Tạp chí Eurasia Review, trụ sở tại châu Âu, vừa đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu chính trị kỳ cựu Ấn Độ Rajaram Panda, cho rằng năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Ấn Độ khi đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bài viết cho biết, trong chặng đường dài 5 thập kỷ qua, quan hệ hai nước Việt Nam – Ấn Độ phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ, đến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và đối ngoại nhân dân. Các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao nhất giữa hai bên đã tạo động lực cho việc chia sẻ lợi ích và mối quan tâm chung. Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 15/04/2022 để trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu là nội dung mới nhất. Trong giai đoạn hậu COVID-19, cần phải hợp tác sâu rộng hơn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Việt Nam và ngày, giờ cụ thể sẽ được ấn định để thuận tiện cho cả hai bên.
Trong chuyến thăm đến Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Modi hồi năm 2016, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ đã được thiết lập. Bên cạnh sự hợp tác sâu rộng, cả Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều ca ngợi nhau về hành trình ngoại giao hơn nửa thế kỷ của hai nước. Nhắc lại những điểm hội tụ của các lợi ích chiến lược, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách “Hành động hướng Đông” và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ, và do đó, Ấn Độ đang tìm cách nâng cao phạm vi của mối quan hệ song phương. Cả hai đều quyết tâm đạt được tiến bộ nhanh chóng hơn nữa đối với các sáng kiến hiện có và khám phá những con đường mới có lợi cho cả hai bên.
Ấn Độ quyết định không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do mối quan tâm của New Delhi không được giải quyết. Thủ tướng Modi đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp cận thị trường của dược phẩm Ấn Độ. Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ không cùng hệ tư tưởng chính trị, nhưng lợi ích về kinh tế và chiến lược có nhiều hội tụ. Sự hội tụ chiến lược được hỗ trợ bởi các liên kết lịch sử và văn minh. Các di tích Chăm là minh chứng cho thấy truyền thống văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng như thế nào trong thời kỳ cổ đại và Ấn Độ có đóng góp to lớn cho việc trùng tu các di tích ở Việt Nam.
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều có chung lợi ích ở Biển Đông. Các hoạt động quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo nhanh chóng của Trung Quốc là vấn đề được nhiều bên liên quan trong khu vực quan tâm khi hàng hóa có giá trị hàng nghìn tỷ USD được vận chuyển ngang qua tuyến hàng hải quan trọng này. Điều đáng lo ngại là nếu một quyền lực duy nhất nắm quyền kiểm soát, một cách phi lý và bất hợp pháp, khu vực biển quan trọng này thì họ có thể áp đặt các quy tắc thương mại riêng. Cách tiếp cận liên tục và quyết đoán của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp nhiều hơn của các cường quốc khu vực khác để trạng thái cân bằng hiện có không bị xáo trộn và nghiêng về phía Trung Quốc.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với hơn 90% diện tích khu vực Biển Đông, một khu vực cung cấp nguồn khí hydro khổng lồ, buộc một số quốc gia thành viên ASEAN lên tiếng phản đối. Thủ tướng Modi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm. Chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là muốn tìm hiểu rõ quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời hy vọng Trung Quốc không vượt qua ranh giới đỏ và không làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực một cách không cần thiết.
Định hướng hành động
Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã ra mắt logo chung bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Ấn Độ tại New Delhi từ ngày 16 – 17/06/2022. Biểu tượng về tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ, do hai bên cùng lựa chọn thông qua một cuộc thi dành cho công dân hai nước, được thể hiện qua hình ảnh chim công và chim hạc. Hai nước cũng chia sẻ về mối quan hệ song phương gần gũi và thân tình truyền thống. Ấn Độ từng là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và kiểm soát quốc tế (ICSC), thành lập theo Hiệp định Genève năm 1954, nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Việt Nam.
Ấn Độ nhận thức rõ Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khối ASEAN, nhưng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông càng trở nên quan trọng vì Ấn Độ có các dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông và do đó, lợi ích chung của Việt Nam và Ấn Độ là thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải để bảo vệ lợi ích chung. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong Chính sách “Hành động hướng Đông” và “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trong một thời gian, cả hai nước đã mở rộng các cam kết quốc phòng song phương, bao gồm các cuộc tiếp xúc trên phạm vi rộng giữa hai nước, thông qua các cuộc đối thoại chính sách quốc phòng, trao đổi quân sự, các chuyến thăm cấp cao, các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực hợp tác trong gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các cuộc tập trận song phương. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ được nâng lên thành “Đối tác chiến lược” trong chuyến thăm Ấn Độ của nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 7/2007 và được nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi hồi năm 2016.
Trong lĩnh vực kinh tế, cả Việt Nam và Ấn Độ đều tăng trưởng ổn định. Giá trị thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đã tăng từ mức 200 triệu USD trong năm 2000 lên 14,14 tỷ USD trong năm 2021 – 2022. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD và nhập khẩu của Ấn Độ từ Việt Nam đạt 7,44 tỷ USD. Trong giai đoạn 2021 – 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Ấn Độ và lớn thứ 4 trong số các nước ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Cách đây hơn 4 thập kỷ, cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng từng nhận xét rằng, mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ là “trong như bầu trời không một gợn mây” và bằng chứng là quan hệ giữa hai nước luôn được duy trì và gắn bó.
Việc Việt Nam liên tục nhắc lại vai trò của Việt Nam trong Chính sách “Hành động hướng Đông” và “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã chứng tỏ rằng quan hệ song phương Việt Nam – Ấn Độ vẫn đang được củng cố trong tất cả các lĩnh vực và không có giới hạn, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng và du lịch.
Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Ấn Độ và Ấn Độ cũng là 1 trong 3 đối tác hàng đầu của Việt Nam, với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện cùng với Nga và Trung Quốc. Việt Nam đánh giá tích cực “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Ấn Độ, đồng thời khẳng định tính trung tâm và thống nhất của ASEAN là một yếu tố quan trọng của tầm nhìn. Ấn Độ cũng cho rằng Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong khu vực đối với tầm nhìn, đặc biệt là liên quan vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh sự hiểu biết chính trị, hợp tác kinh tế và thương mại cũng không kém phần quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam – Ấn Độ. Ấn Độ là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với các quốc gia Nam Á và Ấn Độ còn muốn tăng giá trị thương mại song phương từ mức 13,2 tỷ USD trước đó lên 15 tỷ USD. Điều này có thể làm được vì Việt Nam đã chuyên môn hóa nhiều lĩnh vực kinh tế, từ đó mở ra môi trường rộng lớn cho việc mở rộng quan hệ kinh tế trong tương lai. Việt Nam có những bước tiến dài trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Ngành công nghiệp điện tử cũng đang hoạt động hiệu quả, với khoảng 70% số điện thoại di động ở Ấn Độ được sản xuất tại Việt Nam.
Các tiềm năng hợp tác
Hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam-Ấn Độ được cho là có rất nhiều dư địa, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Hai nước cần tăng cường trao đổi sinh viên và lượng bài giảng của các học giả ở các trường đại học của nhau, tăng số lượng hội nghị và thảo luận về các vấn đề quan trọng, đưa ra các khuyến nghị hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách. Kết nối giữa các trường đại học và thể chế hóa các chương trình trao đổi sinh viên có thể là bước đầu tiên. Tổ chức các bài giảng và hội thảo/hội nghị, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu là những lĩnh vực cũng cần được ưu tiên.
Việt Nam có tiềm năng kinh tế và ngành dịch vụ/khách sạn đang bùng nổ, thu hút khoảng 30 triệu du khách nước ngoài mỗi năm, cao hơn lượng khách đến Ấn Độ. Hồi tháng 7/2022, Bộ Công thương Việt Nam tổ chức một chương trình xúc tiến thương mại tại New Delhi và hơn 150 doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đã tham dự. Chương trình nhằm tạo cơ hội cho lãnh đạo các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, hợp tác trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, nội thất gia đình và nông sản. Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các nhà nhập khẩu Ấn Độ thuộc Phòng Thương mại-công nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể là chất xúc tác.
Tuyến vận tải biển nối miền Trung Việt Nam và Ấn Độ được khánh thành ngày 27/7. Sáng kiến mới này có thể là công cụ giúp hai nước hiện thực hóa mục tiêu 15 tỷ USD giá trị thương mại song phương, đánh dấu một cột mốc mới trong kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ. Hiện nút thắt giữa Việt Nam và Ấn Độ là kết nối giao thông, đặc biệt là việc thiếu tuyến vận tải biển trực tiếp giũa hai nước, cản trở việc phát huy tiềm năng giữa hai bên. Việc khai trương tuyến vận tải biển mới nối miền Trung Việt Nam và Kolkata, do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) khai thác, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ. Giá cước vận tải biển tăng trong những năm qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải của thế giới. Để giải quyết những khó khăn này, VIMC đang tham gia nghiên cứu thị trường và mở rộng các tuyến đường biển mới kết nối Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ.
Có một số lĩnh vực mà cả hai bên có thể làm việc cùng nhau để đưa hai quốc gia xích lại gần nhau hơn, như ở Việt Nam có một số địa điểm đẹp, thích hợp để quay phim. Bên cạnh việc nghiên cứu hợp tác sản xuất các dự án phim, cần thành lập một trung tâm hỗ trợ một cửa để thực hiện điều này. Phim là một phương tiện truyền tải thông điệp mạnh mẽ, góp phần phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc và còn gửi gắm những thông điệp xã hội khác, bên cạnh tính giải trí.
Nguồn: TKNB – 07/11/2022