 nước cùng một lúc.
Hơn nữa, giống như các nước láng giềng Trung Đông và Nam Á, Iran cũng gặp rắc rối bởi những rẽ sắc tộc (giữa những người Ba Tư và không phải Ba Tư) và tôn giáo (đặc biệt với thiểu số Hồi giáo dòng Sunni). Nên nhớ rằng Tarek Aziz, cánh tay phải trước đây của Saddam Hussein, từng khẳng định: “Có 5 nước Iran nhỏ tốt hơn là một nước Iran lớn”. Các nhóm thiểu số không phải là người Ba Tư chiếm ít nhất 1/3 dân số Iran và họ đang bị kích động bởi chủ nghĩa ly khai không ngừng trong lịch sử và sự hoài nghi đối với chính quyền trung ương. Chẳng hạn Khuzestan, tỉnh có chung biên giới với Iraq, nơi người Arab trước đây có các quan hệ bộ lạc chặt chẽ với người Arab ở nước láng giềng. Ngay từ năm 1922, một phong trào ly khai đã tìm cách giành độc lập, và cho đến nay vẫn còn hoạt động cùng với một phong trào thánh chiến xuyên quốc gia có chung mối hận thù Iran. Cuộc nổi dậy vũ trang chống chính quyền trung ương không thu hút được sự quan tâm của đa số người Iran không phải Ba Tư và/hay người Hồi giáo dòng Sunni, tuy nhiên các vùng lãnh thổ mà những nhóm dân cư này sinh sống lại sôi sục bởi các nhu cầu chính trị, ngôn ngữ và kinh tế không được đáp ứng, mà phần lớn do tình hình kinh tế thảm hại dưới tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và nhiều nguyên nhân khác. Nạn tham nhũng nghiêm trọng (Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Iran thứ 149/180 về tham nhũng kinh tế và hành chính) và tình trạng biến đổi khí hậu (theo một báo cáo năm 2015 của Iran, hạn hán đã biến 2/3 đất nước Iran thành sa mạc) càng làm tăng thêm nguy cơ bất ổn cho đất nước. Chế độ Iran đã nhiều lần bác bỏ những dự đoán của nước ngoài về sự sụp đổ của họ. Nhưng sự kết hợp của những căng thẳng chính trị và kinh tế nội bộ, liên quan đến vấn đề khí hậu, tác động của đại dịch COVID-19, và trên hết là sức ép từ bên ngoài, có thể gây mất ổn định thực sự và gây bất ổn cho quốc gia trụ cột này.
Tuy nhiên, không phải “5 nước Iran nhỏ”, mà chính sự hỗn loạn sẽ thay thế nhà nước Iran hiện tại. Và sự hỗn loạn cục bộ sẽ nhanh chóng tạo nên sự hỗn loạn toàn khu vực: Xung quanh Iran là các quốc gia suy yếu bởi những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo. Đặc biệt, Iraq và Afghanistan sẽ bị tác động rất nặng nề. Và châu Âu sẽ phải đối mặt với một khu vực bất ổn rộng lớn do xung đột tôn giáo và sắc tộc, từ Biển Địa Trung Hải đến biên giới Afghanistan-Pakistan. Cộng hòa Hồi giáo Iran có thể là nguồn gây lo ngại cho một số nước láng giềng, nhưng Iran đấu tranh chống chủ nghĩa thánh chiến xuyên quốc gia, buôn bán ma túy và việc đàm phán với Iran là có thể. Do vậy, việc gây mất ổn định cho quốc gia trụ cột này có thể bị các thế lực bên ngoài phản đối, bất chấp mong muốn của một số nhân vật ở Washington, Jerusalem và Riyadh. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Diplomatie (Pháp), người ta đã đề cập đến việc cần xem xét nghiêm túc khả năng mối quan hệ Trung Quốc-Iran được tăng cường khi Iran trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Dường như sự dè dặt đã được dỡ bỏ ở phía Bắc Kinh: quá trình hội nhập (sẽ mất 2 năm) đã được khởi động, bằng chứng cho thấy Bắc Kinh muốn đảm nhận một sự bảo trợ nào đó đối với quốc gia trụ cột quý giá này, mà sự ổn định rất quan trọng đối với các dự án của Trung Quốc ở “Đại Trung Đông”.
(còn tiếp)
Nguồn: www.aerion24.news
TLTKĐB – 01/08/2022