Ngoài ra, Nam Phi có thể sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bổ sung. Châu Âu sẽ bắt đầu đánh thuế cái gọi là thuế carbon biên giới từ năm 2035, khi đó gần một nửa lượng khoáng sản và sản phẩm xuất khẩu của Nam Phi sẽ gặp rủi ro.
Với những nguy cơ này, năm ngoái, Nam Phi đã trình bày với Liên hợp quốc mục tiêu cải thiện về phát thải, cam kết cắt giảm tổng lượng khí nhà kính từ 550 triệu tấn xuống còn 420 triệu tấn đến 350 triệu tấn vào năm 2030. Phần trên của phạm vi đó tương thích với việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đến 2oC, phần dưới cũng gần như phù hợp với 1,5oC. Bộ trưởng Môi trường Creecy nói: Để đạt được mức thấp nhất của phạm vi, chúng tôi cần sự giúp đỡ của cả thế giới”.
Phản hồi quốc tế là đề xuất JETP với trị giá 8,5 tỷ USD. Bà Mafalda Duarte, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Khí hậu, một quỹ đa phương có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Chúng tôi tin rằng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình ngừng hoạt động của than. Vào tháng 10, Quỹ CIF đã đồng ý khoản vay 500 triệu USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Nam Phi, cũng như 500 triệu USD cho Indonesia”.
Tuy nhiên, kể từ khi thỏa thuận với Nam Phi được công bố, đôi khi, mỗi bên đều tuyên bố một cách riên ttư rằng bên kia đang hành động thiếu thiện chí.
Crispian Olver, giám đốc điều hành Ủy ban khí hậu thuộc Văn phòng Tổng thống Nam Phi nói: “Đây là 1 khoản rất nhỏ, khi đề cập đến thực tế rằng phần lớn 8,5 tỷ USD là tài chính ưu đãi và bảo lãnh cho vay, không phải viện trợ không hoàn lại”. Ông nói: “8,5 tỷ USD, ngay cả khi tất cả là khoản trợ cấp, sẽ không giải quyết được khoản nợ này”, ông cho rằng phía bắc toàn cầu, vốn xây dựng sự giàu có bằng nhiên liệu hóa thạch, phải trả giá cho quá trình chuyển đổi ở phía nam toàn cầu.
Nam Phi đã tỏ ra không hài lòng rằng tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Chủ tịch nhóm JETP, ban đầu đã tuyên bố rằng ông sẽ không tham dự Hội nghị COP năm nay ở Sharm el-Sheikh, trước khi thay đổi quyết định vào trưa 2/11.
Các nhà cho vay phương Tây cho biết, ngay từ đầu đã nói rõ rằng tiền tài trợ sẽ bị hạn chế. Bà Duarte nói rằng, do thời gian ân hạn dài và lãi suất rất thấp, nên có đến một nửa các khoản vay CIF thực sự là một khoản tài trợ. Bà nói: “Điều này tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc Nam Phi đi vay trên thị trường”.
Tuy nhiên, sự nghi ngờ vẫn còn, “Châu Âu đang vận hành hết công suất gas”, ông Tiro Tamenti, Tổng giám đốc của New Vaal Colliery, một mỏ lộ thiên khổng lồ, giống như hầu hết ngành công nghiệp than của Nam Phi, phần lớn là người da đen sở hữu, cho biết, “đang đưa ra những viên thuốc mà bạn không muốn nuốt phải không?”
Ở Nam Phi, các công nhân khai thác mỏ, lái xe tải, các công ty than và các tổ chức giống như mafia đã thâm nhập vào các bộ phận của ngành công nghiệp, phản đối sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo.
Ông Gwede Mantashe, Bộ trưởng Năng lượng và là một cựu công nhân khai thác than, đã tự mô tả mình là một “người theo chủ nghĩa sử dụng than”, mặc dù ông thừa nhận nhu cầu chuyển đổi của Nam Phi.
Ngay cả những người ủng hộ việc áp dụng năng lượng tái tạo nhanh hơn, bao gồm cả Bộ trưởng Gordhan, khẳng định quá trình phải được xử lý cẩn thận. Ông nói: “Đây là một quá trình chuyển đổi “vừa phải”, nơi vừa có nghĩa là người lao động, vừa có nghĩa là cộng đồng, vừa có nghĩa là thợ mỏ”.
Các tổ chức cho vay quốc tế ủng hộ khái niệm “công bằng”. Tuy nhiên, một số người đặt câu hỏi về khả năng của Pretoria trong việc tiếp nhận các lợi ích được giao trong ngành than và đưa ra một kế hoạch nhạy cảm về mặt chính trị cho Quốc hội Nam Phi, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với các công đoàn khai thác. Một quan chức phương Tây tham gia đàm phán tài chính cho biết: “Đối với Nam Phi, đó luôn là một vấn đề chính trị”.
Công việc rủi ro
Mpumalanga được coi là tỉnh than đá, nằm ở phía Đông Nam Phi với nhiều mỏ than và nhiều nhà máy nhiệt điện than, có khói mù mịt hơn phần còn lại của Nam Phi cộng lại. Tỉnh Mpumalanga nghèo hơn và có mức độ thất nghiệp cao hơn, thậm chí so với mức trung bình của cả nước là 34%, dựa vào than để tạo ra 100.000 việc làm trực tiếp, cộng với hàng nghìn việc làm khác trong các ngành công nghiệp phụ trợ.
Komati, một trong những nhà máy điện lâu đời nhất của tỉnh Mpumalanga đã được đưa vào hoạt động vào năm 1961, vào thời kỳ đỉnh cao cách đây một thập kỷ, nó đã tạo ra gần 1GW điện. Kể từ đó, 9 tổ máy của nhà máy đã dần ngừng hoạt động, và gần đây chỉ có một tổ máy còn hoạt động phát điện, nhưng ổn định. Vào ngày 01/11, đúng 12 giờ 41, tổ máy cuối cùng này cũng đã ngừng hoạt động.
Khi thời gian đếm ngược đến thời điểm ngừng hoạt động đã đến gần, Komati đang bận rộn với các chuyến thăm từ các nhân vật quan trọng và các chuyên gia tư vấn để cố gắng tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. “Người duy nhất chưa đến thăm là Nữ hoàng”, Jurie Pieters, quyền tổng giám đốc của Komati, người đã giám sát việc đóng cửa vào ngày 01/11 với cảm xúc lẫn lộn.
Mandy Rambharos, người quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng đơn thuần của Eskom, nói: “Chúng tôi lẽ ra có thể khóa cửa nhà máy và bước đi”. Nhưng thay vào đó, cô ấy nói, Komati đang được sử dụng để chứng minh cách các nhà máy điện cũ có thể được tái sử dụng và quá trình chuyển đổi công bằng được thực hiện. Đến năm 2035, Eskom có kế hoạch đóng cửa 9 nhà máy điện, hầu hết là ở Mpumalanga, chấm dứt nguồn điện 15GW và khiến 55.000 việc làm gặp rủi ro.
Trong số những du khách đến thăm Komati có Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, người sẽ đến trong tuần này, với một tấm séc trị giá 497 triệu USD để giúp tái sử dụng nhà máy. Eskom có kế hoạch lắp đặt 150 MW điện mặt trời, với một số tấm pin được đặt trực tiếp trên đống nền nhà máy cũ, cũng như 150 MW dự trữ pin và 70 MW điện gió. Eskom muốn trồng cây dưới một số tấm pin mặt trời theo một kỹ thuật được gọi là nông điện (công nghệ điện mặt trời trong nông nghiệp), mặc dù kế hoạch này đã bị đình trê bởi các quy tắc địa phương rườm rà. Cho đến nay, tất cả 193 nhân viên đã được Eskom bố trí các công việc thay thế.
Các kế hoạch cũng đang được thực hiện để mở một nhà máy tại địa điểm này để sản xuất lưới điên siêu nhỏ, các đơn vị năng lượng mặt trời di động được xây dựng trên các container vận chuyển cũ. Ý tưởng là sử dụng 500 công nhân toàn thời gian để sản xuất 900 đơn vị mỗi năm. Nick Singh, người đứng đầu dự án cho biết: “Khi chúng tôi ngừng hoạt động các trạm phát điện này, chúng tôi sẽ tạo ra dòng máu mới”.
(còn tiếp)
Nguồn: TLTKĐB – 21/11/2022