Tại Hội nghị COP 26 diễn ra tại Glasgow năm 2021, các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp và EU đã ký với Nam Phi thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) bền vững trị giá 8,5 tỷ USD để Nam Phi chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch. Nhưng theo ghi nhận của tờ Financial Times ngày 02/11/22, sau một năm trôi qua, tới thời hạn tổ chức COP 27 tại Ai Cập, các cuộc đàm phán về JETP đã trở nên căng thẳng.
Anh Dumisani Mahlangu ngồi trong cabin của một chiếc máy xúc, đào những gầu than từ một mỏ lộ thiên bên ngoài thành phố Johannesburg của Nam Phi. “Than đá đã tạo nên con người của tôi”, anh Mahlangu nói về công việc được trả lương cao của mình ở một đất nước mà cứ ba người thì có một người thiếu việc làm. “Tôi muốn trở thành một bác sĩ, nhưng Chúa đã đặt tôi vào hầm mỏ”.
Nam Phi là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào than trên thế giới. Than chiếm khoảng 85% sản lượng điện, khiến đất nước 60 triệu dân trở thành quốc gia thải ra lượng carbon lớn thứ 13 thế giới, lớn hơn cả nước Anh.
Điều này khiến Nam Phi, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 7000 USD, là một trong những quốc gia kém hiệu quả nhất trong việc biến nhiên liệu hóa thạch thành sản lượng kinh tế. Nhưng điều này cũng có nghĩa là sẽ có những chiến thắng nhanh chóng nếu nguồn tài chính có thể được tìm thấy để giúp Nam Phi – và các quốc gia khác như thế – chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng sạch.
Ông André De Ruyter, giám đốc điều hành của Eskom, Tập đoàn điện lực quốc gia Nam Phi, cho biết: “Giảm thiểu một tấn carbon ở Nam Phi bằng một phần mười chi phí giảm thiểu một tấn carbon ở châu Âu. Vì vậy, đề xuất giá trị cho người đóng thuế Đức hoặc các quốc gia giàu có khác là, do carbon là một hiện tượng toàn cầu, hãy cung cấp tiền cho chúng tôi, một quốc gia nơi bạn nhận được nhiều tấn khử carbon trên mỗi euro hơn bất kỳ nơi nào khác”.
Đề xuất đó đã được đưa ra một năm trước tại Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc COP 26 ở Glasgow khi một nhóm các nước giàu – Anh, Đức, Pháp và Mỹ – cũng như EU đã cùng nhau cam kết 8,5 tỷ USD thông JETP, để giúp Nam Phi chuyển từ than đá sang năng lượng xanh.
JETP được trình bày như một mô hình hợp tác Bắc-Nam và là khuôn mẫu cho quan hệ đối tác trong tương lai với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào than như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ.
Một năm trôi qua, với COP 27 đã khai mạc tại Ai Cập vào ngày 6/11, mô hình của quan hệ đối tác Nam Phi đang hình thành. Nhưng các điều khoản của khoản tài trợ 8,5 tỷ USD đã được hủy bỏ. Trong khi đó, Nam Phi đưa ra kế hoạch chuyển đổi năng lượng trong 5 năm trị giá 95 tỷ USD, trong đó 8,5 tỷ USD sẽ đóng vai trò xúc tác bằng cách thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.
Ông Daniel Mminele, cựu giám đốc ngân hàng Absa, người được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyển dụng để điều hành nhóm đặc trách tài chính khí hậu của Tổng thống, cho biết: “Đây là 5 năm đầu tiên trong hành trình nhiều thập kỷ. Ngoài việc thay thế dần than bằng năng lượng tái tạo, kế hoạch này cũng dự kiến sản xuất hydro và xe điện xanh”.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Nam Phi và các bên cho vay phương Tây đã trở nên căng thẳng. Quốc hội Nam Phi đang cảnh giác với việc làm tổn hại đến ngành công nghiệp than, một trong số ít ngành công nghiệp than ở đất nước do đa số người da đen làm chủ.
Ông Rudi Dicks, một cựu lãnh đạo công đoàn hiện đang cố vấn cho Tổng thống Ramaphosa, nói: “Chúng ta phải làm điều này một cách đúng đắn”.
Nam Phi cũng muốn tỷ lệ viện trợ không hoàn lại cao hơn, cảnh giác rằng các khoản vay sẽ chỉ làm tăng thêm nợ của nước này.
Pravin Gordhan, Bộ trưởng phụ trách các doanh nghiệp công của Nam Phi cho biết: “Một số quốc gia phải được ca ngợi vì sự sẵn sàng đặt tiền lên bàn cân, nhưng rất tiếc những quốc gia khác vẫn đang trong giai đoạn tuyên truyền”.
Pretoria cũng phàn nàn rằng, châu Âu đang làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng giống như họ đang thúc ép Nam Phi tăng tốc độ của riêng mình. “Châu Âu, vốn là nhân tố chính cảu ranh giới khó khăn nhất về khí thải, hiện đang gặp khó khăn”. Gordhan cho biết, châu Âu vẫn đang duy trì các nhà máy nhiệt điện than của mình và hoạt động và nhập khẩu than, kể cả từ Nam Phi.
Về cơ sở hạ tầng
Tuy nhiên, logic để Nam Phi chuyển sang năng lượng tái tạo là rất tốt. Các nhà máy nhiệt điện than đã mục nát, có tuổi đời trung bình là 42 năm, đang phải ngừng hoạt động. Hệ thống điện, với nhu cầu cao điểm là 38 gigawatt, đang hoạt động ở mức 58% công suất – không đủ để tiếp tục thắp sáng.
Việc cắt điện kéo dài tới 5 giờ một ngày, đang làm tê liệt ngành công nghiệp và khiến cuộc sống không thể chịu đựng nổi. Đèn giao thông ngừng hoạt động, làm ùn tắc các con đường. Lò mổ mất điện. Khi mất điện, bọn tội phạm ăn cắp cáp điện và phá hoại hệ thống nhiều hơn.
Giải pháp rõ ràng là bổ sung năng lượng tái tạo giá rẻ càng nhanh càng tốt. Với trung bình 2500 giờ nắng mỗi năm, Nam Phi nằm trong top 3 thế giới về tiềm năng năng lượng mặt trời. Người ta ước tính có đủ gió để tạo ra 6700 GW điện, gấp khoảng 175 lần nhu cầu hiện tại.
Nam Phi có nhiều kinh nghiệm đau thương từ sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt. Vào tháng 4, chỉ trong một ngày, khi lượng mưa 200 mm đổ xuống Durban, một thành phố ven biển, đã có hơn 250 người chết và các nhà máy ô tô ngập trong bùn và nước.
Nam Phi là một trong 17 quốc gia có diện tích rộng lớn, có nghĩa là biến đổi khí hậu ảnh hưởng khác nhau đến hệ sinh thái của nước này. Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Barbara Creecy cho biết: “Phía Bắc KwaZulu Natal sẽ có lốc xoáy. Western Cape sẽ trở nên khô hạn hơn, điều này rất nghiêm trọng vì nó là lòng chảo của đất nước. Và phần còn lại của đất nước sẽ ẩm ướt và quá nóng, bạn sẽ không thể trồng ngô được nữa. Vậy bạn định đảm bảo lương thực cho người dân bằng cách nào?”
(còn tiếp)
Nguồn: TLTKĐB – 21/11/2022